Bài viết của Chính Tín

[MINH HUỆ 30-4-2018] Khi Pháp Luân Công bị cấm ở Trung Quốc vào năm 1999, hàng chục triệu học viên thuộc mọi tầng lớp xã hội đang tu luyện pháp môn này. Trong bài báo này, chúng tôi điểm lại câu chuyện của hai kỹ sư tài năng và làm thế nào mà họ duy trì được đức tin trong cuộc bức hại suốt 19 năm ròng.

Ông Vương Trung Minh

Ông Vương Trung Minh là kỹ sư cao cấp ở Tập đoàn Công nghệ luyện thép CISDI Trung Quốc.

Một tuổi thơ bất hạnh

Ông Vương sinh năm 1965, là con út trong một gia đình nhà giáo. Chẳng bao lâu sau khi ông ra đời thì cuộc Cách mạng Văn hóa diễn ra và cha mẹ ông đều bị bắt nhốt vào “chuồng bò”- kiểu nhà giam lúc bấy giờ dành cho các đối tượng là tầng lớp trí thức, mục tiêu chính của Hồng Quân. Các anh trai ông lần lượt bỏ học. Người anh cả không còn cách nào khác ngoài việc đem ông, lúc ấy còn là đứa trẻ sơ sinh về vùng quê, nơi mà người anh thứ vốn được học hành đầy đủ lại phải để những người nông dân cải tạo.

Sau khi bố ông ra tù, mỗi tuần cậu bé Trung Minh cùng bố phải đi bộ cả chục dặm để thăm mẹ vẫn đang bị giam. Khi Vương 10 tuổi thì bố qua đời. Chỉ khi cuộc Cách mạng Văn hóa kết thúc vào năm 1976 thì cuộc sống của ông mới quay trở lại bình thường.

Viêm gan B đeo bám

Hoàn cảnh tuổi thơ cơ cực và lối sống giản dị đã nuôi dạy Vương thành một người khiêm tốn và tốt bụng. Ông rất thích đi học và luôn đứng đầu lớp. Ông thi vào đại học Trùng Khánh và nhờ thành tích xuất sắc nên được tuyển thẳng vào chương trình học thạc sỹ mà không cần trải qua thi tuyển.

Ông Vương tốt nghiệp Thạc sỹ Kỹ thuật năm 1989 và đã được Viện Nghiên cứu và Thiết kế sắt thép Trùng Khánh (tiền thân là Tập đoàn Công nghệ luyện thép Trung Quốc), chuyên thực hiện các dự án nghiên cứu khoa học và công nghệ kỹ thuật, tuyển dụng.

Khi đang cống hiến tài năng và tay nghề cho các dự án thì bác sĩ chẩn đoán ông Vương mắc bệnh viêm gan B và hoàn toàn không có cách điều trị. Tin khủng khiếp này làm đảo lộn cuộc sống của ông Vương. Ông cảm thấy tuyệt vọng và thấy như không thể tiếp tục làm việc để thực hiện những ước mơ của mình nữa.

Ông Vương sụt cân nhanh chóng khi bệnh tình xấu đi. Ông thường cảm thấy chóng mặt và buồn nôn. Trong bảy năm, ông đã phải nhập viện ba lần, đã thăm khám nhiều bác sĩ và thử cả Đông lẫn Tây y. Ông cũng thử tập qua khí công nhưng cũng không giúp được gì. Mặc dù đã kết hôn nhưng ông không thể có con vì e rằng căn bệnh sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con cái.

Một lần nọ ông Vương nhập viện mà không được hưởng chương trình bảo hiểm sức khỏe của công ty. Sau khi ra viện, đơn vị công tác từ chối hoàn trả chi phí điều trị y tế.

Mẹ ông đã năn nỉ giám đốc đơn vị công tác xem xét cho trường hợp của con bà là ngoại lệ. Đơn vị công tác đã hoàn trả lại chi phí điều trị cho ông, và cũng từ đó vị giám đốc luôn nhớ đến Vương Trung Minh như kiểu “một nhân viên trẻ tuổi mà hay ốm đau.”

