Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc
[MINH HUỆ 12-05-2021] Ông Lý Quốc Cương, một người từng rất khỏe mạnh, đã bị mất kiểm soát đại tiểu tiện, mất trí nhớ và rối loạn tâm thần khi được trả tự do sau một năm thụ án trong Trại Lao động Cưỡng bức Mã Tam Gia khét tiếng vì tu luyện Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.
Sau khi vật lộn với tình trạng sức khỏe yếu trong gần một thập kỷ, ông Lý đã qua đời ở tuổi 65 vào ngày 3 tháng 1 năm 2020, bảy năm sau khi vợ ông qua đời do bị bức hại vì đức tin chung của họ.
Cái chết của ông Lý
Ông Lý từng làm việc trong một nhà máy giấy ở thành phố Lăng Hải, tỉnh Liêu Ninh. Ông đã mắc bệnh tuyến tiền liệt vào năm 1995 và phải nằm viện một tháng. Sau khi ra viện, sức khỏe của ông rất yếu và phải mặc quần dày dù mùa hè. Vào tháng 3 năm 1996, ông biết đến Pháp Luân Công. Không lâu sau khi bước vào tu luyện, ông đã bình phục và quay trở lại làm việc. Kinh ngạc trước sự hồi phục của ông, nhiều thành viên trong gia đình ông cũng bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công.
Sau khi cuộc bức hại bắt đầu vào năm 1999, ông Lý đã đến Bắc Kinh để kháng nghị cho quyền tu luyện Pháp Luân Công. Ông bị bắt vào tháng 9 năm 1999 và bị giam một năm trong Trại tạm giữ Thành phố Lăng Hải. Đến năm 2003, ông lại bị bắt và bị giam một năm trong Trại Lao động Cưỡng bức Cẩm Châu.
Tối ngày 18 tháng 7 năm 2010, khi đang trên đường về nhà sau khi tan làm, cảnh sát đã chặn ông Lý trên một cây cầu và bắt ông. Ông bị đưa đến Đội An ninh Nội địa để thẩm vấn và bị giam trong Trại tạm giữ Thành phố Lăng Hải 15 ngày. Sau đó ông bị giam một năm trong Trại Lao động Cưỡng bức Mã Tam Gia.
Ông Lý đã được thả vào ngày 18 tháng 7 năm 2011. Vào lúc 3 giờ 50 sáng ngày 23 tháng 7, ông chợt tỉnh giấc và đánh thức người em gái đang sống cùng nhà với mình, nói rằng ông phải đi ra ngoài vì trong nhà có mùi hôi. Ông ra khỏi nhà và chưa đầy 5 phút sau đã quay lại, nói rằng bên ngoài cũng có mùi như vậy. Khi đang nói chuyện, ông bắt đầu kêu la, ngã xuống, bắt đầu co giật và sùi bọt mép. Cơn co giật kéo dài khoảng 40 phút và ông bất tỉnh trong 15 phút. Ngày hôm sau, ông bị thêm bốn lần như vậy và sau đó bị mất kiểm soát đại tiểu tiện.
Gia đình đã đưa ông đến bệnh viện để xét nghiệm máu và chụp điện não đồ. Bác sỹ cho biết ông bị viêm não và bảo ông về nhà.
Trong vài tuần tiếp theo, tình trạng của ông Lý tiếp tục xấu đi. Trí nhớ của ông suy giảm nhanh chóng. Khi ra ngoài, ông không thể tìm được đường về nhà và thường xuyên lên cơn đói, liên tục ăn uống. Ông cũng trở nên cáu kỉnh và hay mất bình tĩnh.
Con gái của ông Lý đã đưa ông đến bệnh viện để chụp MRI vào ngày 7 tháng 9 năm 2011. Vì ông Lý liên tục bị co giật, bác sỹ đã tiêm cho ông ba mũi thuốc an thần nhưng không có tác dụng. Bác sỹ nghi ngờ rằng ông có thể bị nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương.
Ông Lý đã nằm viện mười ngày nhưng vẫn không có tiến triển. Không đủ khả năng để tiếp tục trả 1.000 Nhân dân tệ mỗi ngày, con gái ông đã đưa ông về nhà.
Sau đó, tình trạng của ông Lý thậm chí còn trở nên tồi tệ hơn. Ông không thể ngủ được và thường đảo mắt và nói những điều vô nghĩa. Vì gia đình không thể chăm sóc ông suốt ngày đêm nên họ đã đưa ông đến một viện dưỡng lão.
