Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở Ninh Hạ

[MINH HUỆ 26-10-2014] Về mọi mặt, Nhà tù Ngân Xuyên dường như rất tốt: đường xá sạch sẽ, các phòng sạch đẹp, với giường chiếu và đồ đạc cá nhân của các tù nhân được sắp xếp gọn gàng. Toàn bộ cơ sở vật chất không tì vết và luôn luôn sẵn sàng đón tiếp thanh tra chính phủ.

Tuy nhiên, dưới cái vẻ bề ngoài hào nhoáng ấy, ẩn chứa sự tàn bạo diễn ra khắp mọi nơi trong hệ thống nhà tù ở Trung Quốc: những tên tội phạm dữ tợn nhất, bao gồm những kẻ giết người, hiếp dâm, được treo giải thưởng để xâm phạm thể chất lẫn tình dục một nhóm các tù nhân lương tâm – các học viên Pháp Luân Công, những người chỉ có “tội” là đang phơi bày bức hại của chính quyền cộng sản đối với pháp môn tu luyện tự thân ôn hòa này.

Mặc dù nhà tù cố gắng khiến những tên tội phạm nguy hiểm nhất ngược đãi các học viên, nó cũng không thể làm thay đổi được những tiêu chuẩn đạo đức của nhóm người này. Mã Trần Chí Vũ, một người đàn ông 42 tuổi bị giam ở đó trong ba năm rưỡi, tiêu biểu cho lòng tin vững chắc của các học viên vào Pháp Luân Công.

Trước khi bị bắt lần cuối vào tháng 09 năm 2010 và bị đưa đến Nhà tù Ngân Xuyên, ông Mã đã bị tra tấn tám năm trong tù vì lòng tin vào Pháp Luân Công từ cuối năm 1999 đến giữa năm 2008, trong thời gian đó vợ ông đã một mình sinh và nuôi dạy con gái của họ.

Để làm suy giảm ý chí của ông Mã, các lính canh tại Nhà tù Ngân Xuyên đã thử mọi cách mà họ nghĩ là có thể khiến ông bị khuất phục:

“Hai tháng sau khi tôi được chuyển tới bộ phận chuyển hóa tăng cường, tù nhân cùng phòng Diêm Nguy bắt đầu tấn công tình dục tôi. Anh ta thường tóm lấy dương vật của tôi và vặn mạnh. Cơn đau đớn khủng khiếp khiến tôi đổ mồ hôi. Chu Vỹ Lương và hai tội phạm sát nhân khác đã thay phiên nhau tấn công tình dục tôi. Hàng ngày họ xâm hại tôi cả thể xác và nhục mạ theo những cách mạt hạ nhất.

“Tôi cũng bị buộc phải ngồi yên trên một cái ghế nhỏ trong thời gian dài, trong khi bị đánh đập và cấm ngủ. Tôi bị các vết loét ở mông, sau này nó rỉ máu và mủ. Tôi cảm thấy như thể tôi sẽ ra đi và chết bất cứ lúc nào.”

Trên đây chỉ là một phần trong những gì mà ông Mã đã phải chịu đựng trong khi ở tù. Ông đã cố gắng sống sót sau khi bị ngược đãi với lòng tin kiên định vào Pháp Luân Công, và dưới đây ông đã chia sẻ một trong những trải nghiệm của mình. Ông muốn mọi người biết Đảng Cộng sản Trung Quốc đang cố gắng như thế nào, mặc dù không có kết quả, để biến những người tốt như các học viên Pháp Luân Công trở thành người xấu.

Bị bắt và ép cung

Cảnh sát đã bắt ông Mã vào ngày 12 tháng 09 năm 2010 khi ông đang ngồi trong xe với bốn người học viên khác ở thị trấn Diêm Trì. Các cảnh sát đã giữ xe và đưa ông tới Đồn cảnh sát Hoa Mã Trì, ở đó họ đã tra tấn ông bằng ghế cọp nhằm thu thập thông tin về nguồn gốc các tài liệu Pháp Luân Công trên xe ô tô, cũng như về bốn học viên đã trốn thoát.

