Bài viết của Hiểu Du, đệ tử Đại Pháp ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc

[MINH HUỆ 11-05-2014] Vào mùa xuân năm 2003, tôi gặp lại chồng mình lần đầu tiên sau hai năm lưu lạc để tránh cuộc đàn áp vào năm 2001. Anh kể với tôi rằng anh đang quan hệ với một đồng nghiệp và mong được tôi đồng ý để được sống với cô ấy. Anh kể rằng sau khi tôi rời khỏi nhà, anh đã rất cô đơn. Khi đồng nghiệp này đến thăm anh, cô ấy đối xử với anh rất tốt. Sau khi họ đến với nhau, cô ấy đã bảo chồng tôi ly dị tôi và cưới cô ấy.

Tôi đã rất sốc. Tôi cố hết sức để kiểm soát mọi suy nghĩ nổi lên và giữ bình tĩnh. Tôi nhắc bản thân rằng tôi là một học viên và cần hành xử theo yêu cầu của Đại Pháp.

Trong thâm tâm, chồng tôi không muốn ly dị. Sau khi tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, tôi đã thay đổi tâm tranh đấu và không còn cãi vã với anh ấy, và tôi trở nên rất quan tâm tới chồng. Anh bị bệnh sán máng gan và phải nhập viện hàng năm. Tuy nhiên, sau khi tôi tu luyện Đại Pháp, anh không còn phải đi viện nữa và cũng không còn cảm thấy khó chịu ở thận. Anh là nhân chứng cho uy lực kỳ diệu của Đại Pháp và luôn nói những điều tốt đẹp về Đại Pháp với bạn bè.

Tôi hiểu anh đang đấu tranh tư tưởng. Tôi nói: “Em thực sự rất cảm ơn anh đã nói cho em biết điều này, nhưng em không thể ủng hộ anh sống với cô ấy. Điều đó không đúng pháp luật. Nếu em ủng hộ thì cũng có nghĩa là em đang ủng hộ cho hai người làm điều xấu. Anh là một người cha, con trai và con dâu của anh sẽ nghĩ gì về anh nếu anh làm điều đó? Làm sao anh làm gương để chúng trở thành người tốt được? Em không biết khi nào em mới có thể quay về nhà và ổn định. Nếu anh thật sự thích cô ấy, chúng ta có thể ly dị và anh có thể cưới cô ấy. Tuy nhiên, anh không thể đặt chân lên cả hai chiếc thuyền được.”

Giữ tâm bất động

Chồng tôi nói: “Anh không muốn ly dị em. Anh sẽ không gặp cô ấy nữa.”

Sau một vài tuần, tôi quay về một lần nữa và thấy chồng mình vẫn đang sống với người phụ nữ đó, mua đồ và nấu ăn cho cô ấy. Anh dành khá nhiều thời gian và tiền bạc vào việc tu sửa nhà của cô ta. Khi nghe những điều này, tôi cố gắng giữ cho tâm mình bất động.

Tôi lại quay trở về nhà cùng con trai vào ngày 29 tháng 12, 2003. Chồng tôi không có nhà, còn căn nhà thì thật thảm hại. Con trai gọi cho chồng tôi ngay lập tức và bảo anh ấy về nhà. Người phụ nữ đó giật điện thoại từ chồng tôi và đe dọa tôi rằng cô ta “sẽ báo cáo tôi với cảnh sát!”

Chị dâu của chồng tôi tìm thấy anh ấy và đưa anh ấy về. Anh ấy rất tức giận. Tôi không tranh cãi hay gây chuyện với chồng, mà bình tĩnh nói: “Anh không nên làm thế, điều đó không tốt cho cả hai người.”

Sau khi nói chuyện với anh, tôi dành một lúc suy nghĩ về tình hình: Là một học viên Đại Pháp tôi nên xử lý vấn đề này như thế nào. Không phải ngẫu nhiên mà điều này xảy ra, và chắc hẳn phải có một vài chấp trước mà tôi cần loại bỏ. Sư phụ đã giảng trong Chuyển Pháp Luân:

“Tại sao lại gặp những vấn đề này? [Đó] đều là nghiệp lực mà bản thân chư vị mắc nợ tạo thành; chúng tôi đã giúp chư vị tiêu trừ vô số phần rồi. Chỉ còn lại một chút được phân chia tại giữa mỗi tầng, để đề cao tâm tính của chư vị, thiết lập một số ma nạn để ‘ma luyện’ tâm của chư vị và vứt bỏ các chủng chấp trước. Đây đều là [khó] nạn của bản thân chư vị; nhưng chúng tôi lợi dụng chúng để đề cao tâm tính của chư vị; đều có thể để chư vị vượt qua được. Chỉ cần chư vị đề cao tâm tính, thì có thể vượt qua; chỉ e bản thân chư vị không muốn vượt qua; muốn vượt qua thì vượt qua được.” (Bài giảng thứ tư, Chuyển Pháp Luân)

Giữ bình tĩnh trong hoàn cảnh căng thẳng

Tôi không thể cứ nhìn họ làm điều xấu và tự tạo nghiệp lực cho bản thân. Để thuyết phục họ làm điều tốt, nói thì dễ nhưng làm thì khó. Chồng tôi không lắng nghe tôi, và tôi không thể tranh cãi với anh, mà chỉ có thể hành xử một cách hòa ái và bình tĩnh.

