Bài viết của một đệ tử Đại Pháp tại Trung Quốc đại lục
[MINH HUỆ 22-05-2022] Tối ngày 23 tháng 6 năm ngoái, tôi đột nhiên thấy bụng trướng lên một cục cứng to bằng cái bát con, chợt nhớ đến hình ảnh một đồng tu khá thân quen: thân thể gầy gò, bụng trướng lên rất to, cuối cùng mất đi nhục thân dưới hình thức bệnh ung thư. Thời gian gần đây, đồng nghiệp đều bảo tôi gầy rộc đi, cứ nghĩ là do áp lực công việc lớn, ăn không ngon, ngủ không yên mà thành. Một lát sau, lại có ý nghĩ nổi lên: Người ta bảo ung thư vừa phát hiện ra thì đã là giai đoạn cuối rồi, chắc mình sắp chết rồi. Mình chết rồi thì mẹ làm sao đây? Đồng nghiệp cơ quan nhìn nhận thế nào đây? Vậy chẳng phải bôi nhọ Đại Pháp sao? Mình không những không cứu độ được họ, mà còn vì cái chết của mình, khiến họ sinh ra ấn tượng xấu đối với Đại Pháp, thế chẳng phải là hủy họ sao? Không được, mình không được chết! Tôi liền ngồi phát chính niệm.
Tôi cũng biết, Sư phụ giảng người tu luyện không có bệnh, đây đều là giả tướng. Giả tướng này vì sao lại xuất hiện? Tôi bắt đầu hướng nội tìm: mình có tâm cầu danh rất nặng, tự ngã mạnh, bạn học ai cũng không bằng mình; mỗi lần kiểm tra sát hạch, mình đều phải làm sao để đạt điểm trung bình cao nhất khoa, bằng không thì trong tâm thấy khó chịu; không đạt được thành tích mong muốn thì sẽ nổi cáu vô cớ với học sinh. Điều này đã bộc lộ rõ tâm tật đố, tâm tranh đấu. Tôi cảm thấy mấy năm nay, ở cơ quan, tôi chỉ chứng thực cái tự ngã, chứ không tu gì, thật xấu hổ!
Cứ tưởng đã tìm được chấp trước căn bản rồi, mà một hôm, tôi mơ hồ cảm thấy dường như vẫn chưa phải là gốc rễ. Đột nhiên, tôi nghĩ, lúc nghĩ mình sẽ phải chết, điều đầu tiên nghĩ đến là mẹ mình phải làm sao? Hễ nhắc đến mẹ thì đúng là một lời khó nói hết. Từ khi tôi biết ghi nhớ sự việc, vì hoàn cảnh sống của gia đình, nên tôi luôn nghĩ: “Chỉ cần có tôi, thì nhất định sẽ không để mẹ chịu khổ, chịu mệt”. Năm 2018, mẹ tận mắt thấy tôi bị tà ác xông vào phòng bắt cóc, khiến mẹ bị tổn thương tinh thần rất lớn.
Hướng nội tìm, trong tâm vẫn còn trĩu nặng, tôi bèn giao lưu với đồng tu về tình huống của mình, vẫn là hy vọng được đồng tu trợ giúp (không dám cầu Sư phụ). Nhưng khi biểu hiện của đồng tu không như kỳ vọng của tôi, tôi mới ý thức được là vẫn phải hướng nội tìm: Vì sao lại nói với đồng tu về vấn đề của mình? Vì cớ gì mà thất vọng? Một mặt là không tự tin lắm vào bản thân, có tâm hướng ngoại cầu; một mặt là coi đồng tu ấy không ‘coi chuyện của đồng tu là chuyện của mình’, có chút tự tư. Nhưng điều này đã bộc lộ rõ tư tâm của tôi – lúc đồng tu gặp nạn thì tôi thường lãnh đạm, cảm thấy vấn đề của đồng tu thì người khác cũng không khởi tác dụng quyết định được. (Sau này, có một đồng tu nói, cách đây ba năm, sau khi chúng tôi phát chính niệm cho một đồng tu, tôi nói: bao nhiêu người tới cũng không khởi tác dụng, then chốt là phải do chính bản thân đồng tu. Ba năm qua rồi, đồng tu vẫn nhớ câu nói này, bởi lúc ấy, cô ấy nghe tôi nói vậy thì trong tâm rất khó chịu, cảm thấy tôi thật tự tư. Ba năm sau, hôm nay, khi tôi xuất hiện giả tướng, cuối cùng, đồng tu cũng chỉ ra, còn thêm một câu: Chị tự tư quá rồi. Bây giờ, tôi mới chân thành cảm ơn đồng tu đã chỉ ra chỗ thiếu sót của tôi!)
