Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Canada

[MINH HUỆ 26-07-2019] Con xin kính chào Sư phụ tôn kính! Xin chào các bạn đồng tu!

Con đường tu luyện của tôi không phải lúc nào cũng bằng phẳng. Có những lúc tinh tấn và đầy chính niệm, nhưng cũng có lúc phải trải qua các khổ nạn. Tôi đã học được cách trân quý con đường tu luyện của mình, và đã kiên trì đi cho tới ngày hôm nay.

Chuyển biến từ một thiếu niên ngốc nghếch thành một học viên tu luyện trong thời kỳ Chính Pháp

Tôi sinh năm 1994. Trong gia đình tôi, bà nội là người đầu tiên biết đến Pháp Luân Đại Pháp, còn được gọi là Pháp Luân Công. Bà tôi rất may mắn được tham dự lớp giảng Pháp của Sư phụ. Sau đó, mẹ tôi bắt đầu luyện công cùng với bà tôi khi mẹ mang thai tôi. Vì thế, tôi đã được tiếp xúc với Đại Pháp ngay từ khi còn trong bụng mẹ, và bắt đầu tu luyện Đại Pháp với mẹ và bà nội sau khi tôi ra đời.

Kể từ khi Pháp Luân Công bị đàn áp vào năm 1999, với những áp lực đi kèm, chúng tôi bắt đầu tu luyện bí mật, và tôi đã không còn tinh tấn nữa. Mãi cho đến khi có một đồng tu tiếp cận chúng tôi và đưa cho chúng tôi những kinh văn mới của Sư phụ và tài liệu giảng chân tướng, chúng tôi mới nhận ra rằng mình đang ở trong thời kỳ Chính Pháp. Những kinh văn mới của Sư phụ và các bài chia sẻ của đồng tu đã thức tỉnh tôi. Tôi quyết tâm sẽ tu luyện tinh tấn và bắt đầu bước ra giảng chân tướng.

Ở trường trung học, tôi bắt đầu giảng chân tướng cho các bạn cùng lớp, và đã gặp một học viên trẻ có mẹ đang bị giam giữ bất hợp pháp vào thời gian đó. Bởi vậy tôi thường xuyên mang các bài kinh văn mới của Sư phụ cho cô ấy và chia sẻ với cô ấy những thể ngộ của mình. Chúng tôi phát chính niệm cùng nhau để hỗ trợ mẹ cô ấy. Sau khi mẹ cô ấy được thả, cả hai gia đình chúng tôi đã lập một nhóm học Pháp. Chúng tôi sản xuất và phân phát tài liệu giảng chân tướng cùng với một số học viên khác.

Vì tâm tính bản thân không ổn định, nên trong quá trình giảng chân tướng, tôi thường gặp phải một vài can nhiễu. Giáo viên môn khoa học chính trị đã báo tôi với cảnh sát sau khi tôi giảng chân tướng cho cô ấy.

Sau đó, cảnh sát Phòng 610 đã đến gõ cửa nhà tôi. Tôi biết đây chính là can nhiễu do cựu thế lực gây ra. Tôi nhận ra mình có tâm hiển thị và tranh đấu, và tôi đã không hành động một cách lý trí, khiến cho cựu thế lực có cơ hội dùi vào sơ hở của mình.

Cảnh sát Phòng 610 muốn thẩm vấn tôi. Tôi tình cờ nghe được cuộc tranh luận giữa cha tôi và những viên cảnh sát sau cánh cửa. Vì thế, tôi đã mở cuốn Chuyển Pháp Luân, nhìn vào bức ảnh của Sư phụ và cầu xin Ngài giúp đỡ. Tôi đã thực sự giằng co trong tâm rằng có nên giảng chân tướng cho cảnh sát hay không. Cuối cùng, chính niệm của tôi đã chiến thắng nỗi sợ hãi. Tôi tự nhủ: “Mình phải làm điều này. Cảnh sát cũng là những chúng sinh cần được cứu độ”. Tôi đã giảng chân tướng cho cảnh sát, từ việc Đại Pháp được hồng truyền trên khắp thế giới cho đến khía cạnh phi pháp và bất công của cuộc bức hại. Cảnh sát không nói được câu nào, nhưng đã rời đi, và họ không gõ cửa nhà tôi lần nào nữa. Tôi biết Sư phụ đã bảo hộ tôi.

