Bài viết của Lý Tĩnh Phi, phóng viên báo Minh Huệ
[MINH HUỆ 21-7-2018] Tối ngày 19 tháng 7 năm 2018, các học viên Pháp Luân Công ở miền Đông Hoa Kỳ đã tổ chức một buổi thắp nến trước Đài Tưởng niệm Washington để tưởng niệm các học viên đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tra tấn đến chết.
Cuộc bức hại của ĐCSTQ đã diễn ra 19 năm. Các học viên không ngừng kêu gọi chấm dứt cuộc bức hại này.
Lễ thắp nến tổ chức trước Đài Tưởng niệm Washington vào tối ngày 19 tháng 7 năm 2018
Thắp nến tưởng niệm trước Đài Tưởng niệm Washington
Vào 8 giờ tối, khi phía chân trời tràn ngập ánh hoàng hôn, cũng là lúc các học viên Pháp Luân Công ngồi tĩnh lặng trên thảm cỏ trước Đài Tưởng niệm Washington. Họ cầm di ảnh của một số học viên đã qua đời trong cuộc bức hại của ĐCSTQ.
Trong tiếng nhạc trầm lắng, các học viên thắp nến để tỏ lòng tiếc thương và kính ngưỡng. Ngay hàng đầu tiên là tấm biểu ngữ mang thông điệp bất di bất dịch của họ trong suốt 19 năm qua – chấm dứt cuộc bức hại Pháp Luân Công.
Khung cảnh yên bình và trang nghiêm đã thu hút rất nhiều du khách đi ngang qua, khiến họ dừng chân, lắng nghe các học viên giải thích về cuộc bức hại chưa từng có mà họ đã trải qua.
Từ khi cuộc bức hại bắt đầu vào ngày 20 tháng 7 năm 1999, đến nay có ít nhất 4.236 học viên Pháp Luân Công được ghi nhận là bị ĐCSTQ tra tấn đến chết. Con số thực tế có thể cao hơn rất nhiều [nhưng chưa tiếp cận được] vì sự kiểm duyệt thông tin của ĐCSTQ.
Giáo sư của Đại học Khoa học Chính trị và Pháp luật Trung Quốc: Hành xử theo Chân – Thiện – Nhẫn
Ông Du Triệu Hoa và bà Vương Lộ Nhuy cầm nến trong suốt lễ thỉnh nguyện. Ông Du là giáo sư triết học tại Trường Nhân văn của Đại học Khoa học Chính trị và Pháp luật Trung Quốc, và là người hướng dẫn luận án tiến sỹ.
Vợ ông, bà Vương Lộ Nhuy, trước đây là một nhân viên hành chính tại Khoa Cán bộ Hưu trí của Bệnh viện Thiên Đàn Bắc Kinh. Họ còn nhớ rất rõ áp lực nặng nề của gia đình mình khi cuộc bức hại bắt đầu vào ngày 20 tháng 7 năm 1999.
Học viên Du nói: “Đảng Cộng sản Trung Quốc đàn áp Pháp Luân Công. Chúng tôi cảm thấy tu luyện Pháp Luân Công không có gì sai cả. Hai vợ chồng tôi đã đưa con tôi đến Quảng trường Thiên An Môn để trưng biểu ngữ Pháp Luân Công. Sau đó, tôi bị giam giữ và bị đình chỉ giảng dạy.”
“Rồi trường đại học lên kế hoạch đưa tôi vào một trung tâm tẩy não. Tôi buộc phải rời nhà để tránh bị bức hại. Con tôi còn nhỏ, cha mẹ tôi cũng đã ngoài 70, 80 rồi. Tôi buộc phải sống nay đây mai đó. Tâm trạng tôi lúc ấy hết sức nặng nề, còn gia đình tôi phải chịu áp lực to lớn.”
Vợ ông Du cũng bị bắt, giam giữ và cầm tù hơn 10 lần chỉ vì bà kiên định vào tu luyện Pháp Luân Công.
Học viên Du nói: “Cho dù phải bị bức hại thế nào đi nữa, và có phải trải qua gian nan đến đâu, chúng tôi vẫn luôn hành xử theo Chân – Thiện – Nhẫn, bởi vì tôi thấy trở thành người tốt hơn thì không có gì sai cả.”
