Bài viết của học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Úc

[MINH HUỆ 01-11-2024] Con xin kính chào Sư phụ!

Chào các đồng tu!

Tôi là một học viên Việt Nam, đã đến Úc từ khi 11 tuổi. Tôi muốn chia sẻ trải nghiệm tu luyện trong khi hỗ trợ xây dựng chỉnh thể học viên trẻ ở Sydney. Mục tiêu của hạng mục này là hỗ trợ các học viên trẻ về phương diện tu luyện cá nhân và cứu người, cũng như tạo môi trường để họ kết nối, chia sẻ và học hỏi lẫn nhau.

Bước vào tu luyện Đại Pháp

Khi mới hơn 20 tuổi, tôi thích du lịch bụi đến các quốc gia khác nhau, khám phá các nền văn hóa và làm quen với con người. Tôi từng sống trong một chiếc xe tải trong vài năm. Thông qua những trải nghiệm này, tôi đã hình thành một tính cách độc lập và tự tin. Tôi cũng học cách giao tiếp với người khác, và hiểu thêm về bản thân và thế giới.

Năm 2017, khi đang đi du lịch ở khu vực trung tâm nước Úc, tôi gặp tai nạn xe hơi nghiêm trọng, và có trải nghiệm cận tử, chứng kiến mọi kỷ niệm tốt đẹp kể từ khi tôi được sinh ra. Tôi cũng nhớ lại về một người bạn từ thời tiểu học, người từng giới thiệu Pháp cho tôi. Sau đó, tôi liên lạc với người bạn đó, và cô ấy bảo tôi đọc Pháp với cô ấy và đi xem Shen Yun ở Đài Loan.

Khi học Pháp, tôi cảm động trước giá trị cốt lõi Chân-Thiện-Nhẫn của Đại Pháp, và đạo lý “phản bổn quy chân”, bởi vì điều đó đưa ra cho tôi tiêu chuẩn đạo đức để trở thành một người tốt hơn.

Nhìn lại, tôi có được góc nhìn mới về trải nghiệm cận tử đó. Khi chiếc xe đang quay trong không trung, tôi cảm thấy có một lực ấn chiếc xe xuống, giúp nó tiếp đất bằng bánh xe thay vì bị lật ngược lại, điều mà có thể đã khiến tôi tử vong. Tôi ngộ ra Sư phụ luôn bảo hộ tôi.

Tôi cũng hiểu rằng Sư phụ đã an bài mọi thứ để tôi có thể làm những gì cần làm, đặc biệt là các hạng mục Đại Pháp để cứu người. Ví dụ, từ kinh nghiệm thời thơ ấu của tôi về việc sống độc lập và bị đối xử tệ bạc bởi họ hàng phía cha tôi, tôi có thể cảm thông với những khó khăn, nỗi đau và sự cô đơn của người khác.

Tôi hiểu rằng mọi người trên thế giới này đều từng là thân nhân của Sư phụ. Do đó, khi tham gia các hạng mục và giúp đỡ người khác, tôi cảm thấy như mình gặp lại người thân, tìm thấy một mảnh ghép còn thiếu mà tôi đang tìm kiếm.

Vấn đề trong môi trường tu luyện

Sau khi bước vào tu luyện vào cuối năm 2018, tôi phải chật vật để tìm kiếm một môi trường tốt để đề cao bản thân. Tôi nhận thấy có hai vấn đề chính.

Vấn đề đầu tiên tôi nhận thấy là thiếu sự kết nối sâu sắc giữa các học viên. Sau khi học Pháp nhóm và luyện công nhóm, hầu hết các học viên về nhà hoặc thông báo về các hạng mục, mà không chia sẻ về tu luyện tâm tính hoặc kết nối với nhau. Tôi thất vọng và bối rối, vì tôi cảm thấy như không ai có thể truyền cảm hứng và hỗ trợ tôi về phương diện tu luyện, ngoại trừ một đồng tu Việt Nam sau này trở thành vợ tôi. Môi trường nhóm cho các học viên trẻ không phải người Trung Quốc gần như không tồn tại.

