Bài viết của một đệ tử Đại Pháp tại Trung Quốc

[MINH HUỆ 01-08-2023] Từ khi phát động chiến dịch bức hại Pháp Luân Công trên toàn quốc vào tháng 7 năm 1999, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chưa bao giờ ngừng quy chụp và kết án các học viên của môn tu luyện ôn hòa này. Trong những năm đầu của cuộc bức hại, không mấy ai, kể cả người nhà của các học viên bị bức hại, dám lên tiếng cho họ vì sợ bị chính quyền trả thù.

Nhưng nhờ những nỗ lực bền bỉ của các học viên trong việc nâng cao nhận thức về cuộc bức hại, ngày càng có nhiều người, gồm cả các luật sư nhân quyền, đã đứng ra bảo vệ họ trước cả tòa án công luận lẫn tòa án pháp luật.

“Khai báo kép”

Để cản trở các luật sư nhân quyền đại diện và biện hộ cho các học viên Pháp Luân Công, cảnh sát, viện kiểm sát, tòa án và các cơ sở giam giữ trên toàn Trung Quốc đã cấu kết chặt chẽ với nhau để dựng lên các rào cản bằng cách áp đặt các hạn chế phi pháp đối với luật sư. Một trong những hạn chế chính được gọi là “khai báo kép”, có nghĩa là luật sư sẽ không được phép gặp thân chủ là học viên, xem hồ sơ vụ án của thân chủ, hay xuất hiện trước tòa với thân chủ trừ khi luật sư đã đệ đơn lên 1) cơ quan tư pháp ở khu vực tài phán nơi khởi tố vụ án, và 2) cơ quan tư pháp ở khu vực tài phán nơi đặt công ty luật của luật sư.

Thông thường, luật sư đến từ một khu vực tài phán khác (có thể là một quận khác trong cùng một thành phố, một thành phố khác trong cùng một tỉnh, hoặc một tỉnh khác), bởi vậy nên cả hai cơ quan tư pháp đều tham gia (do đó gọi là “khai báo kép”).

Trong trường hợp bình thường, luật sư biện hộ không cần phải xin phép đại diện cho thân chủ từ bất kỳ cơ quan nào dù là ở khu vực tư nhân hay khu vực công. Yêu cầu “khai báo kép” không có ở đâu trong các luật liên quan, từ Luật Luật sư, Luật Tố tụng Hình sự, cho đến các quy định hành chính của Quốc vụ viện hay Bộ Tư pháp, hay các giải thích pháp lý có liên quan của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và Tòa án Nhân dân Tối cao.

Thông thường, khi luật sư đã xác lập mối quan hệ luật sư-thân chủ chính thức (nghĩa là đã ký hợp đồng với khách hàng của họ) là đã đủ điều kiện. Với những trường hợp không phải Pháp Luân Công, điều đó vẫn đúng. Tuy nhiên, với các vụ án Pháp Luân Công, các luật sư nhân quyền lại gặp phải những yêu cầu phi pháp và vô lý như việc “khai báo kép”.

Một số luật sư đã bị trả thù, thậm chí bị tước giấy phép hành nghề khi từ chối tuân theo yêu cầu “khai báo kép” phi pháp. Điều đáng chú ý là, các cơ quan tư pháp thuộc cấp chính quyền nào trên khắp Trung Quốc cũng không có bất kỳ quyền nào để ban hành lệnh bắt giữ, lập hồ sơ cáo trạng, hoặc ra phán quyết hình sự đối với bất kỳ nghi phạm nào. Nói cách khác, các cơ quan tư pháp không có bất kỳ vai trò nào trong việc khởi tố các vụ án hình sự. Họ chỉ đơn giản là cánh tay hành chính của hệ thống tư pháp ở Trung Quốc. Một trong những trách nhiệm chính của họ là xem xét và cấp giấy phép hành nghề luật sư. Do đó, một số cơ quan tư pháp đã lạm dụng quyền lực của mình để thu hồi giấy phép của các luật sư nhân quyền dám biện hộ cho các học viên Pháp Luân Công.

Theo Luật Lập pháp của Trung Quốc, bất cứ quy định nào động chạm đến quyền và lợi ích của công dân, gia tăng nghĩa vụ công dân, và mở rộng quyền hạn của chính phủ đều phải dựa trên các điều khoản pháp luật và quy định hành chính; ngay cả Bộ Tư pháp cũng không có thẩm quyền tự ý đặt ra những hạn chế như “khai báo kép”.

