Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Trung Quốc
[MINH HUỆ 03-12-2020] Tôi bắt đầu học thuộc Pháp vào năm 2015, nhưng đã bỏ cuộc khi học đến Bài giảng thứ tư trong cuốn Chuyển Pháp Luân vì bài này khó và mất nhiều thời gian. Nói một cách đơn giản, tôi không quyết tâm và muốn đạt được dễ dàng.
Tuy nhiên, sau khi đọc Chuyển Pháp Luân nhiều lần, tôi cảm thấy rằng tôi nhớ được rất ít. Tôi đã dành rất nhiều thời gian mỗi ngày để học Pháp, đôi khi là đọc một đến hai bài giảng, đôi khi là ba hoặc bốn bài. Tôi học Pháp bất kỳ lúc nào tôi có thời gian. Tốc độ đọc của tôi cũng tăng lên. Tuy nhiên, sau khi tôi quay lại đi làm, tôi nhanh chóng trở lại là một người bình thường. Tôi không thể nhớ rằng mình là một học viên Đại Pháp khi các vấn đề phát sinh. Tôi không biết cách tu luyện bản thân. Tôi không biết cách tìm chấp trước của mình, chứ chưa nói đến việc loại bỏ chúng. Vì vậy, trong một thời gian dài, tôi chỉ hướng ngoại bất cứ khi nào có vấn để. Tôi càng hướng ngoại, tôi càng bối rối, mông lung, và đau đớn. Đôi khi, tôi cảm thấy mình không thể tu luyện được nữa.
Tôi đã ở trong trạng thái này trong một thời gian dài, và tôi không biết mình đã sai ở đâu. Tôi đã làm ba việc hằng ngày. Tôi đã cố gắng làm hết sức, đặc biệt là giảng chân tướng để cứu người. Tôi ra ngoài mỗi ngày, đôi khi hai hoặc thậm chí ba lần. Tôi đã thuyết phục mọi người thoái Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và các tổ chức liên đới của nó. Tôi cũng phát tài liệu giảng chân tướng.
Một ngày nọ, một đồng tu nói với tôi một cách nghiêm túc: “Bạn phải tu luyện. Hãy tu luyện bản thân!” Tôi không bị thuyết phục và tự an ủi bản thân: “Lẽ nào mình không tu luyện? Những người khác phản đối và bắt nạt mình, nhưng mình không hạ thấp bản thân mình xuống tầng thứ của họ hay quá để tâm. Lẽ nào vẫn chưa đủ? Đây không phải chính là làm một người tốt sao? Một người tốt hơn nữa?” Tôi không thể nhớ Pháp, chứ đừng nói là nội hàm của Pháp.
Tất nhiên, trong khi học Pháp, tôi đã học và hiểu ra rất nhiều điều. Tuy nhiên, tôi không thể dùng Pháp để chỉ dẫn cho cuộc sống hàng ngày của mình. Tôi cần phải làm gì? Tôi quyết định mình nên học thuộc Pháp.
Tôi bắt đầu học thuộc Pháp vào nửa cuối năm 2016. Khi bắt đầu lần này, tôi đã không dừng lại. Tôi đã lĩnh hội được nhiều điều trong thời gian này.
Bằng cách học thuộc Pháp, tôi thực sự đã trải nghiệm được điều mà Sư phụ giảng về 3000 vũ trụ vô biên, vũ trụ huyền diệu, sự phồn vinh của vũ trụ, và cơ thể con người là một tiểu vũ trụ. Sư phụ đã giảng:
“Thân thể người và không gian bên ngoài [nó] có sự đối ứng, chúng đều tồn tại theo hình thức tồn tại như thế.” (Bài giảng thứ hai, Chuyển Pháp Luân)
Tôi đã từng tự hỏi làm thế nào một cơ thể người nhỏ bé lại tương ứng với các vũ trụ vô biên. Khi học thuộc Pháp, tôi đã hiểu ra rằng, trong quá trình tu luyện, cơ thể (trong không gian khác) có thể được khuyếch đại; bằng cách ngộ Pháp, loại bỏ chấp trước, và đề cao tâm tính, con người có thể nâng cao tầng thứ của mình. Sư phụ giảng:
“Tâm tính cao bao nhiêu công cao bấy nhiêu, đó là chân lý tuyệt đối.” (Bài giảng thứ nhất–Chuyển Pháp Luân)
Tầng thứ và cảnh giới quyết định quả vị của một người. Các cơ quan nội tạng và từng tế bào trong cơ thể đều là những sinh mệnh riêng lẻ. Mỗi từng tế bào là một thế giới. Mỗi từng thế giới đều có vô số sinh mệnh bên trong nó. Cơ thể có bao nhiêu tế bào? Có bao nhiêu sinh mệnh sẽ viên mãn nếu một người tu thành!
