Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại Hà Nam, Trung Quốc
[MINH HUỆ 25-01-2022] Sau khi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú, một phụ nữ ở thành phố Khai Phong, tỉnh Hà Nam, đã phải bán nhà để trả tiền phẫu thuật và điều trị. Nhưng chỉ đến khi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công, môn tu luyện cả thân và tâm vào năm 1997, sức khỏe của bà Tín Xuân Đình mới được hồi phục. Bà thường kể cho những người khác về quá trình lấy lại sức khỏe của mình.
Sau khi cựu lãnh đạo Trung Quốc Giang Trạch Dân phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999, bà Tín đã từ chối việc từ bỏ môn tu luyện đã cứu sinh mệnh của mình. Chính quyền đã bắt giữ bà nhiều lần và đưa bà vào trại lao động cưỡng bức, nhà tù và trung tâm tẩy não. Sau nhiều năm không ngừng bị sách nhiễu và đe dọa, sức khỏe của chồng bà ngày càng giảm sút và ông đã qua đời. Sau khi chồng bà qua đời, cảnh sát vẫn tiếp tục sách nhiễu bà vì đức tin của bà.
Tháng 12 năm 2020, Triệu Bằng Huy, Phó Đồn cảnh sát Thị trấn Bắc Giao, đã bắt giữ bà Tín và đánh cắp chùm chìa khóa của bà. Triệu đã bí mật cài đặt thiết bị nghe lén trên xe điện, xe ba bánh của bà và đột nhập vào nhà bà khi không có ai ở nhà. Tháng 1 năm 2022, Triệu đã đưa ba công tố viên địa phương đến thẩm tra bà Tín. Triệu còn sách nhiễu con dâu của bà Tín nhằm tiếp tục gây áp lực buộc bà từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công.
Sau đây là lời kể của bà Tín về những gì bà đã phải chịu đựng trong suốt cuộc bức hại này.
Tôi sống một mình và không có lương hưu nên tôi bán quần áo trên phố để kiếm sống. Tháng 11 năm 2018, sau khi tôi chuyển đến quận Long Đình ở thành phố Khai Phong, Triệu Bằng Huy, Phó Đồn Cảnh sát Thị trấn Bắc Giao, bắt đầu sách nhiễu tôi. Ông ta và các sỹ quan khác đã bắt giữ tôi tại nhà và lục soát nhà tôi vào ngày 16 tháng 12 năm 2020. Họ lấy trộm chìa khóa của tôi. Sau đó, tôi thường cảm thấy có gì đó không ổn mỗi khi về nhà; như có thứ nào đó không hoạt động hoặc có vài món đồ đã được đặt sai vị trí.
Một ngày nọ, khi tôi ra ngoài bán quần áo, Triệu và một viên chức khác đã dùng chìa khóa trộm được từ tôi để đột nhập vào nhà tôi nhằm tìm kiếm “bằng chứng” rằng tôi tu luyện Pháp Luân Công. Sau đó, tôi phát hiện rằng ông ta đã cài đặt GPS trên xe điện và xe ba bánh mà tôi sử dụng để đi làm. Lo sợ cho sự an toàn của mình, tôi đã phải chi hàng trăm nhân dân tệ để chuyển sang khóa vân tay, vì tôi tin rằng chúng sẽ giữ an toàn cho tôi.
Ngày 27 tháng 12 năm 2021, tôi rời nhà vào khoảng 2 giờ chiều và trở về nhà lúc 4 giờ chiều, thì thấy cửa mở và khóa bị hỏng. Tôi mất một chiếc túi, và bảng điện mới bị hỏng. Một số sách Pháp Luân Công của tôi biến mất nhưng vài ngày sau chúng xuất hiện trở lại. Khi tôi yêu cầu người quản lý tài sản cho tôi xem video giám sát của ngày hôm đó, video đã dừng lúc khoảng 3:10 chiều. Tôi nghi ngờ rằng Triệu đã ra lệnh cho người quản lý tài sản xóa đoạn video quay cảnh ông ta đột nhập vào nhà tôi. Sau đó, tôi phát hiện ra rằng, để theo dõi tôi, Triệu đã nghe lén phòng của tôi và truyền video giám sát nơi tôi sống đến thiết bị của ông ấy. [Nhờ vậy], ông ta biết chính xác tôi rời đi và trở về nhà lúc mấy giờ.