Những thành tích vượt trội

Ông Vương đã phải đấu tranh với bệnh viêm gan B suốt tám năm. Trong chuyến đi đến Thượng Hải năm 1996, ông đã biết đến Pháp Luân Công. Ngay sau khi bắt đầu tập luyện các bài công pháp, sức khỏe của ông đã được cải thiện rõ rệt; tất cả triệu chứng viêm gan B hoàn toàn biến mất. Vài tháng sau, gia đình và bạn bè đều kinh ngạc khi thấy ông tràn đầy sức sống.

Câu chuyện cuộc đời ông Vương đã lật sang trang mới. Hai vợ chồng có một đứa con năm 1997 và ông Vương được vinh danh vì những thành tích xuất sắc.

Lãnh đạo và đồng nghiệp đều đánh gia cao đóng góp của ông. Ông Vương được trao giải thưởng “Nhân viên gương mẫu bốn năm liền” và câu chuyện về ông được đăng trên bản tin chính của công ty.

Hướng nội để giải quyết mâu thuẫn gia đình

Khi vợ ông Vương sinh con, mẹ ông đến ở để phụ chăm cháu. Trong thời gian đó, mẹ chồng và nàng dâu đã nảy sinh những xung đột. Khi vợ ông than phiền với ông về mẹ chồng, ông Vương chân thành trả lời: “Có lẽ anh đã làm điều gì đó không tốt. Chắc hẳn là tại anh rồi. Không có chuyện gì là ngẫu nhiên cả. Anh chắc hẳn đã thiếu sót chỗ nào đó. Đừng lo, anh hứa sẽ cải thiện.”

Vợ ông hết sức kinh ngạc vì bà không nghĩ ông lại tự xét lỗi bản thân mình trong khi bà mới là người mâu thuẫn với mẹ ông. Sau đó, mọi oán trách đều tiêu tan và dần dần bà càng thêm kính trọng chồng cùng Pháp Luân Công.

Pháp Luân Công không những chữa lành bệnh tật mà còn nâng cao tiêu chuẩn đạo đức cũng như tâm tính của ông Vương. Những mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu trong nhà ông dần tan biến.

Vợ ông cũng trở thành học viên Pháp Luân Công. Hai vợ chồng bắt đầu tuân theo nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn và cùng nhau tu luyện. Khi mâu thuẫn xảy ra, họ sẽ hướng nội tìm thiếu sót của bản thân. Cả gia đình lại chung sống hòa hợp.

Tai nạn ngộ độc thực phẩm.

Năm 1999, trong một chuyến công tác ngoài tỉnh cho dự án luyện kim, cả nhóm trừ ông Vương đều xuất hiện triệu chứng ngộ độc hải sản và phải nhập viện. Đồng nghiệp tỏ ra kinh ngạc khi biết chỉ duy nhất ông Vương là không việc gì.

“Tại sao anh ấy vẫn khỏe mạnh được?”, họ hỏi, “Thức ăn nhiễm độc cũng chẳng thể hại đến anh ấy. Có phải vì anh ấy tu luyện Pháp Luân Công không nhỉ? Pháp Luân Công quả thực phi thường?”

Lúc đó phương tiện truyền thông Trung Quốc do chính phủ kiểm soát bắt đầu tuyên truyền, lăng mạ Pháp Luân Công. Tuy nhiên, sự việc này khiến các đồng nghiệp của ông phải suy nghĩ, và họ bắt đầu nghi ngờ tính chính xác của những lời tuyên truyền. Nhiều người trong số họ vẫn còn nói về việc ấy.

Về sau, phó chủ tịch công ty, người cũng tham gia trong nhóm đi công tác trò chuyện với ông Vương. “Pháp Luân Công có chuyện gì vậy? Tại sao Giang Trạch Dân (cựu chủ tịch Đảng Cộng sản Trung Quốc) lại muốn đàn áp các học viên Pháp Luân Công?”

