Bài viết của Phi Bộc
[MINH HUỆ 27-04-2013] Có một phương thức tra tấn do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sử dụng nghe tên có vẻ là “văn minh”. Nó được gọi là “ngồi trên ghế đẩu nhỏ”. Chiếc ghế cao khoảng 20 cm và rộng 8 cm. Hình dạng của những chiếc ghế được dùng để tra tấn như vậy thì khác nhau tùy từng nơi.
Ví dụ, ở Thượng Hải, hoặc trong trại lao động cưỡng bức hay nhà tù, những nạn nhân thường bị ép ngồi trên những chiếc ghế được phủ bằng dây kim loại. Những sợi dây này mỏng, nên khi người ngồi lên thì trọng lượng cơ thể sẽ dồn lên ghế. Các lính canh cũng chỉ đạo tù nhân đá vào chiếc ghế từ phía sau, khiến da thịt nạn nhân chà mạnh vào dây. Sau khi ngồi lên chiếc ghế như vậy chỉ trong một giờ, mông của nạn nhân bắt đầu bị rộp lên, sau đó vỡ ra và mưng mủ. Máu thấm qua quần và chảy lên ghế. Các nạn nhân thường bị ép ngồi trên ghế như vậy trong 22 giờ mỗi ngày, ngày này qua ngày khác, trong một năm, hai năm, hay thậm chí là ba năm.
Phương thức tra tấn này xuất xứ từ Trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia ở tỉnh Liêu Ninh, có tên gọi là “kẹp gọn”, nghĩa là ai ngồi trên những chiếc ghế này nên càng trật tự và gọn gàng như đồ vật đóng gói với nhau. Tại Trại lao động cưỡng bức Giai Mộc Tư, tỉnh Hắc Long Giang, nó có tên là “xếp nhiều hàng” (xếp một hàng lớn cho nhiều nạn nhân).
Trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia cũng thay đổi cách tra tấn này một chút, nó có tên là “ngồi trên một tấm ván nhỏ”. Các học viên Pháp Luân Công bị buộc ngồi trên một sàn gạch, trong một ô vuông có cạnh 60 cm. Cơ thể nạn nhân phải ở trong phạm vi nhỏ này. Ngồi như vậy trong thời gian dài, mông của họ sẽ bị lở loét mưng mủ.
Trại lao động thường kết hợp tra tấn như vậy với cái gọi là “giáo dục” của họ. Trong khi các học viên phải ngồi như vậy, các lính canh sẽ mở một băng ghi âm với âm thanh tối đa. Phải nghe tiếng ồn liên tục với âm thanh lớn có thể gây nên tổn thương nghiêm trọng. Học viên Pháp Luân Công bà Mễ Diễm Lệ đã bị tra tấn bằng cách này hơn 20 ngày liên tục mà không được phép ngủ.
Trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia cũng đưa phương thức tra tấn này đến các trại lao động và nhà tù khác như là một cách để buộc các học viên phải từ bỏ tín ngưỡng của họ. Vào tháng 06 năm 2000, một “đội trợ giúp” từ Trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia đã đến Trại lao động cưỡng bức Hà Loan để truyền đạt “kinh nghiệm” của họ trong cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công. Các viên chức tại Trại lao động cưỡng bức Hà Loan ngay lập tức áp dụng cách mà họ học được, và hình thức tra tấn mà họ sử dụng thường xuyên nhất là “ngồi trên ghế đẩu nhỏ”.
Năm 2005, Nhà tù nữ số 2 Vân Nam đã gửi một đội đến Trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia để học cách “chuyển hóa” các học viên Pháp Luân Công. “Ngồi trên ghế đẩu nhỏ” là một trong những phương thức mà họ học được.