Cuối cùng, tôi đã phải viết thư cho phòng cảnh sát địa phương, văn phòng kháng nghị, viện kiểm sát và tòa án, nhằm giải thích lý do tại sao tu luyện Pháp Luân Công là hợp pháp. Ngày 12 tháng 1 năm 2022, Triệu gọi cho tôi và buộc tội tôi tuyên truyền tự do tín ngưỡng. Tôi bảo với ông ta rằng điều bất hợp pháp duy nhất ở đây là việc ông ta nghe lén và đột nhập vào nhà tôi. Tự do tín ngưỡng là quyền theo hiến pháp của công dân. Sáu ngày sau, vào sáng ngày 18 tháng 1, Triệu và ba người đàn ông từ viện kiểm sát địa phương đã đến thẩm vấn tôi. Họ còn đến nhà con gái tôi để đe dọa chồng và gia đình chồng nó nhằm gây áp lực buộc tôi phải từ bỏ đức tin. Gia đình con gái tôi rất lo lắng và không thể trải qua kỳ nghỉ Tết Nguyên đán trong yên bình.
Tôi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú vào năm 1996. Gia đình tôi nghèo nên tôi đã phải bán nhà để có tiền làm phẫu thuật cùng các liệu pháp điều trị khác. Nhưng sức khỏe của tôi tiếp tục xấu đi cho đến khi tôi theo học Pháp Luân Công vào năm 1997. Không chỉ bệnh ung thư của tôi biến mất, mà chứng đông cứng vai, viêm khớp và khối u tử cung của tôi cũng biến mất. Tôi cảm tạ khôn xiết Pháp Luân Công và nhà sáng lập của pháp môn này.
Vì cuộc bức hại, gia đình tôi đã rất khó khăn mới thuê được nơi ở. Chính quyền địa phương đã cố gắng đe dọa chúng tôi và buộc chúng tôi phải chuyển đi. Không còn lựa chọn nào khác, chúng tôi phải chuyển đến một con phố khác ở quận Long Đình. Cảnh sát tiếp tục sách nhiễu chúng tôi và đưa tôi vào trại tẩy não suốt tám tháng trong năm 2002.
Trước khi tôi được trả tự do, cảnh sát đã buộc chồng tôi phải chuyển đến một quận khác vào năm 2003. Công an địa phương và các quan chức cộng đồng ở quận Nam Quan vẫn sách nhiễu và gây áp lực buộc chúng tôi phải chuyển đi nơi khác. Họ đến nhà chúng tôi vào lúc nửa đêm và đổ phân lên bậc cửa nhà chúng tôi vài lần một tuần.
Chúng tôi buộc phải chuyển nhà một lần nữa vào năm 2004. Trong quá trình chuyển đến quận Thuận Hà, cảnh sát đã lần ra chúng tôi. Vài ngày sau khi chúng tôi ổn định nơi ở, Chu Minh Sáng từ Phòng cảnh sát Bình Quả Viên đã đến và nói với chúng tôi rằng họ không muốn chúng tôi có mặt trong phạm vi thẩm quyền của họ.
Tôi biết hành vi sách nhiễu này sẽ không bao giờ kết thúc và tôi không muốn chuyển đi nơi khác nữa. Tôi đã giải thích với chính quyền địa phương rằng cuộc bức hại là vô căn cứ và bất hợp pháp nhưng họ không chịu nghe. Vài ngày sau, Chu bắt tôi và chồng tôi đến đồn cảnh sát rồi tự ý đưa chúng tôi đến trại lao động cưỡng bức. Bởi vì các lính canh ở trại lao động từ chối nhận chúng tôi, chúng tôi đã được về nhà.
Vài ngày sau, Chu xúi giục những người được chính phủ trợ cấp dùng gạch đập vỡ cửa sổ và cửa ra vào của chúng tôi vào lúc nửa đêm. Giường của chồng tôi ở cạnh cửa sổ và tim của ông ấy như ngừng đập vậy. Người ta còn bôi phân vào cửa nhà chúng tôi và ném gạch dính đầy phân vào nhà chúng tôi. Phân văng tung tóe khắp nơi. Điều này xảy ra hai lần rồi. Dựa trên hình thức quấy rối của họ, tôi tin rằng mỗi lần chúng tôi chuyển đến nơi khác, cảnh sát phụ trách khu vực trước đó sẽ thông báo cho cảnh sát quản lý khu vực hiện tại của chúng tôi để đe dọa chúng tôi theo cách tương tự.
