Đệ tử Đại Pháp trẻ ở Canada

[MINH HUỆ 7-1-2019] Tôi là đệ tử Đại Pháp trẻ, năm nay 25 tuổi, từ nhỏ đã theo bố tu luyện. Khi tôi hai tuổi, bố tôi bắt đầu tu luyện Đại Pháp, ông cũng dẫn dắt tôi bước vào tu luyện Đại Pháp.

Trước đây, tôi từng là một đứa trẻ có kết quả học tập kém, không vâng lời, sống buông thả, ích kỷ; còn luôn khiến bố mẹ phải lo lắng. Nhưng bây giờ, bố mẹ rất tự hào về tôi, bởi vì tôi đậu vào trường đại học rất tốt, thành tích cũng rất khá. Sau khi tốt nghiệp, công việc của tôi tương đối tốt, bố mẹ cũng vui vẻ và yên tâm. Đặc biệt là lúc này tôi đang tu luyện Đại Pháp, thay vì phải trôi dạt trong dòng chảy người thường, bố càng mừng cho tôi hơn. Tôi muốn chia sẻ với các đồng tu, làm thế nào mà tôi đã thay đổi trở nên tốt hơn, thoát thai hoán cốt từ một đứa trẻ có thành tích học tập kém, lại không nghe lời bố mẹ.

Mặc dù tôi đã được đắm mình trong Đại Pháp từ nhỏ, nhưng trong quá trình lớn lên, tiếp xúc với rất nhiều thứ bất hảo qua các trò chơi điện tử, Internet, truyền hình, điện thoại di động, tiểu thuyết, v.v.. tư tưởng và hành vi của tôi trở nên dơ bẩn. Thêm vào đó, khi tôi 12 tuổi, bố mẹ ly hôn, tôi rời Trung Quốc cùng với mẹ, người đã phản đối Đại Pháp và đến Canada. Đoạn thời gian đó, tôi ly khai khỏi Đại Pháp.

Năm năm sau, khi tôi trở về với bố, tôi không còn là cô con gái nhỏ ngây thơ và đáng yêu như trước đây. Lúc đó, tôi có thể được mô tả là “thập ác bất xá”. Vừa mới vào trường trung học tôi đã bắt đầu có bạn trai. Bố tôi thường đi xe đạp và tìm tôi khắp nơi lúc nửa đêm. Tôi cố tình tắt điện thoại để bố không tìm thấy. Sau khi tôi trở về nhà, người nhà nói: “Bố của cháu đã đi ra ngoài để tìm cháu, ông ấy đâu rồi?” Tôi lại thản nhiên trả lời: “Bố tôi chết rồi.” Khi bố về đến nhà, hỏi tôi vì sao tắt điện thoại, tôi nói dối rằng điện thoại hết pin. Thời điểm đó, kết quả học tập của tôi cũng rất tệ, ngoại trừ tiếng Anh ra, các môn khác đều không đạt yêu cầu, luôn xếp hạng từ khoảng 100 – 200 đếm ngược từ dưới lên trong số hơn 1.000 học sinh toàn trường.

Do ảnh hưởng của mẹ, khi tôi vừa trở về với bố, tôi rất không kính phục ông, cho nên lời nói và hành vi đối với ông cũng không tôn trọng, lúc nào cũng khiêu khích và không nghe lời ông. Tôi cũng rất không biết điều, luôn đòi hỏi bố dùng khoản tiền lương ít ỏi để mua rất nhiều quần áo đắt tiền, nhằm thỏa mãn thói phù phiếm của tôi. Một lần, bố dẫn tôi đi mua quần áo, lúc đó tôi không hài lòng lắm với quần áo được mua, tôi thậm chí còn đá bố một cái. Bây giờ nghĩ lại, tôi cảm thấy rất hối hận, rất hối hận.

Nhưng dù tôi tệ như thế, bố vẫn không hề ghét bỏ tôi, cũng không hề coi thường tôi. Bố luôn tốt với tôi vô điều kiện, mà lại không có yêu cầu nào với tôi cả, cũng không bao giờ đòi hỏi tôi có bất kỳ báo đáp nào. Tôi bắt đầu theo bố học Pháp, luyện công, theo bố học lại đạo lý làm người. Mới đầu, bố một mình chăm sóc tôi, còn phải đi làm, hy vọng tôi giúp ông chia sẻ chút việc nhà, muốn tôi tự giặt quần áo của mình. Lúc ấy, bệnh tiểu thư của tôi rất nặng, xưa nay vốn không làm việc nhà, nên tôi đã la khóc một trận om sòm, cảm thấy bố bắt nạt tôi. Kể từ đó, tất cả quần áo của tôi đều được bố giặt giúp, nhưng ông không bao giờ phàn nàn về tôi. Có lúc tôi đến chu kỳ kinh nguyệt, một ngày thay rất nhiều quần, còn làm bẩn khăn trải giường, bố tôi không bao giờ có bất kỳ lời than phiền hay oán trách nào. Sau này, khi tôi ra ngoài xã hội, tôi luôn nghe một số người phàn nàn điều này, phàn nàn điều kia, tôi mới hiểu rằng những năm đó sống với bố thật hạnh phúc và vô tư vô lo; vì bố không bao giờ phàn nàn, làm bất cứ việc gì cũng vui vẻ, cho nên hoàn cảnh này không gây cho tôi bất cứ phiền não nào trong tâm.

