[MINH HUỆ 03-11-2020] Tu luyện chính là việc trừ bỏ các tâm chấp trước. Có những tâm chấp trước khiến chúng ta cảm thấy đau khổ, như: oán hận, hận thù, tật đố, tranh đấu, lo sợ… Chúng làm ta tức giận, chán nản, phát hỏa, lo lắng… đều là những cảm giác không thoải mái, hơn nữa còn dễ khiến chúng ta bộc phát mặt ma tính của bản thân. Nhưng ngay cả khi không thể nhận ra nó vào lúc đó, sau khi chúng ta tĩnh tâm xuống thì sẽ dễ dàng nhận ra.

Tuy nhiên, tâm hiển thị thì lại khác. Nó là một tâm chấp trước không dễ dàng phát giác. Bởi vì nó thường đan xen với tâm hoan hỷ. Bản thân thích làm việc gì đó, hoặc là có năng lực về phương diện gì, tố chất, ngoại hình,… vượt trội hơn người khác, chúng đều là phương diện mà tự thân cảm thấy xuất chúng và ưu thế. Nó khiến chúng ta cảm thấy thoải mái và phấn khích trước mặt mọi người, và quên mất rằng nó chính là tâm chấp trước.

Sư phụ giảng:

“Tâm hiển thị này trong những người tu luyện là rất hại người“ (Kiến nghị tại Hội nghị Phụ đạo viên Pháp Luân Đại Pháp Bắc Kinh, Pháp Luân Đại Pháp nghĩa giải)

1. Nhận ra tâm hiển thị sau khi bị ngã

Khoảng 5 hay 6 năm trước, tôi tình cờ gặp một người bạn trước đây cùng chơi bóng chuyền. Chúng tôi đã không gặp nhau trong nhiều năm. Anh ấy nói với tôi: Lâu lắm rồi không gặp cậu, tôi vẫn thường chơi bóng chuyền trong câu lạc bộ của trường đại học, hay cậu cùng tham gia đi. Vì giữ thể diện nên tôi đã đồng ý, nhưng sau đó tôi đã không đến tham gia. Một thời gian sau, anh ấy nhắn Weixin hẹn tôi đến tham gia, không cách nào từ chối tôi đành phải nhận lời.

Khi đến nơi, tôi thấy trong câu lạc bộ có cả những người chơi bóng chuyền chuyên nghiệp và nghiệp dư, già trẻ gái trai đều có cả. Có nhiều người chơi rất tốt, vừa nhìn là biết đã từng tham gia các trận thi đấu chuyên nghiệp. Khi luyện đập bóng, tôi chơi ở vị trí chuyền hai. Các cầu thủ chuyên nghiệp trẻ tuổi rất hào hứng đập bóng, có người đập mạnh, có người đập nhanh, họ khen tôi chuyền bóng rất tốt, lâu lắm rồi họ không được đập bóng như thế này và cảm thấy thật sảng khoái. Khi chúng tôi chia đội để thi đấu, ai cũng đều muốn giành tôi về đội của mình. Trận thi đấu hôm đó diễn ra rất tốt và tất nhiên là đội của chúng tôi đã thắng, vì đội bên kia không có cầu thủ kiến ​​tạo tốt nên chủ công cũng không phát huy được hết khả năng.

Sau trận đấu đó, tôi đã không quay trở lại câu lạc bộ trong một thời gian dài. Các bạn trẻ trong câu lạc bộ ai cũng rất háo hức muốn gặp tôi nên thường xuyên rủ tôi đi chơi bóng, nhưng tôi có lúc đi được có lúc không. Đúng vào thời gian đó, một số công ty lớn tổ chức một cuộc thi dành cho các cầu thủ bóng chuyền nghiệp dư và câu lạc bộ mà trước đó tôi tham gia nhất định mời tôi bằng được, vì vậy tôi đã nhận lời. Sau vài hiệp đấu, đội chúng tôi đã giành được vị trí nhất bảng, và lần đó đã khiến cơn nghiện bóng chuyền của tôi nổi lên. Tôi luôn muốn đi chơi bóng một tuần một lần. Tôi biết rằng đó là tâm chấp trước, nhưng không cách nào khống chế được nó mà vẫn muốn đi.

