Bài viết của Khải Văn

[MINH HUỆ 13-07-2006] Ngày 2 tháng 8 năm 1996 là lần đầu tiên Sư phụ đến Úc châu, lúc bấy giờ tôi đã đắc Pháp được hơn 8 tháng. Tâm thái mong chờ được gặp Sư phụ thật khó có thể diễn tả thành lời, tôi vẫn còn nhớ lần gặp mặt đó đã chạm đến tận tâm linh của sinh mệnh tôi. Tôi cảm thấy mình thật hạnh phúc – niềm hạnh phúc đó thật khó mà diễn tả thành lời. Cho đến tận ngày hôm nay, tôi vẫn còn nhớ sự thuần chân, hạnh phúc phát ra từ nơi sâu thẳm nhất tràn đầy trong sinh mệnh tôi. Đồng thời còn có những cảm giác nôn nóng, căng thẳng và một chút lo lắng – tôi lo rằng sự chuẩn bị của chúng tôi không phù hợp với những tiêu chuẩn để Sư phụ giảng Pháp, lo ngại rằng chúng tôi làm không đủ tốt, e ngại rằng có quá ít người đến nghe Pháp, sẽ khiến Sư phụ thất vọng…

Thời điểm đó ở Úc châu, chúng tôi chỉ có hai điểm luyện công mới ở Sydney, một điểm ở công viên Ashfield và một ở công viên Cabravale tại Cabramatta. Chỉ có khoảng hơn 10 học viên thường xuyên đến hai điểm luyện công này. Từ khi chúng tôi nghe tin Sư phụ sẽ đến Sydney giảng Pháp cho đến thời điểm khoá giảng Pháp bắt đầu cũng chỉ tầm ba đến bốn ngày. Đối với chúng tôi mà nói, có thể có hơn 100 người đến nghe Pháp thôi cũng là một sự bất ngờ rất lớn rồi! Sau đó, số người đến tham dự đã vượt gấp hai đến ba lần con số kỳ vọng ban đầu của chúng tôi. Trên thực tế, tu luyện Đại Pháp là siêu thường, vậy số lượng người đến nghe Pháp có thể dùng nhân tâm của con người để đo lường sao? Sau này, tôi mới minh bạch ra khi đó bản thân đã dùng nhân tâm người thường để đối đãi với số lượng người đến tham dự buổi giảng Pháp.

Buổi giảng Pháp thứ hai là khoảng 8 giờ sáng ngày 3 tháng 8 năm 1996, Sư phụ đã đến phía ngoài của hội trường. Cảm giác trong tôi khi đó giống hệt như ngày hôm qua, cảm thấy từng động tác, từng cử chỉ của Sư tôn thật cởi mở và phi phàm. Sư tôn bắt tay với từng nhân viên công tác, tình nguyện viên ở cửa hội trường, Ngài còn đặc biệt nói chuyện vài câu với một học viên phương Tây duy nhất đứng hỗ trợ các công việc ở phía cửa vào. Lúc đó tôi rất vinh dự được làm phiên dịch tiếng Anh – Trung, tôi nghĩ: Sư tôn suy nghĩ thật là chu đáo, đến một tình tiết nhỏ như vậy mà Ngài cũng cân nhắc tới. Sau này, tôi mới hiểu được đây chính là điều mà Sư tôn đã từng dạy chúng ta:

“…ôm chí lớn mà không quên tiểu tiết” (Thánh giả, Tinh Tấn Yếu Chỉ)

Những người đến nghe giảng Pháp khi đó đa phần là những học viên mới tu luyện hoặc chưa bắt đầu tu luyện. Khi bắt đầu giảng Pháp, Sư phụ đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học Pháp. Trong quá trình giảng Pháp, Sư phụ luôn đứng và giảng liên tục trong hơn 5 tiếng đồng hồ. Những người đến tham dự buổi học đa phần đều mang tâm thái của người thường nên những câu hỏi đề ra phần nhiều là những vấn đề nhận thức ban đầu về Đại Pháp mà câu trả lời cho những câu hỏi đó đều có thể trực tiếp tìm được trong cuốn “Chuyển Pháp Luân”. Cho dù là vậy thì Sư tôn vẫn kiên nhẫn trả lời chi tiết từng câu một.

