Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc

[MINH HUỆ 01-03-2021] Vào đầu tháng 2 năm 2021, cô La Giang Anh, một phụ nữ ở thành phố Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông đã bị kết án 7,5 năm tù vì đức tin của mình vào Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện cả thân lẫn tâm đã bị chính quyền Cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.

Vào ngày 30 tháng 3 năm 2020, cô La Giang Anh, 40 tuổi đã bị bắt vì nói chuyện với người dân về Pháp Luân Công tại một khu chợ. Cảnh sát đã lục soát nhà của cô vào buổi tối và tịch thu máy tính, một số tiền mặt và thẻ gửi ngân hàng để nhận tiền trợ cấp hưu trí của cha mẹ cô. Cô La là người chăm sóc duy nhất cho cha mẹ mình, những người đã ngoài 80 tuổi. Việc cô bị giam giữ tại Trại tạm giam Toại Khê đã khiến hai vợ chồng già phải vật lộn để chăm sóc bản thân.

Sau bảy tháng bị giam giữ, cô La bị Tòa án quận Xích Khảm đưa ra xét xử vào tháng 10 năm 2020. Cô không chấp nhận luật sư do tòa chỉ định, người vốn được chỉ định để nhận tội thay cho cô. Thay vào đó, cô đã tự làm luật sư cho riêng mình và bào chữa vô tội cho bản thân. Công tố viên ban đầu đề nghị kết án cô 4,5 năm, nhưng cuối cùng thẩm phán đã tăng bản án lên 7,5 năm.

Cuộc bức hại trong quá khứ

Cô La trước đây làm y tá tại Bệnh viện trực thuộc số 3 của Đại học Tôn Trung Sơn. Vào tháng 2 năm 1999, cô bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công và bệnh hen suyễn và các bệnh khác của cô đã nhanh chóng biến mất.

Vào tháng 7 năm 1999 sau khi chính quyền ra lệnh bức hại Pháp Luân Công, cô La đã bị bắt ba lần từ năm 2000 đến năm 2008. Cô đã phải thụ án hai năm tại trại lao động, một năm trong trung tâm tẩy não và ba năm nữa trong tù.

Hai năm lao động cưỡng bức

Cô La bị bắt lần đầu vào khoảng năm 2000 và bị giam hai năm tại Trại lao động cưỡng bức nữ Tra Đầu ở thành phố Quảng Châu mà không theo các trình tự tố tụng.

Trại lao động cưỡng bức Tra Đầu nổi tiếng về việc bức hại tàn bạo đối với các học viên Pháp Luân Công. Những người chịu án ở đó bị buộc phải làm việc ít nhất 16 giờ mỗi ngày mà không được trả lương. Đôi khi họ bị buộc phải làm việc suốt ngày đêm. Kỷ lục lâu nhất là 14 ngày làm việc không được ngủ trọn đêm.

Nhiều học viên Pháp Luân Công bị tước quyền sử dụng nhà vệ sinh, bị còng tay, bị đánh đập, cấm ngủ và bị trói chân. Cô La phải chịu sự tra tấn bằng hình thức trói chân. Bởi vì cô từ chối từ bỏ Pháp Luân Công vào thời gian cuối trong hai năm thụ án của mình, chính quyền đã gia hạn thời hạn tù đối với cô.

2006-2-28-msj-kuxin-16.jpg

Tái hiện tra tấn: trói chân

Một năm trong trung tâm tẩy não

Vào ngày 23 tháng 2 năm 2004, cô La lại bị bắt vì đã đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công. Cô bị giam giữ tại một trung tâm tẩy não và chịu các phương pháp tra tấn bao gồm đe dọa, cấm ngủ, bắt đứng trong nhiều giờ và tra tấn bằng cách trói chặt.

Sau khi cô được thả, cảnh sát buộc cô phải nộp lại tất cả các bài giảng Pháp Luân Công và thu thập dấu vân tay của cô. Cô cũng đã bị sa thải bởi bệnh viện nơi cô làm việc.

Không có thu nhập, cô chuyển đến nhà anh trai và làm những công việc lặt vặt để tự trang trải cuộc sống. Cảnh sát tiếp tục sách nhiễu và yêu cầu cô ký một tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công.

Kết án ba năm

Vào mùa hè năm 2008, cô La lại bị bắt, sau khi bị chủ một cửa hàng quần áo tố cáo vì đã nói chuyện với bà ta về Pháp Luân Công.

Cô La bị kết án ba năm tại Nhà tù nữ tỉnh Quảng Đông. Cô bị cấm ngủ, buộc phải đứng trong nhiều giờ và lại bị tẩy não tăng cường.

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/3/1/421498.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/3/9/191325.html

Đăng ngày 31-03-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share