Sử dụng nghệ thuật để giảng chân tướng

Với sự bảo hộ của Sư phụ, tôi đã rời khỏi Trung Quốc sau khi tốt nghiệp trung học. Tôi học chuyên ngành nghệ thuật thị giác ở trường đại học. Những lý thuyết nghệ thuật tập trung chủ yếu vào trường phái hiện đại biến dị và không có điều nào được giảng dạy liên quan tới kỹ năng hội hoạ và nền tảng cơ bản. Đối với các bài tập và tác phẩm của sinh viên, thì càng xấu càng tốt. Những bức tranh có kỹ thuật tốt thường không đạt được điểm cao và bị phê phán vì không có “sáng tạo của bản thân”.

Tôi cảm thấy rất bối rối, vì thế tôi đã nghĩ tới một giải pháp. Nếu tôi không thể vẽ những thứ đẹp đẽ, tôi sẽ vẽ về cuộc bức hại của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Trong một khoá học vẽ nâng cao, tôi dự định vẽ về những cuộc bức hại chính trị của ĐCSTQ nhắm đến những người vô tội, bao gồm cả cuộc bức hại Pháp Luân Công. Nhưng cùng lúc đó, tôi cảm thấy do dự, và tâm tôi tràn ngập nỗi sợ hãi. Giáo sư của tôi đến từ Trung Quốc, tôi lo sợ rằng ông ấy sẽ không dễ tiếp thu tác phẩm của tôi và có thể đối xử với tôi khác đi. Tôi cũng sợ rằng các bạn học Trung Quốc sẽ báo cáo tôi và gây ra rắc rối.

Sau khi cân nhắc về điều này, tôi nhận ra mình cần phải buông bỏ tư tâm, và giảng chân tướng cho giáo sư và các bạn học. Vì thế tôi đã nói chuyện với giáo sư về kế hoạch của mình. Thật ngạc nhiên, ông ấy tỏ ra rất ủng hộ, bởi vì ông chính là một trong những sinh viên đã dũng cảm đứng lên đối đầu với ĐCSTQ trong Vụ thảm sát Thiên An Môn.

Trên một tờ giấy truyền thống cùng với mực tàu, tôi đã vẽ rất nhiều cuộc vận động chính trị của ĐCSTQ từ khi nó lên nắm quyền. Khi tôi trưng bày các tác phẩm của mình tại lớp, dường như mọi người đều nín thở và tập trung hoàn toàn vào tôi. Khi tôi trình bày về việc thu hoạch cưỡng bức nội tạng của các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ, họ đã bị sốc và tôi nhìn thấy sự đau buồn trong đôi mắt họ. Sau khi kết thúc phần trình bày, một bạn học người Trung Quốc đã đi về phía tôi. Tôi đã nghĩ rằng cô ấy tới để gây sự, nhưng thay vào đó, cô ấy bảo tôi hãy đóng khung những tác phẩm của mình vì chúng thực sự rất tuyệt vời. Tác phẩm nghệ thuật này đã đặt cơ sở cho tôi vận dụng lăng kính hội hoạ làm phương thức giảng chân tướng.

Tiếp tục giải cứu mẹ và đề cao tâm tính

Tháng 12 năm ngoái, mẹ tôi đã bị bắt giữ và nhà của chúng tôi bị tịch thu vì mẹ tôi bị bắt khi đang giảng chân tướng cho người đi bộ ở một góc phố ở Bắc Kinh. Sau khi nhận được tin tức, tôi bắt đầu phát chính niệm liên tục cho bà. Tôi nghĩ rằng, tà ác không thể động đến tôi; tôi đang tiêu huỷ các nhân tố tà ác đang bức hại mẹ tôi, vì thế bà sẽ sớm được thả. Tôi đã có một suy nghĩ rằng vụ giam giữ sẽ không vượt quá 14 ngày. Nhưng sau 14 ngày, tôi nhận được tin rằng mẹ tôi đã bị chuyển tới đồn công an địa phương, việc này khiến tôi hoang mang và lo lắng. Không có tin tức nào về việc mẹ tôi được thả ra.