Các cán bộ cấp huyện đã đến vào ngày hôm sau và thay phiên nhau tra tấn và cấm ông ngủ: bất cứ khi nào ông Mã nhắm mắt, họ lại đổ nước vào người ông, la hét và đánh ông.

2004-6-6-tiger_bench--ss.jpg

Minh họa cảnh tra tấn: Ghế cọp

Mặc dù bị tra tấn suốt bốn ngày, ông Mã đã không tiết lộ một thông tin nào. “Cảnh sát thảo luận với nhau và nói tới chuyện thả tôi vì họ không có bằng chứng. Nhưng Phòng 610 Ninh Hạ, sau khi nhận được thông tin từ phòng cảnh sát địa phương, đã từ chối thả tôi” – ông Mã viết.

“Lưu Trung Tấn, trưởng bộ phận an ninh nội địa quận, đã đưa tôi tới trại tạm giam Diêm Trì vào ngày 15 tháng 09. Anh ta và một nhân viên từ Phòng 610 Ninh Hạ đã tới gặp tôi.”

“Nếu anh nói cho tôi biết những tài liệu ấy ở đâu ra và cung cấp thông tin về bốn học viên kia, anh sẽ được thả”, đại diện Phòng 610 nói. Thấy ông Mã không nói gì, Lưu đe dọa tra tấn ông bằng roi sắt.

Lệnh bắt giữ ông Mã được phê chuẩn một tháng sau đó. Để phản đối việc bắt và giam giữ bất hợp pháp, ông Mã đã tuyệt thực hơn 40 ngày. Các lính canh đã xích chân ông lại và bức thực ông. “Bốn đến năm người đè tôi xuống giường hoặc ghế trong khi tay tôi bị còng và chân tôi bị xích. Rất đau đớn. Họ bức thực tôi như vậy mỗi ngày.”

2005-1-21-jilin-kx18--ss.jpg

Minh họa cảnh tra tấn: Bức thực

Các nhân viên thẩm vấn ông Mã đã từng nói với ông rằng ông có thể sẽ được thả vì không có đủ chứng cứ. “Tuy nhiên, Phòng 610 tỉnh Ninh Hạ không muốn bỏ cuộc. Họ khăng khăng kết án tù tôi” ông Mã viết.

Phán quyết được định trước đã được đưa ra sau vài phiên xét xử bí mật

Tòa án thị trấn Diêm Trì đã tổ chức một phiên tòa bí mật vào tháng 02 năm 2011 mà không thông báo cho gia đình ông Mã. Công tố viên bật vài đĩa DVD liên quan đến Pháp Luân Công. Một luật sư do tòa chỉ định đại diện cho ông Mã đã chỉ ra rằng không có đủ chứng cứ cho thấy những đĩa DVD này là của ông Mã. Tòa án đã bác bỏ các cáo buộc.

“Tuy nhiên, Phòng 610 tỉnh Ninh Hạ tiếp tục gây áp lực cho Tòa án Diêm Trì, và một phiên xét xử khác được dự kiến vào đầu tháng 03.” Ông Mã nghe nói rằng ông sẽ bị tuyên án cho dù có chứng cứ hay không, vì Ủy ban chính trị và Pháp luật – cơ quan quản lý Phòng 610, đã ra lệnh như vậy. “Tôi cũng nghe nói rằng hạn tù cũng đã được ấn định là ba năm rưỡi.”

Phiên xét xử thứ hai được tổ chức vào ngày 01 tháng 03 do các nhân viên tòa án và công tố viên cũ thụ lý, và một lần nữa cũng không có người chứng kiến. Ông Mã đã phản đối việc xét xử bí mật và từ chối trả lời bất kỳ câu hỏi nào. Luật sư của ông một lần nữa lại nhấn mạnh việc thiếu chứng cứ.

Phiên xét xử diễn ra nhanh chóng, và ông Mã từ chối ký vào biên bản. Một nhân chứng đã ký thay và bản phán quyết được gửi đến trại tạm giam sau đó vài ngày – ông Mã bị kết án tù ba năm rưỡi, đúng như ông đã nghe nói trước phiên xét xử.