Tìm ra được một thiếu sót của bản thân, tôi thấy cũng nhẹ nhõm hơn một chút, nhưng trong tâm vẫn chưa hoàn toàn buông bỏ. Tôi biết hướng nội tìm là tu luyện, là đang quy chính bản thân, không phải là vì để giải quyết vấn đề bụng trương cứng, nhưng cũng khó mà không để ý xem nó có biến hóa gì chưa.
Cuối cùng, chịu không nổi nữa, tôi bèn đến nhà mẹ ở mấy hôm. Người nhà ai cũng bảo tôi gầy quá, nhưng không phát hiện ra chỗ bất thường trên người tôi, tôi cũng không nói, chỉ là lúc nói thì vô tình hay cố ý như bảo người nhà lo hậu sự cho tôi vậy. Sau đó, tôi gặp vị đồng tu mà giúp tôi bước vào tu luyện, tôi kể rất nhiều. Trong cuộc trò chuyện đó, đồng tu nói: cảm giác như chân ngã của chị bị cách trở với Pháp, có những câu nghe như dựa trên Pháp, nhưng nông lắm, không có lực lượng của Pháp. Lời này của đồng tu khiến tôi kinh ngạc: Cái gì mà như chân ngã cách trở với Pháp chứ? Đồng tu nói trước mắt hiện ra một quả trứng sắt lớn, tôi bị quả trứng sắt bao bọc kín (đồng tu không phải tu trong trạng thái khai mở). Làm sao có thể giải thoát chân ngã của tôi? Đồng tu trích dẫn Pháp của Sư phụ:
“Có từ bi có thể nóng tan cả sắt thép thì có thể làm được tốt.” (Giảng Pháp vào Tết Nguyên Tiêu năm 2003)
Mà điều tôi thiếu lại chính là từ bi! Từ bi là tu xuất ra. Tu bỏ tình rồi thì thay vào đó chính là từ bi! Mà tình thân quyến, danh lợi của tôi lại quá nặng, làm sao có từ bi đây!
Đồng tu còn chỉ ra rằng tôi còn có tâm oán hận. Tôi mà kể về cha lúc còn sống thì “nghiến răng nghiến lợi”. Chẳng qua mấy năm nay, tôi hoàn toàn không ý thức được thôi. Đối với mẹ, tôi lại nặng tình, cũng là bắt nguồn từ cha. Sự tự tư của tôi biểu hiện ở chỗ, tôi tự cho rằng mình hy sinh cho người thân, sống vì họ, kỳ thực là vì muốn được họ coi trọng, tán thành; nhưng khi không được thì trong tâm sinh ra bất bình, chứ không phải là lấy Đại Pháp làm chỉ đạo và mọi phó xuất đều là không cầu báo đáp. Chính là vấn đề này; tôi có tâm lợi dụng Đại Pháp – thấy đồng nghiệp bên cạnh có tật xấu này, tật xấu kia thì trong tâm mừng thầm: tôi học Đại Pháp rồi, sẽ không có mấy vấn đề này; coi học Đại Pháp như là có bảo hiểm rồi. Đồng tu hy vọng tôi thông qua giả tướng này sẽ tỉnh táo lại, phân tích thấu đáo quá trình tu luyện của mình, và xử lý cho thuận. Tôi vô cùng cảm kích đồng tu đã vô tư chỉ ra vấn đề mà tôi chưa nhận thức ra.