Họ ép các học viên Pháp Luân Công phải ngồi thẳng lưng trên những chiếc ghế nhỏ từ 6 giờ 30 phút sáng đến tận 11 giờ tối, và đánh đập họ nếu họ cử động dù chỉ là một chút, cho đến khi mông họ bị lở loét mưng mủ. Dương Minh Sơn, Giám đốc nhà tù đã nói một cách vô liêm sỉ: “… về những phàn nàn rằng các học viên Pháp Luân Công bị nhục hình khi bị ép ngồi trên những ghế đẩu nhỏ. Chị định nghĩa thế nào về nó? Đó chỉ là một hình thức học tập. Chị có chứng cứ gì về việc nhục hình không? Tôi chịu trách nhiệm pháp lý về nó. Nếu chị muốn than phiền, thì cứ thoải mái báo cáo tôi với cấp trên.”
Nhà tù nữ Vân Nam không chỉ nhầm lẫn việc “ngồi trên ghế nhỏ” với “học tập”, họ cũng kết hợp nó với lao động cưỡng bức. Bà Hàn Tuấn Nghị, một bà lão 73 tuổi, đã bị bắt giữ và bị đưa đến Nhà tù nữ số 2 Vân Nam vào năm 2009 và bị giam ở phòng giam số 9. Bà không được ra khỏi phòng giam và bị ép ngồi trên một chiếc ghế đẩu nhỏ từ 6 giờ 30 phút sáng đến tận 10 giờ 30 phút tối. Bà chỉ được đứng dậy khi ở đó có việc phải làm. Bà bị buộc ngồi trên một chiếc ghế nhỏ ở phòng giam đó trong ba năm và mông bà đầy những vết chai dày. Bạn có thể tưởng tượng một bà lão 73 tuổi ra sao khi phải ngồi trên một chiếc ghế nhỏ ở tại một phòng giam trong ba năm?
Nạn nhân cũng bị ép ngồi với một tư thế đặc biệt như là một cách tra tấn. Nhà tù Cảng Bắc (sau đó đã đổi tên thành Nhà tù Tân Hải) ở Thiên Tân đã buộc các học viên Pháp Luân Công phải ngồi trên những chiếc ghế nhỏ với đầu, ngực và lưng thẳng cùng hai mắt mở to. Ông Triệu Cương ở quận Nam Khai, Thiên Tân, đã bị bắt giữ và bị đưa đến Nhà tù Cảng Bắc. Ông đã bị ép ngồi trên một chiếc ghế nhỏ trong 20 giờ, từ 4 giờ sáng đến tận nửa đêm.
Những kẻ bức hại cũng dùng thuốc lá để đốt thành những cái lỗ trên ghế nhựa từ phía dưới, vì vậy bề mặt ghế trở nên sần sùi với các cạnh sắc bén. Ông Triệu Cương đã bị ép ngồi trên một cái ghế nhỏ như vậy và phải giữ một mảnh giấy giữa hai tay và hai chân. Nếu tờ giấy rơi ra, ông sẽ bị lăng mạ, bị đánh đập và bị phun nước bọt.
Có một cách tra tấn khác thậm chí còn độc ác hơn “ngồi trên ghế đẩu nhỏ”. Một học viên bị giam ở Trại lao động cưỡng bức Đoàn Hà tại Bắc Kinh cao khoảng 1m90 và bị ép ngồi trên một chiếc ghế nhỏ trong nhiều tháng. Thấy ông ấy vẫn không từ bỏ tín ngưỡng, các lính canh đã cắt bỏ 10 cm chiều dài các chân sau của ghế, vì thế ông ấy phải ngồi lên cạnh ghế phía trước. Điều này khiến ông bị đau đớn hơn.
Học viên ông Lưu Tuệ Giang, 44 tuổi, ở Công ty TNHH Quang học Thiên Tân Phú Sỹ đã từng là một sĩ quan tiểu đoàn thuộc Khu 2 của Phòng Tham mưu Quân đội Trung Quốc. Sau chín ngày ngồi trên chiếc ghế nhỏ, mông ông bị loét và mưng mủ, và tình trạng của ông trở nên xấu hơn, với những miếng thịt thối bị dính vào quần. Khi ông cởi quần, những mảng da lớn cũng tróc ra và các vết thương chảy máu rất nhiều. Quần dài và quần lót của ông đầy máu mủ, thậm chí chảy ra sàn nhà, và cả phòng bốc mùi khủng khiếp.