Đối với một học viên mới, điều này tạo thêm một tầng khó khăn trong tu luyện. Trong khi đó, đối với các hạng mục Đại Pháp, đây dường như là nguyên nhân chính của việc thiếu nhân lực. Không phải vì chúng ta không giảng chân tướng đủ để có thêm học viên mới, mà là vì không có môi trường để giữ họ ở lại.

Tôi cũng biết một số học viên trẻ, vì thiếu môi trường tốt và không có đủ sự hỗ trợ về mặt tinh thần và xã hội, trở nên kém tinh tấn, và sau đó rời bỏ Đại Pháp. Môi trường tu luyện của các học viên phương Tây cũng gặp phải vấn đề tương tự. Tôi nghĩ rằng nếu vấn đề này tiếp tục, nó sẽ cản trở quá trình cứu chúng sinh ở Úc. Điều này cũng giống tình trạng của các học viên Nhật Bản.

Sư phụ giảng:

“[Ở] Nhật Bản, thì chính là đệ tử Đại Pháp người Hoa đang có tác dụng chủ đạo. Rất nhiều người Nhật Bản địa phương cần được đắc Pháp, đừng ảnh hưởng việc họ tiến vào. Tôi đã thấy tình huống này, nhưng mỗi địa phương đều có khó khăn của mình, có vấn đề thì các đệ tử Đại Pháp chư vị nên cùng nhau nghĩ biện pháp nên làm thế nào giải quyết cho tốt.

Nếu là vì phương diện này khiến đệ tử Đại Pháp người Nhật Bản không tiến vào được, thì đã là vấn đề rồi. Đệ tử Đại Pháp Nhật Bản chư vị là cứu người Nhật Bản. Đương nhiên trong phản bức hại, đối với cuộc bức hại này của tà đảng Trung Cộng thì mọi người đều lên tiếng, đi ngăn chặn và vạch trần bức hại, đó là trách nhiệm của chúng ta, mà chủ yếu chư vị không phải cứu người sao, [học viên] ở địa phương [nào] thì vẫn là cần cứu người địa phương [đó].” (Giảng Pháp tại Pháp hội New York 2015)

Tuy nhiên, khi tôi nêu lên những quan ngại của mình với các học viên khác, họ không thừa nhận đây là một vấn đề cần khắc phục, mà thay vào đó chấp nhận hiện trạng. Một lý do thường được đưa ra là nếu một người không thể vượt qua khảo nghiệm này, hoặc không tiếp tục tu luyện khi gặp khó khăn, thì có nghĩa là họ không đủ tốt hoặc không đủ duyên phận.

Tuy nhiên, thể ngộ của tôi là môi trường đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo ảnh hưởng cho mọi người, và chúng ta không thể cải thiện cho đến khi nhận ra các vấn đề đang tồn tại.

Vấn đề thứ hai mà tôi nhận thấy là về hình ảnh của các học viên trong xã hội người thường. Lúc đầu, ấn tượng của tôi về một số học viên là họ thường sống khép kín, có thái độ hơi tiêu cực và không chú ý đầy đủ đến ngoại hình. Ngoài ra, một số học viên không có mối quan hệ tốt với gia đình, hoặc không cư xử phù hợp với xã hội Úc. Điều này có thể ảnh hưởng đến nỗ lực chứng thực Pháp cho người thường.

