Bài viết của phóng viên Minh Huệ
[MINH HUỆ 16-04-2024] Sau khi 45 học viên Pháp Luân Công ở Thiên Tân bị bắt, ngày 25 tháng 4 năm 1999, khoảng 10.000 học viên đã đến Văn phòng Kháng cáo Quốc gia ở Bắc Kinh để yêu cầu trả tự do cho họ. Các học viên cũng yêu cầu chính phủ cho phép xuất bản các sách Pháp Luân Công để họ có thể tự do thực hành tín ngưỡng của mình.
Bảo vệ các quyền cơ bản
Bà Mạnh Giai Mỹ, một cây bút tự do của tờ Mùa xuân Bắc Kinh tại New Zealand, cho biết những gì các học viên Pháp Luân Công đã làm nằm trong quyền cơ bản của công dân về tự do tín ngưỡng và tự do ngôn luận.
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có tiếng về việc tước đoạt nhân quyền của người dân. Bà Mạnh giải thích: “Hệ thống kháng cáo ở Trung Quốc là một trong số ít ỏi các kênh liên hệ với lãnh đạo được pháp luật cho phép để bảo vệ quyền của công dân. Nhưng đáng tiếc là, rất nhiều học viên Pháp Luân Công, cũng như nhiều người thỉnh nguyện, đã bị chính quyền Trung Quốc giam giữ vì đi theo cách thức này – điều này thật vô lý.”
Nhà hoạt động nhân quyền Chu Phong nói rằng cuộc thỉnh nguyện ôn hòa năm 1999 là một hành động hợp pháp nhằm bày tỏ những yêu cầu chính đáng về quyền tự do tín ngưỡng của các học viên. Ông nói thêm: “Nó cho thấy niềm tin của họ vào chân lý và sự kiện này diễn ra trong hòa bình, hợp lý và hợp pháp”. “Nó không phá vỡ trật tự xã hội hay gây tổn hại lợi ích của bất kỳ ai cả.”
Ông Thương Tùng, một nhà bất đồng chính kiến hiện đang sống tại Ireland, từng sở hữu một doanh nghiệp ở Trung Quốc nhưng bị ĐCSTQ đàn áp, nói rằng các học viên Pháp Luân Công kháng cáo vì họ tin tưởng vào chính phủ và hy vọng sự việc đối xử bất công [đối với nhóm học viên] có thể được giải quyết. “Tuy nhiên, sự đàn áp và ngược đãi của chính phủ sau đó đã vi phạm sự bảo vệ của pháp luật đối với các quyền cơ bản của công dân. Nó cũng làm mất đi lòng tin của người dân vào chính quyền. Bởi vậy điều đó thật đáng tiếc và bất công”.
Lạm dụng nhân quyền nghiêm trọng
Ba tháng sau cuộc thỉnh nguyện ôn hòa, vào tháng 7 năm 1999, ĐCSTQ đã phát động một cuộc bức hại có hệ thống trên khắp cả nước. Cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân đã ban hành một loạt mệnh lệnh đối với các học viên nhằm “bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính, hủy hoại thân thể” và “đánh chết sẽ được coi là tự sát.” Theo đó, một số lượng lớn các học viên đã trở thành nạn nhân của sự dối trá và tàn bạo [của ĐCSTQ]. Bi kịch này đã kéo dài suốt hơn 20 năm qua.
Trong cuộc bức hại kéo dài và khốc liệt, ĐCSTQ đã đối xử với các học viên Pháp Luân Công bằng những biện pháp cực đoan bao gồm bắt bớ, giam giữ, tra tấn, tẩy não, lạm dụng y tế và nhiều thủ đoạn khác nữa. “Điều này đã đàn áp nghiêm trọng nhân quyền của các học viên. Nó cũng vi phạm các công ước quốc tế và các nguyên tắc đạo đức cơ bản”, ông Chu nói.
Ông Thương Tùng cho biết ĐCSTQ còn mở rộng sự đàn áp đến mức cưỡng bức thu hoạch nội tạng, một tội ác chống lại loài người. Đây là sự vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tín ngưỡng cơ bản và phủ nhận các quyền cơ bản của con người. “Bằng cách kiểm soát ngôn luận, hạn chế tự do và đàn áp những người bất đồng chính kiến, chế độ này đã tước đi các quyền và tự do cơ bản của công dân. Điều đó cũng chính là chế độ toàn trị của ĐCSTQ đang chống lại người dân”, ông cho biết thêm.
Xã hội chúng ta cần gì
Ông Chu Phong gọi cuộc bức hại của ĐCSTQ đối với Pháp Luân Công suốt 25 năm qua là một cuộc đàn áp chính trị cực đoan. Đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng nhân quyền và các giá trị dân chủ, cần phải bị xã hội quốc tế lên án. “Tôi ủng hộ các hành động hợp pháp của các học viên Pháp Luân Công trong việc tìm kiếm quyền tự do tín ngưỡng và các quyền cơ bản. Tôi cũng kêu gọi chính phủ Trung Quốc chấm dứt việc ngược đãi các học viên và khôi phục các quyền con người cơ bản cũng như phẩm giá của họ”, ông nói.
Bà Mạnh khuyên những người làm việc trong hệ thống chính trị của ĐCSTQ hãy suy nghĩ thật kỹ trước khi làm hại những công dân vô tội. “Về những vấn đề như Pháp Luân Công, có đáng để theo ĐCSTQ một cách mù quáng đến cùng không? Hay chúng ta nên nhìn ra xung quanh và thực hiện những hành động có lợi cho tương lai lâu dài của chúng ta?”.
Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/4/16/475271.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/4/17/216617.html
Đăng ngày 19-04-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.