Bài viết của Hòa Bình, một đệ tử Đại Pháp ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc

[MINH HUỆ 12-8-2018] Tôi hiện 77 tuổi và bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công trước ngày 20 tháng 7 năm 1999. Trước khi bước vào tu luyện, tôi đi lang thang từ nơi này đến nơi khác, kiếm sống nhờ xem bói và xem tướng số.

Tôi muốn chia sẻ một số kinh nghiệm của mình trong quá trình tu luyện. Trong cuộc sống hàng ngày, tôi cố gắng làm một người tốt qua việc chiểu theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn của Đại Pháp, và liên tục nhắc nhở bản thân rằng mình là một học viên, mình cần phải đề cao tâm tính trong các quan hệ xã hội.

Tu luyện chuyên nhất

Ngay sau khi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, thử thách đầu tiên của tôi là tu luyện chuyên nhất, vì vậy tôi đã quyết định bỏ nghề xem bói, và chuyển sang bán hàng rong.

Ban đầu mọi thứ rất khó khăn. Tôi không có tiền để bắt đầu, vì vậy các học viên khác đã cho tôi vay tiền. Tôi không có kinh nghiệm buôn bán nào. Làm thầy bói, tôi có thể dễ dàng kiếm được vài chục nhân dân tệ mỗi lần xem, nhưng khi bán hàng rong, có khi cả tuần tôi kiếm được số tiền thậm chí còn ít hơn thế.

Hơn nữa, tôi không có một vị trí cố định để bán hàng, vì chính quyền thành phố thường không cho phép bán hàng rong trên đường phố. Lúc đầu, tôi rất khó duy trì cuộc sống. Tôi sút vài cân trong một thời gian ngắn vì không thể mua đủ thức ăn. Mặc dù vậy, tôi đã không chán nản hoặc bỏ cuộc.

Một ngày, một nhóm người đưa cho tôi tờ một trăm đồng. Khi tôi vừa trả lại họ tiền thừa, họ liền bỏ chạy. Tôi nghi ngờ và lấy tờ tiền ra xem lại — hóa ra đó là tiền giả! Tôi buồn đến mức gần như bật khóc. Tôi phải kiếm sống bằng cách nào đây? Tôi tự nhủ: “Dù con đường có khó khăn thế nào đi chăng nữa, mình vẫn quyết định theo. Mình là một học viên và phải tự hành xử theo tiêu chuẩn của Đại Pháp.”

Sư phụ đã giảng:

“…Tôi nói rằng con người phải chịu khổ trong những cái khổ” (Chuyển Pháp Luân)

“Thực ra tôi thấy rằng khó hay không khó; đối với một người nào đó mà xét, một cá nhân hết sức phổ thông, vốn không muốn tu luyện, thì vị ấy sẽ thấy tu luyện quả thực là khó quá, không thể nghĩ bàn, không [thể] tu thành. Họ là người thường, họ không muốn tu luyện, thì họ sẽ thấy rất khó.” (Chuyển Pháp Luân)

Nhờ Sư phụ từ bi bảo hộ, tôi đã dần học được cách bán hàng. Bây giờ dù chính quyền thành phố không cho phép bán hàng rong trong vài ngày, tôi vẫn có dư tiền sinh hoạt.

Tôi đã không còn làm thầy bói kể từ khi bắt đầu tu luyện Đại Pháp. Mặc dù rất nghèo và phải sống trong một căn phòng đi thuê rất bé, nhưng tôi không cảm thấy khổ. Ngược lại, tôi thấy rất hạnh phúc vì luôn được Sư phụ từ bi chăm sóc.

Xem nhẹ lợi ích cá nhân

Một lần cách đây vài năm, chủ nhà của tôi khi thu tiền điện nói rằng tôi phải trả 500 nhân dân tệ. Tôi hỏi anh ấy: “Đồng hồ có sai không? Bình thường, tiền điện của tôi chưa đến 100 nhân dân tệ một năm.”

Anh ấy khó chịu và nói: “Tôi chỉ lấy đúng số tiền theo số điện đọc được trên đồng hồ.”

Tôi nghĩ rằng nếu mình tiếp tục như thế này chắc chắn sẽ có tranh cãi. Là một học viên, tôi phải vị tha. Đây không phải là việc ngẫu nhiên.

Sư phụ đã giảng:

“…Tất nhiên, những khó khăn và mâu thuẫn sẽ không được báo trước cho chư vị; [nếu] nói cho chư vị biết hết, thì chư vị còn tu gì nữa? Chúng sẽ không có tác dụng. Thông thường chúng đột nhiên xuất hiện, [như thế] mới có thể khảo nghiệm tâm tính con người, mới có thể làm cho tâm tính con người thật sự đề cao lên, coi xem có thể giữ vững tâm tính hay không, vậy mới có thể xem rõ được; do đó những mâu thuẫn xảy đến không hề tồn tại ngẫu nhiên.” (Chuyển Pháp Luân)

Tôi nghĩ: “Nếu đó không phải việc ngẫu nhiên, thì hẳn phải có lý do. Có lẽ kiếp trước tôi nợ anh ta thứ gì đó. Và chuyện này xảy ra cũng là việc tốt.” Vì vậy, tôi đã lập tức đưa tiền cho anh ấy.