Hơn nữa, một số học viên dành phần lớn thời gian của họ cho các hạng mục, điều đó là tốt. Tuy nhiên họ lại thiếu các kỹ năng xã hội cần thiết để tương tác với chúng sinh trong xã hội chủ lưu phương Tây. Họ không có nhiều chủ đề chung để nói chuyện, và họ tin rằng sống trong xã hội người thường là lãng phí thời gian. Điều này khiến những người khác hình thành ấn tượng rằng các học viên Đại Pháp chỉ quan tâm đến các vấn đề nhân quyền và tu luyện của họ, thay vì cởi mở và kết nối với cộng đồng. Tôi nghĩ đây là một lý do tại sao chúng ta không thể tạo ra sự đột phá trong xã hội chủ lưu, bởi vì mọi người coi chúng ta là người ngoài cuộc và không cảm nhận được thiện tâm của chúng ta.

Theo thể ngộ của tôi, mục đích của người tu luyện trong quá khứ là giải thoát cá nhân, và người tu luyện đều tách biệt với xã hội. Tuy nhiên, Đại Pháp là tu luyện trong người thường, và sứ mệnh của đệ tử Đại Pháp là cứu người. Do đó, tôi tin rằng các học viên nên xây dựng những mối quan hệ tích cực với chúng sinh. Chúng ta cần được người khác liễu giải và chấp nhận, trước khi chúng ta có thể giảng chân tướng hoặc hồng Pháp cho họ.

Vai trò quan trọng của các học viên trẻ trong việc chứng thực Pháp và cứu độ chúng sinh

Các học viên trẻ có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc thay đổi cách nhìn nhận về học viên Pháp Luân Đại Pháp. Nó tương tự như cách các vũ công Shen Yun, chủ yếu là các học viên trẻ, giảng chân tướng cho giới chủ lưu. Họ được giáo dục tốt, lịch sự và ăn mặc chỉnh tề. Điều đáng lưu ý nữa là trường Phi Thiên đào tạo những người trẻ tuổi và giáo dục họ về văn hóa và nghi thức truyền thống.

Theo thể ngộ của tôi, để mang lại hình ảnh tích cực về Đại Pháp cho giới chủ lưu Úc, và giải quyết vấn đề nhân lực cho các hạng mục, các học viên trẻ nên có một môi trường giúp đỡ lẫn nhau trong tu luyện và cuộc sống hàng ngày, cũng như thảo luận về các chủ đề giúp họ phát triển trong xã hội.

Tôi cũng nhận ra cách tiếp cận thúc ép các học viên học Pháp và khuyên họ tham gia các hạng mục khi họ chưa sẵn sàng hoặc không trong trạng thái tu luyện tốt là không hiệu quả.

Thể ngộ này tạo động lực cho tôi giúp đỡ mọi người, và chủ động triển khai hạng mục tôi muốn chia sẻ này.

Hình thành chỉnh thể học viên trẻ

Từ Pháp, tôi ngộ rằng sự thay đổi cần từ cấp độ vi mô đến vĩ mô, cho đến tận bề mặt. Theo thể ngộ của tôi, nó cũng có thể áp dụng trong môi trường của người tu luyện. Tôi ngộ ra rằng để hình thành chỉnh thể, mọi thứ cần phải được thực hiện từ trong ra ngoài thông qua ba lớp: Lớp thứ nhất là những học viên tinh tấn. Lớp thứ hai là những học viên mới và chưa đủ tinh tấn, con của các học viên và những người đã rời bỏ tu luyện. Lớp thứ ba là người thường.

Đó là một cách tiếp cận có hệ thống, trong đó một khi lớp bên trong trở nên vững chắc, nó sẽ có tác động tích cực đến các lớp bên ngoài. Ví dụ, một khi các học viên tinh tấn hình thành một môi trường tích cực, nó có thể khuyến khích các học viên mới ở lại và trở nên tinh tấn hơn. Với thể ngộ mới này, tôi bắt đầu giúp cải thiện lớp đầu tiên. Tôi cố gắng tìm hiểu xem các học viên trẻ muốn và cần gì trong môi trường này. Tôi dành thời gian nói chuyện với họ, hiểu kinh nghiệm và quan điểm của họ. Sau đó, tôi chia sẻ suy nghĩ của mình với họ và tìm kiếm phản hồi về những ý tưởng này.

