Bài viết của Thuần Chân, đệ tử Đại Pháp ở Trung Quốc Đại lục
[MINH HUỆ 25-03-2022] Hôm nay, cuối cùng tôi đã tìm ra gốc rễ của giải đãi và phiền não!
Bản thân tôi từ nhỏ đã hay “phiền não”. Tuy tu đã nhiều năm và đã tu bỏ rất nhiều, nhưng tôi vẫn chưa trừ bỏ tận gốc, bản thân vẫn thấy rất khổ não.
Ở nơi thế gian, con người luôn khao khát về một cuộc sống tốt đẹp, không thích chịu khổ. Người ta yêu thích cuộc sống ngọt ngào, tình yêu và thích hưởng thụ; hễ chịu khổ thì chau mày ủ dột, sau đó là oán trách và chùn bước.
Trong tu luyện cũng không muốn chịu khổ, mỗi lần gặp quan tâm tính thì tôi không có kiên nhẫn. Hóa ra, giải đãi và sợ chịu khổ đã ngăn cản tôi tinh tấn.
Hôm qua, trong lúc ngồi đả tọa, dường như tôi đã nghe thấy rất nhiều sinh mệnh trong thế giới của mình đang gào thét: “Phiền quá!” Còn có rất nhiều sinh mệnh đang kêu gào: “Khổ quá! Khổ quá!” Đây là một trải nghiệm trước nay chưa từng có.
Đả tọa xong, tôi biết mình vẫn chưa làm được “Cật khổ đương thành lạc” (Khổ kỳ tâm chí, Hồng Ngâm). Trước đó, tôi chưa ý thức được không thể chịu khổ là một chấp trước rất lớn.
Cái khổ trong tu luyện không thể vượt qua bằng cách đi đường vòng, cũng không thể mang theo tâm lý cầu may. Bây giờ tôi đã ngộ ra: Trong tu luyện, lúc nào chúng ta cũng đang lựa chọn giữa thiện và ác, ví như lựa chọn giữa siêng năng hay lười biếng, chịu khổ hay hưởng thụ. Có thể chịu khổ chính là một hành vi vô tư.
Hết thảy nhân tâm đều không phải là tôi, chỉ là tôi cần phải đưa ra lựa chọn. Tự kỷ chân chính là thiện lương tốt đẹp và siêng năng, chứ không phải lười biếng. Tự kỷ chân chính là bình hòa, chứ không phải là tức giận và phiền não. Tự kỷ chân chính là cái tiên thiên thuần chân.
Mấy hôm nay, có một học viên mới đến tá túc nhà tôi vài ngày. Do người nhà đều phản đối cô ấy tu luyện nên cô không muốn về nhà. Mẹ cô còn hăm dọa: “Nếu con không về nhà thì mẹ sẽ báo cảnh sát.” Tôi khuyên cô nên về nhà và dàn xếp cho tốt việc gia đình. Sau khi cô suy nghĩ thông suốt, tôi đã tiễn cô ra bến xe. Hôm đó, địa phương chỗ tôi chưa bị dịch bệnh. Đến khi tôi chở cô sang một thành phố khác để đón xe về nhà, địa phương chỗ tôi mới thông báo dịch bệnh bùng phát. Ngay hôm đó, tôi tiễn cô về xong, thì bị tắc đường, tôi đành tá túc ở nhà người họ hàng. Kỳ thực ở chỗ nhà họ hàng vẫn chưa bị dịch bệnh, chỉ là nó ở gần khu vực có dịch, đâu đó khoảng một tiếng đồng hồ lái xe.
Bởi vì nơi tôi tá túc lại chưa có ca nhiễm nào, nên tôi cũng không để ý cho lắm. Nhưng không ngờ, đến sáng ngày thứ ba, có người gọi điện cho tôi, nói là người của Ban phòng dịch. Họ hỏi tôi đang ở đâu, đã tiêm phòng hay chưa. Họ còn nói muốn chuyển tôi về tiểu khu nơi tôi đang ở. Tôi nghe thấy phản cảm nên đã dập máy và rút sim điện thoại, và nghĩ không có chuyện gì xảy ra.
