Bài viết của một đệ tử Pháp Luân Đại Pháp tại Trung Quốc đại lục
[MINH HUỆ 03-06-2023] Hồi nhỏ, tôi thích đọc tiểu thuyết, các sách về lịch sử, chính trị, triết học, thậm chí cả sách về tướng số và khí công. Một số sách bị cấm ở Trung Quốc đại lục, kể cả những cuốn sách quý khó tìm, tôi cũng đã đọc qua một chút. Tôi tự cho mình là không ai sánh bằng, tự coi mình không phải là người bình thường, còn nghĩ tương lai cũng sẽ viết sách.
Tháng 6 năm 1996, sau khi được một người bạn nhiệt tình giới thiệu, tôi đã may mắn được đọc cuốn kỳ thư Chuyển Pháp Luân, khiến tâm linh tôi chấn động, tựa như trong đêm đen thấy được ánh sáng, trước mắt bừng sáng, khoáng đạt, bỗng chốc minh bạch được vấn đề nhân sinh hằng khổ sở tìm kiếm lâu này mà vẫn không giải được, đúng là mở rộng tầm mắt. Tôi phấn khích cả mấy ngày liền, coi cuốn sách này như báu vật, ngày nào cũng nhất định phải đọc, hơn 20 năm qua chưa từng gián đoạn. Nhân sinh của tôi cũng vì thế mà có những biến hóa thoát thai hoán cốt.
Trước khi tu luyện Đại Pháp, mọi người thường bình phẩm tôi là người sắc sảo, lọc lõi, ích kỷ và toan tính. Vì danh lợi, tôi không ngừng tranh đấu, coi đó như ước nguyện của mình, nhưng rồi bệnh quấn thân, sống rất mệt mỏi. Từ khi tu luyện Đại Pháp, thân thể tôi trở nên khỏe mạnh, tâm trạng vui vẻ, lòng dạ cởi mở, biết cảm thông với người khác, thiện đãi người khác, vui vẻ giúp đỡ người khác, gặp việc biết suy nghĩ cho người khác. Dưới đây, tôi xin chia sẻ về một vài câu chuyện về phương diện này.
Người thuê nhà nói: “Anh là người tốt nhất trong thị trấn.”
Tôi có một ngôi nhà ở vị trí đắc địa, ngoài cửa còn có một khu đất trống. Nếu vào tay người khác, một địa điểm như vậy có thể cho thuê với giá 60.000 tệ, nhưng tôi chỉ cho thuê với giá 50.000 tệ. Nguyên tắc của tôi là: cảm thông với khách thuê, tính giá cho thuê thấp hơn giá thị trường, trước sau đều giữ thiện duyên.
Có một người thuê để mở nhà hàng nhưng từ khi thuê, công việc kinh doanh của anh không được tốt lắm. Em trai anh bị bệnh phải nằm viện ở vùng khác, cháu còn nhỏ, em dâu cũng không ra khỏi nhà được nên trong một thời gian dài, anh ấy phải đến viện chăm sóc em trai, lúc nào cũng phải chạy tới chạy lui. Hết năm khi đến hạn trả tiền thuê nhà, anh gọi cho tôi nói: “Anh có thể cho tôi thư thả tiền thuê nhà thêm vài ngày, được không?” Tôi không nói gì, chỉ nói “Được!” Vừa nói vài câu, đầu dây bên kia liền khóc không thành tiếng: “Em trai tôi vừa qua đời, em dâu và cháu trai khóc lóc, nhờ tôi giúp đỡ, tôi phải thuê xe đưa cậu ấy về và lo liệu tang lễ.“ Tâm tôi cũng trùng xuống, hỏi anh ấy cần giúp gì không. Anh ấy nghẹn ngào nói: “Anh không giục tôi tiền thuê nhà cũng là chiếu cố cho tôi rồi, còn giúp gì hơn nữa.” Tôi biết điều anh ấy cần lúc này là tiền, giúp đỡ một chút cũng là việc phải lẽ. Tôi nói: “Thế này đi, khi anh trả tiền thuê nhà, anh hãy trừ đi 5.000 tệ, coi như là chi phí đi lại của anh.” Anh ấy rất ngạc nhiên, cảm thán nói: “Anh không giống những người khác, tôi coi như đã gặp được quý nhân rồi.”
