Bài viết của đệ tử Đại Pháp tại Trung Quốc đại lục

[MINH HUỆ 17-09-2023] Trong tu luyện có một số tâm tương đối dễ phân biệt và loại bỏ, nhưng cũng có những chấp trước ẩn tàng rất sâu và rất ngoan cố.

Đối với tôi mà nói, phải trải qua một quá trình rất lâu tôi mới từng bước nhận thức ra chủng tâm tự cao tự đại, kiêu ngạo tự mãn, hiện giờ tôi đã tương đối rõ ràng. Hai kinh mới đây của Sư phụ đã khiến tôi suy xét thanh tỉnh hơn về vấn đề này. Dưới đây là một chút thể hội và bài học giáo huấn sâu sắc của bản thân, xin được viết ra để các đồng tu tham khảo. Có chỗ nào không đúng, mong các đồng tu chỉ chính.

1. Bài học giáo huấn bi thảm

Từ nhỏ, tôi đã học giỏi và lớn lên trong sự tán dương của người khác, nên một cách không tự biết đã dưỡng thành cái tâm cho mình mạnh hơn người khác và tâm tự cao tự đại. Trong rất nhiều việc, khi bản thân hiểu được một chút liền cảm giác như đã hiểu được rất nhiều, cảm thấy bản thân thật xuất sắc. Nếu không tu luyện Đại Pháp, không minh bạch Pháp lý, không liễu giải được các chủng nhân duyên, thì với cái tâm tư cao tự đại ấy, nhất định tôi sẽ long đong lận đận, uất hận trên suốt con đường nhân sinh của mình.

Tôi đắc Pháp sau năm 1999, chính Sư phụ từ bi đã cho tôi bước vào cửa Đại Pháp. Sau khi tu luyện Đại Pháp, tôi kinh hoàng nhận ra mình thật quá vô tri, mới chỉ nắm vững được chút tri thức và kỹ năng kia dường như chỉ rất nông cạn mà thôi; còn các Pháp lý mà Sư phụ giảng là những điều tôi chưa bao giờ nghe đến, Đại Pháp đã giải đáp cho tôi mọi hoài nghi trong nhân sinh.

Sư phụ lập tức kéo tôi lên, giúp tôi minh bạch ra rất nhiều điều. Nhưng thay vì cảm thán trước sự bao la vô biên của Đại Pháp, tôi lại sinh tâm tự mãn dương dương tự đắc, gia tăng cái tâm tự đưa mình lên cao. Do chưa tu xuất được tâm khiêm cung, nên khi gặp vấn đề không nhìn xét bản thân, không thể hướng nội tìm, khiến tôi ngay khi mới bắt đầu tu luyện đã vấp ngã hai lần.

Lần thứ nhất khi sự việc xảy ra, tôi không nhận thức được tính nghiêm túc của tu luyện, cảm thấy tu luyện thật khổ, lưu luyến không muốn rời xa cuộc sống người thường. Trước khi sự việc xuất hiện, Sư phụ đã điểm hóa cho tôi rất rõ ràng. Một buổi sáng khi đi làm, tôi phát hiện tấm kính bên hông lối vào tòa nhà văn phòng bị vỡ một mảng lớn, xung quanh đã lắp lan can. Tôi nghĩ: một mảng vỡ lớn như vậy, ai có sơ hở lớn sao? Nhưng lại không tìm ở bản thân mình mà lại nghĩ: Trong một tòa nhà văn phòng lớn như thế này, người tu luyện nhất định là không chỉ có một mình mình, có lẽ là điểm hóa cho người nào đó thôi. Rồi tôi cứ để sự việc trôi đi, bài học giáo huấn về việc thấy sự việc mà không hướng nội tìm thật sâu sắc và bi thương.

Lần thứ hai tôi vấp ngã, bề mặt là vì giảng chân tướng mà bị buộc tội và mất đi một phần công việc tốt, nhưng nguyên nhân sâu xa là có liên quan đến tâm tự cao tự đại.

