Bài viết của phóng viên Minh Huệ

[MINH HUỆ 14-01-2024] 24 năm sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999, các học viên từ 44 quốc gia đã đệ trình danh sách thủ phạm mới lên chính phủ nước sở tại trước Ngày Nhân quyền, ngày 10 tháng 12 năm 2023, nhằm kêu gọi chính phủ truy cứu trách nhiệm của những người tham gia vào cuộc bức hại Pháp Luân Công tại Trung Quốc. Các học viên đề xuất chính phủ của họ cấm những thủ phạm này cũng như người nhà của họ nhập cảnh, đồng thời phong tỏa tài sản của họ ở nước ngoài.

Trong số những thủ phạm được liệt kê có Phong Quang, Trưởng Phòng 1, Viện Kiểm sát quận Nhượng Hồ Lộ, thành phố Đại Khánh, tỉnh Hắc Long Giang.

Thông tin thủ phạm

Họ và tên: Phong Quang (Tiếng Trung: 封光)

Giới tính: Nam

Dân tộc: Hán

Ngày tháng năm sinh: Tháng 12 năm 1976

Nơi sinh: Thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang

9913f8bc3697ed91d92fb442ee68bea5.jpg

Phong Quang

Các tội ác chính

Kể từ khi ĐCSTQ bắt đầu cuộc bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999, các viện kiểm sát và tòa án đã giúp đỡ chính quyền trong việc kết án các học viên Pháp Luân Công vô tội.

Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2019 đến nay, Phong Quang, công tố viên tại Viện kiểm sát Nhượng Hồ Lộ, thành phố Đại Khánh, tỉnh Hắc Long Giang, đã truy tố ít nhất 40 học viên Pháp Luân Công ở Đại Khánh và Cáp Nhĩ Tân, với cáo buộc bịa đặt là “lợi dụng tổ chức tà giáo để phá hoại việc thực thi pháp luật”. Tất cả các học viên sau đó đã bị kết án tù, trong đó 27 học viên hiện vẫn phải thụ án, và 3 người qua đời do hậu quả của việc tra tấn trong tù.

Dưới đây là một số trường hợp bức hại có sự tham gia trực tiếp của Phong Quang:

Trường hợp 1: Ông Lữ Quan Như bị tra tấn đến chết trong Nhà tù Thái Lai

Ông Lữ Quan Như, một cư dân của thành phố Đại Khánh, tỉnh Hắc Long Giang, bị bắt vào ngày 9 tháng 11 năm 2018, trong một cuộc truy quét của cảnh sát đối với hơn 60 học viên Pháp Luân Công ở thành phố Đại Khánh và Cáp Nhĩ Tân, thủ phủ của tỉnh Hắc Long Giang. Trong khi bị giam giữ tại Trại tạm giam thành phố Đại Khánh, ông bị cảnh sát thẩm vấn, bị bắt đứng trong nhiều giờ và phải mang cùm. Việc bắt giữ ông đã được Viện Kiểm sát quận Nhượng Hồ Lộ phê duyệt vào ngày 15 tháng 12 năm 2018.

Khi ông Lữ tuyệt thực để phản bức hại, lính canh bức thực ông, khiến ông nôn ra máu và bị suy tim. Trước bờ vực cái chết, ông được cấp cứu ở bệnh viện nhiều lần.

Ngày 30 tháng 3 năm 2019, ông Lữ bị Viện Kiểm sát quận Nhượng Hồ Lộ truy tố, và bị Tòa án quận Nhượng Hồ Lộ xét xử vào ngày 6 tháng 6 cùng năm. Hai luật sư của ông bào chữa vô tội cho ông, và ông cũng làm chứng để tự bào chữa. Ngày 1 tháng 7 năm 2019, thẩm phán kết án ông Lữ 7 năm tù, với khoản phạt 40.000 nhân dân tệ. Ông đã kháng cáo, nhưng ngày 23 tháng 7, Tòa án Trung cấp Thành phố Đại Khánh quyết định giữ nguyên bản sơ thẩm mà không xét xử.

Ngày 30 tháng 7 năm 2019, ông Lữ bị đưa thẳng đến Nhà tù Hô Lan. Sau đó, vì kiên định đức tin của mình và từ chối “chuyển hóa”, nên ông bị đưa đến Nhà tù Thái Lai vào tháng 11 cùng năm, và bị kiểm soát chặt chẽ. Mặc cho sức khỏe của ông yếu, Nhà tù Thái Lai vẫn tiếp tục tra tấn và giam ông trong một phòng nhỏ trong hơn một tháng. Ngày 4 tháng 4 năm 2021, ông qua đời ở tuổi 69, vì một cơn “xuất huyết não” bí ẩn trong nhà tù Thái Lai.