Trong khi trả lời những câu hỏi, Sư tôn đã nhắc đến Thích Ca Mâu Ni, đoạn Pháp ấy như sau:

“Năm xưa khi Phật Thích Ca Mâu Ni tại thế, ma nói: Ta giờ không làm loạn Pháp của Ông được, đợi khi Pháp của Ông bước vào thời kỳ mạt Pháp, ta phái các đệ tử, đồ tử, đồ tôn của ta xuất gia vào chùa của Ông, ta xem Ông sẽ làm thế nào! Lúc đó Phật Thích Ca Mâu Ni liền rơi lệ. Phật Thích Ca Mâu Ni đương nhiên không có cách nào, đến mạt Pháp rồi, cũng loạn rồi. Thời kỳ mạt Pháp mà Ông giảng không chỉ là người, không chỉ là chùa chiền, xã hội nhân loại đến đâu cũng tồn tại những sự việc phá hoại sự nghiệp nhân loại, tồn tại những người như thế.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Sydney [1996])

Khi Sư tôn giảng đoạn Pháp này, tôi đã nhìn thấy trong mắt Ngài có lấn cấn chút nước mắt trong đó. Điều này đã khiến tâm tôi vô cùng chấn động, tôi nghĩ có lẽ Sư tôn cũng nhìn thấy những khó khăn trong hiện tại khi cứu độ chúng sinh là cùng cảnh ngộ với năm đó khi Thích Ca Mâu Ni giảng Pháp độ nhân! Lúc này, tôi cũng không kìm được nước mắt của mình nữa! Một năm sau đó tại Trung Quốc, trong một lần cùng các đồng tu hồi tưởng những câu chuyện khi Sư tôn giảng Pháp, cũng có rất nhiều đồng tu đã không kìm được nước mắt!

Đã mấy năm trôi qua, đến tận hôm nay khi tôi hồi tưởng lại quang cảnh ngày hôm đó, tôi vẫn cứ ngỡ nó như mới xảy ra vào ngày hôm qua vậy. Lúc bấy giờ, tôi vô cùng xúc động và cảm thấy buồn cho Phật Thích Ca Mâu Ni và càng hy vọng bản thân có thể san sẻ phần nào những ưu tư và gánh nặng cho Sư tôn, nhưng bây giờ đây tôi đã minh bạch được một Pháp lý khác: Thật ra, những giọt lệ của Phật Thích Ca Mâu Ni lúc bấy giờ không phải là vì bản thân Ông, mà nó là dành cho các đệ tử. Còn Sư tôn của chúng ta rơi lệ cho những chúng sinh đang mang vô số nghiệp lực khổng lồ trên thân!

Khi kết thúc buổi giảng Pháp, Sư tôn đã đích thân tịnh hoá thân thể cho tất cả những người tham dự tại hội trường. Khi Sư tôn bước ra khỏi giảng đường, có một học viên đã xin chữ ký của Sư tôn lên cuốn “Chuyển Pháp Luân”. Thuận theo đó đã có rất nhiều người cũng đều muốn được Sư tôn ký tên, phần lớn đều là những người còn chưa từng đọc cuốn “Chuyển Pháp Luân”. Sư tôn khi ấy hiểu tâm trạng của các học viên nên đã không ngừng ký, cho đến tận khi trời tối rồi mà Ngài vẫn ký tên cho mọi người. Cuối cùng, Sư phụ cùng tất cả các học viên tại hội trường chụp tấm ảnh tập thể.

Tôi vẫn còn nhớ, nguyên ngày hôm đó Sư tôn chỉ uống một chút nước trong giờ nghỉ ngắn ngủi buổi chiều. Từ sáng đến tận tối mịt cũng không thấy Sư tôn ăn một thứ gì, vậy mà Ngài còn quan tâm đến các học viên chúng tôi, vừa muốn xin chữ ký lại vừa muốn được chụp hình chung với Sư tôn. Giờ nghĩ lại, tôi cảm thấy các học viên ở Úc châu chúng tôi vừa hạnh phúc nhưng cũng lấy làm hổ thẹn.

Trong lần đầu tiên Sư tôn đến Úc giảng Pháp, khi Ngài cùng một vài đệ tử đi qua Bến tàu Darling đã nói đại ý như sau: “Lập một điểm luyện công tại Bến tàu Darling này thì thật tốt, nơi đây có nhiều người, còn có thể tiết kiệm được chút chi phí giới thiệu Pháp Luân Công trên các tờ báo”.

