Bài viết của một đồng tu Pháp Luân Đại Pháp tại Trung Quốc

[MINH HUỆ 29-01-2019] Sau năm 1999, nhiều đồng tu rời khỏi Trung Quốc để thoát khỏi cuộc bức hại. Một số bị các đồng tu hải ngoại phê bình vì có “văn hóa đảng” mạnh, còn một số sau đó đã tính đến việc quay trở lại Trung Quốc. Họ cảm giác đất nước mới không như quê hương của họ.

Tôi không thể nói những đồng tu ấy đúng hay sai; tuy nhiên, tôi muốn chia sẻ những suy nghĩ của mình về vấn đề này.

Sư phụ đã giảng:

“Phật tính nhất xuất, chấn động thập phương thế giới” (Bài giảng thứ nhấtChuyển Pháp Luân)

Sư phụ dạy chúng ta rằng nếu một người muốn tu luyện thì các Đại Giác Giả sẽ giúp. Nếu các đồng tu có thể có từ bi như vậy với nhau thì tốt biết bao.

Chúng ta đều học từ cùng một Sư phụ và tu luyện cùng một Pháp. Chúng ta đều muốn chấm dứt cuộc bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc và giúp nhiều người hơn biết đến môn tu luyện. Như vậy, chúng ta cần phải trân quý và tôn trọng nhau vì những điểm tương đồng giữa chúng ta. Xung đột giữa các đồng tu chỉ là chuyện nhỏ để giúp chúng ta đề cao tâm tính. Do đó, chúng ta nên chỉ ra những thiếu sót của người khác bằng sự thông cảm và khoan dung.

Cùng một môi trường tu luyện

Nhóm học Pháp của khu vực chúng tôi tạo ra một môi trường tu luyện có thể được ví như lò luyện: trạng thái tu luyện của mọi người sẽ quyết định mức độ nóng của ngọn lửa.

Những đồng tu mới rời Trung Quốc có thể có nhiều văn hóa đảng hơn. Tuy nhiên, nếu lò luyện đủ sức nóng thì nó có thể lập tức làm tan chảy thứ văn hóa đó. Nếu chưa thể, nghĩa là chúng ta cần phải đề cao trạng thái tu luyện. Ai cũng đóng góp vào môi trường của mình, cho nên nó sẽ chỉ cải thiện nếu mọi người cùng hướng nội.

Còn nữa, chúng ta đều hy vọng có nhiều đồng tu hơn tham gia và các hạng mục. Tuy nhiên, tu luyện thật không dễ dàng, và người mới cũng sẽ mang tới những thách thức và khảo nghiệm cho mọi người trong hạng mục. Lò luyện sẽ chỉ đạt tới nhiệt độ cần thiết khi tất cả mọi người phối hợp với nhau như một chỉnh thể. Nếu lò luyện đủ nóng thì tâm tính của mọi người sẽ cùng đề cao khi các đồng tu khác tham gia vào môi trường ấy.

Giao tiếp hiệu quả và hướng nội là những điều trọng yếu trong tu luyện của mỗi đồng tu. Đổi lại, việc này sẽ ảnh hưởng trên diện rộng. Cuối cùng, khi giúp những người khác cũng chính là chúng ta đang giúp chính mình.

Vấn đề không thể thích nghi với một đất nước mới

Khi thích nghi với một nơi mới, điều quan trọng là người ta phải xả bỏ chấp trước vào bản thân.

Sư phụ giảng:

Lai khứ vô quải chích hữu Pháp
Vô danh vô lợi tâm vô tranh

Tạm dịch:

Đến và đi đều không mang gì, chỉ có Pháp
Không màng danh lợi [thì] tâm không tranh

(“Vân du”, Hồng Ngâm IV)

Hòa hợp vào một môi trường mới có thể khó khăn nếu chúng ta không ở trong Pháp và không buông bỏ chấp trước của bản thân. Những thói quen mà khi còn ở Trung Quốc không chú ý tới có thể lộ rõ ở những xã hội phi cộng sản. Hơn nữa, khi không xử lý thỏa đáng các mối quan hệ thì sẽ có thể hình thành rào cản.

