Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp sống tại Mỹ quốc
[MINH HUỆ 01-08-2019] Tôi là một người hướng nội và hiếm khi nói chuyện với người lạ. Tuy nhiên, là người tu luyện, chúng ta cần nói chuyện với mọi người. Mặc dù đã cố gắng nhiều, nhưng tôi vẫn thấy khó khăn để bắt chuyện.
Khi mới đến Mỹ, tôi sống ở một thành phố lớn và ra ngoài giảng chân tướng tại các điểm du lịch nổi tiếng. Hầu hết các du khách Trung Quốc xuất ngoại đều được cảnh báo không được nói chuyện hay nhận bất kỳ tài liệu nào của các học viên Pháp Luân Đại Pháp, nếu không họ có thể gặp rắc rối khi trở về Trung Quốc. Do đó, họ thường xua tay đuổi tôi đi hoặc lắc đầu khi tôi đưa tài liệu cho họ. Một số người thậm chí còn lăng mạ tôi. Điều đó khiến tôi cảm thấy do dự bất cứ khi nào nhìn thấy họ.
Một ngày, bảy hoặc tám du khách từ Trung Quốc ngồi xuống một chiếc ghế dài để nghỉ ngơi. Tôi bước tới, chào họ và bắt đầu nói về hàng triệu người Trung Quốc đã thoái xuất khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và các tổ chức liên đới của nó. Không có gì ngạc nhiên khi tất cả họ đều xua tay đuổi tôi, một số người nói: “Thật khó chịu. Đến đâu cũng gặp Pháp Luân Công.”
Tôi đi đến cuối băng ghế và ngồi xuống. Tôi bắt đầu nói chuyện với một người đàn ông lớn tuổi ngồi cạnh mình. Ông ấy lập tức nổi giận và lớn tiếng nói rằng ông không muốn nghe. Ông nói rằng tôi không được ngồi cạnh ông. Tôi bình tĩnh nói: “Ông có quyền ngồi đây, và tôi cũng vậy.”
Một vài phút sau, ông đứng dậy và bỏ đi. Bốn năm người rời đi cùng ông. Tôi biết mình nên nói chuyện với ông nhưng tôi sợ bị từ chối một lần nữa. Tôi hướng nội và nhận ra nỗi sợ này bắt nguồn từ quan niệm sợ mất thể diện của mình. Tôi bước về phía ông. Ông đưa tay lên và từ chối lắng nghe tôi. Tôi bỏ cuộc và ngồi xuống.
Có rất nhiều du khách tại điểm du lịch nổi tiếng này và thường khó có thể tìm được chỗ nào đó để ngồi. Tuy nhiên, có một vài chỗ trống giữa hai chúng tôi và không ai ngồi ở đó. Chúng tôi [ngồi] rất gần nhưng lại rất xa cách. Tôi nghĩ: “Đây không phải là điểm hóa của Sư phụ sao? Mình nên vượt qua tâm sợ hãi, đột phá quan niệm sợ bị từ chối và mất mặt.”
Một lần nữa, tôi bước tới và ngồi cạnh ông. Tôi mỉm cười và nói: “Ông thấy đấy, chúng ta là hai người xa lạ từ Trung Quốc. Cả hai chúng ta đều đã vượt bao núi bao sông để gặp nhau tại đây, ngồi cùng băng ghế. Đây chẳng phải duyên phận sao?”
Mặt người đàn ông trở nên thư giãn. Tôi tiếp tục: “Hôm nay hẳn ông đã đi bộ nhiều và mệt. Tôi xin lỗi vì đã làm phiền ông.” Người đàn ông nhìn có vẻ hơi xấu hổ một chút.
Tôi mỉm cười và nói: “Thực ra tôi là người rất nhút nhát và không dám nói chuyện với người lạ. Lý do tôi tiếp tục làm phiền ông là, có việc rất quan trọng mà tôi phải nói với ông vì lợi ích của bản thân ông. Tôi không muốn chiếm quá nhiều thời gian của ông. Tôi chỉ muốn giải thích ngắn gọn lý do tại sao tôi lại muốn khuyên ông rút khỏi ĐCSTQ. Ông có thể lắng nghe tôi không?”