Tôi nhớ rằng khi mới bắt đầu quay về Trung Quốc để học cấp ba, trường yêu cầu phải tự học thêm vào buổi tối; tôi thấy không thích ứng với điều này, vì ở nước ngoài cuộc sống nhàn nhã trong nhiều năm, nên tôi nói với bố là tôi không thích học bài. Bây giờ nghĩ lại, khi bố nghe tôi nói như vậy, chắc hẳn trong tâm ông rất buồn. Nhưng bố vẫn không ép buộc tôi, cũng không nói tôi nhất định phải học, chỉ nhẹ nhàng nói: “Bố chỉ có thể cho con lời khuyên, con có thể tự mình quyết định, nhưng bố vẫn cảm thấy sẽ tốt hơn nếu như con học bài.” Bố lúc nào cũng vậy, ông không bao giờ áp đặt cách nghĩ lên tôi, luôn giải thích đạo lý rồi mới nói: “Bố chỉ là đưa ra ý kiến, quyết định cuối cùng là tự con chọn.” Nhờ vậy, tôi học được cách suy nghĩ nghiêm túc khi đưa ra quyết định. Sau này, tôi mới phát hiện ra rằng sự mềm mỏng này của bố là khác với đại đa số các bậc cha mẹ Trung Quốc. Rất nhiều người phải đối mặt với nhiều áp lực khi chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh đại học ở trường trung học, nhưng tôi đã rất thoải mái; mỗi tối sau giờ học thêm ở trường, tôi về nhà và cùng học Pháp với bố, sau đó đi ngủ; không giống như những gia đình khác có con làm đề ôn thi đến tận đêm khuya. Còn nhớ mỗi lần bài giảng Pháp mới của Sư phụ được công bố, chúng tôi vô cùng vui mừng; sau khi rửa tay, tôi nhanh chóng đi học Pháp, trong tâm rất xúc động và thành kính.

Khi thành tích học tập của những đứa trẻ khác không tốt, chúng đều phải đối mặt với sự trách mắng, thậm chí bị đánh [đòn] ở nhà. Khi tôi về nhà nói với bố rằng kết quả không khả quan, ông vẫn bình tĩnh và nói: “Miễn sao con đã nỗ lực hết mình, cho dù là kết quả không tốt, cũng không sao.” Một câu nói nhẹ nhàng và bình thường như vậy đã để lại ấn tượng sâu sắc với tôi, một đứa trẻ nổi loạn, bướng bỉnh và cứng rắn vào thời điểm đó. Có một lần, tôi nỗ lực học tập, và đã lọt vào top 20 trong lớp. Tôi hỏi bố: “Bây giờ con bắt đầu cố gắng, có là quá muộn không?” Bố nói: “Chỉ cần con bắt đầu, sẽ không bao giờ là muộn cả.”

Bởi vì bố tôi và những người khác thực sự khác nhau, cho nên từ chỗ bất kính với ông, đến đâu cũng nói điều không tốt về ông, tôi đã trở nên tôn trọng và bội phục từ tận đáy lòng. Hai năm sau, có một ngày đột nhiên bố khiến tôi rất bất ngờ và cảm động. Trong khoảnh khắc đó, tôi nhận ra rằng tình cảm cha con cao như núi, và tôi bắt đầu chủ động muốn bản thân trở nên tốt hơn. Trong đoạn thời gian ấy, người thân họ hàng nói với tôi rằng tôi đã có thay đổi lớn, dường như là “thoát thai hoán cốt” so với trước đây. Thật vậy, tôi đã thay đổi từ một đứa trẻ cực kỳ ích kỷ, xấu tính, nổi loạn, thành một người con biết suy nghĩ cho người khác, ngoan ngoãn và dịu dàng. Bố đã thay đổi tôi từ lời nói và hành động rất mẫu mực của ông, bởi vì bố luôn làm những việc mà người khác không thể làm, hoặc những việc mà người khác hoàn toàn không muốn làm. Nó dường như là một việc nhỏ vô tình, nhưng rất nhiều việc nhỏ bé bình thường ấy lại phản ánh tâm hồn thuần khiết và đáng quý như vàng của bố.