Vài ngày sau khi Sư tôn rời Úc, vào ngày cuối tuần tôi cùng hai, ba học viên bắt đầu đến bến tàu Darling luyện công. Sau đó, càng ngày càng có nhiều học viên đến nơi này tham gia luyện công tập thể vào các ngày cuối tuần. Đến nay đến gần 10 năm, trải qua nhiều thăng trầm, thậm chí dưới những sức ép của các đặc vụ Trung Cộng cũng không thể ngăn cản được điểm luyện công này.

Mặc dù việc duy hộ điểm luyện công ở bến tàu Darling chưa đạt được đến mức hoàn hảo 100% nhưng về cơ bản là chưa một tuần nào bị đình trệ trong một thời gian dài. Hầu hết luôn có học viên luyện công tại điểm vào những ngày cuối tuần, những năm gần đây càng ngày càng ổn định hơn, trong đó là biết bao nhiêu sự phó xuất thầm lặng của rất nhiều học viên. Điểm luyện công ở Bến tàu Darling đã trở thành điểm chính tại Sydney, cũng như tại Úc châu. Những lúc cao điểm, số người luyện công còn vượt quá 200 người còn khi ít thì là 20 đến 30 người. Có rất nhiều học viên đắc Pháp tại điểm luyện công này.

Vào khoảng hơn 10 giờ sáng Chủ nhật ngày 24 tháng 11 năm 1996, khi tôi cùng hơn 20 học viên khác đang đứng luyện bài công pháp thứ năm – ‘Thần Thông Gia Trì Pháp” thì đột nhiên tôi có một linh cảm nên tự nhiên mở mắt ra, lúc đó tôi vô cùng chấn động: “Sư tôn đang bước đến chỗ của chúng tôi!”

Ban đầu tôi còn nghĩ mình bị hoa mắt rồi, nhưng ngay sau đó tôi nhìn thấy đi phía sau Sư phụ có một nữ đồng tu lớn tuổi ra hiệu cho tôi đại ý “Mau đứng dậy chào Sư phụ”, thấy vậy Sư phụ liền ra hiệu bảo tôi không cần động đậy, cứ tiếp tục luyện công. Vì vậy, tôi vẫn ngồi im nhưng mắt thì lại không ngừng nhìn về hướng Sư phụ, nhìn thấy Sư phụ đi qua tôi rất nhanh mà không có một chút tiếng động, từng bước đi của Sư tôn rất nhẹ nhàng và không hề có cảm giác Sư tôn đi nhanh. Tuy nhiên một vài học viên đi sau Sư phụ sải bước rất nhanh mà vẫn cách Sư tôn một đoạn dài.

Sư tôn đứng ở phía sau quan sát chúng tôi luyện công, khi đó tôi là người phụ trách mang đài luyện công đang ngồi luyện công còn Sư tôn thì đứng nhìn chúng tôi, bản thân cảm thấy như vậy có vẻ không đúng lắm. Sư tôn nghĩ cho học viên nên không muốn gián đoạn thời gian luyện công của học viên. Một lúc sau, tâm tôi đã lay động, cảm thấy vẫn là không nên để Sư tôn đứng ở phía sau đợi cho đến khi chúng tôi luyện công xong vì chúng tôi ngồi luyện bài năm mới được 10 phút. Tôi gom hết can đảm, lễ phép bước về phía Sư tôn và hỏi Sư tôn liệu tôi có nên kêu mọi người dừng lại để chào hỏi Sư tôn hay không? Sư tôn mỉm cười nói: “Hãy cứ để các học viên luyện công xong rồi hãy nói”. Thế là tôi chỉ còn cách đứng phía bên cạnh và không nói thêm gì.

Vài phút nữa lại trôi qua (đứng ở góc độ của tôi mà nói thì khoảng thời gian này quả là dài đằng đẵng), cuối cùng tôi lại lấy hết can đảm hỏi Sư tôn: “Thưa Sư phụ, con có thể kêu mọi người dừng lại có được không ạ?”. Sư phụ lại mỉm cười, nhìn tôi và nói (đại ý như sau): “Khi nào hết nhạc thì hãy kêu họ”. Tôi nghĩ một lát rồi từ từ tiến đến chỗ chiếc đài, chỉnh âm lượng nhỏ dần rồi tắt hẳn, làm xong tôi nói với mọi người: “Sư phụ đến thăm chúng ta này!”.

