Bài viết của một học viên Đại Pháp tại tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc
[MINH HUỆ 13-05-2014] Một hôm, trong khi đang thiết đãi khách khứa tại nhà của mình, tôi ra ngoài mua thêm bánh mỳ cho bữa trưa. Khi đang lái xe đến tiệm bánh, tôi thấy một người đàn ông nằm ngay giữa đường. Có một vũng máu gần đầu của ông ấy và dường như ông ấy đã nằm ở đó một lúc rồi. Có một chiếc xe máy đổ kềnh ngay gần đó.
Xe cộ cũng như khách bộ hành đi ngang qua ông ấy, cẩn thận tránh ông ấy. Không ai nhìn thấy ông ấy. Tôi thậm chí còn nhận thấy những người bên trong các toà nhà gần đó đang nhìn ông ấy qua cửa sổ nhưng không ai đến để giúp đỡ ông ấy cả. Hai bên đường có nhiều người nhưng mọi người đều phớt lờ ông ấy.
Tôi đã nhớ lại sự việc mà đã xảy đến với tôi 25 năm trước, trước khi tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Cho tới ngày hôm nay, việc đó vẫn ám ảnh tôi. Hồi đó tôi là một người mới lập gia đình. Một ngày, khi đang trên đường về nhà, tôi thấy một người đàn ông đang ngồi bên vệ đường, trông rất đau đớn. Chiếc xe đạp của ông ấy đổ kềnh ngay gần đó. Tôi lo lắng và nghĩ có lẽ ông ấy cần được giúp đứng dậy.
Tôi do dự vì hồi đó tôi lo cho danh tiếng của bản thân mình-có lẽ không được đúng mực cho lắm khi một người phụ nữ chạm vào một người đàn ông lạ mặt ở trên phố. Tôi quyết định nếu ông ấy thật sự cần sự trợ giúp, ông ấy sẽ nhờ tôi. Tôi hy vọng một người đàn ông khác sẽ tới và giúp đỡ người đàn ông này. Vì vậy tôi đã không làm gì cả, tôi đã không giúp đỡ người mà rõ ràng đang thật sự cần sự trợ giúp.
Nhận ra sự ích kỷ của bản thân
Sau khi tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, tôi biết cách hành xử như vậy là thể hiện sự ích kỷ. Sư phụ đã giảng cho chúng ta yêu cầu đối với một đệ tử Pháp Luân Đại Pháp trong Giảng Pháp tại Pháp hội ở Úc Châu:
“Bất luận việc gì cũng phải nghĩ đến người khác – trước hết nghĩ đến người khác, sau đó mới nghĩ đến bản thân. Tôi chính là muốn chư vị tu thành viên mãn chính Pháp, chính ngộ, tiên tha hậu ngã.”
Tôi là đệ tử của Sư phụ và tôi phải hành xử chiểu theo yêu cầu của Sư phụ. Tôi nên nghĩ đến người đàn ông này trước và làm điều mà tôi có thể để giúp ông ấy. Tôi vội tới đó và thấy mắt ông ấy nhắm chặt, ông ấy đã bị bất tỉnh. Tôi kiểm tra xem liệu ông ấy còn thở hay không và thấy chỉ còn hơi thở yếu ớt. Tôi ấn vào nhân trung của ông ấy (ngay dưới mũi và để giúp ông ấy hồi tỉnh) và cố gắng đánh thức ông ấy. Ông ấy vẫn không có phản ứng gì.
Tôi thầm xin Sư phụ trong tâm: “Sư phụ, xin hãy cứu ông ấy!” Tôi bắt đầu niệm “Pháp Luân Đại Pháp Hảo! Chân-Thiện-Nhẫn hảo!” Không lâu sau, ông ấy đã thở và nhẹ nhàng cử động. “Con xin cảm tạ Sư phụ!” Tôi đứng dậy, hô to với một đám đông đang đứng xem gần đó: “Ông ấy vẫn còn sống, tôi cần sự giúp đỡ.” Ai đó hô lên: “Gọi 110 đi!”
Tôi lấy điện thoại và nhanh chóng quay số 110. Họ hỏi tôi chi tiết về vụ tai nạn. Tôi nói với họ những gì mà mình biết, cũng không nhiều. Họ hỏi về chiếc xe mà đã gây ra tai nạn. Tôi nói với họ rằng không có ai ở đó và không một ai muốn giúp đỡ người đàn ông này. Họ nói đầu tiên tôi phải gọi số 120 và rằng họ chưa thể đến ngay hiện trường vụ tai nạn được.
Tôi nhanh chóng gọi số 120. Bây giờ có cả những người khác đến xem và một nhóm nhỏ túm tụm lại. Người hàng xóm của tôi cũng ở trong đó. Ông ấy đã nhận ra người đàn ông bị thương và gọi cho gia đình ông ta. Ông ấy bảo với tôi rằng con rể của nạn nhân đang trên đường tới đây. Người trực đường dây 120 hỏi gia đình ông ấy đã biết chuyện chưa. Tôi nói với họ là gia đình ông ta đã biết rồi và con rể của ông ấy sẽ sớm tới đây.
Người hàng xóm đến chỗ tôi. Ông ấy lấy tấm đệm ghế phủ trên chiếc xe máy và cố gắng dùng nó để cầm máu ở đầu cho nạn nhân. Tôi nói với ông ấy rằng đó không phải là một ý tưởng hay vì đệm ghế rất bẩn và có thể gây nhiễm trùng. Không lâu nữa xe cứu thương sẽ đến và xử lý việc chảy máu. Bây giờ đám đông người đang đứng xem tiến lại gần hơn. Một người họ hàng đi mua sắm ngang qua đó kéo tôi sang một bên. Ông ấy hỏi tôi có biết nạn nhân không và tôi trả lời rằng tôi không biết.