Trường hợp 2: Cựu giáo viên 75 tuổi chết trong Nhà tù Nữ Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang

Ngày 13 tháng 7 năm 2023, bà Mâu Vĩnh Hà, một giáo viên đã nghỉ hưu 75 tuổi, chết vì bị tra tấn liên tục và ngược đãi tại Nhà tù Nữ tỉnh Hắc Long Giang. Thi thể của bà Mâu đã bị lính canh tùy tiện hỏa táng trước khi thông báo cho gia đình bà.

Ngày 11 tháng 9 năm 2019, bà Mâu bị bắt giữ phi pháp tại thành phố Cáp Nhĩ Tân. Ngày 15 tháng 11 năm 2019, Phong Quang, từ Viện Kiểm sát quận Nhượng Hồ Lộ đã trình hồ sơ truy tố bà Mâu lên Tòa án quận Nhượng Hồ Lộ. Tháng 5 năm 2020, bà bị kết án 6 năm tù và bị phạt 60.000 nhân dân tệ. Bà bị đưa đến Nhà tù Nữ tỉnh Hắc Long Giang để bức hại. Lính canh tại Nhà tù Nữ tỉnh Hắc Long Giang xúi giục các tù nhân đánh đập và lăng mạ bà. Do bị tra tấn và ngược đãi trong nhiều năm, sức khỏe của bà bị tổn hại, và bà gần như không thể cử động hay tự chăm sóc bản thân.

Tháng 8 năm 2022, sau khi bà Mâu bị đại tiện không tự chủ, một tù nhân đã đánh và đổ nước lạnh lên người bà. Sau đó, bà cũng bị rối loạn tâm thần, nhưng vẫn bị các lính canh và các tù nhân khác tiếp tục đánh đập thường xuyên.

Cuối tháng 12 năm 2022, một tù nhân phàn nàn rằng bà Mâu đi quá chậm, và đẩy mạnh bà từ phía sau khiến bà ngã xuống đất, và bị bầm tím trên mặt. Đêm đó, bà bắt đầu đi tiểu thường xuyên, và phải thức dậy hơn 10 lần trong mỗi đêm tiếp theo. Vì điều này, các tù nhân được giao nhiệm vụ trông chừng bà thường xuyên chửi bới và đánh đập bà.

Bà Mâu thường thức dậy vào lúc nửa đêm và la hét vì bị ngược đãi liên tục. Tiếng ồn lớn đến mức các tù nhân ở phòng giam khác có thể nghe thấy. Bà bị mất phương hướng, và thậm chí không thể nhận ra những học viên Pháp Luân Công khác ở cùng phòng giam với bà.

Con trai bà yêu cầu chính quyền nhà tù thả bà Mâu để điều trị bệnh, nhưng liên tục bị từ chối.

Trường hợp 3: Nguyên trợ lý giám đốc ngân hàng qua đời khi đang lưu lạc

Bà Đinh Lệ Hoa, nguyên Trợ lý Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Công thương Trung Quốc tại thành phố Đại Khánh, tỉnh Hắc Long Giang, bị bắt giữ phi pháp vào ngày 9 tháng 11 năm 2018, và bị giam tại trại tạm giam Thành phố Đại Khánh. Mặc dù sau đó bà được tại ngoại vì bị cao huyết áp, nhưng vào ngày 22 tháng 12 năm 2018, cảnh sát lại bắt giữ bà và đưa bà trở lại trại tạm giam. Sau khi trại tạm giam từ chối tiếp nhận, bà Đinh được thả ra.

Cuối tháng 5 năm 2019, bà bị công tố viên Phong Quang truy tố phi pháp lên Tòa án quận Nhượng Hồ Lộ, và bị giam giữ trái pháp luật. Ngày 22 tháng 8 năm 2019, bà bị xét xử, và cuối tháng 9 bị Tòa án quận Nhượng Hồ Lộ kết án 3,5 năm tù và phạt 20.000 nhân dân tệ. Đơn kháng cáo của bà gửi lên Tòa án Trung cấp Thành phố Đại Khánh bị từ chối vào tháng 10 năm 2019. Vì bà Đinh không đáp ứng điều kiện sức khỏe, nên bà bị kết án “treo”, trong thời gian này, tòa án vẫn cố gắng bắt giữ bà.

Để tránh bị bắt lại, bà Đinh phải sống xa nhà. Trong tình trạng vô gia cư, sợ hãi và đau khổ, sức khỏe của bà ngày càng giảm sút. Bà bị đau bụng dữ dội vào tháng 5 năm 2021, và không thuyên giảm.

Ngày 15 tháng 6 năm 2021, bà bị hôn mê và được đưa đến bệnh viện. Bà được chẩn đoán mắc bệnh ung thư gan giai đoạn cuối. Bà qua đời vào ngày 18 tháng 6 năm 2021, thọ 73 tuổi.

