Bài viết của một đệ tử Pháp Luân Đại Pháp tại Ấn Độ

[MINH HUỆ 02-09-2020] Kể từ khi Ấn Độ thực hiện lệnh phong tỏa do virus corona vào ngày 22 tháng 3 năm 2020, tất cả trường học đều đóng cửa vô thời hạn. Việc đi lại cũng bị hạn chế do số ca lây nhiễm tiếp tục gia tăng và các “điểm nóng” xuất hiện trên toàn quốc mà không ai có thể biết trước. Vì thế việc các học viên Pháp Luân Đại Pháp tới những khu vực xa xôi ở Ấn Độ để tổ chức các buổi hướng dẫn về Pháp Luân Công trong các trường học và thực hiện các hoạt động cộng đồng khác dường như chỉ còn là giấc mơ.

Một học viên từng tham gia nhiều chuyến đi như vậy muốn chia sẻ một trải nghiệm khó quên vào tháng 7 năm 2018. Cô viết bài này trong tâm trạng hoài niệm, nhớ nhà, xen lẫn lòng biết ơn và cảm thấy may mắn cùng với cả nỗi đau khi bị mắc kẹt ở một nơi trong nhiều tháng.

Đi đâu?

Từ nhỏ, học viên này đã bị hấp dẫn bởi nhiều quốc gia khác nhau, và cô đặc biệt thích thiên nhiên, lối sống giản dị và văn hóa bộ lạc. Vì vậy, cô cảm thấy có sự gắn kết sâu sắc với các bang ở vùng Đông Bắc Ấn Độ, cũng như bang Sikkim và khu vực Ladakh thuộc bang Jammu và Kashmir của Ấn Độ.

Vào mùa hè và mùa mưa, ngôi nhà của cô cực kỳ nóng bức và ẩm ướt. Tất cả các trường học đều đóng cửa do nghỉ hè dài ngày, và hầu như không có khách du lịch nào đến đây vào thời gian này. Hằng năm, cô được tận hưởng một vài tháng “tự do” quý giá tách khỏi gia đình và công việc, vì thế cô muốn sử dụng thời gian này một cách khôn ngoan. Ấn Độ là một quốc gia rộng lớn đa dạng về văn hóa, con người, tôn giáo, ngôn ngữ và khí hậu, do đó đối với cô việc quyết định đi đâu thường không dễ chút nào. Vào tháng 4 và tháng 5 năm 2018, cô đã kết thúc chuyến thăm các trường học Tây Tạng ở Ấn Độ sớm hơn dự kiến.

Cô đột ngột quyết định tham dự Pháp hội Chia sẻ Kinh nghiệm tu luyện của Pháp Luân Đại Pháp vào tháng 6 năm 2018 tại Washington, D.C, Hoa Kỳ. Cô hy vọng rằng trong thời gian ở đây sẽ được gặp các học viên từ khắp nơi trên thế giới, và họ sẽ giúp cô quyết định nên đi đâu, hoặc ý tưởng nào đó sẽ đột nhiên nảy sinh trong quá trình diễn ra Pháp hội. Tuy nhiên, cô không nghĩ ra được ý tưởng nào cả.

Trên chuyến bay trở về Ấn Độ, bất ngờ một giọng nói từ bên trong nói với cô ấy một cách dứt khoát: “Hãy đến Manipur”. Với gợi ý này, cô bỗng cảm thấy nhẹ nhàng, như thể đã trút được một gánh nặng trong tâm.

Sau khi về đến New Delhi, cô hủy vé tàu về nhà và đặt chuyến bay đến Imphal, Manipur. Đây là lần đầu tiên cô bay về phía Đông Bắc. Trong những chuyến đi trước đây, cô thường đi bằng tàu hỏa, xe buýt hoặc đi xe Jeep để có thể mang theo một lượng lớn tài liệu Pháp Luân Đại Pháp để phân phát.

Manipur là một bang ở Đông Bắc Ấn Độ, phía Bắc giáp bang Nagaland, phía Nam giáp Mizoram, phía Tây giáp Assam, phía Đông và một phần phía Nam giáp với Myanmar. Đông Bắc Ấn Độ gồm bảy tiểu bang, thường được gọi là “bảy chị em”, với nền văn hóa và ngôn ngữ rất khác so với văn hóa và ngôn ngữ chủ đạo ở Ấn Độ. Lo lắng về giấy phép và vấn đề an toàn đã khiến hầu hết du khách e ngại đến đây, tuy nhiên người dân địa phương ở đây lại là một trong những nhóm người thân thiện nhất của tiểu lục địa này.

Các nhóm dân tộc của Manipur đi theo nhiều tôn giáo khác nhau. Ấn Độ giáo là tôn giáo chính, sau đó là Cơ đốc giáo, có cả Hồi giáo, Phật giáo, Do Thái giáo, Kỳ Na giáo, đạo Sikh và các tôn giáo dân gian. Manipur, giống như các bang Đông Bắc khác, gần như bị cô lập với phần còn lại của Ấn Độ.

