Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc

[MINH HUỆ 13-11-2023] Một người phụ nữ ở thành phố An Lục, tỉnh Hồ Bắc đã tuyệt thực để kháng nghị kể từ khi bị bắt vào ngày 24 tháng 10 năm 2023 vì tu luyện Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.

Vì chồng và con của bà Khổng Cửu Hồng đang sinh sống ở thành phố khác, nên vài ngày sau, khi chồng bà trở về nhà, họ mới biết về vụ bắt giữ bà. Cửa trước của ngôi nhà bị cạy mở, gara bị lục lọi, máy tính, máy in và sách Pháp Luân Công của bà Khổng đều bị lấy đi. Chồng bà đã tìm kiếm khắp nơi và cuối cùng tìm thấy bà đang bị giam tại một trung tâm tẩy não ở thị trấn Bột Phiên lân cận, nơi thuộc thẩm quyền quản lý của thành phố An Lục.

Chồng của bà Khổng xác nhận rằng bà đã bắt đầu tuyệt thực để phản bức hại kể từ ngày bị bắt. Ông yêu cầu Công an thành phố An Lục lập tức thả bà, nhưng vô ích.

Đây không phải lần đầu tiên bà Khổng, một cựu nhân viên nhà máy dệt, bị chính quyền nhắm mục tiêu vì kiên định đức tin của mình. Tháng 2 năm 2000, bà bị bắt vì đi tới Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho quyền tu luyện Pháp Luân Công. Bà bị áp giải trở lại An Lục và giam trong trại tạm giam Số 1 thành phố An Lục trong 2,5 tháng và bị phạt 2.000 Nhân dân tệ. Bà lại bị bắt vào tháng 10 năm 2002 và bị bức thực hơn 90 lần trong vòng một tháng. Vụ bắt giữ tiếp theo của bà xảy ra vào ngày 25 tháng 5 năm 2016, sau khi bà bị tố giác vì nói với dân làng về Pháp Luân Công. Đến ngày 1 tháng 6, bà bị đưa đến Trung tâm Tẩy não tỉnh Hồ Bắc ở Vũ Hán (thành phố thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc) và bị giam ở đó trong một thời gian.

Bị bức thực hơn 90 lần sau khi bị bắt vào năm 2002

Tháng 10 năm 2002, khi giám đốc và phó giám đốc Công an tỉnh Hồ Bắc là Trần Huấn Thu và Triệu Chí Phi đến An Lục họp, họ ra lệnh cho cảnh sát tiến hành bắt giữ hàng loạt học viên Pháp Luân Công địa phương. Lý Miên Sở và Niếp Hán Chương của Phòng 610 thành phố An Lục đã phối hợp với Đường Kiến Quốc của Đội An ninh Nội địa thành phố An Lục để huy động một lượng lớn cảnh sát bắt giữ hơn 70 học viên trong vòng một đêm (trong đó có bà Khổng). Hai trại tạm giam ở An Lục chật cứng các học viên bị bắt giữ.

Bà Khổng bị biệt giam ở trong một trại tạm giam. Bảy tù nhân nam chia làm ba ca để theo dõi bà suốt ngày đêm. Họ cũng theo dõi bà ngay cả khi bà sử dụng nhà vệ sinh. Bà đã tuyệt thực để phản kháng, nhưng lại bị bức thực.

Tù nhân dùng kìm cạy miệng bà Khổng, đặt một chai nhựa để đè lưỡi bà xuống rồi buộc chặt chai nhựa bằng dùng một chiếc khăn quấn qua miệng và đầu bà. Một người bịt mũi bà trong khi những người còn lại giữ tay chân để ngăn bà cử động. Sau đó họ đổ cháo trộn với một lượng lớn muối vào một chiếc chai. Họ giữ miệng bà mở cho đến khi cháo trong chai đổ hết vào miệng bà. Sau đó, họ đổ thêm thức ăn vào chai và lặp lại quy trình này nhiều lần. Chỉ đến khi bụng bà chướng lên rõ rệt và thức ăn gần như trào ngược từ dạ dày lên miệng bà, thì họ mới dừng lại.

Sau khi bức thực, tù nhân trói chặt bà Khổng trên giường để ngăn bà nôn ra. Khi bà cố gắng nôn ra, lính canh đe dọa tiếp tục bức thực bà. Bà hét lên phản đối và lính canh ra lệnh tù nhân đóng cửa lại để tránh người khác nghe thấy tiếng la của bà. Đôi khi tù nhân còn đánh đập bà và đổ thức ăn thừa lên tóc hoặc cổ áo của bà. Tóc của bà bị đông cứng lại khi lính canh đưa bà ra nơi có nhiệt độ thấp.

Giám đốc trại tạm giam Lưu Lê Quang từng nói với bà Khổng: “Không phải bà đang tuyệt thực sao? Chúng tôi sẽ chơi với bà đến cùng”.

Một lính canh tên Nhạc Trung Quý nói: “Nếu bà không ngoan ngoãn, chúng tôi sẽ bức thực bà bằng nước ớt.”

Do trong cháo có quá nhiều muối, nên bà Khổng luôn cảm thấy nội tạng đau rát dữ dội sau khi bị bức thực. Mỗi lần bức thực giống như một đợt tra tấn cực độ. Sau đó, bà thường xuyên nôn ra máu. Bà bị bức thực hơn 90 lần trong một tháng bị giam giữ.

Khi lính canh đưa bà Khổng đến Trại Lao động Cưỡng bức Sa Dương, người bà chỉ còn da bọc xương và yếu đến mức không thể giữ thăng bằng. Trại lao động từ chối tiếp nhận bà nên lính canh phải đưa bà trở lại trại giam. Hai tuần sau, họ lại cố gắng để tống bà vào trại lao động nhưng vẫn bị từ chối tiếp nhận vì kết quả khám sức khỏe cho thấy nhịp tim của bà nhanh và huyết áp cao. Bà bị đưa trở lại trại tạm giam và tiếp tục bị đánh đập cũng như phải chịu các hình thức tra tấn khác vì không từ bỏ Pháp Luân Công.

Bản quyền © 2023 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/11/7/467979.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/11/13/212893.html

Đăng ngày 30-11-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share