Tôi bắt đầu nói chuyện và kết thúc bằng việc hỏi ông rằng liệu tôi có thể giúp ông thoái xuất khỏi ĐCSTQ bằng bí danh. Ông gật đầu đồng ý, và mỉm cười cảm ơn tôi.
Cuối cùng, tôi đã đột phá được chấp trước của mình. Tuy nhiên, tôi không hoan hỉ vì điều đó sẽ lặp lại – tâm sợ làm phiền người khác và sợ bị từ chối. Vượt qua nó giống như bóc vỏ một củ hành, từng lớp từng lớp một.
Một lần, tôi nói chuyện với hai người đàn ông về việc thoái xuất khỏi ĐCSTQ. Mặc dù miễn cưỡng, nhưng họ không có thái độ xấu. Một người trong số họ đột nhiên bắt đầu chụp ảnh tôi. Tôi nghe nói rằng đặc vụ thường chụp ảnh để báo cáo với ĐCSTQ nên tôi yêu cầu anh ta dừng lại. Anh ta vẫn tiếp tục và thậm chí còn đi theo tôi. Tôi hỏi liệu tôi có thể xem các bức ảnh không, sau đó yêu cầu anh ta xóa chúng nhưng anh từ chối.
Tôi hướng nội để xem quan niệm gì gây ra điều này. Tôi nhận ra rằng đó là do tâm sợ hãi của mình. Tôi sợ bị anh ấy báo cáo cho ĐCSTQ. Có gì là quá khủng khiếp khi bị báo cáo cho ĐCSTQ chứ? Khi tôi bị bắt giữ ở Trung Quốc, cảnh sát đã chụp ảnh tôi từ các góc khác nhau. Tại sao tôi phải sợ vị khách du lịch này.
Tôi nhớ Sư phụ giảng:
“Cho nên cho dù người tu luyện chúng ta ở đâu, chỉ cần giữ vững tâm của mình, tu luyện một cách đường đường chính chính, đừng lo lắng về những thứ này, sẽ không có vấn đề gì cả. Bởi vì sự lo lắng của chư vị bản thân [nó] chính là chấp trước, cho nên chư vị hễ chấp trước thì phải loại bỏ chấp trước của chư vị, từ đó tạo thành việc dường như bị người khác can nhiễu, kỳ thực có thể là do tâm của mình gây nên.” (Giảng Pháp tại Pháp hội New Zealand [1999])
Tôi quyết định không tranh cãi với anh ấy. Trong khi anh đang chụp ảnh, tôi khuyên anh và một người đàn ông khác thoái xuất khỏi ĐCSTQ và các tổ chức liên đới của nó. Người đàn ông chụp ảnh chưa từng gia nhập bất kỳ tổ chức nào của ĐCSTQ. Tôi khuyên anh ghi nhớ: “Pháp Luân Đại Pháp hảo! Chân-Thiện-Nhẫn hảo!”
Trước khi họ rời đi, tôi đã hỏi người đàn ông tại sao lại chụp ảnh tôi vì chúng tôi không biết nhau. Anh ấy mỉm cười và nói anh chụp để giữ làm kỷ niệm. Tôi nhận ra rằng anh chỉ muốn khoe một chút khi trở về Trung Quốc. Anh đã gặp một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Mỹ, và được khuyên thoái xuất khỏi ĐCSTQ; đó là việc tốt. Tôi hy vọng anh sẽ kể cho những người khác về cuộc gặp gỡ của chúng tôi.
Đặt lợi ích của người khác lên trên lợi ích bản thân
Một lần, khi tôi đang giảng chân tướng trong một thư viện, một phụ nữ đã xin tài liệu và hỏi tôi tài liệu nói về vấn đề gì. Ngay khi tôi nhắc đến Pháp Luân Đại Pháp, cô ấy ném tài liệu về phía tôi và hét lên rằng cô không muốn nhận. Cô ấy quay lưng và rời đi.
Tôi nghĩ: “Mình đang đứng ngay cạnh một quầy giới thiệu Pháp Luân Đại Pháp. Vậy sao không thể nói về Pháp Luân Đại Pháp?” Tôi không thể kìm chế được bản thân và bật cười. Người phụ nữ nghe thấy tôi cười, cô ấy dừng lại, quay lại và cũng cười.