Các đồng tu mở mắt, rất nhiều người không tin vào những điều mà họ vừa nghe thấy, cứ ngơ ngác nhìn đông nhìn tây. Theo lời của một học viên lớn tuổi hồi tưởng lại khung cảnh lúc đó, khi bà vừa mở mắt ra đã nhìn thấy Sư phụ an nhiên ngồi trên băng ghế của công viên nhìn mọi người, bà lại còn tưởng đó là Pháp thân của Sư phụ! Đợi đến khi tâm trạng của mọi người ổn định trở lại, nhìn thấy Sư phụ đến, ai nấy cũng đều mau mắn chạy đến chỗ Sư phụ trong sự ngạc nhiên và niềm vui vỡ oà. Sư tôn giảng Pháp cho chúng tôi trong vòng hơn một tiếng đồng hồ, sau đó Sư tôn cũng giải đáp những thắc mắc cho chúng tôi.

Tôi có một cảm nhận như thế này: Khi vừa nhìn thấy Sư tôn thì tâm tình liền vô cùng cao hứng, vừa căng thẳng mà vừa có một cảm giác hạnh phúc khó mà diễn tả thành lời. Nhưng khi ở bên cạnh Sư tôn thì lại cảm thấy bản thân vô cùng bình hoà và tự nhiên. Tôi nghĩ nguyên nhân có lẽ là khi ở bên cạnh Sư tôn, trường từ bi của Sư tôn đã khởi tác dụng gia trì cho chúng tôi!

Điểm luyện công tại bến tàu Darling là điểm luyện công duy nhất mà tôi biết ở Úc là được Sư tôn đích thân đến giảng Pháp và theo tôi được biết thì cũng là điểm luyện công duy nhất được Sư tôn thành lập. Điểm luyện công này có quang cảnh rất đẹp, nó tọa lạc gần trung tâm thành phố về hướng đông, phía nam có đài phun nước lớn, phía bắc có hồi bơi còn phía tây thì có đường thông lớn dành cho người đi bộ đến bến tàu. Cứ đến cuối tuần là người qua lại và du khách đi lại không ngớt.

Khu chúng tôi luyện công có nhiều cây cối, cát vàng lấp đầy trên mặt đất, đây là điều khó tìm thấy tại Bến tàu Darling. Trong ấn tượng của tôi, mỗi khi đến giờ chúng tôi luyện công thì cho dù thời tiết hôm đó có vẻ như sắp mưa nhưng trời lại không đổ cơn mưa nào, đợi đến khi chúng tôi luyện công xong thì mới mưa. Cách đây vài năm có rất nhiều tiểu đệ tử nhìn thấy thân thể các học viên rất trong suốt và thường nhìn thấy một Pháp Luân khổng lồ xoay chuyển trên ngọn cây, còn có cả Pháp thân lớn của Sư tôn. Cách phía sau điểm luyện công vài mét (về phía bắc) là biển lớn nối liền với bến tàu. Khi chúng tôi luyện công thì có rất nhiều bông hoa sen nổi trên mặt nước, trông vô cùng đẹp mắt. Câu chuyện thần kỳ của các tiểu đệ tử tại điểm luyện công ở Bến tàu Darling nhiều không kể xiết!

Dù là xuân-hạ-thu-đông thì sau khi chúng tôi luyện công xong đều cảm thấy cơ thể vô cùng thoải mái, loại cảm giác kỳ diệu đó xuất hiện vô số lần. Bất cứ khi nào các bạn có dịp ghé thăm Sydney, xin đừng quên đến tham gia luyện công tập thể vào cuối tuần tại Bến tàu Darling từ 9 giờ đến 11 giờ sáng nhé!

Tin tức Sư phụ đích thân đến điểm luyện công tại Bến tàu Darling nhanh chóng truyền rộng nên có rất nhiều học viên bày tỏ niềm hy vọng có thể gặp được Sư phụ. Sư tôn đồng ý, vì vậy vào tối muộn ngày 26 tháng 11 năm 1996, Sư tôn cùng với học viên tại Úc đã có buổi gặp mặt tại Trung tâm Masonic ở trung tâm thành phố Sydney.