Khi mới đắc Pháp, tôi học Pháp như nắng hạn gặp mưa, cảm giác tiến bộ thần tốc, mỗi lần học Pháp, tôi đều có thể thể ngộ được Pháp lý. Nhưng vì tự cao nên tôi căn bản không nhận thức được rằng bộ Đại Pháp vũ trụ này hồng đại đến nhường nào. Sau một thời gian, mỗi lần đọc hết một lượt Chuyển Pháp Luân, tôi lại nghĩ: mình đã thấy được nhiều Pháp lý như vậy rồi, đọc một lượt nữa liệu có thấy được Pháp lý mới nữa không? Cách nghĩ ngạo mạn và đại bất kính nhường ấy mà bản thân tôi lúc đó lại không nhận thức ra. Hiện giờ ngẫm lại thấy thật đáng cười, nhưng lúc đó tôi bị tâm kiêu ngạo khống chế nên không nhận thức ra sự nhỏ bé tầm thường của bản thân.

Vì chấp trước vào tự ngã, nên khi đối diện với bức hại, đối diện với khảo nghiệm then chốt, nhân niệm lại quá nặng, không thể hoàn toàn kiên tín vào uy lực của Đại Pháp, không thể phóng hạ tự ngã và đem bản thân giao phó hoàn toàn cho Sư phụ. Nếu như làm được, thì hẳn là đã có thể giữ được công việc.

2. Kiêu ngạo và tự cao tự đại ngăn cản đề cao và cứu người

Mấy năm gần đây, tôi nhận thức được rằng rất nhiều tâm mãi vẫn chưa bỏ hết được, rất nhiều phương diện tiến bộ chậm chạp, cũng đều là có liên quan đến cái tâm kiêu ngạo, tự cao tự đại này.

Ví như nói tâm tật đố, cá nhân tôi thể hội rằng chủ yếu có hai loại biểu hiện: một loại là không chịu được khi thấy điều tốt đẹp ở người khác (mặt kia sẽ biểu hiện là cười vui trên đau khổ của người khác); còn một chủng là coi thường người khác. Tôi vẫn luôn cố gắng loại bỏ tâm này nhưng cứ luôn cảm thấy chưa loại bỏ được kiền tịnh. Trong một bài viết, khi thấy đồng tu viết rằng anh có hảo sự, đôi khi tôi cũng sẽ nghĩ: theo như tác giả miêu tả thì chính là anh ấy tu được đến đó, còn có loại hảo sự như vậy ư? So sánh với người khác dường như đã trở thành thói quen trong phương thức tư duy của tôi.

Cho đến một ngày, tôi đột nhiên phát hiện ra rằng tâm tật đố và tâm kiêu ngạo, tự cao tự đại là có liên quan với nhau. Vì kiêu ngạo, tự cao tự đại nên mới cảm thấy đối phương không tu tốt như mình, nên mới nghĩ sao đối phương lại có hảo sự, bản thân lại không có. Vì kiêu ngạo nên trí huệ mới rất hữu hạn, nên mới nhìn không ra rằng phúc báo của người khác là do phúc đức tích lại từ đời trước hoán đổi mà có. Vì xem trọng bản thân nên mới cảm thấy cùng bị bức hại, mà nạn của mình sao lại lớn hơn người khác, rồi trong tâm sinh ra bất bình, lại không nghĩ được là do nghiệp lực sâu nặng của bản thân gây nên.

Cũng vì kiêu căng ngạo mạn nên không cách nào hiểu được cái khổ của chúng sinh, chỉ luôn để ý đến đủ loại biểu hiện không như ý ở bề mặt, coi thường họ, không xuất được tâm từ bi thương xót, ngược lại còn thường hữu ý hay vô ý mà tạo nghiệp trong tư tưởng. Chúng sinh xuống đến tam giới dơ bẩn nhất này đều là vì để được cứu độ mà tới, trải qua khó khăn gian khổ, tôi chỉ bất quá may mắn hơn họ là đắc Pháp sớm hơn, sớm minh bạch chân tướng hơn mà thôi, chứ không có tư cách coi thường người khác.