Một sự việc xảy ra trước một ngày tôi quyết định đi chơi bóng chuyền khiến tôi hoàn toàn loại bỏ được cái niệm đầu này.

Hôm đó, sau khi tan làm tôi thuận tiện rẽ vào mua chút đồ ăn, xe đạp điện chất đầy một giỏ, sau đó tôi mua thêm một ít đậu phụ thì không còn chỗ để nữa. Để ở phía dưới thì sợ nát, đặt lên trên lại sợ rơi, vì vậy tôi đã treo nó lên ghi đông xe. Nhưng đi được một đoạn tôi phát hiện ra túi đậu phụ bị thủng một lỗ và bị rò nước. Lo rằng cái túi sẽ bị rách và đậu phụ rớt ra ngoài, vì vậy tôi đã dùng một tay đỡ đậu phụ và một tay để lái xe.

Khi sắp đến gần trạm dừng xe buýt, do đông người nên tôi phanh gấp, chiếc xe bất ngờ mất thăng bằng, trong nháy mắt chỉ nhìn thấy miếng đậu phụ bay ra ngoài, còn tôi thì bị ngã mạnh trên mặt đường. Tôi cảm nhận được cằm của mình chạm xuống đất trước và sau đó đầu cũng bị chấn động trở nên trống rỗng. Tuy không thể cử động, nhưng ý thức của tôi rất rõ ràng. Tôi nghĩ: Mình là người tu luyện, mình không sao hết, mình ổn! Cứ như vậy tôi chầm chậm cử động, khoảng 15 phút sau, tôi cũng đứng dậy được.

Lúc đó trên đường không có một ai, phía điểm dừng xe buýt xe cả chục con mắt đều lặng lẽ nhìn tôi. Tôi phát hiện một chiếc giày đã bay đi đâu mất, cũng không ở gần xe, hóa ra nó đã văng xa hơn chục mét. Tôi xỏ giày, dựng xe dậy và dọn dẹp chỗ rau vương vãi trên mặt đất, còn miếng đậu hũ đã nát bét không ăn được nữa. Lúc này, tôi mới nhận ra chiếc xe có vấn đề, đầu xe quay ngoắt 180 độ về phía sau. Một mình tôi không thể làm gì được, cũng may đúng lúc đó có đôi thanh niên từ phía sau đi tới và giúp tôi quay đầu xe lại. Sau khi cảm ơn họ, thấy chiếc xe vẫn có thể đi được, tôi liền lái xe trở về nhà.

Về đến nhà, tôi kiểm tra thì thấy xe không bị hỏng hóc gì cả, đầu gối ngã xanh tím cả một mảng, quần bị rách một lỗ, quai hàm bị trầy xước mất một lớp da, và sưng lên càng ngày càng to. Tôi lo lắng không biết ngày mai mình có thể đi được không, làm sao có thể mang bộ dạng này đi chơi bóng được.

Đến tối, tôi tĩnh tâm lại và suy nghĩ về sự việc xảy ra hôm nay. Tai nạn hôm nay đều là vì miếng đậu phụ này, nếu như mình không mua đậu thì đã không xảy ra chuyện; nếu như túi đậu không bị thủng (lậu) thì cũng không có chuyện gì. Nghĩ đến từ lậu này tôi bỗng nhiên nhận ra chẳng phải là do tâm mình có lậu hay sao? Người tu luyện gặp phải bất cứ sự việc gì đều không phải là ngẫu nhiên, khẳng định là do tôi có tâm chấp trước nào đó, điểm ngộ không được, mới khiến cho tôi bị ngã sưng đầu như thế này.