Sư phụ giảng:

“Phóng hạ chấp trước khinh chu khoái”

Diễn nghĩa:

Vứt chấp trước xuống, thuyền nhẹ bơi nhanh
(“Tâm tự minh”, Tinh Tấn Yếu Chỉ II)

Mục đích của chúng ta là trợ Sư chính Pháp, bất kể là chúng ta ở đâu. Các đồng tu hải ngoại đã và đang trợ giúp Sư phụ và các đồng tu ở Trung Quốc Đại lục kể từ khi cuộc bức hại bắt đầu năm 1999. Khi hiểu điều này, chúng ta không nên tập trung vào việc họ đối xử thế nào với chúng ta khi tiếp xúc trực tiếp vì giữa chúng ta đã có quá nhiều điểm chung rồi.

Tôi không quan niệm là sống ở đâu thì đúng. Nhưng tôi biết né tránh là sai. Khó nhất vẫn là việc nhận ra vấn đề. Văn hóa đảng dễ lộ diện ở bên ngoài Trung Quốc Đại lục; cho nên sẽ dễ nhận diện và loại trừ nó hơn. Nếu một đồng tu từ bỏ việc sống ở nước ngoài và quay về Trung Quốc vì họ có thể cảm thấy nơi đó phù hợp hơn, nhưng chấp trước vào sự thoải mái sẽ vẫn còn đó. Chỉ có thông qua tu luyện tinh tấn mới có thể loại bỏ những đặc tính khó bỏ nhất của chúng ta.

Đừng để văn hóa đảng trở thành một chướng ngại

Vì chúng ta là đồng tu với nhau nên đừng chú ý đến những gì thấy ở bề mặt. Điều khó tránh khỏi là các đồng tu ở Trung Quốc Đại lục sẽ bị ảnh hưởng bởi văn hóa đảng. Nhưng sâu thẳm trong họ có lẽ là những trái tim vàng. Họ cần sự giúp đỡ của các đồng tu khác.

Các đồng tu từ Trung Quốc Đại lục không nên đổ lỗi cho các đồng tu hải ngoại bị họ phê bình. Các đồng tu hải ngoại không nên có thành kiến với đồng tu từ đại lục sang; chính là văn hóa đảng mới là thứ khiến họ khó chịu.

Văn hóa đảng không nên tồn tại trong môi trường tu luyện của chúng ta. Nếu nó ăn sâu vào chúng ta thì phải bị loại bỏ. Quá trình này có thể đau đớn và có thể có sự phản kháng, nhưng phải làm được thì chân ngã của chúng ta có thể hiển lộ. Chúng ta đã buông bỏ rất nhiều chấp trước rồi, vậy tại sao lại níu giữ những thứ mà thậm chí người thường cũng không chịu nổi?

Đâu cũng có thể là nhà

Tôi nghĩ tốt nhất là các đồng tu chuyển tới một đất nước mới hãy cố gắng hết sức để thích nghi. Các đồng tu là một chỉnh thể, và môi trường tu luyện nào cũng đáng quý. Nói cách khác, chúng ta nên đóng góp một cách tích cực vào bất cứ nơi nào chúng ta đến.

Có lẽ việc di cư là được định trước. Có thể là duyên nợ qua nhiều đời cần được giải quyết. Chúng ta không nên né tránh gánh nặng bằng cách tập trung vào những điểm thiếu hoàn thiện của môi trường mới. Viên dung những khuyết điểm đó là điều nên làm. Thêm nữa, miễn là có Pháp, chúng ta có thể làm cho nơi đâu cũng là nhà.

Như điều Sư phụ đã giảng:

“Ta đến xã hội người thường, giống như đến khách sạn, tá túc vài ngày, rồi vội rời đi”, (Bài giảng thứ chínChuyển Pháp Luân)

Kỳ thực, nói dễ hơn làm. Tôi hy vọng những suy nghĩ cá nhân của tôi có thể tác dụng đôi chút với những đồng tu ở trong những hoàn cảnh này.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/1/29/380981.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/3/2/176010.html

Đăng ngày 13-03-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share