Bài viết của một phóng viên báo Minh Huệ
[MINH HUỆ 01-03-2020] Tình trạng lây nhiễm virus corona lần đầu tiên được phát hiện vào tháng 12 năm 2019. Tâm dịch Vũ Hán đã bị phong tỏa vào ngày 23 tháng 1 năm 2020, hai ngày trước Tết Nguyên Đán, nhưng cũng không ngăn được virus phát tán sang các khu vực khác.
Là thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc và là trung tâm giao thông đường bộ và đường không dọc theo sông Dương Tử, thành phố Vũ Hán có 9 triệu cư dân thường trú và 5 triệu cư dân tạm trú. Ngày 26 tháng 1, thị trưởng Vũ Hán Chu Tiên Vượng cho biết có khoảng 5 triệu người đã tìm cách trốn khỏi thành phố sau khi lệnh phong tỏa được đưa ra.
Tính đến ngày 6 tháng 3, virus corona đã lan rộng đến gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 100.000 ca nhiễm và gần 3.500 ca tử vong trên toàn thế giới.
Kể từ khi dịch bắt đầu bùng phát cách đây ba tháng, các quan chức và các phương tiện truyền thông do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) kiểm soát đã báo cáo giảm nhẹ về dịch bệnh. Mọi cấp chính quyền đều thực hiện các biện pháp để báo cáo giảm số ca nhiễm. Tính đến ngày 6 tháng 3 năm 2020, các quan chức ở Trung Quốc công bố có 80.813 ca nhiễm, trong đó, riêng Vũ Hán đã có 67.592 người. Số người chết ở Trung Quốc được báo cáo là 3.073 người.
Như được trình bày trong báo cáo tóm lược ba tháng này, số ca nhiễm và tử vong thực tế nhiều khả năng cao hơn nhiều, vì còn rất nhiều trường hợp chưa được báo cáo do ĐCSTQ liên tục bưng bít thông tin.
Đợt bùng phát đầu tiên (từ tháng 12 năm 2019 đến ngày 20 tháng 1 năm 2020)
Một bài báo ngày 29 tháng 1 năm 2020 đăng trên Tạp chí Y học New England (New England Journal of Medicine) đưa tin: “Có bằng chứng cho thấy hiện tượng lây truyền từ người sang người giữa những người tiếp xúc gần đã xuất hiện từ giữa tháng 12 năm 2019.”
Một nhóm các nhà khoa học tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc (CCDC) viết một bài báo có tiêu đề “Chức năng lây truyền sớm của bệnh viêm phổi do chủng virus corona mới ở Vũ Hán, Trung Quốc”.
Song, mãi đến ngày 20 tháng 1 năm 2020, một tháng sau khi dịch bệnh bùng phát, CCDC mới chỉ ra rằng căn bệnh này có thể lây từ người sang người. Trong suốt tháng đó, các quan chức Vũ Hán liên tục phát biểu với công chúng rằng virus này là “có thể kiểm soát và phòng ngừa được”, và họ không thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn chặn virus lây lan.
Ngày 31 tháng 12 năm 2019, Ủy ban Y tế Thành phố Vũ Hán đã đưa ra một “Thông báo khẩn cấp chữa trị bệnh viêm phổi không rõ nguyên nhân” cho các cơ sở y tế địa phương, cảnh báo một số người mua sắm tại Chợ Hải sản Hoa Nam đã có các triệu chứng viêm phổi. Thông báo thúc giục mỗi tổ chức kiểm đếm bệnh nhân của họ mà có các triệu chứng tương tự. Người dân Vũ Hán cho rằng họ đang phải đối mặt với sự trở lại của hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) của năm 2003.
Cùng ngày ra thông báo này, các chuyên gia y tế từ Bắc Kinh đã đến Vũ Hán và đưa ra ba tiêu chí để xác định bệnh nhân nào là trường hợp nhiễm bệnh: 1) đã từng đến Chợ Hải sản Hoa Nam, 2) sốt, và 3) xác minh bằng phương pháp giải trình tự toàn bộ hệ gen (whole genome sequencing). Theo một bài báo trên tạp chí tài chính hàng tuần Tài Tân (Caixin), những tiêu chí như vậy là quá khắt khe để xác định các trường hợp có triệu chứng tương tự nhưng không phải nhiễm bệnh này, như vậy càng khiến dịch bệnh lan rộng.
