Bài viết của học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Úc
[MINH HUỆ 02-11-2024] Con xin kính chào Sư phụ!
Chào các đồng tu!
Tôi là một học viên người Việt Nam, 24 tuổi. Tôi đắc Pháp khi gần 20 tuổi. Thời gian đó, tôi đã trải qua nhiều khủng hoảng ở tuổi mới lớn, luôn tự hỏi những câu hỏi như “Ý nghĩa của sinh mệnh thực sự là gì?”. Tôi luôn chịu áp lực rất lớn, cố gắng cân bằng giữa công việc toàn thời gian, công việc tình nguyện, việc học và thực tập, hy vọng chứng minh được giá trị của bản thân thông qua sự thành công trong công việc, các mối quan hệ và sự ổn định về tài chính. Ở nơi đất khách quê người, tôi cảm thấy bơ vơ – không nơi nương tựa, không biết ai để mà tin tưởng, rồi sẽ sống ra sao, nên ở hay trở về.
Trong khoảng thời gian này, tôi may mắn được một người bạn đại học giới thiệu Pháp Luân Đại Pháp. Với sự giúp đỡ của các đồng tu người Việt ở Sydney và các học viên trẻ khác, tôi dần dần bước vào tu luyện và kiên trì cho đến bây giờ. Nhìn lại, những năm vừa qua giống như một chuỗi những sự kiện kỳ diệu và đầy ý nghĩa mà tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ trải qua. Những khoảnh khắc hạnh phúc nhất là khi tôi có thể kết nối với mọi người thuộc các giai tầng xã hội khác nhau, tìm hiểu câu chuyện của họ và chia sẻ vẻ đẹp của Đại Pháp với họ.
Đột phá quan niệm người thường khi giảng chân tướng tại nơi làm việc
Tôi bắt đầu làm việc tại một nhà trẻ vào tháng 8 năm 2023. Môi trường làm việc ở đó hài hòa, hỗ trợ lẫn nhau, chuyên nghiệp và thân thiện. Tôi biết ơn Sư phụ đã an bài cho tôi được làm việc trong một môi trường như vậy. Do Đoàn Nghệ thuật Shen Yun sẽ lưu diễn vào đầu năm nay nên tôi muốn giới thiệu buổi biểu diễn tới các đồng nghiệp đến từ Trung Quốc đại lục và Hồng Kông, đồng thời cũng nhân cơ hội này để giảng chân tướng cho họ.
Tuy nhiên, khi tôi tặng giám đốc nhà trẻ một cuốn lịch Shen Yun, cô ấy và một đồng nghiệp khác đã bật cười và nói “Ồ, Pháp Luân Công”, và họ nói điều gì đó bằng tiếng Trung, tôi hiểu đại khái là “Có lẽ cô ấy không biết”. Tôi rất bất ngờ, không nghĩ họ lại phản ứng như vậy. Tôi cố gắng bình tĩnh lại và nói với họ rằng Shen Yun là buổi diễn nghệ thuật vô cùng đặc sắc, tôi đã xem nhiều lần nên muốn giới thiệu với họ. Họ lại cười và không để ý gì đến tôi.
Dù cảm thấy không thoải mái, nhưng tôi vẫn gạt cảm xúc của mình sang một bên và bắt đầu ca làm việc của mình. Đến giờ ăn trưa, tôi bước vào phòng ăn dành cho nhân viên và nhìn thấy người đồng nghiệp đã cười tôi đang ngồi đó. Tôi giật mình, nghĩ: “Thật trùng hợp”. Tôi bước ra khỏi phòng để bình ổn lại và suy nghĩ thêm về tình huống này.
Hai ý niệm hiện lên trong đầu tôi. Ý niệm đầu tiên là: “Mình cần giảng rõ chân tướng cho cô ấy, rõ ràng đây là cơ hội để cô ấy được cứu.” Nhưng gần như đồng thời, một ý niệm thứ hai xuất hiện: “Nhỡ cuối cùng cô ấy lại có thái độ thù địch với mình, có cái nhìn tiêu cực về Pháp Luân Đại Pháp thì sao? Có lẽ mình nên đợi đến lần sau, khi cô ấy có thể nhìn nhận mình đã trở nên tốt hơn, rồi mình sẽ lên tiếng.”