Trong quá trình này, tôi nhận ra một lý do chính ngăn cản chúng ta hình thành chỉnh thể mạnh mẽ là sự thiếu tin tưởng giữa các học viên. Bởi vì sợ bị người khác phán xét, nên chúng ta không chia sẻ các chấp trước của mình và chọn giữ mọi thứ cho riêng mình. Theo thời gian, điều này có thể dẫn đến việc ngừng kết nối và mâu thuẫn.

Vì vậy, mục tiêu đầu tiên của tôi là giúp xây dựng lòng tin giữa các học viên trẻ.

Chúng tôi làm điều này thông qua các hoạt động kết nối, chẳng hạn như cắm trại, ăn tối và chèo thuyền, cũng như các sự kiện để tìm hiểu về văn hóa truyền thống. Và điều quan trọng là chúng tôi học Pháp nhóm hàng tuần bằng tiếng Anh.

Các hoạt động gắn kết này rất quan trọng, vì chúng cho phép các học viên trẻ phát triển mối liên kết bền vững hơn trong một môi trường nồng ấm, thoải mái, thu hút và tự nguyện.

Những hoạt động này cũng là cơ hội tuyệt vời để các học viên trẻ học cách phối hợp và giao tiếp, phát triển các kỹ năng quan trọng để thực hiện các hạng mục, và hỗ trợ lẫn nhau trong cuộc sống hàng ngày và tu luyện.

Ví dụ, trong một hoạt động chèo thuyền, tôi nhận thấy một học viên trẻ Trung Quốc dường như bị tách khỏi những người khác. Bạn ấy không tham gia các hoạt động nhóm hoặc nói chuyện với mọi người, mà tập trung vào điện thoại của mình. Tôi đã giới thiệu bạn ấy với những người khác.

Hơn một năm sau, bạn ấy nói rằng rất cảm kích việc tôi đã giúp bạn ấy ngày hôm đó. Trước sự ngạc nhiên của tôi, bạn ấy giải thích rằng khi còn nhỏ, ở Trung Quốc, những đứa trẻ khác không muốn chơi với bạn ấy vì cha bạn ấy là một học viên Đại Pháp và bị bức hại. Kể từ đó, bạn nghĩ việc không có bạn bè là điều bình thường. Tôi rơm rớm nước mắt khi nghe câu chuyện này. Tôi đã không nhận ra một hành động nhỏ lại có ý nghĩa lớn đối với học viên này. Sau này, thông qua nhiều tương tác hơn với các học viên trẻ khác, học viên Trung Quốc này đã trở nên tự tin hơn, có nhiều bạn bè hơn và trở nên thoải mái để chia sẻ với người khác.

Mục tiêu của việc học Pháp nhóm là tham gia thảo luận, khuyến khích thói quen hướng nội, và vượt ra ngoài việc chỉ chia sẻ về các hạng mục. Để đạt được điều này, tôi cần phải bắt đầu với chính mình. Vì vậy, vợ tôi và tôi đã chia sẻ về những thiếu sót của bản thân, chẳng hạn như tâm sợ hãi và phán xét người khác. Một số học viên bắt đầu làm theo, chia sẻ cởi mở và trung thực hơn về những khổ nạn và quá trình tu luyện của họ.

Sau đó, trong mỗi buổi chia sẻ, chúng tôi có 2 chủ đề chính: điều chúng tôi ngộ được từ trong Pháp ngày hôm đó, và các chủ đề liên quan đến đề cao bản thân được thay đổi hàng tuần. Ví dụ về các chủ đề đề cao cá nhân bao gồm làm thế nào để tu luyện tốt hơn trong môi trường làm việc, quản lý thời gian, kỹ năng giao tiếp, quản lý tài chính và xử lý các mối quan hệ với các thành viên trong gia đình.