Nửa tháng sau, anh ấy gọi điện hỏi số tài khoản. Tôi chợt nhớ ra: Theo tục lệ, ma chay cưới hỏi cũng cần có một chút quà thăm hỏi, tuy tôi và anh ấy không phải người thân nhưng anh ấy đang gặp khó khăn, tiền bạc cũng không dư dả gì, tôi nên làm chút việc thiện để chia sẻ cùng anh ấy. Vì vậy, tôi gọi cho anh ấy và nói: “Anh hãy trừ thêm 2.000 tệ nữa. Đây là chút quà thăm hỏi của tôi.” Anh ấy rất ngạc nhiên và liên tục nói: “Như thế không được! Như thế không được! Anh đã quá tốt với tôi rồi.” Tôi nói: “Đó là tiền phúng viếng thôi, không có lý gì để không nhận cả.” Khi buông điện thoại xuống, trong tâm tôi cảm thấy nhẹ nhõm, vui sướng.
Thỉnh thoảng, tôi đi ngang qua cửa hàng của anh ấy, tiện vào xem qua một chút. Đôi khi anh ấy cũng đưa ra một số yêu cầu đặc biệt, chẳng hạn như cửa chống trộm bị hỏng, phí bảo hành sửa mất 500 tệ; kính cửa bị vỡ, sửa mất 200 tệ; thay ổ khóa 60 tệ… Những thứ này trong hợp đồng đều đã ghi rõ là thuộc trách nhiệm của anh ấy nhưng tôi cũng không so đo, làm mọi việc theo mong muốn của anh ấy. Sau khi tu luyện Đại Pháp, khi gặp việc gì tôi đều có thể nhìn thoáng hơn, nếu là trước kia, một chút tôi cũng sẽ so đo, không đồng ý.
Hai năm sau, dịch bệnh lan rộng đến khu vực ở địa phương, các thành phố và khu dân cư thường xuyên bị phong tỏa. Một tuần trước khi trả tiền thuê nhà, anh ấy gọi điện, ấp úng nói: “Để gọi cuộc điện thoại này, tôi đã do dự mấy ngày nay, nói ra ngại quá.” Tôi nghĩ có thể anh ấy muốn giảm tiền thuê nhà, nên nói: ” Anh cứ nói đi.“ Anh ấy nói: “Tôi muốn thay đổi tiền thuê nhà. Dịch bệnh nghiêm trọng như vậy không ai thay đổi cả. Chi phí sửa sang, trang trí cửa hàng hết 160.000 tệ, vốn còn chưa thu hồi được. Anh giảm tiền nhà từ 50.000 tệ xuống 25.000 tệ được không? Anh dang tay giúp tôi vượt qua lần này, đợi dịch bệnh qua đi rồi anh lại tăng lên.” Lúc trước, anh ấy cũng từng kể qua, tình hình dịch bệnh mấy năm này, con trai và con dâu anh ấy đều bị thất nghiệp, cũng đến làm việc ở cửa hàng, ba thế hệ cả già lẫn trẻ đều trông chờ cả vào cái cửa hàng nhỏ này, trả tiền thuê nhà xong thì chỉ còn lại chút tiền sinh hoạt.
Tôi hiểu rõ hiện tại không phải là thời điểm kiếm tiền, mà là thời điểm cứu mệnh, nhân loại thời kỳ mạt kiếp đang gặp nguy hiểm. Không chỉ có dịch bệnh, mà các loại tai họa khác cũng không ngừng ập đến, ông trời bắt đầu đâò thải những những người đã gia nhập Đảng, Đoàn, Đội. Tôi đã làm tam thoái cho cả gia đình anh ấy, họ cũng rất tán thành Đại Pháp nên nhất định sẽ được bình an. Nhưng tiền cho thuê nhà 25.000 tệ, cứ thế mà giảm xuống luôn thì thấp đến mức không còn gì để nói. Tôi không coi trọng tiền bạc, nhưng việc nào đi việc đó, người tu luyện cần làm việc phù hợp với trạng thái của người thường và không đi sang cực đoan. Tôi liền nói: “Vây 30.000 nhân dân tệ nhé, coi như tình hình dịch bệnh ít người ra ngoài ăn, số tiền này anh cũng sẽ không bị lỗ.” Tiền cho thuê ít đi một chút nhưng cứu sống một nhà.