Trường hợp 4: Trong đợt bắt giữ hàng loạt, ba học viên Pháp Luân Công bị kết án tù

Ba cư dân thành phố Đại Khánh, tỉnh Hắc Long Giang, đã bị kết án tù vì đức tin vào Pháp Luân Công. Ông Đỗ Nghiệp Thành, khoảng 40 tuổi, chủ một cửa hàng kính, bị kết án 7 năm tù. Ông Quan Hưng Đào bị kết án 8 năm tù, và vợ ông, bà Ngô Diễm Hoa, bị kết án 7,5 năm tù. Tất cả họ đều đã kháng cáo lên Tòa án Trung cấp Thành phố Đại Khánh.

Ba học viên trở thành mục tiêu trong vụ bắt giữ hàng loạt hơn 100 học viên ở tỉnh Hắc Long Giang vào ngày 9 tháng 11 năm 2018.

Ngày 14 tháng 12 năm 2018, Viện Kiểm sát quận Nhượng Hồ Lộ đã phê chuẩn vụ bắt giữ ba học viên này. Ngày 12 tháng 8 năm 2019, họ bị Tòa án quận Nhượng Hồ Lộ xét xử. Gia đình ông Quan và bà Ngô thuê luật sư biện hộ cho họ. Ông Đỗ tự bào chữa cho mình.

Cả luật sư và ông Đỗ đều lập luận rằng không có bộ luật nào ở Trung Quốc hình sự hóa Pháp Luân Công. Họ cũng bác bỏ cáo buộc “lợi dụng tổ chức tà giáo để phá hoại việc thực thi pháp luật”, một cái cớ tiêu chuẩn mà chính quyền Trung Quốc sử dụng để buộc tội các học viên.

Luật sư chất vấn công tố viên Phong: “Ông có thể chỉ rõ thân chủ của tôi phá hoại điều luật nào không?” Phong không trả lời.

Trong hơn 100 trang hồ sơ vụ án, tất cả bằng chứng chống lại các học viên đều là sách Pháp Luân Công, điện thoại di động cá nhân và máy tính. Luật sư nói: “Không có mục nào trong số này có thể chứng minh thân chủ của tôi đã vi phạm bất kỳ điều luật nào”. Ông tiếp tục nói: “Pháp Luân Công đã được giới thiệu đến nhiều quốc gia trên thế giới và được người dân những nơi đó đón nhận, và chỉ bị bức hại tại Trung Quốc và Bắc Triều Tiên.”

Ông Đỗ cũng tự bào chữa cho mình. Ông nói: “Tôi chỉ muốn trở thành một người tốt bằng cách tu luyện Pháp Luân Công và sống chiểu theo các nguyên lý của môn tu luyện. Tôi không vi phạm bất kỳ luật nào trong việc theo đuổi đức tin của mình.”

Chủ tọa phiên tòa Trương Tân Nhạc đã hoãn phiên tòa mà không đưa ra phán quyết. Tháng 11 năm 2019, ông ta công bố phán quyết.

Trường hợp 5: Bảy học viên ở thành phố Cáp Nhĩ Tân bị truy tố phi pháp và kết án nặng

Vào ngày 7 và 8 tháng 4 năm 2020, chín học viên Pháp Luân Công ở thành phố Cáp Nhĩ Tân, bao gồm Lý Lập Tráng, Đường Trúc Nhân, Triệu Lệ Hoa, Tiêu Kỳ Hoa, Hoắc Hiểu Huy, Đinh Yến, Lý Diễm Thanh, Chu Minh Đích, Thái Tú Anh, đã bị bắt vì gọi điện cho người dân về việc chế độ cộng sản đã che giấu đại dịch như thế nào, cũng như việc những người nhiễm virus được hồi phục nhanh chóng khi thành tâm niệm cửu tự chân ngôn “Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân-Thiện-Nhẫn hảo”. Ngày 17 tháng 11 năm 2020, bảy người trong số đó bị Tòa án quận Nhượng Hồ Lộ kết án phi pháp, với mức án từ 1 đến hơn 10 năm.

Các học viên bị Tòa án quận Nhượng Hồ Lộ xét xử bốn lần, vào các ngày 17 và 29 tháng 12 năm 2020, và ngày 22 tháng 6 và 21 tháng 10 năm 2021. Trong phiên xét xử vào tháng 10, một học viên, ông Lý Lập Tráng, chỉ ra cảnh sát đã không cung cấp thông tin cụ thể về các cuộc điện thoại, bao gồm thời gian chính xác, thời lượng, nội dung của các cuộc gọi, số lượng điện thoại mà mỗi học viên đã sử dụng, số điện thoại di động của các học viên, cũng như các cuộc gọi điện thoại đã gây nguy hại cho người khác như thế nào.

