Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc

[MINH HUỆ 17-10-2020] Ông Quách Vân Khánh, vợ là bà Đỗ Hồng Phương và con trai của họ là anh Quách Phượng Khanh ở thành phố Cát Lâm, tỉnh Cát Lâm, từng là một gia đình hạnh phúc. Nhưng kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu tiến hành cuộc bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999, người chồng đã bị bắt nhiều lần và bị kết án 14 năm sau vụ bắt giữ gần đây nhất vào năm 2007, vợ ông bị liệt sau khi bị bỏ tù và tra tấn trong 8 năm, con trai của họ bị buộc thôi học và phải đối mặt với sự phân biệt đối xử ở khắp mọi nơi.

2020-10-16-i085227_01.jpg

Bà Đỗ Hồng Phương và con trai 12 tuổi

2020-10-16-i085227_02.jpg
Ông Quách Vân Khánh ở đảo Guam năm 1998

Trong lần gần đây nhất vào tháng 6 hoặc tháng 7 năm 2020, cặp vợ chồng được Cục An sinh Xã hội thành phố Cát Lâm thông báo rằng lương hưu của họ đã bị tạm dừng chi trả.

Những năm tháng bị bức hại của ông Quách Vân Khánh

Ông Quách Vân Khánh sinh năm 1957. Ông làm việc tại trụ sở của Tập đoàn Xây dựng Luyện kim tỉnh Cát Lâm. Ông bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào tháng 1 năm 1998 khi ông đang làm việc ở đảo Guam, một đảo thuộc lãnh thổ Hoa Kỳ.

thỉnh nguyện ở Bắc Kinh

Khi cuộc bức hại bắt đầu vào tháng 7 năm 1999, ông Quách đã lên tiếng ủng hộ cho Pháp Luân Công trên Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh vào ngày 22 tháng 7 năm 1999.

Khi đến Bắc Kinh lần nữa vào ngày 10 tháng 10 năm 1999, ông đã bị các cảnh sát từ Đồn cảnh sát Tam Gian Phòng, Bắc Kinh và Sở cảnh sát Cát Lâm bắt giữ. Ông bị đưa trở lại thành phố Cát Lâm và bị giam 15 ngày trong Đồn cảnh sát phố Diên Giang.

Ông Quách đến Bắc Kinh lần thứ ba vào tháng 11 năm 1999 nhưng bị chặn lại trên phố vì mọi người không được phép thỉnh nguyện. Ngay khi trở về nhà, ông bị bắt và đưa đến trại tạm giam số 3 thành phố Cát Lâm. Một tháng sau, vào giữa tháng 12, ông chính thức bị bắt và bị buộc tội “phá hoại việc thực thi luật pháp”, một cái cớ quy chuẩn mà chính quyền sử dụng để kết án các học viên Pháp Luân Công, và bị chuyển đến trại tạm giam số 1 thành phố Cát Lâm. Ông được thả bốn tháng sau đó vào tháng 3 năm 2000.

Vào ngày 1 tháng 10 năm 2000, ông Quách tham gia một cuộc biểu tình ôn hòa trên Quảng trường Thiên An Môn với một biểu ngữ lớn viết “Pháp Luân Đại Pháp hảo”. Hàng chục cảnh sát đã đấm đá ông một cách tàn nhẫn và một người dùng súng lục đánh vào đầu ông. Ông bị chảy rất nhiều máu và bất tỉnh. Để tránh trách nhiệm pháp lý, cảnh sát đã đưa ông đến một nơi hẻo lánh.

Bị bắt vì phân phát tài liệu thông tin về Pháp Luân Công

Ông Quách bị các nhân viên của Đồn cảnh sát Văn Miếu thuộc Sở cảnh sát quận Xương Ấp bắt vào ngày 28 tháng 10 năm 2000, khi ông đang cung cấp thông tin về Pháp Luân Công. Ông bị còng tay vào một ống sưởi, mắt cá chân và các ngón tay của ông bị kéo qua lại trong 30 phút mỗi lần. Các cảnh sát đã bôi hỗn hợp mù tạt nóng vào mắt, mũi và miệng của ông. Quá đau đớn nên ông đã ngất đi. Ông bị giam trong một căn phòng biệt giam ẩm thấp ở Sở cảnh sát quận Xương Ấp qua đêm.

Sau đó, ông bị giam tại trại tạm giam thành phố Cát Lâm trong 14 ngày trước khi bị đưa đến trại tạm giam số 3 thành phố Cát Lâm. Sau đó ông bị đưa đến trại lao động cưỡng bức trong một năm.