Tuy nhiên, sự việc không đơn giản như tôi nghĩ, sau ngày tôi nhận được cuộc gọi, mấy trục đường chính ở bên nhà họ hàng đều bị phong tỏa. Họ còn cử người lái xe đến canh giữ. Cả ngày không ai được phép đi ra ngoài. Họ chỉ cho phép người đi vào, chứ không cho phép đi ra. Họ bảo người dân ở trong nhà chờ, nhà nào cũng phải làm xét nghiệm virus.
Tôi cảm thấy có gì đó không đúng. Họ làm rầm rộ đến thế, chắc chắn không chỉ là xét nghiệm virus cho mọi người thôi. Tôi đã phát chính niệm suốt buổi tối hôm đó, đồng thời tôi hướng nội tìm và tự hỏi liệu mình có tâm sợ hãi hay không. Sau đó tôi cảm thấy trong tâm khá bình tĩnh. Sau khi phát xong chính niệm 12 giờ khuya, tôi đã đi ngủ.
Sáng hôm sau, tôi thức dậy khá sớm. Chị gái tôi (cũng là đồng tu) đã dậy trước tôi. Chị ấy đang ngồi phát chính niệm. Chị thấy tôi đã dậy, nên chị nói chuyện với tôi. Chị bảo chị vừa nhìn thấy một con ma. Chị nói nó đang đứng ở kia trêu đùa. Chị gái hỏi nó trêu đùa chuyện gì, nó nói là để cho cô ta (ý chỉ tôi) làm xong xét nghiệm, rồi lại lôi cô ta đi cách ly. Chị gái còn nói, ở không gian khác có rất nhiều ma, chúng tụm lại rất nhanh, suýt nữa là chúng xúm lại rồi.
Tôi bèn hỏi chị gái, liệu có thể chủ động đi làm xét nghiệm trước không? Chị gái đi ra hỏi nhân viên y tế ở bên ngoài, nhưng họ bảo không cho ra ngoài, họ nói hãy ở trong nhà chờ.
Tôi nghĩ vậy mình đành chịu thôi. Nhưng ngay sau đó, tôi đã tìm được đường ra. Thật may, tôi nhìn thấy ở bên đường có chỗ làm xét nghiệm, nên tôi đã qua làm luôn. Trước đây, tôi rất ghét đi làm xét nghiệm. Tôi đã bỏ thi bằng lái xe vì họ yêu cầu tôi phải làm xét nghiệm virus. Nhưng làm xét nghiệm lần này, tôi thấy cũng bình thường, chỉ là chạm vào phía trên vòm miệng để lấy mẫu.
Quay đầu nhìn lại ma nạn nhỏ lần này, là do tôi có chấp trước không muốn làm xét nghiệm và tiêm phòng. Tôi trở về từ vùng dịch nên họ rất sợ. Tôi cũng nhận ra mình có tâm lý né tránh và kiêu ngạo lúc trả lời điện thoại.
Sự việc lần này khiến tôi càng nhìn rõ tác hại của điện thoại di động. Họ tìm được tôi bằng cách truy vết điện thoại. Trước đây, tôi đã đọc bài chia sẻ về điện thoại di động trên Minh Huệ Net, nhưng tôi không quan tâm cho lắm. Điện thoại di động tuy tiện lợi, nhưng nó không an toàn, chúng ta phải thật sự thận trọng về vấn đề này. Điện thoại di động cũng là một cám dỗ rất lớn, trên đó có quá nhiều tín tức, hễ chúng ta không chú ý, thì sẽ lãng phí thời gian vào nó, mà bỏ lỡ việc tu luyện. Kể từ thời điểm đó, tôi đã bỏ điện thoại di động; tập trung tĩnh tâm học Pháp, luyện công, phát chính niệm. Nếu chúng ta chưa thể bỏ điện thoại di động vì cần cho công việc, thì chúng ta chỉ nên xem nó như một thứ công cụ làm việc; tuyệt đối đừng để mình bị cám dỗ và bị nghiện, từ đó lãng phí thời gian quý giá.