Nhưng đối với các cơ quan tư pháp trên khắp Trung Quốc, thay vì nêu lên những lo ngại về yêu cầu “khai báo kép” phi pháp gây cản trở nghiêm trọng đối với quyền của luật sư biện hộ trong các vụ án Pháp Luân Công, họ lại nghe theo lời cảnh sát, viện kiểm sát và tòa án mà cản trở luật sư đại diện cho các học viên Pháp Luân Công.

Trên thực tế, ngay cả khi một số luật sư đã trải qua quá trình “khai báo kép”, họ vẫn không được gặp thân chủ hay xem hồ sơ vụ án của thân chủ. Nhiều cơ quan tư pháp còn áp đặt thêm các hạn chế sau khi các luật sư đã nộp đơn cho họ. Năm 2020, tỉnh Cát Lâm đã ban hành một tài liệu bí mật số [2020] 226 để yêu cầu các luật sư chuyên nghiệp nộp văn bản xác minh của cơ quan tư pháp địa phương để chứng minh rằng họ không tu luyện Pháp Luân Công, sau đó họ mới được phép đại diện cho các học viên Pháp Luân Công trên địa bàn tỉnh.

“Khai báo nhiều nơi”

Trong những tháng gần đây, một số trại tạm giam ở tỉnh Cát Lâm bắt đầu áp đặt những hạn chế thậm chí còn rườm rà hơn đối với các luật sư nhân quyền trước khi họ được phép gặp thân chủ là học viên Pháp Luân Công.

Khai báo kép – nộp đơn cho hai cơ quan tư pháp (một ở khu vực tài phán của luật sư và một ở khu vực tài phán nơi khởi tố vụ việc) vẫn chưa đủ. Các trại tạm giam ở Cát Lâm còn yêu cầu luật sư phải xin phép nhiều cơ quan ở hai khu vực pháp lý liên quan, bao gồm hiệp hội luật sư, cơ quan tư pháp, và tòa án.

Dưới đây là hình ảnh tổng hợp dựa trên thông tin của người trong cuộc trong một vụ án Pháp Luân Công đang trong giai đoạn xét xử của quá trình tố tụng. Để được gặp thân chủ ở trại tạm giam, luật sư biện hộ phải điền vào biểu mẫu này và xin phép nhiều cơ quan (lấy dấu giáp lai và dấu đỏ lên biểu mẫu).

Nửa trên của biểu mẫu này là thông tin cơ bản về vụ án (như tên của bị cáo, bị cáo bị cáo buộc tội danh gì, tên luật sư, thông tin liên lạc của luật sư, v.v.). Nửa dưới của biểu mẫu có hai bảng. Bảng bên trái để đóng ba con dấu của công ty luật của luật sư, hiệp hội luật sư giám sát công ty luật của luật sư, và cơ quan tư pháp giám sát công ty luật của luật sư. Bảng bên phải để đóng ba con dấu nữa của cơ quan tài phán khởi tố vụ án, bao gồm tòa án, hiệp hội luật sư, và cơ quan tư pháp.

9f127d3c469bce432fb88f5e9a97521d.jpg

Chúng ta có thể hình dung luật sư đã phải vất vả thế nào để có được tất cả những con dấu đó, chưa kể bất kỳ cơ quan nào trong số đó (cả khu vực tư nhân và khu vực công) cũng đều có thể cố tình từ chối cấp phép.

Sau khi vụ việc được chuyển lên tòa án, luật sư lại phải điền biểu mẫu này và phải thu thập sáu con dấu. Do đó, việc “khai báo kép” trong những năm đầu đã trở thành “khai báo ở sáu nơi”.

Nếu vụ án của học viên vẫn nằm trong tay cảnh sát hoặc viện kiểm sát thì sẽ thế nào? Khi đó sẽ cần xin cả hai cơ quan “chấp thuận” và đóng dấu vào biểu mẫu. Như vậy, “khai báo sáu nơi” sẽ trở thành “khai báo tám nơi”.

Theo một người trong cuộc, yêu cầu “khai báo nhiều nơi” như vậy là lệnh của Ủy ban Chính trị và Pháp luật (PLAC) tỉnh Cát Lâm, một cơ quan ngoài pháp luật chuyên trách giám sát cuộc bức hại Pháp Luân Công.

Nghe có vẻ lố bịch, nhưng quy định về việc khai báo nhiều nơi là nhằm mục đích cản trở các luật sư nhân quyền bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng của các học viên Pháp Luân Công.

Bản quyền © 2023 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2023/8/1/463644.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/8/14/210814.html

Đăng ngày 21-08-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share