Trong Trại lao động cưỡng bức Hoan Hí Lĩnh, ông Quách bị tẩy não và tra tấn. Vì kháng cự lại, ông bị chuyển đến Trại lao động cưỡng bức Liêu Nguyên nơi đối xử hà khắc hơn vào ngày 27 tháng 3 năm 2001. Ông được thả vào ngày 27 tháng 10 năm 2001.

Bị kết án ba năm trong tù

Ông Quách đã ra ngoài phân phát các đĩa CD có thông tin về Pháp Luân Công vào ngày 2 tháng 5 năm 2003. Ông bị bắt bởi các nhân viên Sở cảnh sát quận Xương Ấp, những người đang chờ sẵn để bắt ông. Để tìm ra nơi ông lấy đĩa CD, cảnh sát đã trói ông vào một chiếc ghế kim loại trong sở cảnh sát, đấm đá vào ngực và đầu gối ông, bịt miệng ông bằng một chiếc khăn tắm, và nhét mù tạt nóng vào mũi ông. Họ cũng đặt bốn túi nhựa lên đầu và bịt mắt ông lại. Ông gần như bị ngạt thở.

Vào ngày 22 tháng 5 năm 2003, ông Quách bị kết án lao động cưỡng bức ba năm và bị đưa đến Trại lao động cưỡng bức Ẩm Mã Hà vào ngày 30 tháng 6. Bởi vì bị tra tấn, giờ đây ông đã bị bệnh tim, gãy xương sườn và các bệnh lý khác. Trại lao động từ chối tiếp nhận ông. Cảnh sát đã giam giữ ông thêm một tháng và trả tự do cho ông vào ngày 2 tháng 7 để ông “thụ án tại gia.”

Bị tra tấn trong nhà tù Công Chủ Lĩnh

Lần bắt giữ gần đây nhất của ông Quách xảy ra vào ngày 14 tháng 3 năm 2007, khi vợ và con trai của ông cũng bị bắt. Các nhân viên Sở cảnh sát Xương Ấp đã tra tấn cho đến khi ông bất tỉnh nhiều lần và sau đó không thể đi lại được.

Tòa án quận Xương Ấp đã kết án ông Quách 14 năm tù vào ngày 10 tháng 7 mà gia đình ông không hề biết. Ông đã bị đưa vào nhà tù Công Chủ Lĩnh.

Ông Quách bị tra tấn liên tục và bị tiêm các loại thuốc không rõ nguồn gốc nhiều lần.

Vào tháng 5 năm 2012, ông bị đưa vào Đội “huấn luyện chuyên sâu” để “chuyển hóa”. Vào ngày đầu tiên, ông Quách đã bị sốc điện trong hơn một giờ. Đêm đó ông bị trói chân tay trong tư thế “đại bàng sải cánh“ vào bốn vòng kim loại cố định trên sàn. Các lính canh đã cuộn lại tấm nệm bên dưới lưng đã bị gãy xương của ông, khiến ông càng đau hơn. Để tăng thêm sự đau đớn cho ông, họ còn chọc vào mắt và mũi ông, dẫm lên và vặn ngón tay, dùng giày tát vào mặt và đá vào đùi và sườn của ông.

Sau 11 năm bị bức hại, ông Quách trở thành một người tàn phế cả về thể chất và tinh thần. Ông đang trong tình trạng nguy kịch và phải phẫu thuật ống mật tại bệnh viện Đại học Y thành phố Trường Xuân. Ông được trả tự do vào ngày 24 tháng 4 năm 2019.

Người vợ bị tra tấn trong tù

Vợ của ông Quách Vân Khánh, bà Đỗ Hồng Phương, 58 tuổi, bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào tháng 4 năm 1999. Bà đã bị bắt 7 lần vì không chịu từ bỏ đức tin của mình, lần cuối cùng vào tháng 7 năm 2008. Sau khi bị giam giữ tại trại tạm giam thành phố Cát Lâm, bà sau đó bị kết án 8 năm trong Nhà tù nữ Hắc Chủy Tử. Trong một bài báo vào tháng 6 năm 2018, bà Đỗ đã kể lại sự tra tấn dã man mà bà phải chịu đựng. Có thể thấy bà bị thương nặng như thế nào qua những bức ảnh dưới đây.

7171bf8ec8c3ecadbffed3bfb20a03eb.jpg
Bà Đỗ Hồng Phương vui vẻ và khỏe mạnh2020-10-16-i085227_04.jpg
2020-10-16-i085227_05.jpg

Bà Đỗ sau cuộc bức hại

Bị bắt vì thỉnh nguyện

Bà Đỗ đã đến Bắc Kinh để lên tiếng ủng hộ Pháp Luân Công lần đầu tiên vào ngày 22 tháng 7 năm 1999 và đã trở về nhà an toàn. Bà lại tới Bắc Kinh vào tháng 10 nhưng bị bắt ngay khi nhận phòng khách sạn ở Bắc Kinh. Các nhân viên Sở Cảnh sát Cát Lâm đã đưa bà về nhà bằng tàu hỏa vào ngày hôm sau. Họ tịch thu hơn 500 nhân dân tệ từ bà và giam giữ bà trong 15 ngày.