Tôi nhớ ra ngày mai mình muốn đi chơi bóng chuyền, và cho rằng rất có thể là liên quan đến việc này, sau đó tôi cẩn thận hướng nội và phát hiện ra bản thân có tâm hiển thị, tâm hoan hỷ. Sư phụ giảng:

“Tâm hiển thị và tâm hoan hỷ là rất dễ bị ma tâm lợi dụng.” (Kết luận chắc chắn, Tinh tấn yếu chỉ)

Khi đó tôi thật sự cảm nhận thấy ma tính này lớn đến mức không còn có thể kiểm soát được nữa. Tôi hồi tưởng lại sự việc xảy ra vừa rồi: Việc tôi bị ngã nghĩa là tôi không thể tiến về phía trước, chiếc giày bị rơi ra chính là để nhấn mạnh và làm nổi bật chữ “tà” (trong tiếng Hán, chữ tà và chữ giày đồng âm với nhau), nghĩa là tôi đang đi trên con đường tà. Đầu xe bị quay ngoắt 180 độ, là khiến tôi không thể đi ngược với tư duy của bản thân mình. Nghĩ đến đây, tôi mới hoàn toàn hiểu ra vụ tai nạn này là đến từ chấp trước của bản thân. Sau khi nhận thức được điều này, tôi đã không đi chơi bóng nữa và cũng không có ai đến tìm tôi nữa.

2. Tâm hiển thị trong tiềm ý thức

Cổ bên trái của tôi xuất hiện một khối u được một đoạn thời gian rồi, tuy không đau cũng không ngứa, nhưng rốt cuộc nó cũng không nên có và tôi cũng không thừa nhận nó mà thường xuyên phát chính niệm thanh trừ, tuy nhiên nó không những không nhỏ đi, trái lại càng ngày càng to lên. Điều này rõ ràng là vì tôi có vấn đề, khẳng định là còn tâm chấp trước nào đó mà chưa phát hiện ra. Tôi nghĩ, dù do nghiệp lực hay do tôi nợ ai đó cái gì thì đều có liên quan đến những tâm không tốt của bản thân, vì tâm tôi có lậu nên mới bị tà ác bức hại, giả sử tôi một lậu cũng không có, vậy thì không ai có thể can nhiễu được tôi. Vì vậy, điều quan trọng hiện tại chính là tìm ra và loại bỏ các tâm chấp trước. Tôi quan sát thật kỹ tâm của mình, xem xem có niệm đầu bất chính nào xuất hiện không.

Có một lần khi đang phát chính niệm thì mẹ tôi đi qua, trong tâm tôi liền nghĩ: Nhìn xem tư thế ngồi của mình có đẹp không. Ngay khi ý nghĩ này xuất hiện, tôi lập tức chộp lấy nó. Chà, lại là tâm hiển thị. Trước đây tôi cũng từng nghĩ như thế, chỉ là chưa nhận thức ra được, hôm nay bắt được nó rồi, tôi không cần nó và nhất định phải thanh trừ nó, “Động tác trông đẹp mắt hơn; cũng có hiển thị trong đó” (Chuyển Pháp Luân). Câu Pháp này chẳng phải là đang nói tôi hay sao?

Vài ngày sau, khi học Pháp nhóm, học đến đoạn:

“Nhưng cái tâm của họ tĩnh đến trình độ nào? Tĩnh đến một trình độ đáng sợ. Nếu có một cá nhân tĩnh đến trình độ ấy thì còn được; [nhưng] bốn, năm vị ngồi nơi kia, đều tĩnh đến trình độ ấy, giống như một đầm [sâu] nước chết không có gì trong đó hết; tôi muốn cảm thụ họ mà không thể cảm thụ được. Mấy hôm ấy trong tâm tôi rất khó chịu, chính là cảm thấy một dư vị nào đó. Người thông thường chúng ta không [thể] tưởng tượng được, không [thể] cảm giác được; hoàn toàn là vô vi, [hoàn toàn] là không” (Chuyển Pháp Luân)