Mỗi chủ đề mang đến cho chúng tôi những khía cạnh khác nhau về việc trở thành một người tốt. Thông qua ý kiến đóng góp của mọi người, chúng tôi có thể mở rộng tầm nhìn, học hỏi kinh nghiệm của nhau và tìm ra điểm thiếu sót. Từ đó, chúng tôi học cách chứng thực Pháp theo những cách khác nhau, biết cách thích nghi tốt hơn với xã hội chủ lưu và giảng chân tướng cho mọi người một cách tự nhiên hơn.

Bằng cách thực hiện các bước nhỏ và vững chắc, nhóm học Pháp của chúng tôi dần trở thành một nơi mà mọi người có thể chia sẻ cởi mở hơn. Một số chia sẻ cảm động đến mức mọi người xúc động rơi nước mắt và ở lại đến 11 giờ đêm, không muốn rời đi. Một số học viên cho biết họ trân quý nhóm học Pháp này vì đã giúp họ đề cao thể ngộ về Pháp và thêm kiên định.

Tu bỏ tâm oán hận, tu xuất tâm từ bi

Trong quá trình triển khai hạng mục này, tôi đã gặp nhiều khảo nghiệm, giúp tôi đề cao tâm tính của mình.

Tôi đã phải đối mặt với rất nhiều phản đối và chỉ trích từ các học viên khác, những người không nhận thấy tầm quan trọng của những việc tôi làm. Tôi tiếp tục tự hỏi liệu những gì mình làm có đúng không. Tôi cảm thấy bối rối, không biết phải làm gì. Tôi cảm thấy bực bội, nghĩ tại sao không xây dựng môi trường như thế này từ trước, tại sao các học viên khác không cảm ơn việc tôi đang cố gắng giúp đỡ họ, và tại sao tôi phải làm những việc khó khăn.

Tôi cũng có thái độ phán xét đối với một số học viên trẻ mà tôi nghĩ không đạt tiêu chuẩn, và coi thường họ. Tôi thậm chí còn lo sợ mình sẽ trở nên tiêu cực và giải đãi như một số học viên nếu tu luyện lâu hơn.

Mặc dù xuất phát điểm của tôi là giúp đỡ người khác, nhưng tôi dung dưỡng sự tiêu cực, oán hận và phàn nàn. Kết quả là, không chỉ tín tâm của tôi vào Đại Pháp bị lung lay, mà tôi còn cảm thấy mông lung về những việc cần làm.

May mắn thay, nhờ sự chỉ đạo của Pháp và sự hỗ trợ liên tục của vợ, tôi học được cách bao dung hơn, giúp tôi vượt qua sự tiêu cực, và tập trung vào việc tìm giải pháp.

Tôi hướng nội để xem tại sao tình hình lại trở nên như vậy, và tôi bắt đầu đặt mình vào vị trí của người khác. Tôi có thể thấy cuộc bức hại đã ảnh hưởng đến các học viên lâu năm ở Trung Quốc như thế nào về mặt thân thể, tài chính và danh dự. Khi họ chuyển đến một đất nước mới, họ phải bắt đầu lại từ đầu, vật lộn để kiếm sống và thích nghi với một nền văn hóa mới. Đồng thời, họ cũng nỗ lực hết sức để nâng cao nhận thức về cuộc bức hại. Tôi ngưỡng mộ những học viên lâu năm đó. Đối với họ, dường như ưu tiên hàng đầu là tìm lại công bằng cho Đại Pháp bằng cách mang chân tướng đến với nhiều người hơn. Sự hy sinh vô điều kiện này, đối với các học viên trẻ, gồm cả tôi, có thể là khó mà hiểu được và đồng hành.

Mặt khác, tôi thấy rằng trong những tình huống khó khăn này, một số học viên lâu năm phải vật lộn để chứng thực Pháp trong môi trường gia đình. Một số người không có đủ thời gian để kết nối với con cái của họ, thay vào đó mong chúng học Pháp và tự ngộ ra.