Tôi nhớ có lần tôi đi mua đồ ăn sáng, những người khác thúc giục chủ tiệm nhanh lên, nhanh lên một chút, tôi đứng bên cạnh yên lặng chờ đợi. Bởi vì những người khác hối thúc, nên ông chủ đưa mì cho họ trước, nhưng tôi đã đợi rất lâu mà không đưa cho tôi, lúc đó tôi rất buồn, khóc và nói: “Làm sao chú có thể làm như vậy?” Chủ tiệm nhìn thấy thế, liền mau chóng đưa mì cho tôi. Bố nói với tôi: “Khi con im lặng chờ đợi, con đã làm rất tốt.” Bố nói điều này, tôi lập tức hiểu rằng mình đã không giữ vững được tâm tính bản thân.

Một lần khác, một bạn học phụ trách vệ sinh trong lớp cố tình làm khó tôi, đến giờ học vật lý, muốn tôi vào nhà vệ sinh rửa sạch cây chổi. Giáo viên vật lý đã tức giận và nói với cậu ấy: “Đang giờ học rồi, em làm gì vậy?” Sau đó, bạn đã nói với giáo viên chủ nhiệm rằng tôi không tuân theo sự sắp xếp, không chịu dọn dẹp vệ sinh. Giáo viên chủ nhiệm gọi tôi đến văn phòng để nói chuyện, lúc đó tôi cảm thấy rất oan ức, và đã khóc, khóc hết cả một tiết học, trong tâm tràn ngập sự oán giận. Sau khi về nhà, bố nói với tôi: “Con nên gặp họ xin lỗi.” Tôi cảm thấy không sao giải thích được, bèn nói: “Người khác bắt nạt con, con còn phải xin lỗi, làm sao có thể như thế được?” Bố bình tĩnh và ôn hòa nói với tôi: “Họ chỉ khảo nghiệm tâm tính con thôi, con lại tức giận, và khóc cả nửa ngày, chẳng phải nên xin lỗi sao?” Chỉ vài câu nói đơn giản, đã khiến tôi minh bạch ra từ Pháp lý, cũng hóa giải tâm oán trách của tôi đối với người bạn ấy.

Một lần, tôi bị đánh bên ngoài, tôi cảm thấy rất tức giận; tôi nghĩ, bố vất vả khó nhọc nuôi mình lớn ngần này, ngoài đường lại bị ức hiếp, lẽ nào có thể như vậy? Tôi nói với bố: “Bố ơi, bố phải bênh vực và giúp con, bố phải đi tìm cậu ta, và nói cho cậu ta một trận. Con cái của những nhà khác bị bắt nạt, bố của họ liền lập tức đi tìm đứa trẻ hư hỏng đó; bố phải giúp con trừng phạt kẻ xấu.” Bố suy nghĩ một lúc rồi nói: “Bố không thể làm như thế. Nếu bố làm thế, thì bố cũng giống như cậu ta rồi.” Ông bình tĩnh hòa nhã nói với tôi: “Con từ nay trở đi đừng để tâm chuyện này sẽ tốt hơn.” Tôi nói: “Bố ơi, bố không thương con ư? Con gái của bố bị đánh, một chút bố cũng không tức giận sao?” Sau đó, tôi không nhẫn được khẩu khí này, đã đi trách mắng người nhà đối phương ấy, họ không chịu đựng được, liền đến nhà tìm bố tôi. Người thân trong gia đình tôi đều đối xử thô lỗ với gia đình đối phương, trong ánh mắt đều lộ ra vẻ khinh thường, cách nói chuyện cũng không dễ nghe, làm cho gia đình ấy ghét cay ghét đắng. Nhưng bố tôi vẫn xin lỗi phụ huynh nhà ấy, và mời họ ngồi xuống ghế sofa. Bởi vì ngữ khí của bố tôi rất hòa nhã và hiền lành, nên đối phương vốn ban đầu muốn gây sự, nhưng sau đã bỏ ý định này. Tôi rất khó chịu với bố và nói: “Làm sao mà bố có thể khoanh tay như thế, họ đối xử với con như vậy, bố còn rất tốt với họ, thật là yếu mềm, lại còn tặng họ trái cây nữa chứ!” Ông không nổi nóng chút nào, trái lại dí dỏm nói: “Bố tặng đào và lê, chính là để họ nhanh chóng rời đi ấy mà.” Sự lương thiện và khoan dung của ông đã hóa giải một mâu thuẫn vốn ban đầu nằm ngoài tầm kiểm soát. Trên thế giới này, thực sự có rất ít các bậc làm cha mẹ có thể không bao che khi con cái mình bị ức hiếp; lại chân thành nhận lỗi rằng con của mình đã không tốt ở chỗ nào trước mặt phụ huynh khác; cũng không trách móc sai sót của họ, mà còn [đặt mình] đứng tại lập trường của phụ huynh và đứa trẻ đó để suy xét vấn đề.