Ngày 1 tháng 1 năm 2020, tám bác sỹ đã bị cảnh sát Vũ Hán phạt vì nói với mọi người về dịch bệnh bùng phát. Cảnh sát nói căn bệnh này đã được kiểm soát và sẽ không lây truyền từ người sang người. Tám bác sỹ này đã bị buộc tội “có hành vi bịa đặt, truyền bá tin đồn và gây mất trật tự xã hội”. Một trong số họ là bác sỹ Lý Văn Lượng từ Bệnh viện Trung ương Vũ Hán, sau đó đã bị nhiễm chủng virus này và qua đời vào ngày 6 tháng 2 năm 2020.
Cũng vào ngày 1 tháng 1 năm 2020, Chợ Hải sản Hoa Nam đã đóng cửa để khử trùng. Ngày hôm sau, Đại học Kỹ thuật Hải quân Nhân dân (PLA) có trụ sở tại Vũ Hán đã đưa ra một thông báo cấm người ở bên ngoài vào khuôn viên trường. Thông báo này cho thấy hải quân Trung Quốc đã nhận thức được sự lây nhiễm từ năm 2019 nên đã ban hành chính sách (2019-298) để kiểm soát dịch bệnh. Tương tự, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quân đội Giải phóng Nhân dân cũng đã biết về tình hình virus.
Ngày 3 tháng 1 năm 2020, giới chức Vũ Hán đã báo cáo 44 ca nhiễm. Mặc dù không có nhiều thông tin về nguồn gốc, con đường lây truyền và sự đột biến của chủng virus này, nhưng truyền thông ở Trung Quốc vẫn tuyên bố rằng căn bệnh này là “có thể phòng ngừa và kiểm soát được”. Ngày 10 tháng 1, Tân Hoa Xã phỏng vấn ông Vương Hải Long, một bác sỹ từng tham gia phòng chống SARS năm 2003. Bác sỹ Vương nói rằng không thấy có trường hợp nào tử vong hay nhiễm bệnh ở nhân viên y tế, không có tình trạng lây truyền từ người sang người. Ông đảm bảo với công chúng rằng không cần phải lo lắng.
Ngày 5 tháng 1 năm 2020, Trung tâm Y tế cộng đồng Thượng Hải (có liên kết với Đại học Phức Đán Thượng Hải) đã gửi một báo cáo nội bộ lên Ủy ban Y tế Quốc gia. Trung tâm này cho biết đã phát hiện một chủng virus corona trong dịch rửa đường hô hấp của một bệnh nhân có triệu chứng viêm phổi có liên quan đến Chợ Hải sản Hoa Nam. Việc giải trình tự toàn bộ hệ gen (whole genome sequencing) cho thấy chủng virus này có đến 89,11% mã di truyền tương đồng với SARS, và loại virus mới này được gọi là Wuhan-Hu-1 (Vũ Hán 1).
Ngày 8 tháng 1, chủng virus này được xác định là một chủng virus corona mới, sau đó được đổi tên thành 2019-nCoV.
Ngày 11 tháng 1, Vương Quảng Phát, bác sỹ phẫu thuật trưởng của khoa phổi và điều trị tăng cường của Bệnh viện Số 1 thuộc Đại học Bắc Kinh, đã tuyên bố trên tờ Nhân dân Nhật báo (People’s Daily) rằng virus này rất yếu để có thể gây bệnh. Ông cũng nói rằng các bệnh nhân và tình hình lây nhiễm nói chung “đã được kiểm soát”.
Ngày 14 tháng 1 năm 2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết quan sát cho thấy khả năng lây truyền từ người sang người của chủng virus corona mới là hạn chế, chủ yếu là giữa các nhóm nhỏ trong các gia đình. Bà Maria Van Kerkhove, quyền giám đốc của bộ phận dịch bệnh mới của WHO, cho biết cơ quan này đã đưa ra hướng dẫn cho các bệnh viện trên toàn thế giới biện pháp kiểm soát tình trạng lây nhiễm trong trường hợp virus khuếch tán, kể cả tình huống “siêu lây nhiễm” tại một cơ sở y tế.
Tuy nhiên, không lâu sau đó, WHO đã dẫn lời của các quan chức Trung Quốc rằng không có bằng chứng nào cho thấy virus này lây truyền từ người sang người. Sáng ngày 15 tháng 1 năm 2020, Ủy ban Y tế Thành phố Vũ Hán cho biết, mặc dù không tìm thấy bằng chứng nào cho việc lây truyền từ người sang người, nhưng không thể loại trừ khả năng nhỏ lây truyền từ người sang người.