Tên Manipur có nghĩa là “vùng đất đá quý”. Ấn mình trong một vùng đất xanh tươi phía Đông Bắc Ấn Độ, Manipur có một thung lũng hình bầu dục ở trung tâm được bao quanh bởi những ngọn đồi xanh. Vùng đất này có truyền thống và nghệ thuật phong phú, khắp nơi là thiên nhiên hoang sơ. Tuy nhiên, tại đây cũng có một lịch sử lâu dài với các cuộc nổi dậy, bạo lực giữa các sắc tộc và vi phạm nhân quyền.

Vào năm 2016, học viên này đã đến thăm ba bang khác ở phía Đông Bắc và cũng muốn đến Manipur, nhưng những người dân ở các bang đó, vốn là người gốc Manipur, đều khuyên cô không nên đến đó vì những lo ngại về an ninh. Họ khuyên cô nên chờ cơ hội an toàn hơn trong tương lai. Cuối cùng thì dường như tháng 7 năm 2018 là thời điểm và cơ hội thích hợp để đến thăm Manipur.

Đến Manipur

Học viên này không biết bất kỳ ai ở Manipur và cũng không thể tìm được chỗ ở thông qua mạng Internet, nhưng cô tin rằng có thể hỏi người dân địa phương ở sân bay hoặc trên máy bay để biết thông tin về thuê chỗ ở cũng như lựa chọn các điểm đến, những lần trước đây cô đều làm như vậy. Tuy nhiên, điều ngạc nhiên là cô không gặp bất kỳ người dân địa phương nào, vì hầu hết những người đi cùng chuyến bay của cô đều là khách đến từ các vùng khác của Ấn Độ.

Đây là lần đầu tiên cô không có một địa chỉ liên lạc hay nơi nghỉ tại địa phương. Ngay cả khi đến Arunachal Pradesh lần đầu tiên vào năm 2016, cô ít nhất cũng có tên của một khách sạn nhỏ, nơi cô đã chọn nghỉ lại, với giá cả hợp lý.

Ở hầu hết các bang phía Đông Bắc, du khách phải có giấy thông hành và phải đăng ký khi đến. Thật bất ngờ là cô phải đăng ký ngay tại sân bay, và khi không có địa chỉ nơi đến, cô phải nhờ nhân viên giới thiệu. Người nhân viên ấy đã vui lòng chỉ cho cô địa điểm và thậm chí còn đưa cô ra khỏi sân bay và dẫn cô đến chỗ một người lái xe, nói với người lái xe địa chỉ đến và tính giúp cô toàn bộ chi phí đi chuyến đi.

Trên đường đi, cô nhìn thấy nhiều trẻ em chạy ra khỏi một trường học. Cô ghi lại tên trường và vui mừng phát hiện ra rằng ngôi trường này chỉ cách nơi cô ở một đoạn đi bộ ngắn, tại khách sạn này cô cũng thuê được phòng giá rẻ một cách bất ngờ.

Ngày hôm sau, cô đến ngôi trường này với tập tài liệu như thường lệ với bức thư cảm ơn từ các trường khác cùng ảnh và tờ rơi. Hiệu trưởng của trường là một nữ tu công giáo, khi ấy đang ngồi trong văn phòng nói chuyện điện thoại rất lâu. Vị hiệu trưởng tỏ ra khó chịu và dường như lờ đi sự hiện diện của người học viên ngồi trước mặt mình trong một thời gian dài. Một vài lần người học viên đã định đứng dậy ra về.

Mặc dù vậy, cô vẫn kiên nhẫn chờ cho đến khi cuộc điện thoại kết thúc và cô bắt đầu trình bày mục đích của việc tới trường. Vị hiệu trưởng đã đồng ý tổ chức một buổi giới thiệu về Pháp Luân Đại Pháp cho trẻ em trong khu dân cư — vào buổi tối cùng ngày.

Khi người học viên này hỏi tên của một số trường kết nghĩa với các trường thuộc vùng Đông Bắc mà cô đã đến thăm trước đó, vị hiệu trưởng nói rằng bà ấy biết rõ hai trong số các hiệu trưởng của những trường này và ngay lập tức đề nghị đi cùng cô tới đó vì cho rằng nếu để cô đi một mình sẽ không an toàn.

Sau đó, người học viên đề nghị vị hiệu trưởng này gọi điện cho hai hiệu trưởng mà bà ấy biết để đảm bảo rằng chắc chắn được gặp họ. Khi gọi điện, bà đã rất ngạc nhiên vì một người đang trên đường tới trường còn người kia thì nhận lời sẽ tới thăm trường của bà ấy. Cả hai đã đến trong vòng chưa đầy một tiếng đồng hồ, và họ đã đồng ý rằng cả ba trường sẽ có các buổi nghe chia sẻ về Pháp Luân Đại Pháp trong những ngày tới.


Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/9/2/186591.html

Đăng ngày 15-11-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share