Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc
[MINH HUỆ 02-02-2021] Tôi đã gặp đồng tu Jenny (bí danh) cách đây một vài năm, và cô ấy đã nhờ tôi giúp đỡ một vài lần. Một ngày nọ, Jenny đưa một học viên khác tên là May (bí danh) đến nhà tôi mà không báo trước. Sau đó qua May tôi được biết rằng cô biết mọi thứ mà Jenny biết về tôi. Sau đó, May đã bị bức hại. Tôi chỉ gặp mẹ và chị gái của May một lần, nhưng tôi ngạc nhiên là họ cũng biết mọi thứ về tôi mà Jenny biết. Jenny đã giới thiệu tôi với một học viên khác tên là Ann (bí danh). Trong cuộc trò chuyện với Ann, tôi được biết rằng cô ấy cũng biết tất cả những gì mà Jenny biết về tôi, bao gồm kinh nghiệm tu luyện, thông tin cá nhân của tôi và thậm chí cả thông tin chi tiết về gia đình tôi.
Mặc dù Jenny khẳng định rằng cô ấy không chia sẻ thông tin với bất kỳ ai ngoại trừ các đồng tu đáng tin cậy mà cô biết rất rõ, nhưng thực tế khiến tôi tự hỏi: “Quen biết liền có thể tin tưởng sao? Tiêu chuẩn cho sự đáng tin là gì đây?”
Tôi nhớ đến một bài viết đăng trên Minh Huệ đề cập rằng khi các học viên cảm thấy rất thân thiết với các học viên khác, họ đã nói cho những người đó thông tin cá nhân và chi tiết về các hạng mục giảng chân tướng của họ mà không hề lưu tâm; nhưng những người nghe [không tu khẩu mà] lại đi lan truyền thông tin.
Sư phụ đã giảng cho chúng ta về việc các học viên tham gia Minh Huệ cần giữ bảo mật như thế nào:
“…cho dù tham dự cũng không thể nói mình làm gì; rốt cuộc thì là thời kỳ phi thường.” (Giảng Pháp tại Pháp hội New York 2019)
Đó là vì những học viên này làm được tốt hơn việc giữ bảo mật các hạng mục giảng chân tướng và an toàn của người khác.
Một số học viên công khai nói với người thân không tu luyện của họ và học viên mới về các hạng mục giảng chân tướng. Họ cho rằng đều là người một nhà sẽ không ra ngoài nói lung tung, sẽ không báo cáo. Tuy nhiên, nếu chúng ta không tu khẩu hay coi trọng an toàn của đồng tu, làm sao chúng ta có thể tin tưởng vào những người nghe này không ra ngoài nói tùy tiện?
Một bài học đau đớn
Tôi muốn chia sẻ về bài học giáo huấn đau đớn mà tôi học được về vấn đề tu khẩu.
Ngày 21 tháng 7 năm 1999, các nhà chức trách từ Cục An ninh Chính trị của quận đã khám xét nhà tôi. Tôi bị lừa và đưa họ đến nhà của một đồng tu. Cô ấy đã phải giao nộp sách, băng video Pháp Luân Đại Pháp, cũng như chân dung của Sư phụ. Sau đó, cô ấy tiếp tục bị sách nhiễu, và nhà cô bị khám xét nhiều lần. Cô đã phải rời nhà để tránh bức hại, nhưng cuối cùng lại bị bắt và bị tống vào trại lao động. Cô đã buộc phải từ bỏ tu luyện do bị tra tấn tàn bạo.
Tôi vô cùng đau buồn. Lúc đó tôi còn trẻ, suy nghĩ đơn giản và yếu đuối. Tôi dễ dàng tin chính quyền, họ đã nói dối và tuyên bố rằng họ đã biết mọi chuyện rồi. Bất kể tình huống là gì, sự thật là tôi đã dẫn họ đến nhà của học viên đó.
Từ năm 1998, tôi đã bị đặc vụ của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) theo dõi. Tôi là mục tiêu bức hại của họ, nhưng đồng tu này thì không. Tôi đã không nhận ra điều đó cho đến nhiều năm sau, sau khi đọc bài giảng của Sư phụ về chủ đề này và nhận ra điều mà tôi đã không nhận thức được vào lúc đó. Tôi vô cùng hối hận vì đã vô tình tiếp tay cho cựu thế lực bức hại học viên. Nếu cô ấy không bị bức hại hoặc bị buộc phải từ bỏ tu luyện, có lẽ cô ấy có thể cứu rất nhiều chúng sinh. Tôi đã tạo nghiệp quá lớn! Sao tôi có thể nói rằng mình đáng tin đây?
Tôi bị thẩm vấn trong văn phòng trường học cả đêm hôm đó. Sáng hôm sau, tôi bị đưa về nhà nhưng họ vẫn tiếp tục theo dõi tôi. Mặc dù trước đó tôi đã bị đe dọa, đặc biệt là vào tháng 12 năm 1998, khi tôi bị sách nhiễu và tước mất tự do, tôi chưa bao giờ phản bội Sư phụ, Đại Pháp, hay bất kỳ đồng tu nào. Tuy nhiên, những lời nói dối của họ trong cuộc thẩm vấn ngày 21 tháng 7 năm 1999, đã khiến tôi nói với họ về tất cả các học viên mà tôi quen biết và những trao đổi của tôi với họ!