Ông Vương không biết phải giải thích câu hỏi của phó chủ tịch thế nào, nên ông bảo: “Tôi có thể đưa ông cuốn Chuyển Pháp Luân, và tự ông sẽ đánh giá cuốn cách này thế nào?”

Hai tuần sau, vị phó chủ tịch trả lại cuốn sách và bảo: “Tôi đã đọc. Pháp Luân Công không có gì sai cả. Anh có thể tiếp tục tu luyện.”

Người đồng nghiệp tốt bụng

Công ty thăng chức cho ông Vương lên làm kĩ sư cao cấp, mặc dù tuổi đời của ông vẫn còn quá trẻ để được đề bạt như thế. Ông không phụ sự kỳ vọng của mọi người và đóng vai trò chính yếu trong hàng loạt dự án trong nước lẫn quốc tế. Ông cũng không bao giờ nhận tiền hoa hồng cho những đóng góp vào thành công của dự án.

Thêm vào đó, ông cũng từ chối nhận quà từ các nhà cung cấp và nghiêm khắc tuân thủ nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn.

“Vì là một học viên Pháp Luân Công, tôi sẽ không bao giờ làm gì vi phạm nguyên lý ‘Chân – Thiện – Nhẫn’ trong đức tin của tôi,” ông bảo.

Ông Vương luôn đối xử chân thật và bình đẳng với mọi người. Ông giúp đỡ bất kỳ ai, cho dù đó là bà con, bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm hay người vú em. Ai có khó khăn thì ông đều giúp đỡ mà không phân biệt sang hèn.

Đồng nghiệp của ông Vương bị tai nạn xe hơi. Ông Vương đã tình nguyện lái xe đưa người này đi làm và chở về mỗi ngày trong hơn một năm. Ông cho người nghèo tiền để họ vượt qua thời gian khó khăn. Ông mời những bà cụ neo đơn đến nhà để mừng năm mới cùng gia đình mình. Khi họ về nhà, ông luôn tặng họ những túi quà Tết.

Ông Vương luôn giữ vững tín niệm cả ở chỗ làm hay trong cuộc sống hàng ngày. Ông thực hành nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn và đồng nghiệp lẫn hàng xóm đều vô cùng kính nể ông.

Ông Trương Vạn Vũ

Từ khi còn nhỏ, Trương Vạn Vũ đã có thể trạng yếu ớt. Lớn lên, ông mắc nhiều bệnh như thần kinh bị suy nhược, viêm xoang, bệnh tim, lao phổi, đau dạ dày, phong thấp, viêm ruột thừa mãn tính, viêm mạch máu ở bụng, mất ngủ và viêm khớp.

Ông uống hàng chục viên thuốc mỗi ngày và thường xuyên phải nhập viện. Vì sức khỏe yếu nên ông Trương đặc biệt lưu tâm đến các tin tức về thuốc men. Khi một loại thuốc mới ra, ông sẽ lập tức thử ngày. Đồng nghiệp thường trêu ông rằng nhà của ông là trung tâm kiểm nghiệm thuốc.

Tuy nhiên, không thuốc men nào có thể chữa lành những căn bệnh của ông Trương. Trái lại, tác dụng phụ của thuốc còn khiến ông mang bệnh khác. Mùa hè năm 1996, ông mắc thêm chứng đau lưng khủng khiếp. Đau đớn đến mức ông chẳng thể nào chợp mắt.

Nhà máy nơi ông công tác làm ăn không tốt nên họ không trả lương cho ông và cũng không có bảo hiểm y tế.

Không tìm ra căn nguyên của cơn đau nên bác sĩ cũng không thể kê thuốc cho ông.

Năm 1996, vài ngày trước Tết Nguyên Đán, ông Trương nhận được cuốn Chuyển Pháp Luân từ một người bạn. Khi đọc sách, ông cảm tưởng như cuốn sách đang nói chuyện với mình và tất cả những thắc mắc về cuộc đời đều được giải đáp.