Tôi bắt đầu suy ngẫm về mối quan hệ giữa mẹ tôi và tôi. Mẹ tôi luôn lo lắng về việc tôi đơn độc một mình ở nước ngoài, bởi vậy mẹ thường xuyên gọi điện để kiểm tra tôi. Nhưng tôi từng nghĩ rằng bà là người hay cằn nhằn nhất. Bà luôn bảo tôi phải làm gì nhưng lại không hề biết bất cứ thứ gì về cuộc sống của tôi bên ngoài Trung Quốc. Tôi nhận ra mình đã non nớt và thiếu kiên nhẫn như thế nào trước thiện ý của mẹ. Còn từ cơ điểm của Pháp, tôi biết điều này là không đúng. Mẹ tôi quá chấp trước vào tình thân quyến và sự phản ứng tiêu cực của tôi cũng không hề đúng. Tôi chưa bao giờ nghĩ về việc chia sẻ thể ngộ về Pháp của mình với mẹ và đối đãi với bà giống như một đồng tu.

Sau khi nhận ra vấn đề, tôi vẫn không cảm thấy khuây khoả. Trái lại, tôi trở nên bi quan hơn và cảm thấy có lỗi với mẹ. Tôi nghĩ rằng bản thân mình thật kinh khủng và bắt đầu gào khóc trong phòng. Khi tôi chia sẻ điều này với một đồng tu, và kể cho anh ấy nghe trạng thái tâm lý của mình, anh ấy đã chia sẻ một đoạn giảng Pháp của Sư phụ với tôi.

Sư phụ giảng:

“Chư vị không biết trân quý ư? Cả tôi cũng trân quý chư vị! Cả chư Thần cũng trân quý chư vị! (các đệ tử vỗ tay nhiệt liệt) Do đó bản thân càng nên phải trân quý chính mình“.(Giảng Pháp tại Washington DC năm 2018)

Đây chính là sơ hở trong tu luyện của tôi. Tôi sẽ cảm thấy vô cùng tội lỗi và xấu hổ khi phạm phải sai lầm, điều này vô tình khiến nó trở nên càng tệ hơn. Tôi đã từng nghĩ rằng tôi không thể học hỏi từ những sai lầm của bản thân nếu tôi không hoàn toàn chìm đắm trong hối tiếc và tội lỗi. Tôi còn thường cảm thấy bản thân không xứng đáng là một đệ tử Đại Pháp. Nhưng, khi tôi thực sự suy ngẫm về điều đó, phương thức này không chỉ không giúp tôi buông bỏ chấp trước, mà còn khiến chấp trước trở nên khó loại bỏ hơn. Bởi vậy, nó gây ra cảm giác tội lỗi và xấu hổ nhiều hơn, và đẩy tôi vào một vòng luẩn quẩn vô tận. Đây thực sự là một tâm lý biến dị, khiến cho tôi mất tín tâm vào tu luyện, cũng như cảm thấy chán nản và bị đánh bại.

Tôi bắt đầu phát chính niệm để thanh lý những nhân tố này. Tôi nhận ra rằng đây không phải là suy nghĩ chân chính của bản thân khi những suy nghĩ này phản ánh xuất lai trở lại. Trong một thời gian ngắn, tôi cảm thấy chủ ý thức của mình rất mạnh mẽ và thanh tỉnh. Tâm tính của tôi đã được đề cao.