Vạn vật trong thế gian đều đối ứng với vũ trụ. Chúng tương thông và đồng thời tồn tại với các tầng thứ không gian vũ trụ. Vũ trụ này thật phức tạp và phồn thịnh biết bao! Tôi không nghĩ là mình có thể thậm chí hy vọng trải qua một phần ức vạn trong đó; nó là bất khả tư nghị. Và tất cả những sinh mệnh này đều sống trong hoàn cảnh do Đại Pháp khai sáng.
“Đại Pháp là trí huệ của Sáng Thế Chủ. Ông là căn bản của khai thiên tịch địa, của tạo hoá vũ trụ, nội hàm từ cực nhỏ đến cực lớn, có triển hiện khác nhau tại các tầng thứ thiên thể khác nhau.” (Luận Ngữ-Chuyển Pháp Luân)
Tôi đã nhận ra và trải nghiệm điều này. Lúc đó, thật khó để diễn tả sự cảm kích của tôi trước sự vĩ đại của Sư phụ!
Thành thực mà nói, sau khi học Pháp nhiều năm như thế, tôi đã học được điều gì và đã lý giải được bao nhiêu? Tôi thực sự đã đắc Pháp chưa? Tôi may mắn là cuối cùng đã hoàn thành việc học thuộc Pháp vào năm 2016. Sẽ thật tuyệt nếu tôi đã làm như vậy sớm hơn! Tuy nhiên, Sư phụ đã không từ bỏ tôi, một đệ tử đã phụ sự mong đợi của Ngài và chậm ngộ ra các việc. Sư phụ luôn giúp tôi ngộ ra mọi điều và khích lệ tôi. Tôi thật vinh dự có tất cả những điều này.
Tôi nhớ rằng vào đêm khi tôi học thuộc toàn bộ Pháp lần đầu tiên, tôi đã có một giấc mơ rất sống động. Tôi mơ thấy mình nhận được một quả táo lớn màu đỏ. Sau khi tôi học thuộc toàn bộ Pháp lần thứ hai, tôi có cùng giấc mơ như vậy và nhận được một quả táo lớn màu đỏ tía. Sau khi tôi học thuộc toàn bộ Pháp lần thứ ba, tôi lại có giấc mơ như vậy. Tôi biết rằng Sư phụ đang khích lệ tôi, vì vậy tôi đã kiên trì học thuộc Pháp.
Học thuộc Pháp giúp tôi hiểu ra nhiều Pháp lý mà nhiều người thường không biết hoặc không hiểu. Trong quá trình học thuộc Pháp, tôi đã tìm thấy nhiều chấp trước và chúng dần biến mất. Học thuộc Pháp cho tôi thấy cách tu luyện và đào sâu các chấp trước. Tôi có thể tóm lấy chấp trước ngay khi chúng mới xuất hiện và loại bỏ chúng. Dần dần, tôi đã hiểu được ý nghĩa của tu luyện! Tôi cảm thấy rằng tôi quá là may mắn. Tôi không thể tưởng tượng được Sư phụ đã phải nỗ lực bao nhiêu; nó nằm ngoài khả năng hiểu biết của tôi. Tất cả những gì tôi có thể làm là biết ơn, tu luyện, nghe theo Sư phụ và làm tốt ba việc.