Ngày 17 tháng 1 năm 2020, một báo cáo của Trung tâm Phân tích Bệnh Truyền nhiễm Toàn cầu của Đại học Hoàng gia London cho biết có khả năng còn có “nhiều trường hợp hơn nữa”. Báo cáo này ước tính Vũ Hán có 1.723 trường hợp tính đến ngày 12 tháng 1.
Mặc dù đến tháng 12 năm 2019, các quan chức đã biết chủng virus này có thể lây truyền từ người sang người, nhưng cư dân trong cộng đồng Bách Bộ Đình ở Vũ Hán vẫn được yêu cầu tham dự bữa tiệc thường niên vào ngày 18 tháng 1 năm 2020. Bữa tiệc do chính quyền Vũ Hán tổ chức và hơn 40.000 hộ gia đình đã chuẩn bị tổng cộng 14.000 món ăn để chung vui. Mấy ngày sau, nhiều người trong cộng đồng này đã bắt đầu xuất hiện các triệu chứng nhiễm virus corona. Ngày 23 tháng 1, năm ngày sau đó, thành phố Vũ Hán đã bị phong tỏa.
Một tình nguyện viên làm việc cho sự kiện này tiết lộ rằng anh và một số nhân viên của cộng đồng này đã nhận được tin nội bộ rằng Vũ Hán sẽ bị phong tỏa, nhưng họ cũng được bảo bữa tiệc vẫn phải diễn ra. Một cán bộ ủy ban dân cư cho biết, đầu tháng 1, họ đã nghe nói đến chủng virus này. Sau khi được thông báo vào ngày 15 tháng 1 rằng bệnh này có thể lây từ người sang người, anh và những người khác đã đề nghị hủy bỏ buổi tiệc, song lời đề nghị của họ đã bị từ chối.
Ngày 19 tháng 1 năm 2020, tờ Nhật báo Đô thị Sở Thiên (Chutian Metropolis Daily) đưa tin rằng một sự kiện quy mô lớn do Cục Văn hóa và Du lịch Vũ Hán tổ chức sẽ diễn ra vào ngày hôm sau với số người tham gia dự kiến là khoảng 200.000 người.
Theo tổ chức Bảo vệ Nhân quyền Trung Quốc, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Washington, D.C, các quan chức Trung Quốc đã bắt giữ ít nhất 325 cư dân chỉ trong thời gian từ ngày 22 đến 28 tháng 1. Hầu hết họ đều bị buộc tội “phát tán tin đồn”, “gây hoang mang”, “cố ý phá rối trật tự xã hội”. Họ đã bị phạt tạm giam, phạt tiền hoặc giáo dục kỷ luật.
Theo dòng sự kiện từ sau khi ĐCSTQ công bố tình trạng lây truyền từ người sang người
Tối ngày 20 tháng 1 năm 2020, Chung Nam Sơn, chuyên gia cao cấp, người đứng đầu Lực lượng Đặc nhiệm chống Virus Corona của Ủy ban Y tế Quốc gia, phát biểu trong một cuộc họp báo rằng đã có bằng chứng cho thấy chủng virus corona mới chắc chắn có khả năng lây truyền từ người sang người.
Sáng ngày 21 tháng 1 năm 2020, Ủy ban Y tế Thành phố Vũ Hán cho biết 15 nhân viên y tế trong thành phố đã được chẩn đoán nhiễm virus corona, cộng thêm 1 trường hợp nghi nhiễm. Trong 16 trường hợp này, một trường hợp đang trong tình trạng nguy kịch. Tin này đã dấy lên sự phẫn nộ trong công chúng vì giới chức bưng bít dịch bệnh trước đó.
Chiều ngày 21 tháng 1, Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) công bố rằng một công dân Hoa Kỳ ở Seattle từng đến Vũ Hán đã bị nhiễm bệnh. Đây là trường hợp nhiễm virus corona đầu tiên ở Mỹ.
Ngày 23 tháng 1, Vũ Hán bị phong tỏa, toàn bộ phương tiện giao thông công cộng bị đình lại, gồm cả xe buýt, xe lửa, phà và máy bay. Sau đó, 15 thành phố ở tỉnh Hồ Bắc cũng bị phong tỏa. Bắc Kinh cùng với 12 tỉnh và thành phố cấp tỉnh khác cũng kích hoạt hệ thống Quản lý Y tế Cộng đồng Khẩn cấp. Tuy nhiên, đến lúc đó thì dịch bệnh đã lan ra hơn 26 tỉnh.