Tiếng cười của cô ấy khiến tôi cảm động. Nhiều người Trung Quốc đi ngang qua tôi trên phố, khuôn mặt của họ thống khổ và căng thẳng. Họ phớt lờ bất kỳ ai nói chuyện với họ. Nhưng người phụ nữ này đã mỉm cười, điều đó cho thấy cô ấy là người tốt.
Sư phụ giảng:
“Ngay cả với người ở nơi thế gian này mà chư vị gặp thoáng qua không kịp nói chuyện thì chư vị cũng cần để từ bi lưu lại cho họ; không được lạc mất [những ai] đáng được độ, càng không được lạc mất [người] có duyên.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Atlanta năm 2003)
Nhận thức về “duyên phận” của tôi không sâu sắc vì tôi không biết mình có tiền duyên với ai. Tôi chỉ đơn giản đối tốt với mọi người.
Hầu hết những người băng qua trên đường là giới công nhân cổ xanh. Nhiều người không quen được gọi là “Sir” (Quý ông, Ngài). Dần dần, ngày càng có nhiều người phản ứng lại trước thái độ tử tế của tôi. Một số người bắt đầu nói chuyện với tôi: “Thị lực của tôi không tốt. Tôi không đọc được.” “Tôi không biết cách đọc.” “Tôi đã có tài liệu rồi.” “Tôi không có thời gian đọc.”
Tôi rất xúc động khi họ bắt đầu tương tác với tôi. Nhiều người mỉm cười với tôi. Những người từng có thái độ không tốt đã có nét mặt nhẹ nhàng hơn.
Thỉnh thoảng tôi đến một trạm xe buýt nơi mọi người bắt xe buýt tới sòng bạc. Gần thời điểm khởi hành theo lịch trình, mọi người xếp hàng dài. Tôi nghe nói có nhiều gián điệp Trung Quốc ở đó. Nhưng tôi vẫn muốn nói chuyện với họ.
Một ngày, một phụ nữ đợi xe buýt đến sòng bạc hỏi xin tôi tài liệu. Một người đàn ông đang xếp hàng mắng cô ấy: “Cô không biết đó là tài liệu về Pháp Luân Đại Pháp à? Sao cô lại nhận?” Mọi người [xung quanh] đều lắng nghe [anh ta]. Khi thấy tôi đang quan sát mình, anh ta đã hạ giọng xuống. Tôi không thể nghe được những gì anh nói nhưng tôi biết anh ta đang nói xấu Đại Pháp.
Tôi không muốn gia tăng mâu thuẫn nên đã không lập tức bước qua. Khi thấy người đàn ông đang đứng cuối hàng, tôi nói với anh ta: “Thưa anh, anh có biết về Pháp Luân Đại Pháp không? Tôi có thể cung cấp cho anh một số thông tin.” Anh ấy từ chối. Mọi người xung quanh có thể nghe được cuộc hội thoại của chúng tôi. Tôi đã đạt được mục đích. Tôi chỉ muốn mọi người nhận ra rằng anh ta không biết chút gì về Pháp Luân Đại Pháp.
Tôi luôn cầm cao các tài liệu giảng chân tướng để mọi người có thể dễ dàng đọc được các tiêu đề ngay cả khi họ không nhận tài liệu. Lúc đầu, vai và cổ của tôi bị đau. Tôi nghĩ mình không cần phải luôn cầm cao tài liệu và thỉnh thoảng có thể hạ tay xuống. Nhưng nhiều người có thể không thấy được tài liệu. Cầm cao tài liệu là việc khó, nhưng chịu khổ có thể tiêu nghiệp. Tôi bài xích tâm mong cầu thoải mái và tiếp tục giơ cao tay.
Một ngày, tôi đang đứng tại một điểm giảng chân tướng gần một bưu điện. Một phụ nữ trung niên đến và nói chuyện với tôi: “Xin cho tôi một tờ tài liệu. Tôi thấy cô giơ tờ tài liệu được một lúc rồi.” Tôi cảm ơn vì lòng tốt của cô ấy.