Vì thế ông ấy lấy làm lạ khi tôi lại phải bận tâm giúp đỡ một người mà thậm chí tôi còn không biết và khuyên tôi nên rời đi. Ông ấy nói tôi nên lo cho việc làm ăn của mình và chẳng lẽ tôi không lo lắng đến việc bị đổ lỗi gây ra vụ tai nạn hay sao. Tôi nói với ông ấy: “Ông quên rồi sao? Tôi là một học viên Pháp Luân Đại Pháp. Tôi không thể đứng đó mà không làm gì khi tôi thấy người khác cần sự giúp đỡ. Đừng lo lắng cho tôi.”
Tôi quay trở lại chỗ người đàn ông bị thương và chờ xe cứu thương.
Người đàn ông bị thương bây giờ đã tỉnh lại và bắt đầu co giật. Một người bạn cũ của tôi cùng học thời Trung học làm việc trong một bệnh viện và tôi phân vân liệu cô ấy có đi theo xe cứu thương hay không. Xe cứu thương đến và đương nhiên, một trong những nhân viên y tế là bạn cũ của tôi. Họ sơ cứu vết thương cho người đàn ông và bắt đầu truyền dịch. Họ khiêng ông ấy lên xe cứu thương và bảo một người trong gia đình lên cùng. Tôi bảo họ rằng người nhà của nạn nhân vẫn chưa đến và tôi có thể đi cùng họ nếu cần thiết.
Sau đó bạn tôi đã nhận ra tôi và hỏi tôi có biết người đàn ông bị thương hay không. Khi tôi bảo cô ấy rằng tôi không biết, cô ấy trông rất bối rối. Sau đó tôi lại giải thích rằng tôi là một học viên Pháp Luân Đại Pháp và làm sao tôi lại có thể không giúp đỡ một người mà rất cần sự trợ giúp. Chỉ ngay sau đó cậu con rể đã đến. Tất nhiên điều đầu tiên cậu ta muốn biết là việc gì đã xảy ra và ai đã đâm bố vợ của cậu ấy.
Không chấp trước vào việc được ghi ơn vì đã cứu sống một mạng người
Chúng tôi nhanh chóng giải thích việc mà chúng tôi biết và bảo cậu ta lên xe. Sau đó cậu ấy hỏi tình trạng vết thương nguy hiểm đến mức độ nào. Người hàng xóm nói rằng ông ấy đã cứu cha vợ cậu ta. Người con rể vô cùng biết ơn. Khi cậu ta lên xe cứu thương, cậu ta nói rằng cậu sẽ hậu tạ ông ấy sau. Người hàng xóm nhận lời cảm ơn cứu mạng của cậu ta mà không chút do dự.
Người đàn ông mà tôi giúp bây giờ đang trên đường tới bệnh viện và tôi nghĩ mình nên đi khỏi đó. Tôi vẫn còn khách khứa đang đợi ở nhà và vẫn cần phải mua bánh mỳ cho bữa ăn của chúng tôi.
Tôi đến tiệm bánh yêu thích. Cặp vợ chồng là chủ cửa hàng biết khá rõ về Pháp Luân Đại Pháp và đã thoái xuất khỏi ĐCSTQ cùng các tổ chức liên đới của nó. Cửa hàng của họ nhỏ nhưng luôn đông khách và công việc kinh doanh rất tốt. Khi tôi vào cửa hàng đầy người đang ăn trưa và bàn tán về vụ tai nạn.
Người chủ hỏi tôi xem liệu tôi có biết gì về việc xảy ra không. Tôi kể cho ông ấy chính xác những gì đã xảy ra. Tôi thấy ngạc nhiên khi ông chủ thật sự cảm động bởi câu chuyện của tôi. Ông ấy nói rằng không còn có nhiều người giống như tôi nữa: Có ai mà cứu mạng một người hoàn toàn lạ lẫm mà không cần lưu danh vì một hành động tốt như vậy chứ. Ông ấy nói: “Bánh mỳ của chị đây. Hôm nay không phải trả tiền nhé.”
Tôi cũng ấn tượng trước sự công tâm mạnh mẽ của người chủ cửa hàng và nói với ông ấy: “Sư phụ tôi nói rằng chúng tôi cần phải là một người tốt dù ở bất kể nơi nào. Mọi học viên Pháp Luân Đại Pháp đều sẽ hành động tương tự. Những tuyên truyền trên ti vi về các học viên Pháp Luân Đại Pháp đều là giả dối.” Sau đó tôi nhất định đòi trả tiền cho ông ấy và nói: “Ông làm kinh doanh nhỏ lẻ và ông phải làm việc rất vất vả. Tôi chỉ làm việc tôi nên làm thôi. Tôi rất cảm kích trước sự tốt bụng của ông và ông rất hào phóng.”
Vì tôi khăng khăng như vậy, ông ấy trả lại tôi hai nhân dân tệ và nói: “Tôi chỉ tính chị bằng chi phí của tôi thôi. Đó là cách mà tôi nói cảm ơn nỗ lực của chị.” Làm sao tôi có thể từ chối được đây? Tôi chân thành cám ơn ông ấy.
Khi tôi ra khỏi hiệu bánh, rất nhiều khách hàng gật đầu và mỉm cười với tôi. Tôi tự hào vì mình là đệ tử của Sư phụ.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2014/5/13/【庆祝513】买饼-291389.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2014/6/4/1494.html
Đăng ngày 28-06-2014; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.