Sau hơn 9 năm vật lộn với tình trạng tâm thần của mình, ông Lý đã qua đời vào ngày 3 tháng 1 năm 2020. Gia đình ông nghi ngờ rằng ông có thể đã bị tiêm thuốc độc trong trại lao động.
Cái chết của người vợ
Vợ của ông Lý là bà Vương Lan Chi đã đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999. Bà bị bắt vào ngày 28 tháng 10 tại Bắc Kinh và bị giam tại Trại tạm giam Quận Đông Thành trong 38 ngày trước khi bị chuyển đến Trại giam Số 1 Bắc Kinh. Vào ngày 16 tháng 11, bà bị Công ty Sản xuất giấy Kim Thành đuổi việc.
Các nhà chức trách phê chuẩn bắt giữ bà Vương vào ngày 4 tháng 12 năm 1999. Một tháng sau, bà bị đưa trở lại trại tạm giam Quận Đông Thàn và sau đó bị Tòa án Quận Đông Thành kết án sáu tháng tù.
Bà Vương đã kháng cáo lên Tòa án Trung cấp Số 2 Bắc Kinh, nhưng tòa án này đã ra phán quyết giữ nguyên bản án ban đầu của bà.
Ngày 26 tháng 4 năm 2000, khi mãn hạn án tù, bà Vương đã bị đưa trở lại Lăng Hải. Nhưng các nhà chức trách đã đưa bà thẳng đến một trung tâm tẩy não và yêu cầu bà viết một bản tuyên bố cam kết sẽ không tiếp tục tu luyện Pháp Luân Công hoặc đến Bắc Kinh để kháng cáo. Gia đình buộc phải nộp cho cảnh sát 1.000 Nhân dân tệ để bà được tại ngoại.
Giữa tháng 2 năm 2003, bà Vương lại bị bắt vì treo biểu ngữ “Pháp Luân Đại Pháp hảo”. Bà bị kết án sáu năm trong Nhà tù Nữ Tỉnh Liêu Ninh.
Buổi tối ngày bà tới nhà tù, lính canh bắt bà đứng trong phòng giặt là và ra lệnh cho các tù nhân đánh đập bà. Họ dùng dép tát vào đầu, mặt và vai bà. Cô Vương hét lên trong đau đớn và đánh thức nhiều tù nhân khác.
Bởi bà Vương không từ bỏ Pháp Luân Công, các lính canh đã bắt bà phải đứng hàng đêm trong phòng giặt là chỉ mặc quần áo lót. Ban ngày, bà liên tục bị đánh đập và chửi bới. Tù nhân Trương Diễm Bình, người phạm tội giết người, đã từng tát vào mặt bà, đẩy bà xuống đất và kéo tóc bà để buộc bà phải đứng lên, vì bà Vương không chịu đọc những cuốn sách phỉ báng Pháp Luân Công. Bản thân Trương từng kể lại rằng mỗi lần đánh bà Vương, bà ta thường tát vào mặt bà Vương hơn 30 lần.
Các tù nhân véo bà Vương khiến toàn thân bà thâm tím. Khi các tù nhân tức giận họ liền đánh đập bà Vương để xả hơi. Họ còn khoe khoang rằng họ không cần xin phép lính canh khi đánh đập bà. Các lính canh cũng cảnh cáo bà Vương rằng nếu bà muốn báo cáo việc đánh đập này, bà phải xin phép các tù nhân đã được chỉ định giám sát bà.
Khi tay của các tù nhân bị đau vì đánh bà, họ bèn dùng giày hoặc giá treo quần áo để đánh bà. Họ còn nhét quần áo vào miệng bà và không cho bà nói chuyện. Việc ăn uống hay đi lại của bà phải thực hiện theo yêu cầu của họ.
Việc tra tấn đã khiến phản ứng của bà Vương bị chậm dần và mắt bà trở nên đờ đẫn. Vào thời điểm được thả, bà đã ở trong trạng thái tinh thần không tỉnh táo.
Sau khi ông Lý bị bắt vào tháng 7 năm 2010, cảnh sát đã lục soát nhà của họ khi bà Vương đang ở nhà một mình. Bà vô cùng sợ hãi, và chứng rối loạn tâm thần của bà trở nên tồi tệ hơn. Bà đi lang thang và không dám về nhà. Sau đó vào ngày 12 tháng 2 năm 2013, tức ngày mồng 3 Tết Nguyên Đán, bà Vương đã qua đời.
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/5/12/425032.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/5/16/193118.html
Đăng ngày 02-06-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.