Ông Lý nói thêm trong thời gian phong tỏa đại dịch từ tháng 1 đến tháng 4 năm 2020, mỗi học viên chỉ có thể rời khỏi nhà hai giờ mỗi ngày để gọi điện thoại tới công chúng nhằm phơi bày cuộc bức hại Pháp Luân Công. Mỗi cuộc điện thoại kéo dài khoảng ba phút, và các học viên không thể thực hiện 150.000 cuộc điện thoại trong 100 ngày phong tỏa như công tố viên Phong cáo buộc, vì họ chỉ có thể thực hiện tổng cộng tối đa 28.000 cuộc gọi dựa trên tính toán. (100 ngày x 120 phút mỗi ngày x 7 học viên, chia 3 phút cho mỗi cuộc gọi). Trên thực tế, ông nói, số cuộc điện thoại mà các học viên thực hiện thậm chí còn chưa đến gần 28.000, chứ chưa nói đến con số 150.000 bị cáo buộc.

Khi công tố viên Phong đọc từ cuốn sổ rằng ông ta đề nghị 5 năm tù đối với ông Lý, thẩm phán Học Quang hắng giọng, và Phong lập tức thay đổi thời hạn đề nghị thành 10 đến 11 năm.

Trước đó, trong phiên tòa diễn ra trong tháng 6, Phong cố gắng lừa các học viên thừa nhận đã thực hiện hàng chục nghìn cuộc gọi điện thoại, bằng cách hứa giảm án tù cho họ từ 3 đến 5 năm. Ông ta đe dọa rằng nếu không sẽ đưa ra mức án từ 7 đến 11 năm tù.

Ngày 17 tháng 11 năm 2021, thẩm phán Học công bố bản án phi pháp đối với 7 học viên. Ông Lý bị kết án 10 năm 8 tháng tù với số tiền phạt 80.000 nhân dân tệ. Bà Đường Trúc Nhân bị kết án 9 năm 4 tháng tù với mức phạt 50.000 nhân dân tệ. Bà Triệu Lệ Hoa bị kết án 7 năm 5 tháng tù và mức phạt 40.000 nhân dân tệ. Ông Hoắc Hiểu Huy bị kết án 7 năm 3 tháng tù với mức phạt 40.000 nhân dân tệ. Bà Đinh Yến bị kết án 4 năm 2 tháng tù và mức phạt 30.000 nhân dân tệ. Bà Tiêu Kỳ Hoa bị kết án 4 năm tù với số tiền phạt 30.000 nhân dân tệ. Bà Lý Diễm Thanh bị kết án 1 năm 10 tháng tù với mức phạt 20.000 nhân dân tệ.

Trường hợp 6: Cụ bà 71 tuổi bị kết án tám năm tù

Ngày 22 tháng 11 năm 2020, bà Hàn Lệ Hoa, 71 tuổi, cư dân thành phố Đại Khánh, tỉnh Hắc Long Giang, đã bị bắt giữ, bị lục soát nhà và tịch thu đồ đạc phi pháp. Ngày 2 tháng 8 năm 2022, bà bị Viện Kiểm sát quận Nhượng Hồ Lộ truy tố, và bị tòa án xét xử. Thẩm phán Lãnh Chí Cường hỏi bà rằng liệu bà có thừa nhận các tài liệu Pháp Luân Công bị tịch thu là bằng chứng cho việc phạm tội của bà không. Bà lập luận việc sở hữu các tài liệu này không vi phạm pháp luật, và rằng bà không có mặt khi công an lục soát nhà bà và họ cũng chưa bao giờ xác minh với bà về những đồ vật bị tịch thu hay cung cấp cho bà danh sách đồ tịch thu.

Luật sư của bà Hàn thay mặt bà đưa ra lời bào chữa vô tội, và phủ nhận lại các cáo buộc chống lại bà, cụ thể là cáo buộc “lợi dụng tổ chức tà giáo để phá hoại việc thực thi pháp luật”, một cái cớ thường được dùng để hình sự hóa các học viên Pháp Luân Công. Ông lập luận rằng công tố viên Phong không chứng minh được ý định phạm tội của bà, cũng như không chỉ ra được việc bà phá hoại điều luật nào hoặc những thiệt hại mà bà đã gây ra cho bất kỳ cá nhân nào hoặc cho đất nước. Ông kêu gọi thẩm phán trả tự do cho bà. Đầu tháng 1 năm 2023, thẩm phán vẫn kết án bà Hàn 8 năm tù với mức phạt 50.000 nhân dân tệ.

Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/1/14/470842.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/2/5/214581.html

Đăng ngày 14-03-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share