Không lâu sau đó, mẹ tôi bị chuyển tới một trại giam, trong khi chính quyền bắt đầu thu thập cái gọi là “chứng cứ” để tạo ra một vụ án nhằm buộc tội mẹ. Tới lúc này, tôi nói với một vài người bạn không tu luyện về hoàn cảnh của mẹ tôi. Một trong số họ giúp tôi liên hệ với Tổ chức Ân xá quốc tế. Trong suốt cuộc điện thoại thoại trao đổi với đại diện của tổ chức Ân xá, tôi được hỏi liệu tôi có muốn thực hiện một “Hành động khẩn cấp” và tham gia viết thư cho chính quyền Trung Quốc, và kêu gọi công chúng viết thư cho kiểm sát viên yêu cầu bác bỏ các cáo buộc hay không. Cha tôi, một người không tu luyện, kịch liệt phản đối kế hoạch này, vì ông ấy lo sợ kiểm sát viên sẽ sử dụng kế hoạch của chúng tôi làm “bằng chứng” để buộc tội mẹ tôi nếu chúng tôi làm to chuyện. Sợ hãi và lo lắng đã lấp đầy tâm trí tôi. Tôi đang cân nhắc xem liệu tôi có nên công khai trường hợp của mẹ mình không và liệu kiểm sát viên có trả thù và làm tổn thương các thành viên gia đình tôi hay không.

Tôi biết chỉ có học Pháp mới giúp tôi giải khai được nút thắt trong tâm. Vì thế tôi bình tĩnh lại và học Pháp.

Sư phụ đã từng giảng câu chuyện của Phật Thích Ca Mâu Ni và câu trả lời của Phật Thích Ca với đệ tử của mình rằng: “Điều ta bảo con là hãy đi dọn sạch bồn tắm”. (Bài giảng thứ bảy, Chuyển Pháp Luân). Điều này đã điểm hoá cho tôi. Tôi hiểu rằng những nhân tố tà ác ở không gian khác giống như những con côn trùng trong bồn tắm. Nếu tôi dọn sạch bồn tắm, tại sao tôi lại phải quan tâm quá nhiều tới suy nghĩ và cảm nhận của côn trùng? Hoặc tại sao tôi lại quá sợ hãi rằng lũ côn trùng sẽ làm hại tôi? Với suy nghĩ này, tôi đã trả lời Tổ chức Ân xá quốc tế rằng tôi muốn công khai vụ việc càng sớm càng tốt. Mỗi khi tâm tôi bắt đầu dao động, tôi nhắc nhở bản thân rằng tôi cần phải dọn sạch bồn tắm. Sau đó, tôi có thể tập trung và không bị phân tâm bởi những thứ hiện diện trên bề mặt. Tôi sẽ làm bất cứ thứ gì để loại bỏ tà ác.

Ngay sau đó, một hành động khẩn cấp từ Tổ chức Ân xá Quốc tế được công bố. Trong khi đó, tôi đang bận rộn với việc truyền tải thông tin trên các trang mạng xã hội, kêu gọi công chúng viết thư cho kiểm sát viên. Một vài học viên gợi ý tôi nên nói chuyện trong nhóm học Pháp và xin chữ ký cho đơn kiến nghị yêu cầu trả tự do cho mẹ tôi. Ngay lập tức, tôi phải chuẩn bị cho bài phát biểu, viết đơn kiến nghị và làm các áp phích, tất cả chỉ trong một khoảng thời gian ngắn ngủi. Tôi cũng phải soạn thảo đơn xin bác bỏ cáo buộc.

Trong lúc đó, tôi cũng phải hoàn thành tốt công việc và đối phó với áp lực từ cha mình. Tôi cảm thấy dường như cả trăm việc cùng xảy ra một lúc.

Suốt những ngày này, một bài thơ của Sư phụ liên tục xuất hiện trong đầu tôi:

“Nạn trung luyện kim thể

Hà cố bộ tiên tiên”. (Thần lộ nan, Hồng Ngâm II)

Tạm diễn nghĩa:

“Trong nạn mà luyện được thân thể vàng ròng

Đi từng bước chậm chạp là vì cớ gì vậy”. (Thần lộ nan, Hồng Ngâm II)

Sư phụ đã giúp tôi đề cao tâm tính trong sự việc này. Ngài đã cấp cho tôi cơ hội để kiến lập uy đức của mình, trong khi phản bức hại và cứu độ chúng sinh. Bằng việc học Pháp, Sư phụ đã điểm hoá cho tôi cần phải “nhất tâm bất loạn”. (Bài giảng thứ năm, Chuyển Pháp Luân).