Tuy nhiên, tôi nhận ra đó là niệm đầu rất ích kỷ và là mong muốn để chứng thực bản thân. Tôi sợ đồng nghiệp này ghét tôi, và không nói chuyện với tôi chỉ vì tôi là một học viên Pháp Luân Công. Điều đó cho thấy tôi quan tâm đến việc giữ thể diện của mình hơn là thực sự nghĩ cho người khác.
Tôi tự nhủ rằng sinh mệnh của mình không phải là để truy cầu những thứ bề mặt như những người khác. Tất cả chúng ta đều vì Pháp mà đến, cơ hội đang ở ngay trước mặt tôi. Tôi cầu xin Sư phụ gia trì giúp tôi vượt qua tâm sợ hãi để giúp chúng sinh này. Tôi hít một hơi thật sâu rồi bước vào phòng nhân viên và chân thành hỏi đồng nghiệp đó xem cô ấy nghĩ thế nào về mối quan hệ giữa Shen Yun và Pháp Luân Công.
Cô ấy giải thích rằng khi lớn lên ở Trung Quốc, mỗi ngày cô đều tiếp xúc với những tuyên truyền chống lại Pháp Luân Công. Tôi có thể nhận thấy sự sợ hãi của cô ấy khi nhắc đến việc này, như thể cô ấy đang nói về thứ gì đó rất nguy hiểm. Tôi mỉm cười, và nói với cô ấy rằng tôi hiểu suy nghĩ của cô ấy. Sau đó tôi giới thiệu mình là một học viên Pháp Luân Công.
Tôi thực sự cảm thấy tiếc cho cô ấy, cũng như cho nhiều người dân Trung Quốc vô tội khác bị ĐCSTQ đầu độc. Tôi giảng chân tướng cho cô ấy, và giải thích về vụ tự thiêu được ĐCSTQ dàn dựng ở Thiên An Môn.
Tôi nhìn cô ấy đầy thông cảm và hỏi: “Chị nghĩ gì về ĐCSTQ, chị có sợ nó không?” Cô ấy trả lời: “Đúng vậy, chúng tôi bị theo dõi ở khắp mọi nơi, và nếu chúng tôi nói bất cứ điều gì khác với ĐCSTQ thì sẽ không có kết cục tốt đẹp”. Tôi cười đáp: “Vậy tại sao chị vẫn tin những gì ĐCSTQ nói về Pháp Luân Công, làm sao chị biết điều đó có phải là sự thật hay không? Giống như những gì đã xảy ra với tất cả những tuyên truyền trước đây nhằm đàn áp những nhóm người mà họ coi là kẻ thù, chỉ vì những nhóm này không phù hợp với những thứ họ muốn kiểm soát.”
Cô ấy đồng ý, nhưng sau đó lại đề cập đến những tuyên truyền bôi nhọ Pháp Luân Công. Tôi đã kể cho cô ấy nghe về trải nghiệm của bản thân: “Tôi đã tu luyện Pháp Luân Đại Pháp được vài năm rồi, chị có thể xem tôi như một minh chứng nhỏ. Tôi trở nên khỏe mạnh hơn sau khi tu luyện Pháp Luân Công. Sau khi tu luyện, tôi càng thêm trân quý sinh mệnh của mình hơn. Mỗi ngày, tôi cố gắng sống cho có ý nghĩa và trở thành một người tốt hơn, không uống rượu, không hút thuốc, và tập trung làm tốt nhiệm vụ được giao, thiện đãi mọi người xung quanh, và mỗi ngày đều cố gắng hành xử theo lời dạy của Sư phụ và nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn.”
Cô chăm chú lắng nghe, sắc mặt cô dần dần thoải mái hơn. Cô ấy hỏi tôi Pháp Luân Công thực sự là gì, và tại sao một người trẻ như tôi lại tu luyện. Tôi kiên nhẫn giải thích, đồng thời chăm chú lắng phản hồi của cô ấy.