Ngày 24 tháng 1, đêm Giao thừa, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã có bài phát biểu trên toàn quốc, và không mảy may đề cập đến tình trạng virus bùng phát hay Vũ Hán.
Ngày 25 tháng 1, ông Eric Feigl-Ding, chuyên gia y tế cộng đồng tại Đại học Harvard, đã bình luận trên Twitter: “Đây là một đại dịch tồi tệ ở cấp độ phản ứng nhiệt hạch… Tôi không phóng đại đâu.” Ông nói rằng virus này sẽ tệ hơn nhiều so với các dịch bệnh trước đây. Có tin cho hay Covid-19 có hệ số lây nhiễm R0 là 3,8, nghĩa là một người nhiễm bệnh sẽ truyền virus cho trung bình 3,8 người khác. Nếu so sánh, đại dịch cúm năm 2009 (còn được gọi là cúm lợn đã dẫn đến cái chết của hàng trăm nghìn người) có hệ số R0 là 1,48 và cúm Tây Ban Nha năm 1918 (từng giết chết 50-100 triệu người) có hệ số R0 là 1,80.
Ngày 27 tháng 1 năm 2020, thị trưởng Vũ Hán Chu Tiên Vượng thừa nhận sự chậm trễ trong việc thông báo về tình trạng dịch virus corona và giải thích rằng ông không được phép tiết lộ thông tin về dịch bệnh sớm hơn. Ông nói: “Chính quyền trung ương chịu trách nhiệm phần nào về sự thiếu minh bạch phản ứng trước cơn khủng hoảng dịch bệnh bùng phát.”
Ngày 28 tháng 1 năm 2020, Bắc Kinh đã dừng một số phương tiện giao thông đường sắt, còn Thiên Tân đã kích hoạt hệ thống khẩn cấp thời chiến.
Ngày 28 tháng 1 năm 2020, các quan chức cấp cao của Hoa Kỳ cho biết Bắc Kinh đã từ chối lời đề nghị trợ giúp chống dịch. Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Alex Azar cho biết Bắc Kinh đã từ chối các yêu cầu đến Trung Quốc của các viên chức CDC từ ngày 6 tháng 1.
Ngày 29 tháng 1 năm 2020, một bài báo có tiêu đề “Chức năng lây truyền sớm của bệnh viêm phổi do chủng virus corona mới ở Vũ Hán, Trung Quốc” trên Tạp chí Y học New England (New England Journal of Medicine)đã chỉ ra rằng “Có bằng chứng cho thấy hiện tượng lây truyền từ người sang người giữa những người tiếp xúc gần đã xuất hiện từ giữa tháng 12 năm 2019.” Tác giả của bài báo này là các cán bộ của CCDC và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh tỉnh Hồ Bắc, họ đã nghiên cứu 425 trường hợp được xác nhận nhiễm bệnh ở Vũ Hán trong thời gian từ tháng 12 năm 2019 đến tháng 1 năm 2020.
Ngày 30 tháng 1 năm 2020, cựu quan chức của Bộ Y tế Trung Quốc Trần Bỉnh Trung phát biểu với Thời báo The Epoch Times rằng dịch bệnh đã vượt ngoài tầm kiểm soát, Vũ Hán đang trong tình trạng hết sức nguy hiểm. Ông cho biết số bệnh nhân thực tế nhiều hơn số bệnh nhân có thể được chữa trị. Số lượng ca nhiễm bệnh thực tế cũng cao hơn nhiều so với báo cáo chính thức.
Ngày 30 tháng 1 năm 2020, Ý đã xác nhận hai ca nhiễm đầu tiên tại cuộc họp báo của Thủ tướng Giuseppe Conte. Đó là hai du khách Trung Quốc đã sang Ý gần đây.
Ngày 31 tháng 1 năm 2020, ông Alex Azar, Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Xã hội Hoa Kỳ ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng do virus corona và sẽ thực hiện các biện pháp tạm thời để bảo vệ công dân. Ông cho hay bất kỳ công dân Hoa Kỳ nào về nước mà đã ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc trong vòng 14 ngày trước đó sẽ bắt buộc phải cách ly 14 ngày. Ngoài ra, bất kỳ công dân Hoa Kỳ nào trở về từ các khu vực khác của Trung Quốc trong vòng 14 ngày qua sẽ được kiểm tra sức khỏe tại quầy nhập cảnh được chỉ định và phải tự cách ly theo dõi 14 ngày.
