Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc

[MINH HUỆ 27-08-2024] Minghui.org trước đây đã đưa tin về việc kết án 6 cư dân thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, vì tu luyện Pháp Luân Công. Bà Đoạn Quỳnh Anh và bà Lý Đào đều bị kết án 3 năm 6 tháng tù. Bà Vu Xuyên Trình bị kết án 3 năm tù. Bà Từ Nguyệt Cầm và bà La Nghĩa bị kết án 2 năm 8 tháng tù. Bà Lý Tuấn bị kết án 2 năm 2 tháng tù. Tất cả các học viên đều bị phạt từ 6.000 đến 12.000 Nhân dân tệ. Họ đã kháng án.

Ngày 25 tháng 7 năm 2024, 6 học viên bị xét xử độc lập tại tòa án quận Ôn Giang. Vương Dĩnh (phó chánh án) chủ trì phiên tòa xét xử bà Lý Tuấn, bà Từ và bà Đoạn, và một phó chánh án khác, Đổng Mẫn, giám sát phiên tòa xét xử 3 học viên còn lại. Thẩm phán Hồ Vi Vi và một phó chánh án thứ ba, Mã Khắc Tây, có mặt tại cả 6 phiên tòa.

Trong báo cáo này, chúng tôi bổ sung thông tin về các phiên tòa và cách thẩm phán Hồ cản trở đại diện pháp lý của các học viên và kết án họ một cách phi pháp.

Thân nhân bào chữa không được phép xem xét hồ sơ vụ án của các học viên hoặc đại diện cho họ tại tòa án

Sau khi 6 học viên bị bắt vào ngày 24 tháng 5 năm 2023, con gái của bà Lý Tuấn, bố chồng của bà Từ, con gái của bà La và chồng của bà Lý Đào nộp đơn xin làm người thân bào chữa. Thẩm phán Hồ tìm đủ mọi lý do để từ chối đơn của họ.

Khi bác bỏ chồng của bà Lý Đào, thẩm phán Hồ lập luận rằng ông là nhân chứng bên công tố vì ông đã trả lời các câu hỏi của cảnh sát về việc vợ ông đọc sách Pháp Luân Công và luyện công ở nhà khi ông đến lấy đồ dùng cá nhân của bà tại đồn công an.

Bố chồng của bà Từ bị từ chối vì ông cũng tu luyện Pháp Luân Công. Ông cũng không được phép tham dự phiên tòa.

Con gái của bà La ban đầu được chấp thuận làm thân nhân bào chữa cho bà, nhưng thẩm phán Hồ không cho phép cô xem xét hồ sơ vụ án và cáo trạng của bà La, khăng khăng rằng chỉ có luật sư mới có thể làm như vậy. Không còn lựa chọn nào khác, con gái của bà La phải thuê luật sư cho bà. Khi cô đi cùng luật sư đến tòa để xem xét hồ sơ vụ án của mẹ mình, thẩm phán Hồ đảo ngược quyết định, không cho phép cô làm thân nhân bào chữa với lý do cô đang mang thai.

Ngoài ra, thẩm phán Hồ chỉ cho phép luật sư của bà La đọc và chép tay tài liệu vụ án, không được photo hoặc chụp ảnh. Luật sư nộp đơn khiếu nại thẩm phán Hồ, cuối cùng ông ta cho phép luật sư photo, nhưng vẫn không được phép chụp ảnh. Thẩm phán Hồ cũng yêu cầu luật sư ký một thỏa thuận cam kết.

Con gái của bà Lý Tuấn nhiều lần yêu cầu xem xét hồ sơ vụ án của bà, nhưng thẩm phán Hồ liên tục trì hoãn. Chỉ sau khi con gái bà nộp các đơn khiếu nại chống lại thẩm phán Hồ, ông ta mới cho phép cô xem xét hồ sơ vụ án, nhưng không được photo hoặc chụp ảnh. Cuối cùng, cô cũng được phép bào chữa cho mẹ mình tại tòa.

Thẩm phán Hồ cũng liên tục phớt lờ yêu cầu gặp mặt của con gái bà Lý. Vì cô kiên trì đòi công lý cho mẹ mình, thẩm phán Hồ sắp xếp cho cô gặp bà Lý trực tuyến tại tòa. Thư ký tòa án Trần Lộ Dao theo dõi toàn bộ cuộc trò chuyện. Đây là lần duy nhất con gái bà Lý nói chuyện với bà trước phiên tòa ngày 25 tháng 7 năm 2024.

Các thành viên gia đình không được phép tham dự phiên tòa

Vào ngày diễn ra phiên tòa, lối vào tòa án được một số cảnh sát vũ trang bảo vệ. Mọi người vào tòa nhà để tham dự phiên tòa đều phải trải qua 2 lần kiểm tra an ninh và nộp căn cước và điện thoại di động. Cảnh sát cẩn thận đối chiếu tên của họ với danh sách các học viên Pháp Luân Công không được phép tham dự phiên tòa. Một số học viên, bao gồm người nhà của các học viên bị xét xử, bị chặn lại ở lối vào tòa án. Những người tham dự cho biết, ở đó chủ yếu là các nhân viên cộng đồng và thực tập sinh.