Tôi cũng cho cô ấy xem hình ảnh các hoạt động của đồng tu trẻ ở Sydney, từ việc hồng Pháp, luyện công tập thể, đến các hoạt động kết nối như cắm trại, đi bộ đường dài, chơi cầu lông, v.v. Tôi nói với cô ấy rằng không chỉ tôi, mà nhiều bạn trẻ khác ở Sydney cũng tu luyện Pháp Luân Công, bởi vì chúng tôi cùng thực hành Chân-Thiện-Nhẫn, nguyên lý này phù hợp với mọi người ở mọi lứa tuổi và mọi giai tầng xã hội. Cuối cùng, cuộc trò chuyện kết thúc khi tôi phải quay lại ca làm việc của mình. Sau lần đó, đồng nghiệp của tôi chủ động tiếp xúc và hỏi tôi nhiều hơn về những hoạt động tôi thường làm với các đồng tu trẻ khác.
Trước khi phải chuyển việc đến chi nhánh khác, tôi đã viết thư và tặng hoa sen cho tất cả các đồng nghiệp. Trong thư, tôi chia sẻ với họ về giá trị Chân-Thiện-Nhẫn, mà tôi tin cũng sẽ là nguyên tắc chỉ đạo cho mọi người trong cuộc sống. Vào ngày cuối cùng, trưởng nhóm đào tạo của nhà trẻ, cũng đến từ Trung Quốc Đại lục, đã nhờ tôi hướng dẫn cho các nhân viên ở đó một bài công pháp, vì anh ấy đã nghe nói đến môn tu luyện từ lâu nhưng chưa có cơ hội tập.
Ban đầu, tôi nghĩ anh ấy nói đùa, nhưng sau khi nhận ra ý định của anh ấy thực sự chân thành, tôi bảo mọi người xếp thành vòng tròn và hướng dẫn họ học bài công pháp thứ nhất. Các nhân viên đến từ nhiều quốc gia, như Trung Quốc, Nepal và Iran. Trưởng nhóm đào tạo cũng nói về cuộc bức hại, và về những tội ác nhân quyền mà ĐCSTQ đã gây ra. Tôi cũng nói với họ về nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng của ĐCSTQ. Tất cả các nhân viên đều kinh hoàng và đồng ý rằng cuộc bức hại cần phải lập tức chấm dứt.
Cho đến bây giờ, khoảnh khắc đó vẫn rất sống động trong tâm trí tôi. Đối với tôi, đó là triển hiện sự từ bi vô lượng của Sư phụ khi an bài cho tôi đến nhà trẻ này và giảng chân tướng cho các đồng nghiệp ở đây. Tôi nhận ra trước đây khi giảng chân tướng, tôi chỉ dựa vào cảm xúc của bản thân mà nói về Đại Pháp và cuộc bức hại.
Đồng thời, tôi sợ nếu không giải thích được rõ cho mọi người, họ sẽ không còn cơ hội được nghe chân tướng nữa.
Tuy nhiên, qua việc học Pháp và đề cao bản thân mỗi ngày, tôi nhận ra mình cần đứng từ góc độ của người khác mà suy xét vẫn đề. Tôi cần cho họ cơ hội bày tỏ bản thân và hiểu chân tướng từ góc nhìn của họ, thay vì buộc họ phải nghe theo ý tôi. Con xin cảm ân Sư phụ đã ban cho con cơ hội được lĩnh ngộ sâu hơn về Chân-Thiện-Nhẫn trong khi giảng chân tướng tại nơi làm việc.
Điều thú vị là giám đốc chi nhánh của tôi từng nói với tôi rằng cô ấy nhớ trước tôi có hai người đến phỏng vấn, nhưng cô ấy không muốn tuyển dụng họ. Nhưng khi nhìn thấy tôi, cô ấy cảm thấy rằng tôi thuộc về trung tâm này. Điều đó khiến tôi vô cùng cảm động, và lập tức nghĩ đến sự an bài từ bi của Sư phụ dành cho chúng sinh ở đây và cho tu luyện của chính tôi. Con vô cùng biết ơn sự gia trì của Sư phụ!