Ông Mã đã kháng cáo lên tòa án trung thẩm thành phố Ngô Trung và nó cũng tổ chức xét xử bí mật. “Vợ tôi điền các thủ tục giấy tờ để thuê luật sư. Nhưng nhân viên tòa án yêu cầu bà đến tòa trước khi phiên xét xử diễn ra vài ngày và lấy đi các giấy tờ mà không cho bà biết khiến bà không thể thuê luật sư biện hộ.”

Bản án được phê chuẩn, và ông Mã bị đưa tới Nhà tù Ngân Xuyên vào ngày 28 tháng 06 năm 2011. Xót xa cho hệ thống tư pháp tham nhũng, ông Mã viết, “Phòng 610 đóng vai trò chủ chốt trong việc bức hại các học viên thông qua cảnh sát, trại tạm giam và hệ thống tòa án.”

Các tù nhân được thưởng vì bức hại các học viên

Ông Mã bị chuyển tới bộ phận “chuyển hóa” chuyên sâu trong nhà tù, nơi mà các tù nhân được giao nhiệm vụ theo dõi ông cả ngày và không cho ông tiếp xúc với ai. Thậm chí trong khi ông ngủ, các tù nhân cũng phân công luân phiên hai tiếng một người ngồi cạnh canh chừng ông. Họ theo ông tới mọi nơi, kể cả vào nhà vệ sinh.

“Những tuyên truyền của Đảng Cộng sản đã phỉ báng các học viên Pháp Luân Công, và mọi người quen với việc đối xử với chúng tôi như vậy” – ông Mã viết.

Bộ phận tăng cường này được thành lập đặc biệt nhắm vào các học viên theo lệnh của Phòng 610. “Các nhân viên Lỗ Vỹ và Triệu Ly đã chuyển hầu hết các tù nhân bạo lực và đồi trụy nhất tới bộ phận này để bức hại các học viên. Họ là những tên sát nhân, nghiện ma túy, buôn ma túy và hiếp dâm.

“Bằng cách tẩy não các tù nhân khác và kích động thù hận của họ đối với các học viên, những nhân viên này thúc giục họ đối xử với các học viên tồi tệ nhất mà họ có thể.” Những ai theo đúng các yêu cầu sẽ được thưởng bằng việc giảm ba tháng hạn tù.

Bị buộc phải ngồi trên “ghế nhỏ” và cấm ngủ

Các lính canh vũ trang đưa ông Mã vào phòng biệt giam trong buồng giam số 6 vào ngày 23 tháng 09 năm 2011. “Ba đèn trần bật sáng 24 giờ mỗi ngày, các rèm cửa sổ luôn che kín và hai máy quay an ninh liên tục theo dõi toàn bộ buồng giam”, ông Mã nhớ lại.

“Tôi bị buộc ngồi im trên một chiếc ghế nhựa cao 6 inch trong khoảng 20 tiếng mỗi ngày. Sáu tù nhân thay phiên nhau theo dõi tôi, chia làm hai ca. Mỗi lần tôi cử động một chút, chớp mắt hay hỏi xin nước hoặc đi vệ sinh, họ lại đánh tôi và chửi rủa tôi. Thậm chí trong suốt ba hay bốn tiếng mà tôi được phép ngủ, các tù nhân liên tục đá vào giường nhằm đánh thức tôi.”

Mặc dù với tên gọi vô thưởng vô phạt, “ghế nhỏ” được sử dụng như là một thiết bị tra tấn và thường làm cho nạn nhân bị loét mông dẫn đến mưng mủ sau thời gian dài sử dụng.

Sau nhiều ngày, ông Mã không thể thức được lâu. Để khiến ông không nhắm mắt, các tù nhân đấm đá ông, đổ nước lạnh vào người ông (kể cả trong những ngày mùa đông), đâm kim tiêm vào ông (trước đó được sử dụng để chích cho các bệnh nhân AIDS, các tù nhân hay phàn nàn), châm điếu thuốc đang cháy dở vào người ông, giật lông mi của ông, đánh vào mắt và mặt ông bằng những chiếc giẻ bẩn và cấu véo ông cả ngày.