Cùng với Pháp, tôi đã vượt qua được trạng thái sợ hãi và lo âu.

Trong suốt quá trình phản bức hại và thu thập chữ ký cho đơn kiến nghị, biểu hiện lương tri và chính niệm của công chúng thực sự khiến tôi cảm động. Trên mạng xã hội, rất nhiều bạn bè và người lạ đã chia sẻ các bài viết của tôi về “Hành động Khẩn cấp” từ Tổ chức Ân xá quốc tế, và rất nhiều người đã viết thư cho kiểm sát viên để yêu cầu họ bác bỏ cáo buộc và thả mẹ tôi ra. Tôi đi thu thập chữ ký của các đồng nghiệp vào giờ ăn trưa và mọi người đều ký mà không hề do dự. Mọi người bắt đầu nói về cuộc bức hại của ĐCSTQ đối với Pháp Luân Công. Một đồng nghiệp đã trêu đùa với một người khác rằng: “Này, bạn ký mà không hề đọc một chữ nào cả. Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn ký để cho đi toàn bộ số tiền của mình?” Người đồng nghiệp kia sau đó trả lời rằng: “Vậy thì tôi sẽ dùng tiền của mình cho công lý”.

Tháng 6 năm nay, kiểm sát viên đã buộc tội mẹ tôi và đưa vụ án của bà ra toà bất chấp mong muốn của người dân. Tôi cảm thấy đôi chút thất bại khi nghe được tin này. Tôi đã làm mọi việc có thể nhưng có ích gì đây? Tôi bắt đầu nghi ngờ bản thân mình. Tôi gọi cho dì, một người không tu luyện. Dì ấy bảo tôi không cần lo lắng cho mẹ. Dì nói dì có một giấc mơ rằng cả gia đình tôi đang đi du lịch, và mẹ tôi và dì ấy đang ngồi trên băng ghế xem tôi chơi bóng đá. Chơi bóng đá ư? Tôi thắc mắc tại sao. Có phải vì tôi truy cầu điều gì đó? (Chú thích: Chữ bóng đá và tâm lý hoang mang đều được phát âm là cầu trong tiếng Hán). Tôi nhận ra rằng bản thân tôi đang bị cuốn theo tâm lý hoàn thành nhiệm vụ và truy cầu kết quả, và tôi đã quá hời hợt, bởi vì tôi đã tập trung quá nhiều vào bài phát biểu. Tôi cũng ngộ ra rằng Sư phụ đang điểm hoá cho tôi cần phải có niềm tin vào mẹ, bất kể sự việc biểu hiện như thế nào. Bà ấy, sau cùng, vẫn là một học viên và luôn được Sư phụ bảo hộ.

Sư phụ giảng:

“Đệ tử chính niệm túc

Sư hữu hồi thiên lực”. (Sư Đồ Ân, Hồng Ngâm II)

Tạm diễn nghĩa:

“Đệ tử chính niệm mà đầy đủ

Thì Sư phụ sẽ đủ sức đưa trở về trời”. (Sư Đồ Ân, Hồng Ngâm II)

Mặc dù nỗ lực giải cứu mẹ tôi vẫn đang trong quá trình, nhưng tôi cảm nhận được tâm tính của mình đã được đề cao một cách kinh ngạc chỉ trong một thời gian ngắn.

Dùng ngòi bút Thần chấn nhiếp tà ác

Sư phụ giảng:

“Thần bút chấn nhân yêu

Khoái đao lạn quỷ tiêu” (Chấn Nhiếp, Hồng Ngâm II)

Tạm diễn nghĩa:

“Ngọn bút thần khiến yêu quái mang hình người khiếp sợ

Gươm bén khiến lạn quỷ bị tiêu trừ”. (Chấn Nhiếp, Hồng Ngâm II)

Tôi ngộ ra rằng Sư phụ đã ban cho tôi một cây bút thần và trang bị cho tôi kỹ năng vẽ để chứng thực Đại Pháp.