Hơn nữa, Tổng thống Trump đã ký một tuyên bố Hoa Kỳ tạm thời dừng nhập cảnh đối với bất kỳ người mang quốc tịch nước ngoài nào có nguy cơ lây truyền virus. Lệnh cấm này áp dụng cho người mang quốc tịch nước ngoài không phải là thân nhân ruột thịt của công dân hay cư dân thường trú của Hoa Kỳ từng sang Trung Quốc trong 14 ngày trước đó.
Một chính sách nữa đi vào hiệu lực từ ngày 2 tháng 2 là tất cả các chuyến bay đến Hoa Kỳ có hành khách đã ở Trung Quốc trong thời gian gần đây được chuyển hướng đáp xuống một trong bảy sân bay của Hoa Kỳ được trang bị nguồn lực y tế cộng đồng có khả năng thực hiện quy trình quét virus corona tăng cường. Bảy sân bay này đều do Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ (DHS) chỉ định, gồm Sân bay Quốc tế John F. Kennedy tại New York, Sân bay Quốc tế Chicago O’Hare, Sân bay Quốc tế San Francisco, Sân bay Quốc tế Seattle-Tacoma, Sân bay Quốc tế Daniel K. Inouye ở Honolulu, Sân bay Quốc tế Los Angeles, và Sân bay Quốc tế Hartsfield-Jackson Atlanta.
Các hãng hàng không lớn đã hủy các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc. American Airlines đã đình chỉ các chuyến bay đến Trung Quốc Đại lục từ ngày 2 tháng 2 đến 27 tháng 3. Delta đã đình chỉ tất cả các chuyến bay từ Hoa Kỳ đến Trung Quốc từ ngày 6 tháng 2 đến ngày 30 tháng 4, còn United đình chỉ các chuyến bay giữa Hoa Kỳ và Bắc Kinh, Thành Đô, Thượng Hải và Hồng Kông đến ngày 24 tháng 4.
Các quyết định này được đưa ra sau khi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nâng cảnh báo đi lại sang Trung Quốc lên cấp 4, cấp cao nhất, vào ngày 30 tháng 1 năm 2020: “Không sang Trung Quốc vì chủng virus corona mới được phát hiện đầu tiên ở Vũ Hán, Trung Quốc. Ngày 30 tháng 1, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xác định dịch bệnh bùng phát nhanh chóng dẫn đến Tình trạng Khẩn cấp về Sức khỏe Toàn cầu (PHEIC).”
Ngày 3 tháng 2, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oách phát biểu tại một cuộc họp báo: “Từ ngày 3 tháng 1, chúng tôi đã thông báo với Hoa Kỳ về tình hình dịch bệnh và các biện pháp kiểm soát của chúng tôi tổng cộng là 30 lần.” Như đã đề cập bên trên, một số cơ quan của Trung Quốc, như các cơ quan trong quân đội và Ủy ban Y tế Quốc gia, đã biết tình trạng dịch bùng phát vào cuối năm 2019, nhưng công chúng không được cung cấp thông tin đúng về quy mô và mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh trong suốt thời gian này.
Ngày 5 tháng 2, ông Neil Ferguson, giám đốc Trung tâm Phân tích Bệnh Truyền nhiễm Toàn cầu MRC tại Đại học Imperial College London cho biết số ca nhiễm “tăng liên tục”. Ông ước tính tại thời điểm đó mới phát hiện được 10% số ca nhiễm ở Trung Quốc.
Ngày 6 tháng 2 năm 2020, báo chí đưa tin rằng nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ, Anh, Nhật, Úc và Indonesia, đã sơ tán công dân của họ khỏi Trung Quốc trên các chuyến bay thuê bao.
Ngày 6 tháng 2, anh Lý Văn Lượng, một trong tám bác sỹ đã bị phạt vì thông báo về sự lây nhiễm của virus corona, đã qua đời do virus này. Tin tức này đã trở thành tiêu điểm trên Weibo, một trong những trang blog phổ biến nhất ở Trung Quốc với số người dùng lên tới 540 triệu. Song tin này đã nhanh chóng bị xóa khỏi trang.
Ngày 8 tháng 2, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Trung Quốc cho biết công dân Hoa Kỳ đầu tiên đã chết vì virus corona. Bệnh nhân 60 tuổi này qua đời tại một bệnh viện ở Vũ Hán.