Trong vòng một tháng, ông thường bị choáng, khó đi tiểu tiện, và đau tay chân, vùng thắt lưng và lưng.

Tăng cường tẩy não, lạm dụng thể xác và tình dục

Khi thấy ông Mã không bị lay chuyển, các tù nhân tăng cường lạm dụng. Họ buộc ông đọc những tuyên truyền và xem các video phỉ báng Pháp Luân Công cả ngày không nghỉ. Khi ông phản đối những tài liệu ngụy tạo này, các tù nhân lại đánh ông.

“Tù nhân Mã Tri Hành cũng đánh vào đầu, mặt, tay chân tôi hằng ngày trong thời gian dài bằng một cái búa cao su. Các ngón tay và tay tôi đầy các vết bầm tím. Vào ngày mùa đông, các tù nhân mở cửa ra vào và cửa sổ cả buổi đêm làm tôi lạnh cóng. Chẳng mấy chốc, toàn thân tôi tê cóng.

“Sau vài tháng, những mủ to bằng quả óc chó bắt đầu xuất hiện dưới bàn chân tôi, trong đó là máu và mủ. Tôi rất yếu và bị áp huyết cao, nhịp tim thất thường và chóng mặt. Như thể là tôi sắp ngất khi tôi cử động một chút. Mặc dù khó khăn, tôi vẫn nhớ rằng tự tử là đi trái lại với các nguyên tắc của Pháp Luân Công, do đó tôi đã cầm cự được.”

Tình trạng lạm dụng đối với ông Mã còn diễn tiến xa hơn nữa. “Ví dụ, các tù nhân đã cho rất nhiều muối vào thức ăn của tôi, do đó tôi không thể nuốt được. Thỉnh thoảng thức ăn có thịt, các tù nhân sẽ lấy thịt khỏi bát của tôi và vứt nó vào nhà vệ sinh trước mặt tôi. Khi tôi hỏi họ tại sao hay nói họ đừng làm thế, họ đánh và chửi tôi” ông Mã cho biết ông cũng bị tấn công tình dục bởi các tù nhân.

Các lính canh giám sát và khích lệ sự lạm dụng

Những sự lạm dụng thể xác và tinh thần kéo dài trong hơn một năm nhưng hiếm khi bên ngoài biết được, vì chỉ có sáu tù nhân và lính canh trực tiếp phụ trách được vào buồng giam số 6, nơi ông Mã bị biệt giam.

Bất cứ ai nói với người khác về những gì đã diễn ra ở buồng giam số 6 sẽ bị chuyển tới bộ phận khác và bị phạt – các tù nhân bị kéo dài hạn tù và các nhân viên bị cắt thưởng.

Sự lạm dụng được theo dõi và giám sát bởi các viên chức nhà tù. “Bất cứ khi nào tôi động đậy dù chỉ một chút trong khi ngồi trên ghế, một giọng nói từ cái loa phát ra “Ngồi thẳng lên!” Các tù nhân sau đó sẽ chạy tới, đánh tôi và buộc tôi ngồi thẳng lên.

“Thậm chí buồng giam cũng đặt dưới sự giám sát camera chặt chẽ cả ngày lẫn đêm và phim ghi hình được giữ trong ba năm, không ai quan tâm chuyện gì đang xảy ra với tôi.”

Các tù nhân lạm dụng các học viên một cách tàn nhẫn, một phần vì Phòng 610 ra lệnh trực tiếp làm như thế. Ngoài ra, “không chỉ các tù nhân nói dối về việc tra tấn, mà các nhân viên và quản lý trong tù cũng cố gắng che giấu nó”, ông Mã viết.

Trên bờ vực cái chết

Vào tháng 04 năm 2012, ông Mã đã bị biệt giam sáu tháng.

“Vì tôi không chịu từ bỏ, Lỗ Vỹ và các nhân viên khác đã tra tấn tôi dã man hơn. Các tù nhân thỉnh thoảng lại kéo căng hoặc đá vào lưng dưới và chân tôi. Sau vài tháng, lưng dưới và thận của tôi bị tổn thương. Tôi không thể đứng, và có máu trong nước tiểu của tôi. Xương sườn tôi bị đau. Chân tôi bị sưng và bầm tím nghiêm trọng.