Kết quả là, một số em không thấy được vẻ đẹp của Đại Pháp qua hành xử và thái độ của cha mẹ. Khi lớn lên, các em không có cảm hứng để tiếp tục tu luyện, và bị kéo xuống bởi những cám dỗ trong xã hội.

Đối với các học viên trẻ đến từ Trung Quốc, tôi nhận ra họ lớn lên trong một môi trường phức tạp, và phải chịu áp lực tinh thần từ cuộc bức hại. Điều này ảnh hưởng đến cách họ cư xử và hành động. Tư tưởng của họ thấm đẫm văn hóa đảng.

Sau khi học cách suy nghĩ cho người khác trước, tôi đã thay đổi cách tiếp cận của mình. Thay vì phán xét, tôi cố gắng đồng cảm và bao dung để tìm hiểu mọi người và câu chuyện của họ. Tôi nhận ra cách để giúp đỡ các học viên trẻ này không phải là ép buộc họ làm điều gì đó, mà là truyền cảm hứng, hướng dẫn và hỗ trợ họ. Sau đó, trong quá trình làm việc, họ sẽ thu được nhiều điều quý giá và đề cao. Sự thay đổi thực sự không đến từ áp lực bên ngoài, mà xuất phát từ trong tâm. Sự kết nối và tin tưởng không đến từ việc mở một khóa học và nói với mọi người cần làm gì, mà từ các tương tác hàng ngày.

Tôi cũng ngộ ra rằng khi quá tiêu cực và đi đến cực đoan, tôi không phù hợp với nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn, vì vậy trí huệ không được khai mở. Nhưng một khi tôi vượt qua khổ nạn và đề cao tâm tính, Sư phụ sẽ ban cho tôi trí huệ, và tôi có thể thúc đẩy hạng mục tiến lên.

Hiểu rõ hơn về tiến trình Chính Pháp

Pháp của Sư phụ cũng đã giúp tôi hiểu rõ về vấn đề này, và giúp hóa giải tâm oán hận của tôi đối với các học viên lâu năm.

Có lần, khi tôi phàn nàn về môi trường tu luyện, một đồng tu đã chia sẻ cho tôi một đoạn Pháp trong Chuyển Pháp Luân:

“Xã hội nhân loại chúng ta đang phát triển chiểu theo quy luật lịch sử; chư vị nghĩ rằng phát triển thế này, đạt mục tiêu thế kia; tuy nhiên sinh mệnh cao cấp kia lại không nghĩ thế. Con người cổ đại ấy, họ có nghĩ đến máy bay, tầu hoả, xe đạp của ngày hôm nay không? Tôi nói rằng không nhất định là không nghĩ đến. Là vì lịch sử chưa phát triển đến quá trình ấy, họ cũng chưa sáng tạo ra.” (Bài giảng thứ chín, Chuyển Pháp Luân)

Tôi chợt ngộ ra những gì tôi muốn xảy ra chưa từng xảy ra, vì thời điểm chưa phù hợp. Giai đoạn trước đó là giảng chân tướng và để chúng sinh biết về Đại Pháp. Các học viên lâu năm đã nỗ lực hết mình trong giai đoạn lịch sử đó. Bây giờ là lúc chúng ta phải cố gắng hết sức trong giai đoạn lịch sử của mình, tiếp nối thế hệ trước và tiếp tục tiến trình Chính Pháp. Trao quyền cho các học viên trẻ là một cách để làm điều này, và là con đường mà tôi đang đi.

Nhờ điểm hóa của Sư phụ, tôi có thể thay đổi suy nghĩ của mình, từ việc xem hạng mục như một gánh nặng sang đón nhận một cách tích cực. Vài năm trước, tôi có một giấc mơ về việc Sư phụ giảng Pháp ở Sydney. Sau khi giảng Pháp, Sư phụ nói: “Bây giờ là lúc để các nhóm họp hạng mục.” Tôi thấy mình ngồi trong một vòng tròn với nhiều người mà tôi chưa biết, ngoại trừ vợ tôi. Nhưng tôi biết mình không ngồi trong nhóm học viên lớn tuổi. Nó khiến tôi nhận ra việc giúp đỡ các học viên trẻ là sứ mệnh của tôi, là trách nhiệm của tôi, là sự thật mà tôi cần chấp nhận và nỗ lực để cải thiện.