Ông hiểu rằng con người bị bệnh chính vì họ đã tạo nghiệp chồng chất. Nếu muốn thoát khỏi vòng bệnh tật thì phải trở thành người tốt, biết đặt người khác lên trước bản thân và không hãm hại người. Ông biết rằng chỉ sau khi hoàn trả nợ nghiệp đã tạo thì bản thân mới có thể hết bệnh.

Sau khi hiểu điều này, ông Trương rất hứng khởi và tràn đầy hi vọng.

Ông lập tức bảo vợ: “Công pháp này quả thật tuyệt diệu. Em có muốn luyện với anh không?”

Vợ ông đồng ý ngay và cả hai bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công. Hai vợ chồng đều nghiêm khắc tuân thủ nguyên lý Chân –Thiện Nhẫn và dần trở nên “vô bệnh”.

Ông Trương không uống viên thuốc nào trong hơn 20 năm qua. Khi sức khỏe được cải thiện, ông đã có nhiều nỗ lực trong công việc. Kinh tế gia đình đã được cải thiện đáng kể như chính tiêu chuẩn đạo đức của ông.

Ông Trương làm việc trong bộ phận kỹ thuật của nhà máy và tham gia vào việc phát triển sản phẩm. Ông thường đi công tác đến Thượng Hải, Thiên Tân và Bắc Kinh để mua vật tư.

Mặc dù hối lộ là phạm pháp ở Trung Quốc, nhưng người ta vẫn thường tận dụng các kẻ hở của luật pháp. Các nhà cung cấp sẽ chi trả các khoản chi phí cá nhân và mời ăn uống miễn phí nhằm đảm bảo quan hệ đối tác kinh doanh. Ông Trương luôn từ chối làm theo bất cứ việc gì trái pháp luật và rất thận trọng với những gì không rõ ràng khi làm việc với các đối tác.

Pháp Luân Công đã giúp ông khai mở trí huệ. Năm 1998, Sở công nghiệp Máy móc và Điện tử tỉnh Cát Lâm trao tặng ông Trương danh hiệu “Cá nhân xuất sắc trong lĩnh vực phát triển sản phẩm mới”.

Tháng 7 năm 1999, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) khởi xướng cuộc đàn áp thảm khốc Pháp Luân Công. Những người tốt như Vương Trung Minh và Trương Vạn Vũ đã chịu đựng bức hại gần 20 năm.

Tháng 9 năm 2017, vì kiên định vào đức tin của mình mà ông Vương bị bắt và giam giữ phi pháp. Ông Trương đã bị nhà máy sa thải và liên tục chịu quấy nhiễu.

Bối cảnh

Pháp Luân Công lần đầu tiên được truyền ra công chúng vào năm 1992. Gần 100 triệu người trên khắp Trung Quốc mau chóng bước vào tu luyện sau quá trình trải nghiệm những cải biến cả về sức khỏe lẫn tâm tính. Giang Trạch Dân, cựu Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), nhìn nhận sự phát triển ngày càng rộng của pháp môn này như là một mối đe dọa với hệ tư tưởng vô thần của ĐCSTQ và đã ban hành lệnh cấm Pháp Luân Công vào ngày 20 tháng 7 năm 1999.

Minh Huệ Net đã xác định những cái chết của hàng ngàn học viên Pháp Luân Công trong cuộc bức hại suốt 18 năm qua; con số thực tế được cho là lớn hơn nhiều. Nhiều người bị cầm tù và tra tấn chỉ vì đức tin của họ. Bằng chứng cho thấy ĐCSTQ đã thu hoạch nội tạng từ những học viên bị giam giữ, họ bị giết hại trong thời gian giam giữ và bị biến thành nguồn cung nội tạng cho ngành công nghiệp ghép tạng.

Dưới sự chỉ đạo cá nhân của Giang, ĐCSTQ đã thành lập một cơ quan an ninh ngoài vòng pháp luật, “Phòng 610”, với quyền hạn vượt trên lực lượng công an và hệ thống tư pháp, với nhiệm vụ chuyên biệt là bức hại Pháp Luân Công.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/4/30/364464.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/6/1/170615.html

Đăng ngày 27-6-2018; Bản dịch có thể được chỉnh sửa trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share