Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc
[MINH HUỆ 03-08-2024] Ngày 25 tháng 7 năm 2024, 6 cư dân thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên bị kết án tù vì tu luyện Pháp Luân Công, môn tu luyện bị chế độ Cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.
Bà Đoạn Quỳnh Anh và ông Lý Đào đều bị kết án 3 năm 6 tháng tù. Bà Vu Xuyên Trình bị kết án 3 năm tù. Bà Từ Nguyệt Cầm và ông La Nghĩa đều bị kết án 2 năm 8 tháng tù. Ông Lý Tuấn bị kết án 2 năm 2 tháng tù. Tất cả các học viên này đều bị phạt tiền, nhưng chưa rõ là bao nhiêu. Họ đều kháng cáo bản án của tòa án.
Hai học viên khác, ông Tôn Hào và ông Vương Văn Đào, cũng bị Tòa án quận Ôn Giang xét xử cùng ngày. Không rõ liệu họ có bị kết án hay không.
Bị bắt và giam giữ tùy tiện
Ngày 24 tháng 5 năm 2023, 8 học viên bị bắt. Cảnh sát giam giữ họ tại Trung tâm Tẩy não Tân Tân, và chỉ thông báo cho gia đình họ rằng họ bị giám sát tại một địa điểm được chỉ định vì tội “kích động lật đổ chính quyền”, nhưng không tiết lộ địa điểm giam giữ cụ thể.
Theo luật, nghi phạm không thể bị giám sát tại một địa điểm được chỉ định nếu họ cư trú tại cùng thành phố bị bắt, trừ khi liên quan đến tội tấn công khủng bố hoặc phương hại đến an ninh quốc gia. Gia đình của các học viên nghi ngờ cảnh sát buộc tội người thân của họ phạm tội “lật đổ” để tạm giữ họ.
Ông Tôn từ chối hợp tác trong cuộc thẩm vấn của cảnh sát tại trung tâm tẩy não, và sau đó được tại ngoại. Bảy học viên còn lại cũng bị thẩm vấn. Cảnh sát lừa một vài người cung cấp thông tin về các học viên bị bắt khác bằng cách nói họ đã thú nhận. Sau khi có được thông tin mong muốn, cảnh sát sử dụng thông tin đó làm bằng chứng truy tố để gây sức ép buộc các học viên từ bỏ Pháp Luân Công.
Bảy học viên bị chuyển đến Trại tạm giam huyện Bì và trại tạm giam Ôn Giang sau khi lệnh bắt giữ họ được công tố viên Trịnh Ba của Viện Kiểm sát quận Ôn Giang phê chuẩn vào ngày 30 tháng 6 năm 2023. “Tội” của họ cũng được đổi thành “lợi dụng tổ chức tà giáo để phá hoại việc thực thi pháp luật”, cái cớ tiêu chuẩn mà chế độ cộng sản sử dụng để kết án các học viên Pháp Luân Công.
Sau khi các học viên bị chuyển đến trại tạm giam, ban đầu chính quyền vẫn cấm gia đình và luật sư của họ đến thăm, nhưng đã nhượng bộ sau khi gia đình đệ đơn khiếu nại. Tuy nhiên, khi gia đình các học viên gửi sách luật cho các học viên để họ nghiên cứu kiến thức pháp luật, lính canh từ chối giao sách.
Gia đình bị ngăn cản nỗ lực tìm kiếm công lý cho người thân
Sau khi lệnh bắt giữ các học viên được phê duyệt, người thân của bà Từ và ông Lý Tuấn nộp đơn xin làm người bào chữa không phải là luật sư cho họ, nhưng công tố viên Trịnh từ chối yêu cầu này. Họ nộp đơn khiếu nại công tố viên Trịnh, nhưng vô ích.
Một số thành viên gia đình của các học viên khác cũng bị từ chối khi nộp đơn xin xem xét lại hồ sơ vụ án. Tháng 5 năm 2024, một gia đình đã thuê luật sư cho học viên này, nhưng công tố viên vẫn từ chối yêu cầu xem xét lại hồ sơ vụ án của luật sư, và từ chối cung cấp thông tin cập nhật về việc các học viên đã bị truy tố hay chưa.
Sau đó, các gia đình phát hiện Trịnh đã truy tố các học viên vào ngày 1 tháng 3 năm 2024 với cáo buộc “lợi dụng tổ chức tà giáo để phá hoại việc thực thi pháp luật”, và chuyển vụ án của họ đến Tòa án quận Ôn Giang.
Vào giữa tháng 5 năm 2024, một thành viên gia đình của một học viên liên lạc với Hồ Vy Vy, thẩm phán chủ tọa phụ trách vụ án chung của họ, nhưng Hồ một lần nữa từ chối yêu cầu xem xét lại hồ sơ vụ án của họ. Hồ cho hay chỉ luật sư của các học viên mới được phép xem hồ sơ vụ án và cáo trạng của họ. Tuy nhiên, khi một luật sư đến, Hồ chỉ cho phép luật sư xem hồ sơ, nhưng không được chụp ảnh hoặc sao chép. Bà ta cũng buộc luật sư phải ký một thỏa thuận bảo mật. Luật sư nộp đơn khiếu nại Hồ, và được phép sao chụp các tài liệu, nhưng không được chụp ảnh.
Ngay sau khi luật sư xem xét các tài liệu vụ án của học viên, thẩm phán Hồ đã chia vụ án chung của họ thành các vụ án riêng lẻ, và lên lịch 8 phiên xét xử kéo dài một giờ vào ngày 25 tháng 7. Bà ta cấm chồng của một học viên tham dự phiên xét xử, vì anh ấy đến đồn cảnh sát để lấy ba lô và các vật dụng cá nhân khác của vợ, và do đó bị liệt kê là nhân chứng. Hồ cũng cấm con gái của một học viên khác đại diện cho mẹ tại tòa với tư cách là người bào chữa không phải là luật sư, với lý do là cô đang mang thai.
Báo cáo liên quan:
Tám cư dân Tứ Xuyên bị xét xử vì đức tin vào Pháp Luân Công
Bản quyền © 2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/8/3/480420.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/8/7/219412.html
Đăng ngày 02-09-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.