Kể từ tháng Tư, tôi đã bắt đầu vẽ các bức tranh minh hoạ các phương thức tra tấn được sử dụng trong cuộc bức hại cho trang web Minh Huệ. Trải nghiệm này trở thành một khảo nghiệm tâm tính khác của tôi. Bên cạnh việc phải làm việc 8 tiếng một ngày ở một công ty sản xuất phim hoạt hình, tôi còn phải vẽ tranh minh hoạ tự do, cộng thêm việc minh hoạ các phương thức tra tấn. Do đó, tôi thường chìm đắm trong việc vẽ tranh từ 10 đến 11 tiếng mỗi ngày. Vì nội dung các bức vẽ là về các đệ tự Đại Pháp bị tra tấn tàn bạo, nên cần một thời gian dài để vẽ. Kỹ năng của tôi cũng chưa thuần thục, và tôi thường khóc giữa chừng sau khi tôi vẽ một vài cảnh. Tôi nghĩ tới một bài thơ của Sư phụ:

“Thần Phật Chuyển Pháp Luân

Pháp đồ huyết tẩy trần

Vi đích thị thương sinh

Cứu nhĩ thực tại trầm”. (Cứu nhĩ thực tại trầm, Hồng Ngâm III)

Tạm dịch:

“Thần Phật Chuyển Pháp Luân

Máu Pháp đồ đầy đất

Thảy đều vì chúng sinh

Cứu bạn là gánh nặng”. (Cứu nhĩ thực tại trầm, Hồng Ngâm III)

Chậm nhưng chắc, tôi đã có thể loại bỏ những cảm xúc của mình. Tôi tin rằng đây là một việc rất ý nghĩa mà tôi cần phải làm, vạch trần tà ác và cứu độ chúng sinh. Tôi nghe Phổ Độ và Tế Thế trong khi vẽ, vì âm nhạc giúp tôi tập trung và ở trong trạng thái từ bi.

Tôi có thể thực sự cảm nhận được sự đề cao trong kỹ thuật vẽ của mình liên quan mật thiết tới việc đề cao tâm tính. Trong văn hoá truyền thống Trung Hoa, điều này được gọi là “hoạ như kì nhân”. Nếu tôi muốn trở thành một hoạ sĩ giỏi, tôi cần phải học cách trở thành một người tốt, và phóng hạ chấp trước vào danh lợi, tâm tranh đấu và tâm tật đố.

Là một hoạ sĩ chuyên nghiệp, tôi theo dõi hơn 1.000 hoạ sĩ trên mạng xã hội, và tôi thường xem qua bảng tin mỗi ngày để xem có tác phẩm nào mới đăng không. Khi xem các tác phẩm, tôi thường so sánh bản thân mình với họ một cách vô thức. Tôi nghĩ rằng: “Người này không giỏi bằng tôi” hoặc “Tại sao người này có thể giỏi đến vậy? Anh ấy thực sự giỏi hơn tôi rất nhiều”. Sau đó, tôi sẽ cảm thấy kiêu ngạo hoặc thua kém.

Thỉnh thoảng tôi sẽ đăng các tác phẩm của mình lên mạng và liên tục kiểm tra xem có ai thích bài đăng của mình không. Tôi bắt đầu vẽ từ khi còn rất trẻ. Lớn lên, để tạo động lực cho tôi vẽ đẹp hơn, cha tôi thường so sánh tôi với người khác. Sau đó, tôi nhận ra rằng động lực cải thiện kỹ năng vẽ của mình là không chính, nhưng nó có liên quan tới chấp trước muốn đánh bại người khác. Tôi cảm thấy rất khó chịu vì không thể loại bỏ chấp trước này.

