Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc
[MINH HUỆ 19-03-2024] Lúc 10 giờ sáng ngày 31 tháng 1 năm 2024, một người dân thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, bị cảnh sát mặc thường phục bắt giữ và đẩy vào một chiếc xe thùng khi vừa bước ra khỏi nhà. Sau đó có thêm hai cảnh sát khác đến, và họ cùng nhau đưa bà Hắc Yến, 54 tuổi, đến Đồn Công an đường Hưng Long.
Một trong những cảnh sát tiết lộ rằng ông ta là đồn phó Trương Sơn của đồn công an. Một cảnh sát khác nói ông ta họ Kim. Ba cảnh sát còn lại không trả lời khi bà Hắc yêu cầu được biết danh tính của họ.
Năm cảnh sát đưa bà Hắc đến một phòng thẩm vấn sau khi họ đến đồn công an. Họ ép bà ngồi trên một chiếc ghế kim loại và tịch thu chìa khóa nhà bà. Lúc 8 giờ tối, cảnh sát Vương Kinh Quốc xuất hiện. Ông ta dường như là lãnh đạo, khi một cảnh sát hỏi ông ta nên viết “tội” gì về vụ án chống lại bà Hắc. Ông ta trả lời: “Cái gì cũng được”.
Ông Vương, cảnh sát Quách và một nữ cảnh sát không rõ tên đã chở bà Hắc đến Trại tạm giam Phổ Đông. Bà từ chối vào trong khi đến nơi, nên họ bế bà vào trong. Trong quá trình kiểm tra sức khỏe theo yêu cầu, ba cảnh sát kéo bà từ phòng này sang phòng khác. Đến lúc lấy máu, cảnh sát đè bà xuống, nữ cảnh sát ngồi trên bụng của bà và cảnh sát Quách giẫm lên mặt bà, khiến mặt bà bị sưng lên rất nhiều.
Phòng khám của trại tạm giam đóng cửa trước khi việc kiểm tra sức khỏe của bà Hắc được hoàn thành. Cảnh sát Vương kéo bà ra ngoài, và đá bà vài lần. Sau đó, ông ta gọi cho một người giám sát, nhưng người này yêu cầu đưa bà trở lại đồn cảnh sát.
Hai giờ sau khi bà Hắc bị bắt, bốn cảnh sát từ đồn cảnh sát, trong đó chỉ một người mặc đồng phục, đột nhập vào nhà cha của bà vào buổi trưa. Họ đưa ra một mảnh giấy và nói đó là lệnh khám xét. Cha của bà Hắc để ý thấy đó là một mảnh giấy trắng với một con dấu trên đó. Cảnh sát tịch thu sách Pháp Luân Công mà bà đã cất giữ trong nhà của cha mình.
Khoảng 4 giờ chiều ngày 1 tháng 2 năm 2024, năm cảnh sát, trong đó có Trương, Kim và Quách, chở bà Hắc đến trại tạm giam. Lần này, họ nói không cần phải kiểm tra sức khỏe, vì họ đã nói chuyện với giám đốc trại tạm giam để nhận bà Hắc.
Sau khi đến trại tạm giam, năm cảnh sát lột áo quần ngoài của bà Hắc. Họ gọi hai nữ lính canh đến, nhưng không rõ liệu lính canh có cởi hết đồ lót của bà để bắt bà mặc quần áo tù nhân hay không. Đến khoảng 10 giờ sáng, cuối cùng họ cũng đưa bà Hắc vào một buồng giam. Các tù nhân giật mình khi thấy ba người đàn ông bế bà vào trong. Sáng hôm sau, bà Hắc dự định luyện các bài công pháp Pháp Luân Công, nhưng bị tù nhân cùng phòng ngăn lại, vì họ sợ bị liên lụy.
Ngày 8 tháng 3 năm 2024, bà Hắc được thả sau 38 ngày bị tạm giam. Đây không phải là lần đầu tiên bà bị nhắm đến vì đức tin. Trước đây, bà từng bị bắt nhiều lần, và mẹ bà, cũng là một học viên Pháp Luân Công, đã chết do cuộc bức hại.
Bức hại trong quá khứ – Bà Hắc và anh trai đều phải ly dị, mẹ mắc bệnh
Bà Hắc bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào ngày 11 tháng 7 năm 1998. Mẹ bà cũng cùng tu luyện với bà. Hai anh trai của bà không tu luyện Pháp Luân Công, nhưng họ ủng hộ bà và mẹ của họ.
Sau khi cuộc bức hại bắt đầu vào năm 1999, chồng bà Hắc sợ bị liên lụy và ly dị bà. Bà được toàn quyền nuôi đứa con sơ sinh của họ.
Anh trai của bà Hắc là một cảnh sát, và ông đã bị sa thải vì mẹ và em gái tu luyện. Vợ ông, một công chức, bị buộc phải ly dị ông, và có toàn quyền nuôi con. Ông đã tìm cách quay lại công việc của mình, nhưng vô ích.
Ngày 12 tháng 1 năm 2006, bà Hắc và mẹ bà – bà Sinh Tích Lan, bị bắt và bị đưa đến Đồn Công an bộ Vân Nam. Sách và tài liệu Pháp Luân Công của họ bị tịch thu. Cảnh sát cũng tịch thu 1.500 nhân dân tệ tiền mặt mà bà Hắc đã tiết kiệm để trang trải sinh hoạt phí cho con mình. Mặc dù gia đình bà liên tục yêu cầu, cảnh sát không bao giờ trả lại tiền cho họ. Họ cũng đưa bà đến Trại Lao động Vương Thôn để thụ án trong khoảng thời gian không xác định, mà gia đình bà không hề hay biết.
Sau đó, bà Sinh, mẹ của bà đã qua đời do cuộc bức hại. Bà ấy đã ngoài 70 tuổi.
Cũng chính Đồn Công an đường Hưng Long, nơi đã bắt giữ bà Hắc vào năm 2024, bắt giữ bà vào ngày 12 tháng 7 năm 2022. Ngày hôm đó, họ phá cửa nhà bà và làm hỏng ổ khóa của bà. Họ tịch thu tất cả sách Pháp Luân Công, máy tính và hai máy in của bà. Gia đình bà tìm thấy một thông báo tạm giam tại nhà bà, cho biết bà đã bị tạm giam hình sự. Bà được thả 39 ngày sau đó, và bị sách nhiễu bởi cùng một đồn cảnh sát vào tháng 9 năm 2023. Bà đã gọi đến nhiều đường dây nóng khác nhau của Chính phủ để báo cáo sự sách nhiễu của cảnh sát, nhưng không nhận được phản hồi.
Bài viết liên quan bằng tiếng Trung:
Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/3/19/474351.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/3/22/216308.html
Đăng ngày 31-03-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.