Khi tôi học thuộc phần “Chuyển hóa nghiệp lực” trong Bài giảng thứ tư của cuốn Chuyển Pháp Luân, tôi cảm thấy rằng mình hòa tan trong Pháp và đột nhiên nhận ra rằng chấp trước căn bản của tôi là chấp vào tự ngã! Tôi đột nhiên hiểu ra rằng điều quan trọng nhất mà tôi nên tu luyện là tu Nhẫn.
Khi tôi tiếp tục học thuộc Pháp, tôi đột nhiên hiểu ra “Làm thế nào tôi có thể tu luyện khi không có khổ nạn?” Ý nghĩa của câu này thật là sâu sắc! Tôi đã trong trạng thái lâng lâng cả buổi chiều khi tiếp tục học thuộc Pháp, tiếp tục đạt được những thể ngộ, và tiếp tục tìm ra cách tu luyện.
Hai hay ba ngày sau đó, tôi cũng trải nghiệm trạng thái này: Tôi hiểu rằng học Pháp là học thực sự, để cho thân và tâm tôi hòa tan trong Pháp, sử dụng các Pháp lý của Đại Pháp để chỉ dẫn tu luyện của mình, và tu từng ý từng niệm mọi lúc theo lời dạy của Sư phụ.
Tôi nhớ khi lần đầu tôi bắt đầu học thuộc Pháp, tôi cảm thấy Sư phụ đã chỉ dẫn cho tôi ba lần: học thuộc “đoạn Pháp,” học thuộc “nội dung,” và học thuộc “Pháp.” Thực sự đúng là vậy. Lần đầu tiên, tôi chỉ nhớ được đoạn văn, sau đó tôi hiểu mỗi đoạn, và sau đó tôi nhẩm thuộc Pháp. Bây giờ tôi thực sự tu luyện chiểu theo Pháp, tu luyện bản thân và tu nhẫn theo lời Sư phụ.
Sư phụ giảng:
“Tu luyện chân chính chính là tu luyện cái tâm này của con người…” (Giảng Pháp tại Lễ thành lập Phật học hội Singapore, Giảng Pháp tại các nơi I)
Tôi biết rằng đường đời tôi đã thay đổi nhờ Pháp. Tôi đang trên con đường tu luyện, mặc dù có nhiều gập ghềnh và chông gai. Mỗi một lần vấp váp và cản trở là một chấp trước mà mang theo trường năng lượng đằng sau nó để gia cường cho những vật chất tiêu cực. Tu luyện là trừ bỏ chấp trước vào tự ngã. Có nhiều chấp trước bắt nguồn từ chấp trước vào tự ngã, chẳng hạn như đố kỵ, tranh đấu, hiển thị, tò mò, tự cao tự đại, v.v… Sư phụ đã giảng:
“toàn bộ quá trình tu luyện của người ta chính là quá trình liên tục tống khứ tâm chấp trước của con người.” (Bài giảng thứ nhất-Chuyển Pháp Luân)
Ở mỗi tầng thứ, nhiều chấp trước phải được loại bỏ, và cuối cùng, tự ngã ích kỷ của chúng ta sẽ hoàn toàn bị giải thể. Đây là sự thật ở mọi tầng thứ, mãi cho tới khi chân ngã được hiển lộ và làm chủ cả tâm lẫn thân. Tất nhiên, khi diệt trừ mọi chấp trước, người ta phải phó xuất và tu luyện khả năng chịu đựng. Ví dụ, khi cố gắng cạnh tranh, người ta phải cố gắng kiềm chế bản thân; khi cố gắng hiển thị, cố gắng không nói nhiều; khi đố kỵ, phải cố không phàn nàn, không cay nghiệt, và v.v… Trong toàn bộ hành trình tu luyện của chúng ta, chúng ta phải không ngừng tu Nhẫn. Tất nhiên:
“Tu tại tự kỷ, công tại Sư phụ” (Bài giảng thứ nhất-Chuyển Pháp Luân)
Trên thực tế, tôi nhận ra rằng tính cách của người tu luyện là khác nhau, và trọng tâm của tu luyện cũng khác nhau, nhưng cuối cùng tất cả họ đều phải được chính lại và đồng hóa với Chân-Thiện-Nhẫn!
[(Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org)]
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/12/3/415809.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/3/22/191514.html
Đăng ngày 10-05-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.