Anh ấy vô cùng cảm kích, nói: “Anh là người tốt nhất thành phố, nhân phẩm rất cao thượng.” Rất nhiều lần anh ấy mời tôi ngồi lại cửa hàng một chút nhưng tôi đều từ chối. Tôi ăn bữa cơm ở cửa hàng của anh thì chính là anh ấy cũng bị mất đi chút lợi nhuận, anh ấy phải bán bao nhiêu mới có thể thu hồi được? Vì vậy, mỗi lần đi qua cửa hàng của anh ấy, tôi đều tránh giờ ăn, để không làm phiền anh ấy.
Sau đó, một chủ nhà gần đó nói với tôi: “Tôi vẫn sẽ cho thuê 50.000 nhân dân tệ như cũ, anh đừng có nghe họ than khổ.” Tôi chỉ mỉm cười, không nói gì.
Xây hai bể phốt
Kho hàng của tôi ở tầng một của một khu dân cư cũ, năm ấy tôi chuyển đến thì phát hiện ra một vấn đề nghiêm trọng: cống thoát sàn thỉnh thoảng bốc lên mùi phân và nước tiểu. Mỗi lần tôi tìm ban quản lý để thông bể phốt thì hàng hóa xung quanh đều dính bẩn, rất phiền toái.
Sau này, tôi mới biết bể phốt bị đầy mà ban quản lý không có xe chở phân, thuê ngoài thì phải chi tiền, lúc nào họ hút thì hút, vì thế dân trong khu kêu ca rất nhiều. Tôi nghĩ nhà kho không có người ở nên cứ bịt ống thoát sàn là được. Nhưng về sau phát hiện rằng sau khi bít lại thì phân từ lại thoát ra ở tầng hai, khiến cư dân ở tầng hai rất phiền phức. Mỗi lần thấy người của ban quản lý lên tầng hai để khai thông là tôi lại thấy không ổn, nếu không bịt ống thoát sàn chỗ tôi lại thì phân sẽ không thoát ra tầng hai được. Tôi cảm thấy mình không tử tế, chỉ biết lo cho nhà mình.
Tôi tự hỏi làm sao để khắc phục vấn đề này. Trong lúc trò chuyện, một người hàng xóm làm công trình dân dụng bảo: “Khi tòa nhà này mới xây, thiết kế bể phốt không hợp lý, nếu trong bể phốt có nhiều phân thì sẽ bị ứ ra từ tầng 1. Sàn nhà và bể phốt cần phải được thường xuyên lau dọn và khai thông.” Tôi nói: “Vậy thường xuyên hút bể không được sao? Anh ấy cười nói: “Một lần gọi xe đến dọn bể phốt mất 200 tệ, ban quản lý không giục thì xe không đến.” Lúc này, một cư dân khác ở tầng một nói: “Ống thoát nước nhà tôi một năm bị xông lên mấy lần. Một hôm, sáng ra vừa dậy, tôi đã thấy sàn phòng khách đầy phân và nước tiểu. Tôi chuyển ghế sô pha ra ngoài và lau chùi mất cả buổi sáng. Giữa mùa đông mà phải mở cửa sổ cho đỡ mùi, chịu hết nổi. Ai ở tầng một mà chịu được chứ.” Mấy hôm sau, một người biết kiến trúc đất nói: “Đào hai bể tự hoại phía trước tòa nhà để giảm dòng chảy ở phía bên kia thì sẽ giải quyết được vấn đề này.” Tôi nói: “Thế phản ánh lên chính phủ không được sao?” Anh ấy nói: “Đây là dự án đầu tư nằm ngoài kế hoạch. Ai sẽ bỏ tiền ra chứ? Trong mắt quan chức thì chuyện này đáng gì chứ?”
Sau nhiều ngày suy nghĩ, tôi quyết định tự bỏ tiền xây bể phốt.