Một ngày, khi tôi đọc Chuyển Pháp Luân, một câu đã làm tôi chấn động:

Công năng của chư vị cũng vậy, sự khai công của chư vị cũng vậy, đều là trong khi tu Đại Pháp chư vị mới đắc được [như thế]”. (Bài giảng thứ sáu, Chuyển Pháp Luân)

Đoạn Pháp này giống như một gậy cảnh tỉnh đối với tôi. Đột nhiên, mọi thứ bắt đầu trở nên minh bạch. Nước mắt chảy dài trên khuôn mặt tôi. Cái gọi là “tài năng và kỹ năng” mà dường như tôi đã đạt được thành tựu nhờ vào khả năng thiên phú, cộng thêm sự chăm chỉ, kỳ thực mọi thứ đều là do Đại Pháp ban cho. Tài năng thiên phú có nghĩa là món quà từ thiên thượng. Vậy nếu mọi thứ tôi có đều là do Đại Pháp cấp cho, làm sao tôi có thể theo đuổi danh lợi và cạnh tranh với những người khác được?

Sư phụ giảng:

“Bởi vì những đệ tử Đại Pháp mang kỹ năng nghệ thuật ấy là có năng lực, là có năng lượng, việc mà chư vị làm nếu như không phải ‘chính’, hoặc không đủ ‘chính’, thì chư vị đang làm nhân tố bất chính kia mạnh hơn lên, sẽ ảnh hưởng hơn nữa đến xã hội nhân loại”. (Giảng Pháp tại Buổi họp Sáng tác và Nghiên cứu Mỹ thuật [2003])

“Nghĩa là, đệ tử Đại Pháp không chỉ cứu vãn chúng sinh, mà còn khai mở ra cho chúng sinh tương lai một con đường sinh tồn chân chính của con người. Đó đều là những gì đệ tử Đại Pháp đang làm trong khi chứng thực Pháp”. (Giảng Pháp tại Buổi họp Sáng tác và Nghiên cứu Mỹ thuật [2003])

Tội ngộ ra rằng chúng ta đang gánh vác một sứ mệnh trọng đại trên vai và chúng ta cần phải đi trên một con đường chân chính. Có rất nhiều tác phẩm nghệ thuật biến dị trên mạng xã hội, và chúng không thích hợp để tham khảo. Vì thế tôi đã xoá chúng đi và ngừng việc xem chúng trên mạng.

Khi tôi buông bỏ được chấp trước tồn tại trường kỳ vào danh lợi và tâm tật đố, và tẩy tịnh tâm trí mình, tôi có thể đi ngay chính con đường của mình, với tâm thái rộng mở, tôi đã có được sự đề cao đáng kể trong kỹ năng vẽ của mình. “Cây bút thần” này là một vinh dự và sứ mệnh được Sư phụ và Đại Pháp cấp cho. Tôi sẽ sử dụng chúng để thanh lý tà ác, và trợ Sư chính Pháp. Đây là con đường mà tôi quyết tâm phải đi qua.

Không lâu trước đó, tôi đã có một giấc mơ. Trong giấc mơ, tôi đang ngắm nhìn các vì sao và rất nhiều ngôi sao đã rơi xuống. Tất cả chúng biến thành những thiên thạch và phá huỷ rất nhiều công trình kiến trúc.

Khi các ngôi sao rơi xuống, các Pháp Luân đầy màu sắc và những tinh vân sáng xuất hiện trên bầu trời. Ngay khi tôi quay lại để giảng chân tướng cho hai người đứng sau mình, tôi nhìn thấy họ mỉm cười và họ mặc quần áo có chữ Đại Pháp. Tôi nghĩ giấc mơ này hẳn là phản ánh cảnh tượng Pháp chính Nhân gian. Thiên thể được canh tân, và vũ trụ mới tuyệt đẹp mỹ hảo. So với rất nhiều thứ trong vũ trụ rộng lớn bao la này, chấp trước nhân tâm của tôi quả là nhỏ bé.

Sư phụ giảng:

“Tu luyện ấy, chính là ‘thành tựu sinh mệnh’”. (Giảng Pháp tại Washington DC năm 2018)

Đại Pháp đã giúp tôi trưởng thành thông qua những trải nghiệm cá nhân. Tôi vô cùng biết ơn Sư phụ và Đại Pháp đã ban cho tôi mọi thứ.

Con xin cảm tạ Sư phụ! Xin cảm ơn các bạn đồng tu!

(Bài chia sẻ được đọc tại Pháp hội Canada năm 2019)


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/7/26/390575.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/7/29/178639.html

Đăng ngày 27-08-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share