Giảng chân tướng khi tham gia hạng mục truyền thông
Lúc đầu, khi giảng chân tướng trực diện, tôi chỉ có một cách tiếp cận: đứng trên đường trước quầy thông tin để phát tờ rơi và hỏi người đi đường “anh/ chị/ bạn đã nghe nói về Pháp Luân Công chưa?” Nếu người qua đường sẵn lòng lắng nghe, tôi sẽ nói chi tiết hơn về Pháp Luân Công và cuộc bức hại, cứ tiếp tục như vậy cho đến khi không còn gì khác để nói thì khi đó tôi sẽ để họ đi. Tôi không chắc họ có hiểu điều tôi nói hay không, nhưng với ai cũng vậy, tôi đảm bảo mình đã nói tất cả những gì có thể. Nếu họ hỏi lại, tôi sẽ bực bội và cảm thấy bị xúc phạm, vì tôi không biết trả lời thế nào, điều đó bộc lộ rằng tôi còn chưa lý giải đầy đủ về chân tướng và thiếu niềm tin vào Đại Pháp. Khi gặp phải sự phản đối của mọi người, tôi sẽ dùng cảm xúc mà phản ứng lại, tôi nghĩ: “Sao bạn không tin điều đó là tốt, tại sao bạn không thấy đồng cảm khi nhiều người đang phải trải qua bi kịch như vậy”.
Năm 2022, mọi thứ bắt đầu thay đổi khi tôi được mời tham gia làm phóng viên cho một hạng mục truyền thông Đại Pháp. Nhiệm vụ của tôi là phỏng vấn những người thuộc mọi giai tầng xã hội về nhìn nhận của họ trong các sự kiện của Đại Pháp. Ban đầu, tôi cảm thấy chán nản khi mọi người từ chối trả lời phỏng vấn. Tâm tôi đầy nghi ngờ và lo lắng khi nghĩ đến việc liệu mọi người có coi chúng tôi là một nhóm chính trị hay không. Sau đó, tôi lập nhóm với các học viên lâu năm khác để đi giảng chân tướng. Trước khi mời họ tham gia phỏng vấn, tôi cố gắng hiểu quan điểm của đổi phương và trước tiên giúp họ hiểu về việc mà chúng tôi đang làm. Từ đó, tôi dần điều chỉnh cách tiếp cận với mọi người.
Theo thời gian, tôi nhận ra công việc của mình không chỉ là phỏng vấn mọi người và đặt câu hỏi cho họ, mà còn là cơ hội để tôi giảng chân tướng. Để làm được điều này, tôi cố gắng mở rộng kiến thức của mình, khích lệ họ tham gia cuộc thảo luận hai chiều và giảng chân tướng từ quan điểm của họ.
Sư phụ giảng:
“Hãy dùng lý trí để chứng thực Pháp, dùng trí huệ để giảng rõ chân tướng, dùng từ bi để hồng Pháp và cứu độ thế nhân;” (Lý tính, Tinh Tấn Yếu Chỉ II)
Đầu tiên, để nâng cao chất lượng cuộc phỏng vấn và giảng chân tướng, tôi đã nghiên cứu rất nhiều, đọc nhiều và xem nhiều video và phim tài liệu về nhiều chủ đề khác nhau, gồm cả các sự kiện ở Trung Quốc và trên thế giới. Tôi cũng học được rất nhiều điều từ các cộng sự nhà báo của mình. Điều này giúp tôi có thể nói từ góc độ lịch sử và nhân quyền, đồng thời giúp chúng sinh thấy đồng cảm với chủ đề đưa ra.
Kết quả là khi chúng sinh đặt câu hỏi cho tôi, tôi có thể đưa ra câu trả lời sâu sắc hơn và cho họ một bức tranh toàn cảnh hơn, thay vì chỉ tập trung vào cuộc bức hại và mong chờ sự đồng cảm của họ. Đó là sự chuyển đổi từ việc dựa vào cảm xúc mà giảng chân tướng sang giảng chân tướng một cách lý trí.
Thứ hai, tôi nhận ra rằng khi tôi đặt những câu hỏi kích thích tư duy và cho họ cơ hội nói lên quan điểm của mình, họ sẽ cởi mở hơn trong việc chia sẻ suy nghĩ, tiếp thu chân tướng và hứng thú với cuộc thảo luận. Họ cũng thể hiện sự trân trọng hơn đối với những nỗ lực giảng chân tướng của các học viên. Tôi cảm nhận được những người được phỏng vấn đều rất chân thành, có lương tri, chính nghĩa và tự tôn. Tôi nhận ra không phải chúng tôi đang nhờ họ giúp đỡ, mà họ đến để hoàn thành thệ ước với Sư phụ và chứng thực Pháp. Điều này giúp tôi vượt qua nỗi sợ hãi khi nói chuyện với chúng sinh.