Người nhà của anh ấy, cũng là một người thuê nhà, cũng ở đó. Người nhà anh ấy nói với tôi: “Anh ta làm thế là không đúng. Hãy yêu cầu anh ta lắp một đồng hồ điện mới.” Sau đó, chủ nhà đã thay cho tôi một đồng hồ mới, và vào cuối năm, tiền điện đúng là chưa đến 100 nhân dân tệ.

Người nhà anh ấy lại nói: “Ông quá tử tế. Ông nên yêu cầu anh ta trả lại tiền.”

Tôi đáp: “Bỏ qua đi. Có lẽ kiếp trước tôi nợ anh ấy.”

Khi chủ nhà đến thu tiền điện lần sau, anh ấy rất xấu hổ và nói: “Năm ngoái đúng là tôi đã thu quá tiền của ông. Lần tới tôi sẽ trừ cho ông 100 nhân dân tệ.”

Được các nguyên lý của Đại Pháp chỉ đạo, vấn đề đã được giải quyết một cách nhẹ nhàng. Nếu không tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, tôi sẽ không bao giờ hành xử theo cách này. Khi tôi còn làm nghề cũ lang thang nhiều nơi, đã gặp bao nhiêu sóng gió, nên không sợ gì hết; mặc dù không bắt nạt ai, nhưng khi ai bắt nạt tôi, tôi cũng đều ăn miếng trả miếng, quyết không nhường.

Đả bất hoàn thủ, mạ bất hoàn khẩu

Một ngày vào năm ngoái, một khách hàng cũ đã tìm tôi và chửi mắng tôi. Khi tôi hỏi anh ấy có chuyện gì xảy ra, anh nói rằng anh đã mua một cây kéo ở chỗ tôi thời gian lâu trước đây và bây giờ anh ta muốn lấy lại tiền, vì cây kéo không cắt được móng tay. Tôi nói: “Nó không phải để cắt móng tay.”

Đồng thời, tôi lấy ra năm nhân dân tệ đưa cho anh. Anh ấy lấy tiền và bỏ đi, vẫn tiếp tục chửi rủa. Tôi không nói gì cả.

Vài ngày sau, người đàn ông trở lại, đẩy tôi ngã, và vẫn chửi rủa. Có người giúp tôi đứng dậy, nhưng vì cú ngã nên chân tôi có một vết bầm lớn.

Một số người chứng kiến khuyên tôi nên im lặng và cứ để anh ta chửi. Những người khác khuyên tôi nên báo với cảnh sát, và một số khác khuyên tôi đưa anh ta đến bệnh viện.

Tôi không nói gì cả. Anh ta cầm cây kéo đi vòng quanh gian hàng của tôi, mắng chửi rằng hàng hóa của tôi là giả, và mọi người không nên mua bất cứ thứ gì từ tôi. Thấy không ai đáp lời, anh ta ném cây kéo xuống đất và giận dữ bỏ đi.

Sư phụ đã giảng:

“Trong tu luyện, khi đối xử với các mâu thuẫn cụ thể, khi người khác đối xử với chư vị không tốt, có thể có tồn tại hai loại tình huống: một là chư vị tại đời trước có thể đã đối xử không tốt với người ta; trong tâm chư vị thấy bất bình: ‘Cớ chi đối xử với tôi như vậy?’ Nhưng tại sao trước đây chư vị đối xử với người ta như thế? Chư vị nói rằng chư vị đâu có biết được lúc ấy, rằng đời này đâu liên quan gì với chuyện của đời kia; [suy nghĩ] thế không được. Còn có một vấn đề nữa, trong lúc mâu thuẫn, thì có động chạm đến vấn đề chuyển hoá nghiệp lực; do đó chúng ta khi đối xử [với trường hợp] cụ thể, cần phải có phong thái cao, chứ không như người thường” (Chuyển Pháp Luân)

Tôi nghĩ: “Anh ta đối xử tệ với tôi như thế này có lẽ là vì tôi đã xử tệ với anh ta trong kiếp trước. Nếu nợ anh ta, tất nhiên tôi cần phải trả.”

Sư phụ từ bi một lần nữa đã giúp tôi thiện giải một oán duyên từ tiền kiếp.

Nếu không tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, tôi sẽ không minh bạch đạo lý này và sẽ ngay lập tức đánh trả vì người thường chính là như thế.

Trên đây là chút kinh nghiệm của tôi trong quá trình tu luyện, nếu có điểm nào không đúng xin các đồng tu từ bi chỉ rõ!


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/8/12/371454.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/9/19/171951.html

Đăng ngày 10-10-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share