Lúc đó, đang là mùa hè, trong khu dân cư có một đội thầu tư nhân làm việc, tôi tìm gặp người quản đốc và hỏi: “Đào hai bể phốt hết bao nhiêu tiền?”. Anh ấy đến hiện trường xem xét và tính rất nhanh: “Gạch, xi-măng, cát, cộng thêm tiền công, ít nhất cũng là 18.000 tệ, anh thuê người khác thì 25.000 tệ cũng không thuê được.” Tôi nói: “Tôi là người chi tiền, tôi muốn làm chút việc thiện cho cư dân của tòa nhà này.” Anh ấy nhìn tôi, ra điều hơi khó hiểu, ý là bây giờ mà vẫn còn có người như vậy sao?
Tôi nói: “Tôi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp.” Anh ấy vẫn không hiểu lắm nên tôi liền kể cho anh quá trình tu luyện của tôi, tôi nói rằng Pháp Luân Công không giống như những gì Giang bịa đặt, mà là môn tu luyện giúp con người tu tâm hướng thiện. Anh ấy nghe ra và minh bạch, gật đầu thán phục rồi nói: vì tấm lòng đó của anh, tôi chỉ tính tiền vật liệu và tiền công thôi!” Anh ấy tính toán lại và nói: “12.000 tệ, tôi không lấy lãi của anh.” Tôi nói: “Vậy cảm ơn anh!” Sau đó, anh ấy hỏi lại: “Tôi như vậy có được tính là làm một việc thiện không?” Tôi nói: “Có chứ, tất nhiên rồi, anh sẽ được phúc báo!” Tôi tặng anh một chiếc bùa hộ mệnh và dặn anh ghi nhớ chín chữ chân ngôn “Pháp Luân Đại Pháp hảo. Chân-Thiện-Nhẫn hảo.” Anh nhìn ngắm rồi cẩn thận cất vào túi.
Vào ngày công trình khởi công, rất nhiều người vây quanh. Khi mọi người biết tôi là người chi tiền, họ đã khen ngợi tôi không ngớt, có người nói: “Cần phải gọi điện trực tiếp cho đài truyền hình đến quay hình mới được. Làm việc thiện sao có thể âm thầm lặng lẽ như vậy được?” Tôi nói: “Không cần phải như vậy đâu, tôi không cầu điều đó.” Hôm đó, tôi cũng chuyển gạch và đào đất, người dính đầy bụi đất, đến lúc trời nhá nhem tối, công việc mới hoàn thành.
Bể phốt xây xong thì công trình mới hoàn thành một nửa, nửa còn lại phải nối đường ống ngầm từ tầng một. Tôi còn thuê người mua ống, xi măng, cát, đào rãnh, đấu nối đường ống ngầm tầng một xuống bể phốt. Sau khi hoàn thành tất cả những công việc này, đại khái tiêu tốn hơn 20.000 nhân dân tệ.
Trước khi tu luyện Đại Pháp, làm sao một người hay toan tính như tôi lại có thể hào phóng như vậy? Trước kia, bình thường khi tôi mời bạn bè đi ăn thì không thể thiếu món đậu phụ cay, tôi thường chỉ chọn những món rẻ tiền. Khi đơn vị đi công tác, tôi nhặt phiếu xe buýt 5 xu, 10 xu để được hoàn lại, ngồi xe lửa có khi còn ăn bớt không mua vé, đến khi bị hỏi thì nói mất vé. Kỳ thực, trong cuộc sống, tôi không thiếu thứ gì, chỉ thiếu tâm Pháp, trước đây không biết gì, chỉ thấy có tiền là tốt rồi. Tôi cảm thấy may mắn vì mình không làm quan chức, nếu không, tôi thực sự không biết đã tham ô mất bao nhiêu, và bao nhiêu người đã bị hại! Những gì Pháp Luân Công giảng ra là tâm Pháp, những gì giảng ra đều là trọng đức hành thiện và đề cao tâm tính. Tôi may mắn vì mình đã không sống vô ích, đời này được kết duyên cùng Đại Pháp.
