Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc

[MINH HUỆ 25-10-2020] Từ tháng 8 năm 2020, chính quyền ở Kiếm Tam Giang thuộc tỉnh Hắc Long Giang đã sách nhiễu các học viên Pháp Luân Công như là một phần của chiến dịch “xoá sổ” trên toàn quốc, một nỗ lực phối hợp nhằm ép các học viên trong danh sách đen của chính quyền từ bỏ đức tin của họ.

Tại Nông trại Tiền Tiến, một trong những nông trại do nhà nước quản lý ở Kiến Tam Giang, tám học viên đã bị đe doạ đình chỉ lương hưu, con cái mất việc và cháu không được vào đại học. Trong số họ, có hai học viên không sống tại địa bàn cũng bị các quan chức đến gặp và cưỡng chế.

Các quan chức: “Chúng tôi có nhiều cách để đối phó với ông”

Nhiều quan chức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã đến gặp nam học viên Lưu Sĩ Ngân vào ngày 30 tháng 8. Họ đề nghị ông ký vào một tuyên bố rằng ông không còn tu luyện Pháp Luân Công nữa. Ông đã cương quyết từ chối. Khi họ quay trở lại vào hôm sau và hôm sau nữa, ông Lưu đã từ chối mở cửa cho họ. Sau đó họ đã cắt điện nước nhà ông.

Vài ngày sau, họ quay lại và cũng ra đề nghị tương tự. Họ hăm doạ: “Nếu ông từ chối ký, tất cả những gì chúng tôi cần làm là gọi một cuộc điện thoại và con gái ông sẽ mất việc. Chúng tôi cũng có thể cắt lương hưu của ông. Chúng tôi có nhiều cách để đối phó với ông.”

Hàng xóm: “Những người tu luyện Pháp Luân Công là những người tốt”

Sáng ngày 3 tháng 9, hơn 10 người trong sáu xe hơi đã đến nhà ông Vu Tùng Giang. Một người nói: “Việc của chúng tôi là bắt ông ký vào các biên bản và ghi hình việc ông từ bỏ Pháp Luân Công. Tôi không quan tâm ông có tiếp tục tu luyện Pháp Luân Công tại nhà hay không. Một khi việc này hoàn thành, chúng tôi sẽ không bị áp lực nữa. Nếu không, chúng tôi phải quay trở lại.”

Ông Vu đã cố gắng giảng chân tướng cho họ về Pháp Luân Công nhưng họ từ chối lắng nghe. Một hàng xóm đến và quở trách họ: “Ông Vu là một người tốt. Những ai tu luyện Pháp Luân Công đề là người tốt. Các người thật phi lý. Với ai khác bị quá nhiều người uy hiếp như vậy thì hẳn phải sợ chết khiếp!”

Bị treo lương

Ông Lữ Truyền Cương làm việc tại Bệnh viện Nông trại Tiền Tiến. Ngày 7 tháng 9, ông được triệu tập đến văn phòng quản lý bệnh viện. Bí thư đảng của bệnh viện là Chu Văn Cách đã nói với ông: “Ông được yêu cầu viết và ký vào một tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công và phải chụp hình. Nếu ông ký thì tên ông sẽ được xoá khỏi danh sách, con ông sẽ không bị ảnh hưởng việc học hành hay gia nhập quân đội trong tương lai. Nếu không ký, ông thậm chí không thể đi xe lửa hay máy bay trong tương lai. Con ông sẽ là người bảo lãnh cho ông.”

Chu cũng nói rằng nếu ông Lữ không hợp tác thì ĐCSTQ sẽ treo một phần lương của Chu và quản lý bệnh viện và thậm chí họ có thể mất việc. Từ ngày 30 tháng 9 đến ngày 10 tháng 10, ông Lữ đã nhiều lần bị yêu cầu ký vào bản tuyên bố và ông luôn từ chối.

Ngày 14 tháng 10, ông Lữ được thông báo rằng ông đang bị ngừng trả lương. Ông đã phản đối: “Đây là sự bức hại và nó chống lại lương tri. Tôi không vi phạm pháp luật. Tôi muốn kiện.” Gia đình ông được cho hai tháng để thuyết phục ông từ bỏ đức tin hoặc là sẽ phải đối diện với những hậu quả nghiêm trọng hơn.

Chồng bị ngừng trả lương, con gái đối diện với mất việc

Bà Tương Hân Ba đã tạm thời chuyển đến tỉnh Sơn Đông trong năm vừa qua để ở với con gái, người đã tốt nghiệp đại học và tìm được một công việc ở đó. Ngày 3 tháng 10, chồng và em trai bà, dưới chỉ đạo của các viên chức tại Nông trại Tiền Tiến, đã đi hai ngàn dặm đến Sơn Đông để hối thúc bà ký vào tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công. Sau khi bà từ chối, lương của chồng bà ở Trường Nông trại Tiền Tiến đã bị treo. Họ cũng gửi thư đến nơi làm việc của con gái bà, hăm doạ sẽ sa thải cô.

Bà Tương từng bị kết án tù hai lần với tổng cộng bảy năm vì đức tin vào Pháp Luân Công; và từng bị đưa đến trung tâm tẩy não hai lần.

Người trong gia đình bị hăm doạ mất việc

Bà Lưu Viễn Trân là nhân viên về hưu của Bệnh viện Nông trại Tiền Tiến. Ngày 8 tháng 9, con trai đã gọi cho bà để chuyển một tin nhắn từ các quan chức ĐCSTQ của Bệnh viện Nông trại Tiền Tiến: “Bà Lưu cần đến bệnh viện để ký vào một tuyên bố bảo đảm rằng sẽ không tu luyện Pháp Luân Công nữa và sẽ được ghi hình lại. Nếu bà từ chối, bà sẽ không được nhận lương hưu . Ngoài ra, anh [con trai bà Lưu] có thể mất việc viên chức chính phủ ở thành phố khác và con trai anh [cháu trai bà Lưu] sẽ bị cấm đến trường hoặc gia nhập quân đội.”

Sau cuộc gọi, con trai bà đã lái xe hàng ngàn dặm trong mưa to đến nhà bà Lưu và cố thuyết phục bà từ bỏ đức tin vào Pháp Luân Công dù anh biết rõ rằng mẹ mình đã được hưởng lợi từ Pháp Luân Công.

Một học viên khác, bà Phan Thục Dung, sống cùng con gái và con rể. Ngày 10 tháng 10, hai viên chức ở nơi làm việc của con gái bà đã đến gặp bà và đề nghị bà ký vào các tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công. Khi bà từ chối, họ hăm doạ: “Vợ chồng con gái bà đều có công việc tốt. Nếu bà không ký thì họ có thể mất việc.” Cả gia đình bà đều bị căng thẳng vì việc này.

Hơn nữa, ông Lý Trường Bình, một cựu nhân viên, đã chuyển đến tỉnh Tứ Xuyên nhiều năm trước. Tuy nhiên, các quan chức ở Nông trại Tiền Tiến đã cho người đến nhà ông ở Tứ Xuyên và cố ép ông ký vào các tuyên bố bảo đảm.

Bà Thiệu Ái Xuân, 82 tuổi, rất khoẻ mạnh và tự chăm sóc bản thân được sau khi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công. Tuy nhiên, do bị áp lực bởi người của ĐCSTQ, con và cháu bà đã gây áp lực để bà ký vào bản tuyên bố. Sau đó bà Thiệu vô cùng hối hận và tuyên bố rằng tờ giấy bà ký là vô hiệu lực.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/10/25/414202.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/11/12/188225.html

Đăng ngày 19-11-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share