Số học viên đến nghe Pháp vào khoảng hơn 600 người. Trong một thời gian ngắn ba tháng, từ khi Sư phụ giảng Pháp tại Sydney lần đầu, số học viên tại Úc châu gia tăng mau chóng. Buổi chiều, ở nơi ngưỡng cửa vào giảng đường, tôi phụ trách lo cho những người đến Pháp hội. Tôi có một chấp trước, tôi luôn hy vọng rằng tôi có thể bắt tay với Sư phụ. Nhưng tôi không có cái can đảm đó và không dám làm việc hấp tấp. Tôi tự nói với mình: “Nếu mình được bắt tay với Sư phụ thì hay biết bao nhiêu”.

Quả nhiên, Sư tôn đến rất đúng giờ. Sư tôn như nhìn thấu tâm can đầy chấp trước của tôi vậy, Ngài mỉm cười khoan dung đưa tay hướng về phía tôi. Cảm giác khi được nắm lấy bàn tay ấm mềm rất lớn của Sư tôn là một cảm giác hạnh phúc khó có thể diễn tả bằng lời. Chỉ có điều cho đến ngày hôm nay khi tôi nghĩ đến tâm thái của mình năm đó lại cảm thấy bản thân xấu hổ đến toát mồ hôi vậy. Sư tôn luôn quan tâm đến cảm nhận và cân nhắc đến nhất cử nhất động của người khác với sự chu đáo và tinh tế.

Lần giảng Pháp này Sư phụ đã giảng rất nhiều, điều tôi ấn tượng nhất là phần Sư phụ giảng về cấu trúc tầng tầng lớp lớp của vũ trụ và đây cũng là lần đầu tiên tôi được biết đến điều này. Kể từ lúc đó, tôi bắt đầu cảm thấy Đại Pháp lớn đến mức khó có thể tưởng tượng được, cũng như Sư tôn đã từng đề cập đến vậy: Vũ trụ lớn đến mức khó có thể dùng ngôn ngữ của con người để diễn tả được. Ngoài ra tôi còn nhớ khi đó có một học viên từ Nam Úc đến đã đặt một câu hỏi là: “Con mong Sư phụ có thể giảng về sự phát triển của Pháp Luân Công tại Trung Quốc tại thời điểm này“. Trong lời giải đáp, Sư tôn nhắc đến tại Trung Quốc đã có hàng trăm triệu người tu luyện Đại Pháp. Đến tận khi thời gian thuê hội trường đã gần hết mà vẫn có rất nhiều học viên cảm thấy tiếc nuối, vẫn mang theo hy vọng Sư phụ có thể giảng nhiều hơn một chút, nhưng Sư phụ nhắc nhở nếu dùng quá thời gian thuê hội trường thì chi phí chi trả sẽ lớn hơn rất nhiều, vì để không tăng gánh nặng kinh tế lên các học viên nên tốt hơn hết là buổi giảng Pháp hôm nay sẽ kết thúc đúng giờ. Nhất cử nhất động của Sư tôn đều toát lên sự quan tâm đến học viên.

Từ ngày 2 đến ngày 3 tháng 5 năm 1999, “Pháp hội chia sẻ tâm đắc thể hội của đệ tử Đại Pháp toàn nước Úc” đã được tổ chức tại Trung tâm quốc tế Bến tàu Darling. Thời điểm này có hơn 2.700 học viên đến từ khắp nơi trên thế giới đến tham dự và Sư tôn cũng đã đến Pháp hội.

Đó là cũng lúc mà sự kiện cuộc thỉnh nguyện ôn hòa “ngày 25 tháng 4” thu hút được sự chú ý khắp toàn cầu vừa diễn ra một tuần trước đó. Các phóng viên từ các kênh truyền thông khác nhau đều nhao nhao muốn được phỏng vấn Sư tôn. Thậm chí trong đó có một phóng viên trong tâm mang ý đồ xấu, người này đã lừa chỉnh thể gồm các học viên luyện công nói họ hãy đứng xếp chữ sau đó y sẽ chụp ảnh nhưng khi công việc đã hoàn thành xong thì lại dùng cách thức hạ lưu, chỉnh sửa hình ảnh các học viên vốn xếp thành chữ “Chân Thiện Nhẫn” thành những lời tục tĩu. Cá nhân tôi cho rằng, tạp chí này vốn dĩ có mối liên quan mật thiết với những kẻ tay sai của ĐCSTQ luôn bí mật ngụy tạo ra cái gọi là bằng chứng tội ác để chống lại Đại Pháp. Loại hành vi này cũng là khua chiêng gõ trống mở đầu cho sự tà ác mà ĐCSTQ bắt đầu cuộc đàn áp đẫm máu sau này.