Phiên tòa xét xử bà Lý Tuấn, bà Vu và bà Đoạn

Bà Lý Tuấn là người đầu tiên bị xét xử vào ngày 25 tháng 7 năm 2024. Bà xuất hiện tại tòa vào khoảng 10 giờ sáng. Con gái bà đề nghị cho bà thay quần áo tù nhân bằng quần áo bình thường. Các thẩm phán chấp thuận yêu cầu này.

Bà Lý khẳng định mình không vi phạm bất kỳ điều luật nào khi tu luyện Pháp Luân Công. Con gái bà cũng bào chữa vô tội cho bà. Cô lập luận rằng không có cơ sở pháp lý nào cho cuộc bức hại, và không có bằng chứng nào cho thấy mẹ của cô đã gây ra tổn hại cho bất kỳ ai hoặc bất kỳ điều gì. Phiên tòa kết thúc vào khoảng 12 giờ trưa.

Chiều hôm đó, các thẩm phán vội vã xét xử bà Vu và bà Đoạn, cả hai đều đã ngoài 60 tuổi. Sau đó, họ tuyên án cho 3 học viên.

Phiên tòa xét xử bà Từ, bà La và bà Lý Đào

Bà Từ, bà La và bà Lý Đào bị xét xử độc lập sau 3 phiên tòa đầu tiên vào ngày hôm đó.

Cả 3 học viên đều có luật sư đại diện. Bố chồng của bà Từ bị từ chối yêu cầu đại diện cho bà vì ông cũng tu luyện Pháp Luân Công. Ông và con trai, ông Tôn Hào, cũng không được phép tham dự phiên tòa. Chồng của bà Lý không được phép đại diện cho bà (vì cảnh sát đã lừa ông trả lời các câu hỏi về việc bà Lý tu luyện Pháp Luân Công và liệt kê ông là nhân chứng trong vụ án của bà). Chị gái của bà nộp đơn xin làm thân nhân bào chữa cho bà vài ngày trước phiên tòa và đã được chấp thuận.

Khi thấy con gái bà La ngồi cùng luật sư, thẩm phán chủ tọa Đổng yêu cầu cô rời đi, với lý do thẩm phán Hồ từ chối đơn xin làm thân nhân bào chữa của cô vì cô đang mang thai.

Con gái bà La đề nghị các thẩm phán đưa ra cơ sở pháp lý cho quyết định của họ. Vì cô kiên định muốn bào chữa cho mẹ mình, các thẩm phán phải hoãn phiên tòa và yêu cầu con gái bà ký vào giấy miễn trừ trách nhiệm nếu có bất kỳ điều gì xảy ra với cô trong quá trình bào chữa. Cuối cùng, cô được phép đại diện cho mẹ mình.

Cô và luật sư bào chữa vô tội cho bà La. Họ lập luận rằng không có luật nào ở Trung Quốc hình sự hóa Pháp Luân Công, và công tố viên không đưa ra bằng chứng để chứng minh cách bà “lợi dụng tổ chức tà giáo để phá hoại việc thực thi pháp luật”, cái cớ tiêu chuẩn được sử dụng để truy tố và kết án các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc. Thẩm phán chủ tọa Đổng liên tục ngắt lời bào chữa của họ, và tuyên bố “chính phủ đã quyết định cách kết án các học viên Pháp Luân Công từ lâu, và chúng ta không cần phải thảo luận về điều đó ở đây”. Ông ta từ chối trình bày cơ sở pháp lý khi bị con gái bà La gây áp lực.

Trong phiên tòa xét xử bà Lý, luật sư của bà lập luận rằng thẩm phán Hồ luôn tự giới thiệu mình là thẩm phán chủ tọa phụ trách vụ án, nhưng tòa án không thông báo trước cho ông, do vậy theo luật thì ông Đổng là thẩm phán chủ tọa. Theo yêu cầu của ông, hội đồng chấp thuận để bà Hồ và ông Đổng đổi vai trò cho nhau.

Luật sư của bà Lý chất vấn công tố viên về lý do tại sao lúc đầu ông ta truy tố các học viên này với tội danh “kích động lật đổ chính quyền”, sau đó lại chia vụ án chung của họ thành 6 vụ án độc lập và đổi tội danh thành “lợi dụng tổ chức tà giáo để phá hoại việc thực thi pháp luật”. Công tố viên không trả lời câu hỏi.

Trong khi chị gái bà Lý bào chữa cho bà, thì Đổng liên tục ngắt lời.

Phiên tòa kết thúc vào khoảng 10 giờ tối, và thẩm phán kết án cả 3 học viên.

Ngoài 6 học viên trên, 2 học viên khác là ông Tôn Hạo (không phải chồng bà Từ) và ông Vương Văn Đào cũng bị tòa án quận Ôn Giang xét xử vào cùng ngày. Ông Tôn được tại ngoại và ông Vương đang bị quản thúc tại gia.

Báo cáo liên quan:

Sáu cư dân Tứ Xuyên bị kết án tù vì tu luyện Pháp Luân Công

Tám cư dân Tứ Xuyên bị xét xử vì đức tin vào Pháp Luân Công

Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/8/27/481273.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/9/10/219898.html

Đăng ngày 17-10-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share