Chồng tôi không tu luyện Pháp Luân Công nhưng cũng phải chịu đựng sự bạc đãi giống như tôi. Ông sống cuộc đời mình trong nỗi sợ hãi cay đắng và không có ai để dựa vào hay có nơi nào để tìm kiếm công lý. Nếu tôi về nhà muộn hơn thường lệ, ông sẽ đi ra ngoài và chạy đi chạy lại, lo lắng cho sự an toàn của tôi. Sự sách nhiễu, hết ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe vốn rất tốt của ông. Ông ấy đã qua đời vì bệnh nan y.
Trên thực tế, luật pháp ở Trung Quốc bảo vệ việc tu luyện Pháp Luân Công. 14 tà giáo được nêu trong các thông báo chính thức từ Bộ Công an Trung Quốc năm 2000 và 2005 không bao gồm Pháp Luân Công. Tổng cục Báo chí và Xuất bản của Hội đồng Nhà nước đã ban hành Văn bản số 50 vào ngày 1 tháng 3 năm 2011, với Điều 99 và 100 vô hiệu hóa hai lệnh cấm xuất bản sách báo Pháp Luân Công của Giang Trạch Dân ngay sau khi cuộc bức hại bắt đầu.
Việc các học viên Pháp Luân Công nói về các giá trị và hệ tư tưởng của các bài giảng Pháp Luân Công cũng như nói với những người khác về cuộc bức hại là quyền tự do ngôn luận của họ. Quyền tự do xuất bản đảm bảo quyền được xuất bản sách và tài liệu Pháp Luân Công của họ. Các học viên có thể tụ họp cùng nhau để học Pháp và luyện công vì họ có quyền tự do hội họp. Quyền tự do cá nhân, tự do hoạt động văn hóa, và tự do giao tiếp cho phép họ lựa chọn hoặc giúp người khác nghe hoặc xem bất kỳ hình thức truyền thông nào tại bất cứ đâu.
Tất cả các quyền tự do được đề cập đều được liệt kê và bảo vệ bởi Hiến pháp và Luật Hình sự của Trung Quốc.
Điều 35 trong Hiến pháp của Trung Quốc: “Công dân nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được hưởng quyền tự do ngôn luận, báo chí, hội họp, lập hội, diễu hành và kháng nghị.”
Điều 36: “Công dân nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được hưởng quyền tự do tín ngưỡng. Không cơ quan nhà nước, tổ chức công hoặc cá nhân nào có thể bắt buộc công dân tin, hoặc không tin, vào bất kỳ tín ngưỡng nào; họ cũng không được phép phân biệt đối xử đối với những công dân tin hoặc không tin vào bất kỳ tín ngưỡng nào.”
Điều 40: “Quyền tự do và quyền riêng tư về thư tín của công dân nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được pháp luật bảo vệ.”
Điều 47: “Công dân nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa có quyền tự do tham gia nghiên cứu khoa học, sáng tạo văn học và nghệ thuật và các hoạt động văn hóa khác.”
Luật Hình sự của Trung Quốc quy định việc trừng phạt những người vi phạm các quyền tự do của công dân.
Điều 251: “Cơ quan chức năng nào thuộc cơ quan Nhà nước tước đoạt phi pháp quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của công dân hoặc xâm phạm thuần phong mỹ tục của một nhóm dân tộc một cách nghiêm trọng, sẽ bị phạt tù với thời hạn không quá hai năm hoặc bị giam giữ hình sự.”
Điều 243: “Người nào khai man sự thật, vu cáo người khác với mục đích khiến người đó bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tình tiết nghiêm trọng, sẽ bị phạt tù với thời hạn tối đa ba năm, bị giam giữ hình sự hoặc bị quản chế. Nếu gây hậu quả nghiêm trọng, cá nhân đó sẽ bị phạt tù với thời hạn tối thiểu ba năm, nhưng không quá 10 năm. Bất kỳ cơ quan chức năng nào thuộc cơ quan Nhà nước phạm tội nêu trên sẽ phải nhận hình phạt nặng hơn.”
Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/1/25/437237.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/2/13/199173.html
Đăng ngày 21-02-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.