Lúc này nước mắt tôi bất giác chảy xuống, tôi cảm nhận được một loai cảnh giới mà tôi không cách nào so sánh được. Trước đây tôi đã từng không chỉ một lần tự hỏi bản thân tại sao Sư phụ lại giảng đoạn Pháp này? Lần này tôi cảm thấy thực sự xúc động, là bởi tôi so sánh cái tâm của mình với các vị Giác Giả kia, tôi dường như đang ở đây phát chính niệm, nhưng trong tâm lại xuất hiện tâm hiển thị, làm sao có thể đạt được cảnh giới “giống như một đầm [sâu] nước chết không có gì trong đó hết“ (Chuyển Pháp Luân). Nếu có một mình, tôi có thể dễ dàng tĩnh lại được, nhưng chỉ cần có thêm người khác, tâm hiển thị của tôi liền nổi lên. Tôi có nhiều tâm hiển thị ẩn giấu như vậy sao có thể được đây? Tôi phải nhanh chóng dũng mãnh tinh tấn thôi.

3. Tâm hiển thị biểu hiện một cách vô thức trong cuộc sống

Kể từ sau khi tôi chú ý đến từng tư từng niệm của bản thân, tôi còn phát hiện ra tâm hiển thị mà trước đây không hề nhận ra. Ví dụ, khi ra ngoài, tôi thường có niệm đầu: nhìn xem mình có một thân hình thật đẹp, mình bước đi thật nhẹ nhàng uyển chuyển, mình trông trẻ hơn so với tuổi, …

Trong gia đình tâm hiển thị này cũng biểu hiện ra, ví dụ: Một hôm, tôi dùng vải bọc chân ghế bàn máy tính, như vậy khi di chuyển sẽ không phát ra tiếng động. Tôi cảm thấy mình đã làm một việc tốt, liền gọi người nhà đến xem, để hiển thị rằng mình thông minh, nhưng rất nhanh sau đó tôi đã ý thức được rằng niệm đầu này là sai, khống chế được nó và không gọi cô ấy nữa. Tôi tự cười bản thân mình thích khoe khoang, có chút việc cỏn con này mà cũng muốn thể hiện.

Tâm hiển thị rằng bản thân thông minh quả thực đã ăn sâu vào tiềm ý thức của tôi và trở thành tự nhiên rồi, những lúc không để ý căn bản là không nhận ra được, tôi còn phát hiện ra rằng có rất nhiều tâm chấp trước đều liên quan với tâm hiển thị, ví dụ: tâm tật đố, khi thấy người khác hơn mình, thì bản thân cảm thấy không thể hiển thị được rồi, liền sinh ra tâm tật đố; tâm coi thường người khác, cũng là tâm hiển thị, hiển thị bản thân mình giỏi hơn người khác, mạnh hơn người khác. Tâm tranh đấu, cũng là vì muốn hiển thị bản thân, muốn chiếm thế thượng phong, mới xuất hiện đấu tranh với người khác. Nếu như có thể làm được giống Hàn Tín chịu nhục chui háng, thì sao có thể xuất hiện tranh đấu được?

Nói tóm lại, cái tâm hiển thị này trái ngược với đặc tính Chân-Thiện-Nhẫn, nó là biểu hiện của bất chân, bất thiện và bất nhẫn, nó là giả ngã truy cầu hư vinh mà thoát ly khỏi cái tôi chân chính. Tại sao khi người có công năng mang theo tâm hiển thị mà nói với người khác thì liền mất hết công năng? Chính là bởi vì cái tâm đó là cực kỳ không tốt, là cái tâm mà Thần không cho phép, là cái tâm mà bất cứ người tu luyện nào cũng không được lưu lại dù chỉ một chút. Tâm hiển thị đối với danh, lợi, tình đều không còn nữa thì tâm sẽ trở nên tĩnh lại, trở thành không rồi.

Do tầng thứ của bản thân hữu hạn, có điểm nào không thích đáng, mong đồng tu từ bi chỉ rõ.

(Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org)


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/11/3/414492.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/2/6/190278.html

Đăng ngày 30-04-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share