Tháng Năm thường có mưa và gió nên tôi phải cầm theo một chiếc ô. Quần áo và giày bị ướt nhưng tôi không muốn mặc áo mưa vì sẽ khó có thể kịp thời lấy tài liệu ra khi mọi người vội đi qua.
Một phụ nữ trung niên có vẻ cáu giận đi ngang qua nói: “Trời rất lạnh. Sao cô không về nhà?” Qua lời cô ấy nói, tôi có thể cảm nhận được sự quan tâm của mọi người đối với chúng tôi. Hôm đó, giày của tôi bị ướt và cơ thể tôi run lên vì lạnh. Tôi tiếp tục nhẩm Pháp của Sư phụ:
“Người tu luyện không sợ lạnh cũng không sợ nóng, gió thổi cũng không làm chư vị bị bệnh được.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Singapore [1998])
Nhận ra những chấp trước của mình
Trong khi phân phát tài liệu, tôi thấy có một số người già đang sử dụng khung tập đi, hoặc các công nhân đang dỡ xe tải. Tôi nghĩ họ sẽ không thể lấy tài liệu vì họ không rảnh tay. Tuy nhiên, những học viên khác lại đưa tài liệu cho họ và họ đều nhận. Tôi nhận ra quan niệm người thường đang cản trở bản thân.
Các công nhân sẽ đặt tài liệu vào giữa những chiếc hộp và vẫn rảnh hai tay để đẩy xe đẩy. Khi mọi người nhận các tài liệu, họ tự tìm được cách để giữ tài liệu. Tôi vẫn có quan niệm về việc không làm phiền người khác. Tôi nhận ra rằng nó sẽ là một chướng ngại ảnh hưởng tới năng lực cứu người của mình.
Khi khách du lịch Trung Quốc không muốn lắng nghe, một số học viên sẽ phát audio Cửu Bình và đi cùng họ. Tôi không chắc liệu điều này có phù hợp hay không. Những học viên đó nói rằng việc mọi người có lắng hay không không quan trọng, họ có thể vẫn nghe được một hoặc hai từ. Điều này có thể giúp loại bỏ một số tà ác ở các chiều không gian khác.
Tôi nhớ Sư phụ giảng:
“Đã rớt xuống nước rồi, người ta muốn cứu họ, họ còn nói: ‘ông không được dùng tay trực tiếp cứu tôi, ông phải dùng một chiếc thuyền mà tôi thích đến cứu tôi kia’. Như thế hỏi có được không?” (Giảng Pháp tại Pháp hội Philadelphia ở Mỹ quốc năm 2002)
Có những nhận thức Pháp khác nhau ở các tầng thứ khác nhau. Tôi hướng nội và tự hỏi tại sao mình không làm điều này. Tôi nhận ra rằng mình vẫn còn có tâm sợ hãi. Tôi không muốn bị mọi người từ chối và tôi không muốn làm phiền người khác.
Sư phụ giảng:
“Đại Pháp viên dung chúng sinh, chúng sinh cũng viên dung Đại Pháp” (Nói về Pháp, Tinh Tấn Yếu Chỉ)
Đại Pháp là viên dung. Trong bất kể tình huống gì, chúng ta nên hướng nội để xem mình có quan niệm gì và sau đó loại bỏ chúng.
Sư phụ giảng:
“Còn nữa, mọi người trong các nhóm giảng chân tướng, trong những hoạt động do đệ tử Đại Pháp tổ chức tự phát, [thì] khi giảng chân tướng, cứu chúng sinh là có tác dụng to lớn phi thường, hết sức tốt đẹp! Không phải ở chỗ là chư vị làm được oanh liệt hoành tráng thế nào, [mà là] nhìn xem chư vị làm được có hữu hiệu không, coi cái tâm chư vị xếp đặt ra sao, có phải người tu luyện chăng.” (Giảng Pháp tại Pháp hội New York 2019)
Chúng ta nên tu bản thân và loại bỏ quan niệm người thường để có thể cứu người hiệu quả hơn.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/8/1/390850.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/10/28/180514.html
Đăng ngày 23-12-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.