Lại một ví dụ khác, bản thân tôi thường đếm xem mình đã cứu được bao nhiêu người. Cách nghĩ kể công trạng này cũng là biểu hiện của tâm ngạo mạn, tự cao tự đại. Cứu người, một việc lớn nhường ấy, bản thân nhỏ bé thế này có thể làm được chăng? Đó chính là Sư phụ đã trải thảm sẵn hết thảy, an bài chúng sinh đến trước mặt tôi, tôi chỉ cần động miệng một chút mà thôi. Đó là Sư phụ từ bi cứu độ, là triển hiện uy đức vô hạn của Đại Pháp, còn sự việc thực chất đều là Sư phụ làm, ngay cả trí huệ và năng lực của bản thân trong khi giảng chân tướng cũng đều là Sư phụ ban cho.

Nếu không có Sư phụ từ bi bảo hộ, thì ngay cả sự an toàn của sinh mệnh bản thân cũng không cách nào bảo đảm được, còn nói gì đến cứu người? Mỗi một cơ duyên truyền chân tướng, bao gồm các chủng loại ma nạn và xung đột gặp phải trong quá trình đó, đều do Sư phụ an bài một cách có trật tự, đều là cấp cho chúng ta cơ hội tu luyện bản thân, đều nên biết trân quý và cảm ân, chứ không phải là kể lể công lao.

Cái tâm kiêu ngạo, tự cao tự đại này phản ánh tại các loại phương diện, ở đây tôi xin không nói chi tiết.

3. Tham khảo bài học chính diện và phản diện từ lịch sử

Cách đây một thời gian, tôi đã xem lại bài viết trên trang web Minh Huệ năm 2018 Khải thị từ chuyện về hai vị công thần triều nhà Đường. Lý Tĩnh và Hầu Quân Tập đều nằm trong số 24 công thần của Lăng Yên Các. Lý Tĩnh là danh tướng Đại Đường, cả đời không có chiến bại, là một danh tướng lập công, lập đức, lập ngôn, trọn vẹn đến cuối, hiếm thấy từ xưa đến nay. Lý Tĩnh từng khiêm tốn nói với Đường Thái Tông rằng: “Thần trước kia dựa vào uy lực của Thiên tử mà làm được một chút xíu cống hiến“. Thế nhưng Hầu Quân Tập, một nhân vật tham chiếu phản diện, lại dựa vào công lao mà kiêu ngạo, tham quyền, tham tài. Trước sự khoan dung hết lần này đến lần khác của Đường Thái Tông, lại cô phụ thánh ân, mưu nghịch phản loạn, cuối cùng đã thất bại và bị xử tử, kết cục đó khiến người ta bi thương mãi không thôi. Lấy tấm gương từ lịch sử, các đệ tử Đại Pháp càng phải bảo trì sự khiêm cung và kính cẩn trước bất kỳ thành tựu nào, đồng thời cần mang tâm kính ngưỡng và cảm ân vô hạn đối với Sáng Thế Chủ.

Cá nhân tôi lý giải rằng rất nhiều tâm như tự kiêu, tự cao, tự đại, tự ái, tự mãn, luôn cho mình là đúng, không muốn bị người khác nói, v.v., một khi đã phát triển thì đều vô cùng nguy hiểm. Nếu một người tu luyện không thể dùng chủ ý thức cường đại để bài trừ và loại bỏ những tâm này, thì khi gặp mâu thuẫn sẽ luôn hướng ngoại chỉ trích, oán hận, cuối cùng đều sẽ ma biến, thậm chí hủy rớt chính mình. Vậy nên nhất định cần phải chú ý.

Kỳ thực, Sư phụ đã đặt nền móng cho điều này trong văn hóa truyền thống từ lâu. Trong 64 quẻ của Chu Dịch, chỉ có quẻ “khiêm” là cả sáu nét đều tốt. Người tu luyện mang tâm khiêm cung mới càng dễ nhìn ra vấn đề của bản thân, mới kịp thời tu chính và đề cao tâm tính, con đường tu luyện mới càng thuận lợi, càng ổn định và vững chắc.

Trên đây là chút thể hội cá nhân, có điều gì không phù hợp mong các đồng tu từ bi chỉ chính.

Ghi chú của Ban Biên tập: Bài viết này thể hiện nhận thức cá nhân của tác giả ở trạng thái tu luyện hiện tại, xin chia sẻ cùng quý đồng tu để chúng ta “Tỉ học tỉ tu” (“Hồng Ngâm”).

Bản quyền © 2023 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2023/9/17/465361.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/10/1/212289.html

Đăng ngày 15-10-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share