“Sau tất cả các loại tra tấn trong bộ phận tăng cường, tôi đã suýt chết vào tháng 02 năm 2013. Hàng ngày tôi bị buộc phải ngồi trên ghế nhỏ, bị đánh và cấm ngủ. Bị hạn chế ăn, uống, đi vệ sinh, sự thiếu ngủ trường kỳ đã khiến tôi bị đau đầu chóng mặt. Tôi cảm thấy như thể tôi có thể ngất và chết đi bất kỳ lúc nào. Vì tôi ngồi trên ghế nhỏ trong thời gian dài, tôi bị loét phần dưới cơ thể, có máu và mủ.”

Nhịp tim của ông Mã thường vượt 110 lần trong một phút. Một “bác sỹ tù nhân” (một tù nhân tình cờ có một vài kiến thức y khoa) đã khám cho ông ấy và thấy rất nhiều bất thường.

Khi ông Mã yêu cầu được điều trị tại bệnh viện, một nhân viên nhà tù đã từ chối và nói thêm, “Chỉ các tù nhân đã chết mới được gửi tới bệnh viện, không phải một người vẫn còn sống.” Ông Mã nhận ra rằng họ đưa một tù nhân tới bệnh viện chỉ khi họ cần một giấy báo tử để cho gia đình xem.

Cuối cùng, ông Mã đã sống sót trở về nhà sau khi ông hết hạn tù. Phòng 610 Ninh Hạ dự định bức hại ông tiếp khi ông rời khỏi nhà tù, nhưng phải dừng lại ngay sau khi thấy tình trạng mạng sống của ông đang bị đe dọa.

Chuyển hóa các học viên

Lỗ Vỹ, người đứng đầu bộ phận tăng cường, đã chuyển hóa nhiều học viên – buộc họ phải tuyên bố từ bỏ niềm tin của mình – thông qua tẩy não và bạo hành. Nhà tù Ngân Xuyên thậm chí đã mời ba cựu nhân viên cai ngục từ Bắc Kinh tới để huấn luyện các nhân viên các kỹ thuật tẩy não.

“Lỗ thường kể với tôi, nói rằng những học viên này học viên này đã ngừng tu luyện Pháp Luân Công và hỏi tại sao tôi vẫn tiếp tục. Tôi nói với ông ta rằng Pháp Luân Công dạy các học viên trở thành người tốt và thật sai trái khi đối xử như vậy với các học viên. Nhưng ông ta không nghe và tiếp tục tra tấn chúng tôi.”

Những tù nhân tham gia bức hại ông Mã nặng nề nhất là một người nghiện ma túy và một tên hiếp dâm. “Ban đầu, họ đợi Lỗ ra lệnh tra tấn tôi. Khi họ trở nên quen thuộc với những yêu cầu của ông ta, họ đánh tôi thường xuyên hơn và dữ dằn hơn để được tưởng thưởng trong tù hoặc giảm án.”

Lựa chọn không đánh lại

Ông Mã cao 1m83, học võ thuật từ khi còn nhỏ, và có nhiều năm là huấn luyện viên trong quân đội trước khi ông bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào tháng 05 năm 1998. Ông có thể dễ dàng đánh bại nhiều người trong một cuộc đấu.

Tuy nhiên, ông đã lựa chọn không đánh trả lại mặc dù ông phải chịu đựng tra tấn và lạm dụng. Khi các tù nhân khác không thể hiểu được điều đó, ông đã giải thích rằng đó là “vì tôi là một học viên Pháp Luân Công tuân theo các nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn.”

“Từ những gì mà tôi đã chứng kiến, đã nghe và đã trải qua”, ông Mã phản ánh, “họ muốn biến người tốt thành người xấu và người xấu trở nên xấu hơn.”


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2014/10/26/299446.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2014/11/22/146993.html

Đăng ngày 18-01-2015; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share