Một đoạn trong Chuyển Pháp Luân bỗng xuất hiện trong tâm trí tôi:

“Khi nghiệp lực đang trong quá trình chuyển hoá, để có thể giữ vững bản thân—chứ không biểu hiện như người thường vốn hay làm sự tình tệ hơn—thì bình thường chúng ta [luôn] phải bảo trì tâm từ bi, tâm thái hoà ái. Khi đột nhiên gặp một vấn đề nào đấy, thì chư vị sẽ có thể xử lý nó được tốt.” (Bài giảng thứ tư, Chuyển Pháp Luân)

Khi tôi cố nói chuyện một lần nữa với chồng, anh ấy không nói gì cả. Tôi có thể thấy rằng anh ấy đang đấu tranh với bản thân. Điều duy nhất tôi có thể làm là nói chuyện với người phụ nữ kia. Tôi nhờ hàng xóm nói với cô ấy rằng: “Tôi chân thành muốn nói chuyện với cô, một cách hòa ái. Tôi không đến để gây chuyện với cô.”

Cô ấy đã đồng ý gặp tôi. Khi tôi đến đó, cô ấy đang ngồi trong phòng khách, và có vẻ rất lo lắng. Một vài người bạn của cô đang ngồi ở phòng bên cạnh, có thể họ ở đó để bảo vệ cô nếu chúng tôi xảy ra chuyện đánh nhau.

Với một nụ cười, tôi chào cô và hỏi thăm về con trai cô. Ngay lập tức cô thoải mái hơn. Cô trở nên thân thiện và nói chuyện với tôi. Tôi nói thẳng với cô ấy: “Chị hoàn toàn biết về chuyện giữa em và chồng chị. Chị không ghét em, và không muốn buộc tội ai trong chuyện này. Hãy bỏ qua mọi thứ. Chị hy vọng em có thể dừng mối quan hệ này với chồng chị.” Tôi tiếp tục: “Dù sao anh ấy cũng không muốn cưới em. Tuy nhiên, nếu ai cũng biết anh ấy sống với em, danh dự của em sẽ bị ảnh hưởng. Em vẫn còn trẻ, nếu em gặp người mình yêu trong tương lai, và nếu người đó biết việc này, thì anh ta sẽ nghĩ gì?”

Một giải pháp hòa bình

Tôi cũng nhân cơ hội này giảng thanh chân tướng cho cô về Pháp Luân Đại Pháp. Tôi giải thích cho cô vì sao tôi phải rời khỏi nhà và đi lưu lạc, và tất cả những bức hại tôi đã phải chịu vì kiên định với niềm tin của mình.

Tôi nói với cô lời Sư phụ đã giảng:

“Khi một cá nhân làm một điều gì xấu nhắm vào một cá nhân khác, thì họ phải cấp cho người ta khá nhiều đức để bồi thường.” (Bài giảng thứ bảy, Chuyển Pháp Luân)

Tôi nói rằng tôi hy vọng cô ấy sẽ không làm điều sai nữa và sẽ có một tương lai tươi sáng. Cô đã lắng nghe rất chăm chú và tin vào tất cả những gì tôi nói. Cuộc đối thoại giữa chúng tôi đã kết thúc một cách rất hòa ái.

Cô ấy thực sự đã chấm dứt mối quan hệ với chồng tôi sau đó. Ba tháng sau, cô gặp được một người đàn ông rất tử tế và họ đã kết hôn không lâu sau đó.

Trước đây cá tính tôi rất mạnh và tôi sẽ không bỏ qua mọi thứ dễ dàng như thế. Nếu điều này xảy ra trước khi tôi tu luyện Đại Pháp, tôi sẽ không bao giờ có thể nhẫn chịu, vị tha và hòa ái như vậy. Tôi thực sự đã trải nghiệm được sức mạnh vĩ đại của Đại Pháp trong việc cải biến một cá nhân thành người tốt.

Tình trạng lưu lạc suốt bảy năm của tôi đã kết thúc vào tháng 01 năm 2008. Tôi quay về nhà và đoàn tụ với gia đình. Chồng tôi rất ủng hộ tôi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp và rất kính trọng Sư phụ Lý. Con trai, con dâu và cháu trai tôi cũng đều rất ủng hộ tôi. Điều này giống như Sư phụ đã giảng: “Phật quang phổ chiếu, lễ nghĩa viên minh.” (Bài giảng thứ ba, Chuyển Pháp Luân)

Tôi bắt đầu tu luyện Đại Pháp vào đầu năm 1996, khi đó tôi 48 tuổi. Không lâu sau khi xem video bài giảng của Sư phụ, những viên sỏi trong thận tôi đã được thải ra ngoài. Sau một thời gian, những viên sỏi mật và chứng đau thắt ngực cũng biến mất. Từ ngữ không thể diễn tả được hết lòng biết ơn của tôi với Đại Pháp. Tôi hy vọng sẽ có thêm nhiều người có cơ hội biết về Pháp Luân Đại Pháp và được hưởng lợi từ Đại Pháp.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2014/5/11/【庆祝513】慈悲化解家庭磨难-291379.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2014/5/14/1112.html

Đăng ngày 25-06-2014; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share