Lời kết

Tôi bắt đầu hạng mục kết nối các học viên trẻ này với mong muốn đơn giản là giúp đỡ người khác, nhưng những gì tôi nhận được còn nhiều hơn những gì tôi đã phó xuất. Tôi minh bạch hơn về những gì mình cần làm, tu xuất tâm từ bi và vị tha, và học cách thừa nhận rằng mỗi người có con đường tu luyện khác nhau. Những người tôi giúp đỡ thực sự đang giúp tôi tu luyện tốt hơn. Tôi học được cách chấp nhận những lời chỉ trích, cách hướng dẫn, phát triển tầm nhìn và chiến lược hóa. Khi gặp mâu thuẫn, tôi cần liên tục đề cao bản thân để hạng mục luôn tiến lên.

Nỗ lực hình thành chỉnh thể không chỉ tác động đến các học viên trẻ, mà còn để chứng thực Pháp cho các đồng nghiệp và các thành viên trong gia đình. Sự thay đổi thái độ của bố vợ tôi, một doanh nhân thành đạt, là một ví dụ. Ông nói với tôi rằng vợ chồng tôi đi trước thế hệ trẻ này, vì hầu hết những người ở độ tuổi của chúng tôi chỉ tập trung vào việc kiếm tiền và tìm kiếm lợi ích cá nhân, và phải đến khi già đi thì họ mới nghĩ đến việc giúp đỡ người khác. Bố vợ tôi từng phản đối việc vợ tôi tu luyện, nhưng bây giờ ông ủng hộ Đại Pháp, và nói rằng ông cảm thấy được truyền cảm hứng từ hạng mục các học viên trẻ.

Trong khi đó, các đồng nghiệp thường chúc chúng tôi sức khỏe để tiếp tục cống hiến cho cộng đồng và mang lại nhiều lợi ích hơn cho các học viên trẻ. Họ nói rằng thế giới cần nhiều người trẻ vị tha và đạo đức cao thượng để có một tương lai tốt đẹp hơn.

Khi nhìn thấy sự cải thiện trong môi trường tu luyện, chẳng hạn như mối liên kết mạnh mẽ hơn giữa các học viên, tôi coi đó là sự khích lệ từ Sư phụ rằng tôi đang đi đúng hướng. Điều đó củng cố chính niệm và sự tự tin của tôi. Việc tham gia hạng mục này đã cho tôi năng lượng vô tận và cảm thấy ý nghĩa, bởi tôi biết tôi đang đoái hiện sứ mệnh của mình.

Tôi liên tục thảo luận về các ý tưởng và suy nghĩ về cách làm cho mọi thứ tốt hơn. Tôi sẽ không thể vượt qua những khó khăn này nếu không có sự hỗ trợ của vợ tôi và các học viên trẻ khác, sự tận tâm và kiên trì của họ khiến tôi cảm động sâu sắc và tạo động lực cho tôi.

Trên hết, con thực sự cảm ân Sư phụ. Con tin rằng bất cứ điều gì Sư phụ an bài là để con hoàn thành sứ mệnh và tu luyện bản thân.

Trên đây là những chia sẻ của tôi. Xin vui lòng chỉ ra bất cứ điều gì không phù hợp với Pháp.

Con xin cảm tạ Sư phụ. Cảm ơn các đồng tu!

(Bài trình bày tại Pháp hội Úc châu năm 2024)

Bản quyền © 2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/11/1/484511.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/11/4/221493.html

Đăng ngày 19-11-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share