Xây hai giếng nước mưa
Mấy năm đầu mới vào ở, cứ đến mùa mưa là mấy căn hộ gần lối vào khu phố luôn bị ngập nước, người dân đều phải men theo tường mà đi lại, trẻ em đi học bị té ngã là chuyện thường, người già qua lại thì càng bất tiện hơn. Thời gian dài trôi qua, cư dân cũng đã quen với điều này.
Lúc đầu, tôi tìm mấy viên gạch xếp vào để mọi người giẫm lên cho đỡ bị ướt. Về sau, tôi thấy đó không phải là biện pháp lâu dài, sau cơn mưa, chỗ gạch thành ra bị thừa, nếu không bỏ ra sẽ ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân và xe cộ. Vì vậy, tôi chuyển số gạch đó ra chân tường, trời mưa lại đem rải ra đó. Cứ nhiều lần như vậy, cảm thấy rất phiền toái.
Một lần, tôi hỏi một người hàng xóm: “Có cách nào giải quyết vấn đề này không nhỉ?” Anh ta nói: “Đào một giếng thoát nước mưa là giải quyết được.” Anh ấy chỉ vào một khoảng đất trống và nói: “Phía dưới chính là đường ống nước bẩn.” Tôi nói. “Đào giếng thì hết bao nhiêu tiền?” Anh ấy nói: “Mấy trăm đồng mới đào được.” Sau đó, anh ấy thở dài: “Ài – nếu có người làm quan ở đây thì việc này đã được giải quyết lâu rồi.”
Tôi suy nghĩ một chút, việc này đơn giản hơn việc xây bể phốt, và quyết định thuê người làm. Sau đó, tôi lái xe ra ngoại ô để mua nắp giếng, khung giếng, gạch, xi măng và cát. Chuẩn bị xong vật liệu, tôi lại thuê hai thợ làm công xây hết một ngày là xong giếng thoát nước mưa.
Từ đó trở đi, sau khi mưa, trước tòa nhà không còn bị ngập nước nữa, cư dân trong khu rất vui mừng, nói: “Vấn đề hơn 20 năm chưa giải quyết được thì anh đã giải quyết rồi”.
Sau đó, tôi chuyển đi nơi khác và thỉnh thoảng cũng qua đó. Vào mùa thu năm thứ sáu sau khi chuyển đi, khu dân cư được cải tạo, mặt đường được thay gạch mới. Sau mùa mưa năm ngoái, vấn đề lại xuất hiện. Lúc thi công ở đó, họ dùng cát ít quá, địa hình thấp nên sau cơn mưa lại thành vũng nước, phải hai, ba ngày mới thoát hết được. Cư dân đi tìm ban quản lý, cộng đồng, chính quyền khu, bên trên cũng cử người đến xem xét nhưng không ai giải quyết. Mỗi khi trời mưa, không ít người lại tụ tập than phiền, mắng chửi chính quyền, ác đảng, quan chức… Nhưng mắng chửi cũng thế thôi, vẫn không có ai giải quyết.
Mỗi lần đi ngang qua tôi lại ngẫm nghĩ, cảm thấy rất đơn giản, xây giếng nước mưa chẳng phải là hết sao? Nhưng rồi tôi lại nghĩ, mình đã chuyển đi rồi, có cần thiết không? Lúc trước, xây dựng bể tự hoại và giếng nước mưa, tôi đã tốn không ít tiền. Nếu như không tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, thì ai quan tâm đến chuyện này? Nếu như tôi lại nói sẽ xây cái giếng nữa, liệu có ai nói rằng tôi học Pháp Luân Công nên thật ngốc không? Nhưng khi nghĩ lại, Sư phụ dạy chúng ta phải chiểu theo Chân-Thiện-Nhẫn làm người tốt, làm người tốt hơn nữa, và cuối cùng đạt đến tiêu chuẩn viên mãn, tôi còn kém xa. Việc này, chính phủ sẽ không giải quyết, sớm muộn gì cũng khiến người dân bức xúc. Vì vậy, tôi quyết định tự làm.
Với kinh nghiệm đã có trước đây, lần này, tôi đã biết rõ phải làm thế nào. Tôi kiếm mấy viên gạch cũ, mua xi măng, khung giếng, nắp giếng và ống nước, rồi tìm hai đồng tu và hai người họ hàng, đào một cái rãnh dài hơn chục mét, đặt giếng vào vị trí, thông hai đầu, đổ đầy nước vào, rồi lấp đất lên, lát gạch lát nền, khôi phục nguyên trạng.