Tháng 11, bà Đỗ lại cùng chồng tới Bắc Kinh. Cả hai đều bị bắt khi trở về Cát Lâm. Bà bị giam trong một trung tâm tẩy não trong hơn ba tuần và chồng bà bị giam ở Trại giam số 1 Cát Lâm trong bốn tháng. Sau khi bà Đỗ được thả, cảnh sát tiếp tục sách nhiễu, buộc bà phải sống xa nhà để tránh cảnh sát. Để tìm thấy bà, cảnh sát đã quấy rối em gái và anh trai của bà. Con trai của bà, mới 9 tuổi, đã phải vật lộn để chăm sóc bản thân khi cả cha và mẹ đang bị bức hại.

Bà Đỗ bị bắt tại nhà của một đồng tu vào năm 2000 và bị giam trong một trại tạm giam hơn 30 ngày. Bà bị bỏ đói và bị bắt ngồi xổm gần một bức tường trong hơn 14 giờ vì không chịu học thuộc nội quy của trại tạm giam.

Tháng 2 năm 2000, bà Đỗ lại đi tàu đến Bắc Kinh. Bà bị chặn lại ở ga Phủ Thuận và đưa về trại tạm giam thành phố Cát Lâm. Nhà chức trách ra lệnh cho các tù nhân hình sự đánh bà. Bà đã tuyệt thực để phản đối trong hơn ba tuần và bị bức thực hai lần một ngày. Sau đó bà bị kết án lao động cưỡng bức một năm.

Bị tra tấn trong Trại lao động cưỡng bức nữ Hắc Chủy Tử

Bà Đỗ bị chuyển đến Đội số 4 tại Trại lao động cưỡng bức nữ Hắc Chủy Tử vào ngày 2 tháng 3 năm 2000. Ngày hôm sau, bà bị các tù nhân sốc điện và đánh đập vì tập Pháp Luân Công vào buổi sáng. Sau khi bị tra tấn, bà bị buộc phải làm công việc nặng nhọc trong hơn 14 giờ.

Vào ngày 28 tháng 4, bà Đỗ bị còng tay vào giường và bị sốc điện bằng dùi cui điện vì tập các bài công pháp của Pháp Luân Công. Bà cũng bị tát vào mặt và chửi mắng vì không chịu từ bỏ đức tin của mình. Bà đã tuyệt thực và bị bức thực. Người lính canh đã cạy miệng bà bằng một dụng cụ kim loại và làm bà bị thương ở miệng. Một ống cao su được đưa vào dạ dày của bà. Nước muối mà họ dùng để bức thực khiến bà đau rát trong bụng và bà liên tục nôn mửa.

Vào ngày 13 tháng 5, tất cả các học viên Pháp Luân Công trong Đội số 4 đã tuyệt thực. Bà Đỗ bị một tù nhân trói vào giường và bức thực trong khi một lính canh dùng gậy điện chích khắp người. Dòng điện quá mạnh khiến cơ thể bà bật dựng dậy mỗi khi bà bị sốc. Bà ngất xỉu và suýt mất mạng.

Vào ngày 1 tháng 11, lính canh đã yêu cầu bà Đỗ viết một tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công. Bà đã từ chối từ bỏ đức tin của mình. Sau đó, lính canh nhốt bà vào phòng biệt giam với hai tay bị trói vào tay nắm cửa. Tay bà bị phồng rộp và sưng tấy. Căn phòng bẩn thỉu và chuột bò khắp người bà.

Sau 13 ngày nằm trong phòng biệt giam, bà Đỗ bị suy sụp về mặt tinh thần. Tay bà sưng tấy đến nỗi bà không thể nắm tay lại. Bởi vì bà không từ bỏ đức tin của mình, thời hạn của bà đã bị kéo dài thêm 9 tháng, khiến tổng thời gian bà bị giam giữ là hơn 600 ngày. Bà được trả tự do vào ngày 22 tháng 1 năm 2002.

Thụ án tại trại lao động lần thứ hai

Ngày 18/6/2002, bà Đỗ lại bị bắt. Cảnh sát muốn biết nơi mà bà đã lấy tài liệu Pháp Luân Công, vì vậy họ trói bà vào một chiếc ghế kim loại và trùm đầu bà bằng một chiếc túi nhựa. Bà gần như không thấy được gì. Tim bà đập loạn xạ và mặt bà tái xanh. Cảnh sát lặp lại việc tra tấn nhiều lần và thẩm vấn bà cho đến 8 giờ tối.

