Bài viết của Anh Tử, phóng viên Minh Huệ
[MINH HUỆ 19-05-2021] Báo cáo Minh Huệ: Cuộc đàn áp 20 năm đối với Pháp Luân Công ở Trung Quốc, cuốn sách đầu tiên của Nhà xuất bản Minh Huệ, hôm 14 tháng 5 đã được công bố giành được Giải thưởng Benjamin Franklin hàng năm của Hiệp hội Nhà xuất bản Sách Độc lập (IBPA).
IBPA là hiệp hội thương mại xuất bản lớn nhất tại Hoa Kỳ. Cuốn sách đã giành được Giải Bạc Bill Fisher, ghi nhận những cuốn sách đầu tiên thuộc thể loại phi hư cấu của các nhà xuất bản.
Mặt trước và mặt sau của Báo cáo Minh Huệ: Cuộc đàn áp 20 năm đối với Pháp Luân Công ở Trung Quốc
Trong một cuộc phỏng vấn với Sound of Hope vào ngày 17 tháng 5, ông David Li đến từ Nhà xuất bản Minh Huệ cho biết cuốn sách này kể một câu chuyện hoàn chỉnh về việc các học viên Pháp Luân Công đã bị bức hại như thế nào ở Trung Quốc kể từ năm 1999. Đây là cuốn sách tổng hợp đầu tiên trên thế giới về câu chuyện của các học viên Pháp Luân Công.
Ông David Li của Nhà xuất bản Minh Huệ tham dự lễ trao giải
Minh chứng cho sự kiên định của các học viên
Nhiều người có thể đã nghe nói về Pháp Luân Công và có thể là cả về cuộc bức hại của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với môn tập. Ông Li cho biết cuốn sách này có thể hữu ích cho bất kỳ độc giả nào muốn tìm hiểu thêm về Pháp Luân Công. Cuốn sách mô tả chi tiết về việc các học viên đã bị ngược đãi và tra tấn như thế nào tại các trại tạm giam, trại lao động hoặc nhà tù chỉ đơn giản là vì việc giữ vững đức tin của họ. Các hình thức tra tấn bao gồm đánh đập, sốc bằng dùi cui điện, cưỡng bức lao động, và nhiều hình thức khác. Sự tra tấn về thể xác và tinh thần với cường độ cao và kéo dài đã dẫn đến nhiều trường hợp tử vong và tàn phế.
Cuộc bức hại cũng đã thâm nhập vào xã hội và ảnh hưởng đến người dân thuộc mọi lứa tuổi và ngành nghề. Người già bị tước lương hưu, trẻ em buộc phải nghỉ học và những người trong lực lượng lao động bị mất việc làm. Đến từ mọi tầng lớp xã hội, điểm chung duy nhất của họ là nỗ lực trở thành công dân tốt hơn bằng cách tuân theo nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn của Pháp Luân Công và đối mặt với cuộc bức hại tàn nhẫn của ĐCSTQ.
Cuốn sách được chia thành 16 chương. Từ phần tóm tắt ở góc cao đến các trường hợp riêng lẻ, cuốn sách tiết lộ cách ĐCSTQ huy động bộ máy nhà nước để bôi nhọ Pháp Luân Công và biến các quan chức chính phủ cũng như công dân bình thường thành đồng phạm của các tội ác đối với các học viên Pháp Luân Công vô tội như thế nào.
Nửa đầu của cuốn sách trình bày chi tiết về cuộc bức hại của ĐCSTQ, trong khi nửa sau tập trung vào những nỗ lực ôn hòa và bền bỉ của các học viên để bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng của họ, ví dụ như viết thư cho các quan chức ĐCSTQ và kêu gọi họ ngừng tham gia vào cuộc bức hại, phát tờ rơi, và đệ đơn tố cáo hình sự đối với những thủ phạm chính.
Lấp vào khoảng trống thông tin
Những nguyên lý mà các học viên Pháp Luân Công duy hộ là các giá trị phổ quát và những đau khổ mà họ phải trải qua cũng là một trong những điều tồi tệ nhất trong xã hội hiện đại, xét cả về quy mô và mức độ tàn khốc của cuộc bức hại. Tuy nhiên, rất ít kênh truyền thông đưa tin về vụ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng này kể từ khi cuộc đàn áp bắt đầu cách đây 22 năm.