Thắp nến để bày tỏ lòng thương tiếc
Bà Vương Xuân Vinh cầm nến để tưởng niệm học viên Tôn Liên Hà, trước bà là di ảnh của bà Tôn
Bà Vương Xuân Vinh đã trào nước mắt khi cầm nến. Trước bà là di ảnh của học viên đã qua đời, Tôn Liên Hà. Bà Vương cho biết bà đã tới thăm bà Tôn khi bà đang trong tình trạng nguy kịch vì bị lính canh tra tấn tại một trại lao động cưỡng bức. Khắp người bà Tôn đầy những vết thương và bầm tím.
Học viên Tôn là bác sỹ ở Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc. Trước khi tu luyện Pháp Luân Công, bà có rất nhiều bệnh tật, nhưng bà đã khỏe trở lại sau khi tu luyện pháp môn này. Những người biết bà Tôn đều ca ngợi bà là một bác sỹ tận tâm và tốt bụng.
Bà Tôn bị bắt vào mùa thu năm 2000 trên đường tới Bắc Kinh để nâng cao nhận thức về cuộc bức hại của ĐCSTQ. Sau khi bị tống giam vào Trại Lao động Cưỡng bức Đại Liên, bà đã tuyệt thực để phản đối việc giam giữ này. Bà bị tra tấn đến chết vào ngày 16 tháng 1 năm 2001. Cai trại liên tục tra tấn bà, hai tiếng sau khi họ ngừng tra tấn thì bà qua đời.
Cô Từ Hâm Dương tưởng niệm cha mình là ông Từ Đại Vy
Học viên Trì Lệ Hoa và con gái Từ Hâm Dương, ở hàng đầu, tay cầm nến, mắt lưng chòng. Chồng của bà Trì là ông Từ Đại Vy, bị bắt vì in ấn tài liệu giới thiệu Pháp Luân Công, và bị kết án tám năm tù giam. Khi được thả ra vào năm 2009, ông Từ chỉ còn da bọc xương và mất khả năng nhận biết. Thân thể ông đầy những vết thương và sẹo. Ông đã qua đời sau 13 ngày được thả.
Anh Eric Blews cầm một bức hình của ông Từ Đại Vy
Sau khi anh Eric Blews nghe được câu chuyện của người mẹ và con gái, anh in một tấm áp phích lớn của ông Từ Đại Vy và mang nó đến buổi thắp nến tưởng niệm. Eric nói rằng câu chuyện của ông Từ làm anh xúc động và anh muốn giúp nâng cao nhận thức về cuộc bức hại của ĐCSTQ.
Cô Kery Nunez đưa ba con đến tham gia lễ thắp nến tưởng niệm. Cô nói: “Hôm nay là ngày cuộc bức hại Pháp Luân Công đã diễn ra đúng 19 năm. Chúng tôi tưởng nhớ những học viên Pháp Luân Công đã bị bức hại đến chết ở Trung Quốc.”
“Tôi muốn các con tôi hiểu được chuyện gì đang xảy ra trong thế giới này. Tại Trung Quốc, học viên Pháp Luân Công bị bức hại chỉ vì đức tin của họ. Việc trẻ nhỏ tham gia sự kiện này và ủng hộ công lý có ý nghĩa quan trọng.”
Du khách tìm hiểu về Pháp Luân Công
Đài Tưởng niệm Washington là một điểm du lịch nổi tiếng, liên tục thu hút hàng đoàn du khách đến từ khắp nơi trên thế giới. Nhiều du khách đã chụp ảnh buổi thắp nến của các học viên Pháp Luân Công bằng điện thoại di động.
Ông bà Mortens đến từ Đan Mạch chụp ảnh trong khung cảnh lễ thắp nến tưởng niệm
Ông bà Mortens đến từ Đan Mạch. Ông Morten cho biết họ mới vừa từ sân bay tới và đang đi dạo quanh Đài Tưởng niệm. Đây là lần đầu tiên họ nghe nói đến Pháp Luân Công. Họ đã sốc khi biết đến cuộc bức hại tàn bạo ở Trung Quốc suốt 19 năm qua.
Du khách Rephaela Steinau đến từ Đức
Cô Rephaela Steinau, một du khách đến từ Đức, đã nán lại hồi lâu gần lễ thắp nến tưởng niệm. Cô nói trong nước mắt: “Khung cảnh này thật cảm động. Tôi thực sự xúc động.” Cô cho biết cô và chồng sinh sống tại một thành phố nhỏ ở Đức. Chuyến đi tới Washington DC này là để mừng sinh nhật lần thứ 50 của chồng cô.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/7/21/371355.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/7/22/171215.html
Dịch ngày 25-07-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.