Khi đó cũng là thời điểm tôi cùng một số học viên đắc Pháp sớm ở Úc được gặp Sư tôn. Sau khi mọi người an tọa, tôi chú ý đến cảnh Sư tôn nhìn từng học viên trong hội trường và sau đó Ngài gật đầu. Lúc đó Sư tôn cũng không nói thêm gì cả nên tôi cũng không dám hỏi nhưng trong tâm lại phỏng đoán việc này có mối tương quan đến trạng thái tu luyện của từng người, càng nghĩ vậy tôi lại càng không dám hỏi, sợ là Sư phụ sẽ nói tôi tu luyện không tốt.

Tôi còn nhớ khi đó Sư tôn đã nói với chúng tôi, một khoảng thời gian trước Sư tôn đã từng đến Sydney và Sư tôn còn đến điểm luyện công ở bến tàu Darling Harbour vào sáng thứ Bảy nhưng khi đó Sư tôn không nhìn thấy học viên nào luyện công ở đó nên Ngài đã rời đi. Nghe xong những lời này, trong lòng tôi chỉ cảm thấy vô cùng hối hận và tiếc nuối. Tiếc nuối bản thân và các đồng tu khác ngày trước đã không duy hộ tốt hơn nữa điểm luyện công này. Tiếc nuối vì chúng tôi đã không thể kiên trì duy hộ thường hằng một điểm luyện công có ý nghĩa hết sức đặc biệt này.

Trong những năm gần đây, điểm luyện công ở Bến tàu Darling luôn được duy trì thường xuyên – tất cả đều là nhờ vào những đồng tu ở đây đã luôn âm thầm kiên trì duy hộ!

Sau khi Pháp hội kết thúc vào tối ngày 3 tháng 5, Sư phụ và một vài đệ tử cùng dùng bữa. Biểu cảm của Sư phụ khi đó có chút trầm ngâm nên tâm trạng của các đồng tu dường như cũng vì vậy mà cảm thấy nặng nề. Khi đó Sư phụ thấy mọi người không ai động đũa nên đã mỉm cười động viên mọi người hãy ăn nhiều một chút nhưng bản thân Sư tôn lại ăn rất ít. Hai tháng sau, Trung Cộng phát động cuộc bức hại tà ác quy mô lớn lên 100 triệu học viên tu luyện Đại Pháp.

Trong những lần tôi được gặp Sư tôn, tôi đều thấy Sư tôn thường mặc một chiếc áo phông vô cùng sạch sẽ đã bạc màu vì giặt lại nhiều lần. Kiểu quần áo mà Sư tôn mặc hầu như đều giống nhau và rất sạch sẽ, việc ăn uống của Sư tôn thì lại còn đơn giản hơn. Câu chuyện về những phương diện này đều đã được các đồng tu ở Trung Quốc Đại lục nhắc đến nhiều lần.

Cảm nhận của tôi là: Ngoài sự rộng lớn vô biên vô tế của Đại Pháp ra thì từng ngôn hành và cử chỉ của Sư tôn cũng là điều mà các đệ tử chúng ta vĩnh viễn cũng không thể học hết được.

Những hồi ức trên đây là những điều mà tôi đã tận mắt chứng kiến và lắng nghe, hơn hết tôi đã cố gắng nhất có thể để diễn giải những điều này ra bằng ngôn ngữ chân thực và chính xác nhất. Chỉ có ngôn từ giản dị và tâm hồn thuần khiết mới có thể xứng viết lại những hồi ức về Sư tôn đáng quý và đáng trân trọng nhất này!


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2006/7/13/132884.html

Bản tiếng Anh: https://www.clearwisdom.net/emh/articles/2006/8/16/76917.html

Đăng ngày 17-10-2006; cập nhật 16-6-2021;Bản dịch có thể được chỉnh sửa trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share