Xem chừng chỉ là việc nhỏ không đáng để mắt, nhưng nó đã đem đến phiền phức cho tôi. Thông qua việc này, tôi cũng nhận ra mình cần đề cao thật nhiều. Tôi cảm thấy như ngày nào mình cũng đang đề cao bản thân, nhưng vẫn còn cách quá xa so với yêu cầu của Pháp đối với tôi.
Tối hôm qua, em gái và tôi nói chuyện về vấn đề tích lũy nghiệp lực trong dòng họ, em bảo em nóng tính, nên phát chính niệm thanh trừ. Tôi nói em làm vậy cũng tốt. Sáng hôm sau thức dậy, tôi nói với em gái: Kỳ thực nóng tính cũng là biểu hiện của sợ chịu khổ. Em hãy đọc bài “Khổ kỳ tâm chí” trong Hồng Ngâm:
”Viên mãn đắc Phật quả
Cật khổ đương thành lạc
Lao thân bất toán khổ
Tu tâm tối nan quá
Quan quan đô đắc sấm
Xứ xứ đô thị ma
Bách khổ nhất tề giáng
Khán kỳ như hà hoạt
Cật đắc thế thượng khổ
Xuất thế thị Phật Đà.”
(Khổ kỳ tâm chí, Hồng Ngâm)
Tạm dịch:
Viên mãn đắc Phật quả
Lấy chịu khổ làm vui
Nhọc thân không tính khổ
Tu tâm khó qua nhất
Cửa nào cũng phải qua
Chỗ nào cũng là ma
Trăm khổ cùng giáng xuống
Xem sẽ sống ra sao
Nếm đủ khổ trên đời
Xuất thế là Phật Đà
Mỗi lần người khác động tới mình, trong tâm sẽ thấy khó chịu, bản thân không muốn chịu đựng cái khổ đó, cứ phải đánh trả mới được.
Còn nhớ năm đó bị tà đảng bức hại, tôi đã niệm thuộc bài “Khổ kỳ tâm chí” không biết bao nhiêu lần. Mỗi lần tôi cảm thấy khổ, tôi sẽ tự hỏi liệu mình đã làm được “Cật khổ đương thành lạc” (Khổ kỳ tâm chí, Hồng Ngâm) hay chưa?
Đã nhiều năm trôi qua, tôi vẫn lơ là sinh mệnh “phiền não” và “giải đãi” kia. Cuối cùng cho đến hôm nay, tôi đã đào ra gốc rễ của chúng là sợ chịu khổ.
Có rất nhiều vật chất tiêu cực ở trong thân thể của chúng ta. Chúng khiến chúng ta lười biếng, phiền não và không buồn động đậy, không đi làm các việc cần làm, không hoàn thành các việc cần hoàn thành; học Pháp, luyện công, giảng chân tướng và phát chính niệm không theo kịp; hoặc làm hỏng việc, tạo thành chướng ngại rất lớn cho tu luyện của bản thân.
Trong trường không gian của chúng ta, chủng vật chất tiêu cực kia vừa nhỏ mịn, vừa dày đặc. Quá trình thanh trừ những vật chất bất hảo này chính là một quá trình tu luyện, đòi hỏi phải có ý chí kiên cường.
Tôi thường xuyên cảm thấy cả người không có sức, nhưng lại không hiểu nguyên nhân vì sao. Tuy tôi đã tu luyện hơn 20 năm, nhưng vẫn không có thay đổi gì nhiều. Mãi đến hôm nay, tôi mới nhận ra chủng vật chất tiêu cực này; nó là sự kết hợp của đủ loại chấp trước, nào là lười biếng, phiền não, không thể chịu khổ, thích hưởng thụ …
Vật chất đó giống như nhựa đường, vừa đen vừa dính, nó là nghiệp lực tích tụ qua đời đời kiếp kiếp. Hóa ra, từ nào đến giờ tôi vẫn chưa động đến nó, bây giờ mới phát hiện nó là chấp trước và nghiệp lực mà bản thân tôi không ý thức được.
Bên trên chỉ là thể ngộ cá nhân, nếu có chỗ nào chưa phù hợp với Pháp, mong quý đồng tu từ bi chỉ chính.
Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.
Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2022/3/25/我們和精進之間隔著懶惰和怕吃苦-440427.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/8/7/202663.html
Đăng ngày 20-08-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.