Ông Li nói rằng hầu như tất cả những người trò chuyện với ông trong lễ trao giải đều quan tâm đến cuốn sách này vì họ chưa nghe nhiều về chủ đề này. Trong khi ĐCSTQ đàn áp các học viên Pháp Luân Công vì đức tin và nỗ lực vạch trần sự tàn bạo, nhiều kênh truyền thông ở phương Tây cũng đầu hàng trước áp lực của ĐCSTQ và bỏ qua tội ác của nó đối với các học viên.
Ông Li nói: “Độ bao phủ và chiều sâu của cuốn sách cũng cung cấp một tài liệu tham khảo vô giá cho các quan chức chính phủ, học giả và các nhà hoạch định chính sách ở tất cả các quốc gia. Những ai đã đọc cuốn sách này thường bị sốc trước mức độ nghiêm trọng của cuộc bức hại và đang cân nhắc cần có những hành động gì để chấm dứt cuộc bức hại đã tiếp diễn bấy lâu nay.
Tinh thần trách nhiệm
Ông Li cho biết ông tham gia dự án sách này với tinh thần trách nhiệm. “Nó vì một mục đích cao cả. Nhiều người bên ngoài Trung Quốc không biết chuyện gì đang xảy ra ở Trung Quốc – nhiều gia đình tan vỡ vì cuộc bức hại và nhiều trẻ em trở thành mồ côi khi cha mẹ qua đời do bị bức hại,” ông giải thích. Ông nói rằng trang web Minghui.org đã công bố một lượng lớn thông tin đầu nguồn về cuộc bức hại và ông cảm thấy thôi thúc phải tham gia vào dự án và cho thế giới biết về cuộc bức hại.
Ông Li không rõ ủy ban trao giải đã chọn người chiến thắng như thế nào, nhưng ông tin rằng cuốn sách đã đoạt giải vì nội dung có một không hai và thông tin thực tế của nó. Dữ liệu thực về cuộc bức hại được trình bày trong cuốn sách là những điều mà các thành viên ủy ban trao giải chưa bao giờ biết đến trước đây. Và một phần ghi điểm khác cũng có thể là vì cuốn sách được sắp xếp rất tốt, một điều mà ủy ban không thể bỏ qua.
Ngoài ra, cuốn sách chỉ ra rằng nhiều doanh nghiệp và quốc gia có quan hệ với Trung Quốc không còn có thể phủi sạch các vụ vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ. Ông Li cho biết cuốn sách này là một báo cáo rất nặng nề, mà ông tin rằng nó cũng đã khiến hội đồng trao giải phải suy nghĩ cẩn thận về tác động của việc vạch trần sự tàn bạo của ĐCSTQ.
Ông Li cũng được khích lệ bởi những phản hồi tích cực mà cuốn sách đã tạo ra. Peter Westmore, cựu chủ tịch Hội đồng Công dân Quốc gia (NCC) ở Úc, và một số nhà phê bình khác đã đánh giá cao cuốn sách.
“Đối với những người quan ngại về việc lạm dụng quyền lực của Trung Quốc trên khắp thế giới, cuốn sách này là một nguồn thông tin thiết yếu. Nó cung cấp hơn 430 trang tài liệu đầy đủ nhất về cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc, và nên có mặt trong mọi thư viện và văn phòng quốc hội ở Úc,“ ông Westmore viết trong số ra ngày 8 tháng 8 năm 2020 của trang tin News Weekly.
Hy vọng cuốn sách đến được với nhiều người hơn
Ông Li cho biết ông cảm thấy buồn vui lẫn lộn khi biết mình đoạt giải. Thông thường, đó sẽ là một khoảnh khắc vui mừng khi giành được bất kỳ giải thưởng nào. Tuy nhiên, chủ đề và nội dung của cuốn sách liên quan đến một chủ đề rất nặng nề, đó là cuộc bức hại hàng triệu học viên Pháp Luân Công đã diễn ra trong hơn hai thập kỷ qua.
Ông nói: “Tôi hy vọng nhiều người có thể cầm cuốn sách lên và đọc về cuộc bức hại mà các học viên Pháp Luân Công đã phải gánh chịu, các học viên Pháp Luân Công là người như thế nào và họ có phẩm giá gì. Tôi hy vọng mọi người sẽ bắt đầu suy nghĩ xem điều quan trọng nhất đối với chúng ta là gì và chúng ta nên chú ý đến điều gì.”
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/5/19/425920.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/5/20/193214.html
Đăng ngày 21-05-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.