Ngày 9 tháng 2, WHO cho biết Trung Quốc đã ghi nhận tổng cộng 40.213 ca nhiễm và 811 ca tử vong. Con số này đã vượt quá số người chết vì dịch SARS năm 2003. Nhiều trường hợp khác cũng được ghi nhận ở các quốc gia và khu vực khác, bao gồm Hồng Kông (thêm 10 trường hợp, tổng cộng là 36 trường hợp), Singapore (thêm 3 trường hợp, tổng cộng là 43 trường hợp), và Hàn Quốc (thêm 3 trường hợp, tổng cộng là 27 trường hợp). Thêm 6 trường hợp đã được xác nhận trên tàu du lịch Diamond Princess, nâng tổng số ca nhiễm trên tàu lên 70, và Nhật Bản có 96 ca.
Ngày 11 tháng 2, Quốc vụ viện Trung Quốc kêu gọi người dân Trung Quốc quay trở lại làm việc trước ngày 18 tháng 2, ngoại trừ những người ở tỉnh Hồ Bắc. Cùng ngày, WHO đã đặt cho chủng virus này cái tên mới COVID-19.
Ngày 24 tháng 2, Bắc Kinh thông báo hoãn Đại hội Nhân dân Toàn quốc (NPC) và Hội nghị Tham vấn Chính trị của Ủy ban Nhân dân Trung Quốc – hai hội nghị chính trị quan trọng nhất thường diễn ra vào ngày 5 tháng 3. Lệnh trở lại làm việc trong khi đồng thời trì hoãn các hội nghị chính trị đã dấy lên sự phẫn nộ trong dân chúng. Một cư dân mạng bình luận: “Mạng sống của tôi không có giá trị gì sao?”
Số ca nhiễm bệnh chưa được báo cáo
Đã có rất nhiều bằng chứng cho thấy các quan chức ĐCSTQ không báo cáo đầy đủ hoặc che giấu các ca nhiễm virus corona.
Viện dưỡng lão ở quận Kiến Hoa của thành phố Tề Tề Cáp Nhĩ, tỉnh Hắc Long Giang là một ví dụ. Vào cuối năm 2019, 23 trong 48 người ở viện này đã bị nhiễm bệnh từ người đến thăm nhiễm virus corona. Những trường hợp này đã được xác nhận vào giữa tháng 2, nhưng không nằm trong số những trường hợp được báo cáo.
Theo một bài báo của CCDC đăng trên Tạp chí Dịch tễ học Trung Quốc, trước ngày 31 tháng 12 năm 2019 đã phát hiện được khoảng 104 ca nhiễm virus corona ở Vũ Hán và các khu vực khác của tỉnh Hồ Bắc, nhưng một báo cáo từ Ủy ban Y tế Thành phố Vũ Hán ngày 31 tháng 12 chỉ báo có 27 trường hợp.
Sự sai khác này không chỉ dừng lại tại đó. Bài báo trên cũng báo cáo từ ngày 1 đến ngày 10 tháng 1 năm 2020, đã có thêm 653 trường hợp ở Trung Quốc, trong đó 88,5% xuất hiện ở tỉnh Hồ Bắc. Nhưng một báo cáo từ Ủy ban Y tế Thành phố Vũ Hán ngày 11 tháng 1 chỉ báo cáo có 41 trường hợp trong thời gian đó.
Theo các báo cáo nội bộ và báo cáo công khai, ít nhất 49 trường hợp đã được phát hiện tại tỉnh Sơn Đông vào ngày 19 tháng 1 năm 2020, nhưng một báo cáo chính thức cùng ngày chỉ báo có 2 trường hợp.
Ngày 23 tháng 2 năm 2020, Vũ Hán bước sang tháng thứ hai bị phong tỏa. Hàn Quốc ghi nhận thêm 169 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên tới 602 ca; do đó, Hàn Quốc đã nâng cảnh báo dịch bệnh lên mức cao nhất. Cùng ngày, tàu Diamond Princess ghi nhận thêm 57 trường hợp, nâng tổng số ca nhiễm trên tàu lên 691 ca.
Ngày 24 tháng 2 năm 2020, vào lúc 11 giờ sáng, các quan chức Vũ Hán thông báo chấm dứt tình trạng phong tỏa thành phố. Tuy nhiên, chỉ ba giờ sau, thông báo đã được rút lại.
Theo thông tin từ Sở Cảnh sát Hồ Bắc, tính đến ngày 25 tháng 2, đã có 293 cảnh sát và 111 cảnh sát bán quân sự đã bị nhiễm virus corona, trong đó 4 người đã chết. Gần một nửa các trường hợp này, tức là 47,4%, là cảnh sát ở các đồn cảnh sát.