Những kẻ bức hại đã buộc các học viên Pháp Luân Công ngồi lên những chiếc ghế nhỏ như thế nào? Kỹ sư Chu Hướng Dương thuộc Tập đoàn Thiết kế và Khảo sát đường sắt số 3 đã bị bắt giữ và bị đưa đến Nhà tù Cảng Bắc. Ngay khi ông ra khỏi xe công an, bốn tù nhân đã tóm lấy ông, đưa ông vào bên trong và cạo đầu ông. Sau đó họ ép ông ngồi lên một chiếc ghế nhỏ bằng cách ép hai đầu gối của ông từ phía trước, hai đùi từ hai bên và lưng của ông từ phía sau.
Ngày 23 tháng 09 năm 2009, cũng tại Nhà tù Cảng Bắc, học viên ông Ngô Điện Trung đã bị các tù nhân Trương Tỏa, Trương Hiểu Nguyệt, Trương Địch và Trương Kiến Dân ép ngồi trên một chiếc ghế nhỏ. Ông Ngô đã từ chối. Bốn kẻ côn đồ đã bức ép ông phải ngồi. Vì ông Ngô từ chối, nên họ đã nắm chân ông, gập cơ thể ông về phía trước, và dùng lực đè mạnh đầu ông xuống. Đột nhiên, có một âm thanh rạn nứt từ lưng của ông Ngô và toàn bộ cơ thể ông sụp xuống. Ông đã mất mọi cảm giác ở nửa thân trên và từ đó ông bị liệt.
Học viên ông Lâm Thụ Sâm ở thành phố Khánh An, tỉnh Hắc Long Giang có một công việc ở Bắc Kinh sau khi tốt nghiệp đại học. Ông đã bị giam tại Nhà tù Tiền Tiến. Khoảng 5 giờ chiều ngày 17 tháng 01 năm 2007, sau khi ông Lâm ngồi trên chiếc ghế nhỏ cả ngày, tù nhân Dương Kinh Đào lại đến tìm ông. Anh ta chộp lấy vai ông Lâm một cách thô lỗ và thúc đầu gối vào lưng của ông, nói rằng “đang chỉnh tư thế ngồi”. Khi ông Lâm đứng dậy và chống lại, Dương Kinh Đào rất giận dữ và đá ông mạnh đến nỗi mắt cá chân bên phải của ông bị vỡ.
Đôi lúc, các lính canh sử dụng phương thức tra tấn “ngồi trên ghế đẩu nhỏ” và “hầm đại bàng” (tra tấn bằng cách cấm ngủ) chung với nhau để bức hại các học viên Pháp Luân Công. Bà Vương Kim Phạm, một giáo viên thuộc Trường trung học đường sắt số 1 ở Tề Tề Cáp Nhĩ, tỉnh Hắc Long Giang đã bị kết án 10 năm tù. Bà bị giam tại Khu số 9 của Nhà tù nữ Cáp Nhĩ Tân, nơi bà bị ép ngồi trên một chiếc ghế nhỏ và bị cấm nhắm mắt suốt 24 giờ. Nếu nhắm mắt, những kẻ bức hại sẽ phun nước vào mắt bà và đá bà thô bạo. Sau khi ngồi trong một thời gian dài, mông của bà rất đau đớn. Sau bốn hay năm ngày bị tra tấn thể chất và tinh thần như vậy, bà bắt đầu sinh ảo giác: Những dấu vết trên tường biến thành những hình người nhỏ và thậm chí có thể cử động, miếng lót giày của bà dường như mọc thêm 2,5cm tóc, và cả căn phòng trở thành một thứ gì đó khác.
Thậm chí một vật dụng nhỏ bé, tầm thường khi ở trong tay ĐCSTQ cũng trở thành một dụng cụ để tra tấn những người vô tội.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2013/4/27/中共酷刑-坐小凳-272503.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2013/5/10/139324.html
Đăng ngày 10-09-2013. Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.