Ở trong nước, mọi người đều dậy rất sớm để luyện công. Bố luôn đánh thức tôi dậy lúc hơn 3 giờ sáng. Đôi khi tôi muốn ngủ nướng một chút, rõ ràng là tôi đã thức rồi, bố gọi tôi thế nào, tôi cũng không muốn dậy. Đến khi thức dậy, đối diện với gương mặt nghiêm túc như tượng đá của bố, tôi cảm thấy rất sợ. Cho nên có một đoạn thời gian, để không nhìn thấy gương mặt nghiêm nghị cứng rắn đó, tôi kiên trì thức dậy lúc hơn 3 giờ sáng cùng luyện công với bố. Nhất là khi luyện bài công pháp thứ năm, chân tôi vô cùng đau, lại phải dậy sớm, và tôi cũng không muốn chịu khổ. Một lần, vì bố nói rằng không cho tôi ra ngoài chơi, tôi liền to tiếng lại: “Bố lúc nào cũng dùng tiêu chuẩn của bố mà yêu cầu con, bố cũng đâu thể một ngày 24 tiếng như Thần được, con kỳ thực không muốn dậy sớm luyện công, chỉ vì muốn bố vui lòng nên con mới luyện công mà thôi.” Kể từ đó, bố không gọi tôi thức dậy sớm luyện công nữa. Mặc dù tôi có thể ngủ muộn hơn, nhưng trong tâm tôi rất buồn. Từ đó về sau, tôi mới hiểu rằng, nếu bố không quan tâm tôi như thế này, mặc kệ tôi, có lẽ cả đời tôi cũng không thể kiên trì luyện hết bài công pháp thứ năm. Tôi ấn tượng rất sâu sắc là, có một lần, khi tôi ngồi song bàn đau đến phát khóc, nhưng bố vẫn mỉm cười, nói với tôi rằng đau thế này vẫn kiên nhẫn ngồi tiếp thì chính là đề cao rồi.

Lời nói và hành động mẫu mực của bố đều âm thầm ảnh hưởng tích cực đến tôi. Một lần nọ, tôi dẫn hai người em họ đi chơi cầu lông. Đứng ở quan điểm của một người chị, tôi có thói quen so sánh hai đứa trẻ với nhau, tôi nói với một em họ (A): “Em dành quá nhiều thời gian chơi game máy tính, em hãy nhìn em họ (B) xem, em ấy yêu thích việc học tập, đọc sách và đạt được điểm tốt.” Một câu nói vô tình, nhưng lúc ấy đã làm cho em họ (A) đánh rơi một nhịp cầu lông, rồi khóc. Tôi ngay lập tức nhận ra rằng bản thân đã không tu khẩu, bèn xin lỗi em họ (A): “Chị đã không đúng, chị không nên nói như thế, chị sai rồi.” Em họ liền nín khóc, mỉm cười và chúng tôi cùng nhau chơi tiếp.

Một lần khác, tôi muốn bố dẫn đi mua quà sinh nhật tặng bạn học. Khi tôi chọn quà, bố ngồi trên ghế đẩu ngủ thiếp đi. Tôi đánh thức bố và hỏi: “Bố làm sao mà ngủ giữa ban ngày vậy?” Ông nói: “Tối hôm qua bố không ngủ, làm tài liệu chân tướng suốt đêm.” Tôi rất bất ngờ và khâm phục. Bố luôn âm thầm phó xuất, nhưng không bao giờ nói gì.

Có lần, tôi phát cáu, đã khóa cửa để bố đứng bên ngoài. Bố gõ cửa một lúc, rồi không gõ nữa và đi xuống tầng. Ngay lúc ấy, cơn giận đột nhiên tan biến một cách khó giải thích, tôi xuống nhà tìm bố, thì thấy bố đang nhắm mắt, tay lập chưởng phát chính niệm. Đó là lần đầu tiên tôi thể hội được hiệu quả thật sự của việc phát chính niệm.

Tôi muốn viết ra những câu chuyện này, bởi vì sau khi tham gia họp mặt với các đồng tu, trong tâm tôi thật sự cảm ơn bố. Trước đây tôi không hiểu rõ được, luôn phàn nàn và nghĩ rằng bố không làm điều này, không làm điều kia cho tôi. Nhưng sau khi tham gia lần họp mặt đó, mới phát hiện rằng bố đã dành cho tôi rất nhiều điều quý giá; bởi vì bố đã thay đổi tôi từ một người vô lễ và thô lỗ trở nên hoàn toàn khác, một người tốt thật sự.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/1/7/我的父亲-380046.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/1/29/174800.html

Đăng ngày 16-03-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share