Ví dụ, thay vì việc nói với họ rằng Chân-Thiện Nhẫn là tốt, tôi hỏi họ hiểu gì về mỗi nguyên lý, và họ có thể áp dụng như thế nào trong cuộc sống và các mối quan hệ. Hầu hết mọi người đều đánh giá cao những giá trị phổ quát đó, cũng có một số người cho rằng các nguyên lý này dường như đơn giản nhưng khó thực hiện.
Thông qua những cuộc trò chuyện chân tình, tôi có thể thấy Chân-Thiện-Nhẫn không chỉ giới hạn trong việc tu luyện của chúng ta, mà là những giá trị phổ quát này có những triển hiện khác nhau trong cuộc sống của mỗi người. Tôi bắt đầu coi những người mình gặp như những người bạn cũ, và họ đang hồi tưởng lại hành trình cuộc sống của mình chiểu theo các giá trị Chân-Thiện-Nhẫn.
Trước đây, khi mọi người không lắng nghe, tôi cảm thấy họ đang xúc phạm tín ngưỡng của mình, và tôi cố gắng giữ thể diện và bảo vệ tự ngã. Tôi cũng nhận ra khi lần đầu tiên tham gia các hoạt động giảng chân tướng, tôi coi đó là như một việc thiện để thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa và có cảm giác thành tựu.
Tuy nhiên, từ Pháp, tôi ngộ ra rằng khi Thần nhìn một người, họ nhìn vào toàn bộ hành trình của người đó xuyên suốt nhiều kiếp khác nhau, thay vì chỉ nhìn bề mặt của cá nhân đó.
Sư phụ giảng:
“Mỗi cá nhân đều giống như một bộ sách lịch sử, ai ai cũng tựa như một bộ truyện trường thiên đầy sinh động, những chuyện trải qua hết đời này đời khác khi nhìn lại cũng thật thú vị. Vũ trụ cự đại như vậy, chúng sinh vô lượng vô kể; hết thảy đều huỷ đi thì rất đáng tiếc.” (Thế nào là đệtử Đại Pháp- Giảng Pháp tại Pháp hội New York năm 2011”)
Đoạn Pháp này khiến tôi trân quý chúng sinh và sinh mệnh của họ hơn. Tôi trân quý hành trình từ nhiều kiếp của họ, và có thể thấy sinh mệnh của họ là đáng quý, họ có cơ duyên ở đây, vì vậy tôi không thể coi đó là điều hiển nhiên. Với thể ngộ này, việc giảng chân tướng không còn giống như một nhiệm vụ to lớn khiến người ta thấy sợ hãi hay là một mục tiêu xa vời không thể đạt được.
Lời kết
Nhìn lại, bài học mà tôi rút ra là hãy tập trung vào chúng sinh ngay trước mặt chúng ta, chứ không phải là nhìn vào kết quả ví như tôi có thể phỏng vấn bao nhiêu người, mức độ tiếp thụ của họ hay lượng thông tin mà tôi có thể đưa ra.
Thông qua trải nghiệm giảng chân tướng, tôi học được cách lý giải mọi người từ góc độ của họ, chia sẻ các góc nhìn khác nhau dựa trên Pháp, và thể hiện sự thiện lương của người tu luyện. Tuy nhiên, khi giảng chân tướng, đối với chân tướng Đại Pháp, chúng sinh có thể tiếp nhận hay lĩnh hội được đến đâu, đó là sự lựa chọn của mỗi sinh mệnh. Tôi không thể quyết định kết quả lựa chọn cho từng chúng sinh, nhưng tôi có thể thay đổi phương thức giảng thanh chân tướng của mình, chẳng hạn như làm cho cuộc trò chuyện trở nên thú vị hơn.
Mọi người đều vì Pháp mà đến. Tôi chỉ đưa họ đến gần hơn với giá trị phổ quát Chân-Thiện-Nhẫn, giúp họ bước trên con đường được đắc cứu mà Sư phụ đã an bài.
Trên đây là chút chia sẻ của bản thân. Nếu có điều gì không phù hợp với Pháp, mong các đồng tu từ bi chỉ chính.
Con xin tạ ơn Sư tôn từ bi vĩ đại. Cảm ơn các đồng tu!
(Bài trình bày tại Pháp hội Úc năm 2024)
Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/11/2/484516.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/11/7/221542.html
Đăng ngày 25-11-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.