Việc làm ra hành động sai trái khủng khiếp như vậy không phải do tôi đã không tu tốt bản thân hay cố gắng bán đứng người khác để bảo vệ bản thân. Đó là vì họ đã lừa dối tôi trong cuộc thẩm vấn căng thẳng của họ. Họ khiến tôi nghĩ rằng tôi chỉ đơn giản là xác minh những gì họ đã biết. Họ đã chơi xấu tôi và sử dụng bài tâm lý đối với tôi. Và tôi đã mắc bẫy họ.
Tất cả các học viên mà tôi nhắc đến đêm hôm đó đều bị bức hại. Một số bị tra tấn nặng đến mức họ buộc phải từ bỏ tu luyện. Những người khác thì bị lạc lối. Một số vẫn bị bức hại. Tôi đã mất liên lạc với hầu hết họ. Đây là một bài học đau đớn – tôi, một người “đáng tin cậy”, đã gây ra tổn thất lớn như vậy cho Đại Pháp!
Tôi đã tạo nghiệp quá lớn! Tôi đã gây ra bao nhiêu khó khăn cho các đồng tu của mình và nỗ lực giảng chân tướng của họ! Có lẽ rất nhiều người đã có thể minh bạch chân tướng về Đại Pháp thông qua những đồng tu này!
Một số học viên cũ từng thân thiết với chúng tôi đã tu luyện tinh tấn và chú ý tu khẩu. Tuy nhiên, cuối cùng họ đã ngừng tu luyện, lạc đường và thậm chí phản đối Pháp Luân Đại Pháp. Họ truyền bá thông tin mà họ biết về các đồng tu. Những ví dụ này cũng là bài học giáo huấn rằng chúng ta tuyệt đối không nên chia sẻ thông tin bí mật.
Ai là người đủ thân thiết? Ngay cả đồng tu thân thiết có đáng tin cậy không? Tiêu chuẩn là gì? Những câu hỏi này không dễ trả lời bằng quan niệm người thường. Tất cả những gì chúng ta có thể làm là bảo mật thông tin bí mật – vì trách nhiệm với Đại Pháp.
Có trách nhiệm với Đại Pháp
Bây giờ tôi tuân thủ các nguyên tắc của mình: Tôi không bao giờ đề cập đến thông tin của đồng tu với bất kỳ ai. Nếu được hỏi, tôi sẽ đo lường bằng các Pháp lý. Tôi từ chối trả lời nếu tôi không nghĩ thông tin nên được chia sẻ. Trong các cuộc thảo luận, tôi cố hết sức để không nhắc tên hay nơi ở của bất kỳ đồng tu nào. Khi các học viên cần giúp đỡ tại nhà của họ, tôi đặc biệt cẩn thận về điều đó. Tôi không bao giờ đưa bất kỳ ai đến nhà của bất kỳ học viên nào mà không báo trước.
Ngoài ra, tôi không bao giờ kể mọi chuyện mà tôi biết. Thay vào đó, tôi chỉ chia sẻ ngắn gọn những thông tin cần thiết mà không gây ra bất kỳ hậu quả nào trong tương lai. Tôi tuyệt đối không giới thiệu các học viên với nhau hoặc đưa người này đi thăm người kia. Khi một học viên mà tôi không biết bị bức hại và cần được giúp đỡ ngay lập tức, tôi cùng những học viên khác đến thăm học viên đó. Tuy nhiên, đó là một tình huống liên quan đến sự cân bằng giữa bảo mật và chính niệm.
Khi tôi gặp các học viên khác, tôi cố gắng dành toàn bộ thời gian để học Pháp, luyện công, phát chính niệm, hoặc thảo luận về cách giảng chân tướng. Tôi hoàn toàn không tán gẫu về bản thân hay các học viên khác. Khi một số đồng tu bị nghiệp bệnh hoặc ham mê an dật, trò chơi điện tử, hoặc kiếm tiền, cách tốt nhất để giúp họ là thường xuyên giúp họ loại bỏ can nhiễu bằng chính niệm, kiên nhẫn học Pháp và phát chính niệm cùng họ.
Sư phụ đã giảng cho chúng ta:
“Pháp có thể phá hết thảy chấp trước, Pháp có thể phá hết thảy tà ác, Pháp có thể phá trừ hết thảy lời dối trá, Pháp có thể kiên định chính niệm.” (Bài trừ can nhiễu, Tinh Tấn Yếu Chỉ II)
Tôi đã cố gắng viết bài viết này trong một thời gian dài, nhưng không thể viết nó sớm hơn vì can nhiễu và những chấp trước của tôi. Mặc dù đã viết ra rồi, nhưng tôi không nghĩ rằng đã biểu đạt đầy đủ nhận thức của mình do tầng thứ tu luyện hữu hạn của bản thân.
Hãy suy ngẫm về những gì Sư phụ đã giảng:
“Cộng đồng tinh tấn
Tiền trình quang minh”
(Dung Pháp, Hồng Ngâm)Diễn nghĩa:
“Cộng đồng (mọi người) đều tinh tấn [tu tâm dưỡng tính]
Tương lai sẽ sáng tỏ minh bạch, sẽ sáng lạn”
Trên đây là chút thể ngộ của tôi trong quá trình tu luyện, nếu có điểm nào không đúng, xin các đồng tu từ bi chỉ rõ!
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/1/2/417979.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/1/22/190031.html
Đăng ngày 04-03-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.