Đến ngày 26 tháng 2 năm 2020, chủng virus này đã xuất hiện ở tất cả các châu lục, trừ Nam Cực. Số ca nhiễm ở Hàn Quốc, Iran và Ý tăng đột biến.
Ngày 27 tháng 2, CDC Hoa Kỳ đã cập nhật tiêu chí để hướng dẫn đánh giá những người thuộc diện điều tra có bị nhiễm COVID-19 hay không. Ngày hôm sau, CDC đã ban hành Mạng lưới Cảnh báo Y tế (Health Alert Network – HAN): Hướng dẫn tạm thời và cập nhật về đại dịch COVID-19.
Số ca nhiễm tăng mạnh ở Ý. Ông Beatrice Lorenzin, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Ý, cho biết tình trạng này có thể là do những người nhiễm bệnh đã bay đến Ý từ Trung Quốc trên các chuyến bay quá cảnh mà không khai báo điểm khởi hành ban đầu của họ hay tự nguyện cách ly trong thời gian ủ bệnh của virus.
Ngày 29 tháng 2 năm 2020, Ý báo cáo 239 ca nhiễm và 8 ca tử vong mới, nâng tổng số ca nhiễm lên tới 1.128 và số người chết lên 29 ca. Hoa Kỳ đã nâng mức cảnh báo di chuyển sang Ý lên Cấp 3 (Cân nhắc lại việc di chuyển), một số khu vực của Ý bị liệt vào Cấp 4 (Không nên đến – Do not travel).
Ngày 29 tháng 2 năm 2020, một nguồn tin cho hay khoa Chụp CT của Bệnh viện Số 1 Tề Tề Cáp Nhĩ ở tỉnh Hắc Long Giang đã có hơn 100 ca nhiễm virus corona, bao gồm các chuyên gia y tế, nhưng những con số này không được báo cáo để tránh xung đột với số liệu được công bố chính thức.
Đại quốc chiến dịch “大国战“疫” (Toàn quốc chiến đấu với đại dịch), một cuốn sách do Ban Tuyên truyền và Phòng thông tin của Quốc vụ viện, xuất bản vào tháng 2 năm 2020, miêu tả các quan chức của ĐCSTQ như những anh hùng đã đánh bại sự lây nhiễm của virus corona. Ngày 1 tháng 3 năm 2020, cuốn sách này đột nhiên bị dỡ khỏi các nhà sách trên khắp Trung Quốc.
Thường dân trở thành nạn nhân của tuyên truyền
Cũng như trong các sự vụ khác trong mấy thập kỷ qua, các quan chức của ĐCSTQ thường xuyên nói giảm các thảm họa, hòng kiểm soát dư luận để gây dựng lòng tin ở họ. Tuy nhiên, mỗi lần như vậy, dân chúng lại trở thành nạn nhân, còn người ngoài cuộc lại bị nhận thông tin sai lệch.
Mặc dù các quan chức Vũ Hán và Hồ Bắc đã biết về dịch bệnh từ đầu tháng 1, nhưng họ không hành động gì cho đến ngày 20 tháng 1, và vội vàng thành lập một đội đặc nhiệm chống dịch vào ngày 26 tháng 1. Tuy nhiên, hầu hết thành viên của lực lượng đặc nhiệm lại là đại diện của các cơ quan chính phủ phụ trách việc kiểm soát truyền thông và/hoặc “duy trì ổn định”. Như vậy có nghĩa là chức năng chính của lực lượng đặc nhiệm là kiểm soát thông tin chứ không phải là sự lây lan của dịch bệnh.
Để giảm số trường hợp được báo cáo, các quan chức hiện đã bỏ mặc Bách Bộ Đình, nơi tổ chức tiệc cho 40.000 hộ gia đình. Một cư dân của Bách Bộ Đình đã viết trên một trang blog: “Nhiều người đã bị nhiễm virus này. Nhưng lãnh đạo ở Vũ Hán chỉ cung cấp cho mỗi lô một bộ xét nghiệm mỗi ngày, mà mỗi lô gồm khoảng 4.000 hộ gia đình.” Bài viết đã nhanh chóng bị xóa.
Trong khi thị trưởng Vũ Hán Chu Tiên Vượng nói rằng các nỗ lực kiểm soát dịch bệnh bị chậm trễ là vì ông không có thẩm quyền để hành động, thì lãnh đạo tối cao của ĐCSTQ Tập Cận Bình lại cho biết ông đã ban hành các chỉ thị về kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh ngay từ ngày 7 tháng 1.