Bà Đỗ bị kết án thêm hai năm lao động cưỡng bức và bị đưa đến Trại lao động cưỡng bức nữ Hắc Chủy Tử vào ngày 24 tháng 6. Khi nhà tù chiếu video về vụ tự thiêu giả mạo ở Quảng trường Thiên An Môn để bôi nhọ Pháp Luân Công vào tháng 7, bà Đỗ đã từ chối xem và nói: “Pháp Luân Đại Pháp là tốt. Vụ tự thiêu là giả mạo”. Kết quả là bà bị đánh đập và bị sốc điện bằng gậy điện. Lính canh cũng bức thực bà bằng những loại thuốc không rõ nguồn gốc.

Để buộc bà Đỗ “chuyển hóa”, các nhân viên đã không cho bà ngủ và bắt bà xem video và đọc những cuốn sách phỉ báng Pháp Luân Công cả ngày lẫn đêm. Trong báo cáo tư tưởng hàng tháng của mình, bà đã chống lại cuộc bức hại bằng cách viết sự thật về cuộc bức hại. Trong nhiều trường hợp, các lính canh đã cố gắng ép buộc bà ký một bản tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công đã chuẩn bị sẵn. Khi bà từ chối, họ nắm lấy tay bà và ấn dấu vân tay của bà vào đó.

Toàn bộ gia đình bị bắt giữ

Con trai bị phân biệt đối xử và bị tổn thương

Con trai của 2 vợ chồng, anh Quách Phượng Khanh, sinh ngày 7 tháng 4 năm 1990. Anh bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công cùng mẹ vào ngày 25 tháng 4 năm 1999. Anh học tiểu học trong ba năm, cho đến khi cha mẹ anh bị giam giữ. Sau đó anh không còn được phép đi học nữa.

2020-10-16-i085227_06.jpg
Bà Đỗ và con trai

Khi cha mẹ anh bị bắt giam sau ngày 20 tháng 7 năm 1999, Quách Phượng Khanh lúc đó mới 9 tuổi, và không còn ai để chăm sóc anh. Anh sống như một kẻ lang thang và không còn được phép đến trường. Thường xuyên bị bắt nạt và sỉ nhục trong cộng đồng, anh đã bị tổn thương nghiêm trọng.

Gia đình anh tan vỡ khi cả ba người đều bị bắt vào ngày 4 tháng 3 năm 2007. Cha anh, ông Quách Vân Khánh, bị kết án 14 năm tù vào ngày 10 tháng 7. Anh và mẹ là bà Đỗ bị giam tại trại tạm giam ở thành phố Cát Lâm và sau đó được tại ngoại. Họ đã phải lẩn trốn để tránh bị bắt lại.

Vì cha mẹ bị bức hại trong thời gian quá lâu dài, anh Quách Phượng Khanh đã từ bỏ tu luyện vì sợ bị bắt lại. Bây giờ, ở tuổi 30, anh làm những công việc lặt vặt để kiếm sống.

Lương hưu bị dừng chi trả

Từ năm 1999 đến năm 2007, chính quyền đã tống tiền ông Quách và bà Đỗ hơn 5.000 nhân dân tệ. Vì hiện tại cảnh sát đã tịch thu hơn 100.000 nhân dân tệ từ họ nên hai vợ chồng trở nên túng quẫn.

Cục An sinh Xã hội đã dừng chi trả lương hưu của ông Quách vào tháng 6 năm 2020 và của bà Đỗ vào tháng 7. Các nhà chức trách cho biết, đối với những người bị kết án tù, số năm làm việc trước năm 1987 của họ sẽ không được tính vào lương hưu của họ và đối với những người làm việc sau năm 1987, số năm họ thụ án tù sẽ bị trừ đi.

Ông Quách bắt đầu làm việc từ năm 1976 và bà Đỗ vào năm 1986. Họ lần lượt chịu án tù 11 năm và 8 năm, do đó, ông Quách chỉ được công nhận là đã làm việc 25 năm và bà Đỗ chỉ được tính là 9 năm theo cách tính mới. Với số tiền còn lại rất ít sau các khoản khấu trừ, các nhà chức trách đã dừng việc chi trả lương hưu cho họ.

Bài liên quan:

Người chồng hấp hối ở trong tù, người vợ bị liệt nửa người sau nhiều năm bị cầm tù và tra tấn


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/10/17/413894.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/11/15/188260.html

Đăng ngày 22-11-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share