Ở chỗ đồng tu, tôi cũng có lúc động tâm đối với vấn đề có đi viện hay không, trong tâm như có hai người đang đối thoại:
– Ngươi sao không đi bệnh viện? Kiên trì cái gì chứ? – Người tu luyện không có bệnh, đều là giả tướng, là vấn đề do tu luyện của bản thân thôi, vậy thì cứ quy chính bản thân trong Pháp. – Thế nếu tốc độ quy chính của ngươi không nhanh bằng cái bọc cứng kia thì làm sao?
– Đại Pháp không phải dùng để trị bệnh. Nếu tốc độ quy chính của ta không nhanh bằng cái bọc cứng kia thì ta cứ phó mặc cho Sư phụ, bỏ đi hay để lại đều do Sư phụ quyết định, ta biết Đại Pháp là tu luyện, không phải để trị bệnh.
Khi tôi kiên định không đi bệnh viện, đưa ra được quyết định dứt khoát thế này: “Là quan của ta thì ta sẽ phải vượt, cấp thêm cho ta thì ta nhất quyết không nhận” thì trong tâm đã nhẹ nhõm nhiều rồi.
Sau khi về nhà, tôi xem video Sư phụ giảng Pháp tại Quảng Châu hai lần, biết mình có quan niệm rất mạnh cần phải phá trừ – đó là mắt nhìn thấy bèn coi là thật, bởi vì cái bọc cứng này thực tại ở đây, lại còn to lên nữa. Sau khi minh bạch được Pháp lý này, tôi thực sự cảm thấy cái bọc này không có quan hệ gì với tôi, vì sao còn để ý đến nó? Vừa hỏi vậy, tôi liền biết đây là quan niệm hậu thiên chi phối đại não của tôi, chứ không phải chân ngã, vậy thì diệt đi thôi.
Sau 20 ngày điều chỉnh bản thân, tôi cũng không gầy gò như lúc trước nữa. Gần đến ngày khai giảng, tôi lại bị động tâm. Trong lòng không muốn khai giảng, chỉ mong được dạy ở nhà, vì sợ đồng nghiệp thấy chỗ dị dạng trên người tôi. Điều này lại bộc lộ ra tôi vẫn còn sợ bị mất mặt, vẫn có tâm muốn bảo vệ hình ảnh của mình. Bất cứ tâm nào cũng như bức tường ngáng trở con đường tu luyện. Nhận thức ra rồi thì giải thể nó đi.
Ngày 6 tháng 9, tôi cầu Sư phụ trong tâm: Thỉnh Sư phụ giúp đệ tử ngu muội này! Mấy ngày trôi đi, lúc lên lớp thì tôi không có cảm giác gì, mà hễ dạy xong, tôi lại thấy có lúc hơi đau trong người, có lúc đau chỗ này chỗ kia, nhưng đều chịu đựng được, không biểu lộ ra nét mặt, không ảnh hưởng gì, trong tâm tôi rất vui, bởi vì Sư phụ đang quản tôi và không hề từ bỏ tôi. Lúc này, tâm cũng đã vững vàng rồi.
Quay đầu nhìn lại, tôi đã tu luyện 23 năm rồi, mỗi ngày đều học Pháp, luyện công, phát chính niệm, có điều kiện cũng làm việc cứu người, hết thảy đều là từng bước tu luyện, nhưng thực ra, tôi vẫn luôn chỉ loanh quanh ngoài cửa tu luyện, thật đáng buồn! Tu luyện 23 năm, những chấp trước lẽ ra đã phải tu bỏ từ lâu lại chưa bỏ, mà đi tích lại thành cái bọc lớn hôm nay. Đây đúng là một gậy bổng hát đối với tôi!
Nhân đây, tôi vô cùng cảm ơn đồng tu đã giao lưu dựa trên Pháp lý và chỉ ra chỗ thiếu sót của tôi! Vô vàn cảm tạ Sư phụ đã vì con mà chịu đựng, phó xuất! Con sẽ kiên định trong Pháp, đi tốt quãng đường còn lại.
Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/5/22/442029.html
Đăng ngày 09-09-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.