Ủy ban Y tế Quốc gia và CCDC tại Vũ Hán cũng lật lại vụ đổ lỗi này khi đăng tải nhiều bài báo trên các tạp chí Trung Quốc và quốc tế nói rằng họ đã sớm biết về dịch bệnh nhưng do chính phủ không làm gì cả nên họ không được phép công bố rộng rãi.
Trong khi các cơ sở y tế, chính quyền địa phương, và các quan chức cấp cao trong chính quyền trung ương đổ lỗi cho nhau về dịch bệnh, thì vấn đề thực sự lại nằm ở việc kiểm duyệt thông tin và dư luận một cách có hệ thống của ĐCSTQ.
Tờ Barron’s, một tạp chí tài chính và thống kê của Mỹ, vừa qua đã đăng tải một bài báo có tiêu đề “Số liệu về virus corona của Trung Quốc là không hợp lý.” Lisa Beilfuss viết: “Số ca tử vong lũy tiến đã báo cáo được mô tả bằng một công thức toán học đơn giản với độ chính xác cực cao”, “Phương sai 99,99% – gần như hoàn hảo – được giải thích bằng phương trình này”. Các nhà phân tích dữ liệu cho rằng một mô hình dự đoán gần như hoàn hảo như vậy khó mà có khả năng tự nhiên xảy ra, điều này khiến người ta nghi ngờ về độ tin cậy của những con số mà Trung Quốc báo cáo với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Bài báo của tờ Barron’s dẫn lời của Phó Giáo sư Thống kê Sinh học Melody Goodman của Trường Y tế cộng đồng Toàn cầu thuộc Đại học New York, nói rằng: “Trong bao năm trời, tôi chưa bao giờ thấy trường hợp nào có trị số ‘r bình phương’ (r-squared) ở mức 0,99. Là một chuyên gia thống kê, nó khiến tôi phải nghi ngờ dữ liệu đó.” Bà cho biết, không bao giờ có thể dự đoán được một cách hoàn hảo dữ liệu thực về con người, nhất là trong vấn đề dịch bệnh, bởi vì có vố số tình huống khiến người ta tiếp xúc với virus. Ví dụ, trong thống kê về y tế cộng đồng, trị số r bình phương “rất tốt” mới là 0,7. Bà còn nói: “Hễ khi nào có trị số 0,99 đều khiến tôi nghĩ là có người đang làm giả dữ liệu. Điều đó có nghĩa là người ta đã biết trước chuyện gì sẽ xảy ra.”
Ngày 25 tháng 2, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo phát biểu với các phóng viên: “Nếu như Trung Quốc cho phép các nhà báo và nhân viên y tế trong nước và nước ngoài tự do ngôn luận và tự do điều tra, thì các quan chức Trung Quốc và các quốc gia khác đã được chuẩn bị tốt hơn nhiều để ứng phó với vấn đề này.” Ngày 6 tháng 3, ông tiếp tục bày tỏ sự thất vọng của mình trong một cuộc phỏng vấn với CNBC, nói rằng việc Trung Quốc từ chối chia sẻ dữ liệu đã khiến Hoa Kỳ phản ứng chậm trễ trong việc chống dịch.
Tằng Quang, trưởng ban dịch tễ học của CCDC, đã tiết lộ phương pháp ra quyết định của ĐCSTQ trong một cuộc phỏng vấn với tờ Global Times vào ngày 30 tháng 1. Ông cho biết các quan chức của ĐCSTQ cần phải cân nhắc các yếu tố chính trị, ổn định xã hội và các vấn đề kinh tế, còn ý kiến của các nhà khoa học chỉ là “một phần của cơ sở ra quyết định của họ”. Nói cách khác, chính trị là ưu tiên hàng đầu, tiếp theo là ổn định và kinh tế. So với những điều đó, mạng sống con người có vẻ không quan trọng mấy.
Stephen Bannon, cựu Trưởng Ban Chiến lược gia Nhà Trắng, trong một cuộc phỏng vấn với “Zoom in with Simone Gao”, một chương trình đưa tin điều tra hàng tuần, cho biết ĐCSTQ chẳng quan tâm bao nhiêu người chết vì virus, họ chỉ quan tâm làm sao để duy trì quyền lực của họ. Ông kêu gọi dỡ bỏ tường lửa internet của Trung Quốc để công dân Trung Quốc có thể liên lạc với các nước khác trên thế giới.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/3/1/401886.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/3/8/183552.html
Đăng ngày 17-03-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.