Đây không phải chuyện gì lớn, nhưng có ảnh hưởng rất lớn. Ngày hôm đó, lúc làm, những người lui tới khuôn mặt đều tươi cười, có người còn chủ động đẩy những chiếc xe điện đậu bên cạnh đi để không gian được thoáng đãng. Hai người đàn ông trạc 60-70 tuổi cũng cùng chúng tôi đào giếng. Có một cụ bà ở tầng tư cứ hết lần này đến lần khác xách nước từ nhà xuống để trộn xi măng. Cũng có một bà cụ đã ngoài 80, khi thấy tôi đến, bà cúi gập người 90 độ, chắp tay trước ngực chào tôi và nói: “Cảm ơn chú! Cảm ơn chú!”
Làm xong công việc này, chi phí vật liệu cộng với tiền ăn vừa tròn 1.000 tệ.
Sau hơn 20 năm tu luyện Đại Pháp, tôi đã dưỡng thành thói quen nghĩ cho người khác mỗi khi gặp vấn đề. Nhiều khi ra đường, thấy một hòn đá trên đường, tôi cúi xuống nhặt vì sợ ảnh hưởng đến người qua đường và các phương tiện qua lại. Khi tôi nhìn thấy một người lớn tuổi đi chợ hoặc xách đồ nặng, tôi sẽ tới chủ động giúp đỡ.
Trong trận dịch, có lần, tôi thấy một bà lão xách túi lương thực và hai túi ni lông lớn đựng đồ ngồi nghỉ bên đường. Tôi lại đó, hỏi: “Có phải bác không mang được đồ nữa phải không?” Bà lão bất đắc dĩ nói: “Tôi mệt lắm, biết làm sao đây? Dịch bệnh đang hoành hành nên tôi không thể không chuẩn bị thêm một chút.” Tôi nói: “Cháu sẽ giúp bác. Bác ở tòa nhà nào?” Sau đó, tôi xách chiếc túi cùng hai túi ni lông lớn rồi đi. Bà có vẻ hơi lo lắng và bám sát tôi. Tôi nói: “Bác đừng sợ, cháu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp.”
Một lần, một ông già bị ngã, nằm trên mặt đất, nhiều người náo nhiệt vây xung quanh. Ông già muốn giơ tay lên, nhưng không ai dám kéo ông lên vì sợ phiền phức. Tôi tới nơi thì thấy đó là triệu chứng của bệnh nghẽn mạch máu não, tay ông run run, không nói được. Tôi nói: “Bác có nhớ được không?” Ông ấy gật đầu, và tôi dùng cả hai tay đỡ ông lên và đưa ông vào lề đường và ngồi xuống bậc thềm. Tôi nói: “Bác có cần đưa về không?” Ông lắc đầu. Bây giờ, thế giới ngày càng tệ, tống tiền người ta đã thành chuyện thường, nhưng tôi tin chắc rằng ông trời không lừa người tốt, tâm chính áp bách tà.
Tôi muốn viết ra những thay đổi và trải nghiệm của mình sau khi tu luyện Đại Pháp, để chứng thực Đại Pháp cùng uy đức của Sư phụ. Chính nhờ những lời dạy của Sư phụ mà tôi mới có được cảnh giới như vậy cùng một thân thể khỏe mạnh và một gia đình hạnh phúc. Tôi sẽ tiếp tục nỗ lực không ngừng, nguyện làm một đóa sen nơi thế gian hỗn loạn.
Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của trang web Minh Huệ (Minghui.org). Khi sử dụng lại vì mục đích phi lợi nhuận, vui lòng ghi rõ nguồn ở đầu bài đăng hoặc tác phẩm (Theo bài viết của trang Minh Huệ…), sau đó dẫn đường link bài gốc của Minh Huệ. Trường hợp sử dụng với mục đích thương mại, vui lòng liên hệ với Ban Biên tập về thủ tục ủy quyền.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/6/3/460939.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/6/8/209783.html
Đăng ngày 30-06-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.