Bài của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc

[MINH HUỆ 11-4-2018] Trong nhóm học Pháp của chúng tôi có một số học viên trẻ không thường xuyên gặp nhau do lịch học ở trường. Chúng tôi thường tập trung các cháu vào kỳ nghỉ hè và nghỉ đông để chúng có thể học Pháp và chia sẻ cùng nhau.

Nhiều em trong số đó tuy còn trẻ, nhưng lại có nhiều điều khiến chúng tôi có thể học hỏi trong tu luyện cá nhân và chứng thực Pháp. Tôi muốn chia sẻ về một vài em như vậy.

1. Cô bé nhút nhát đứng lên phản đối những lời phỉ báng trước cả lớp

Em Tống sinh năm 2002. Cha mẹ em bị đàn áp vì tu luyện Pháp Luân Công và em đã chịu khổ rất nhiều từ khi còn nhỏ. Tất cả các khổ nạn dường như không làm em sợ hãi, mà thay vào đó, sự thần thánh và vĩ đại của Đại Pháp đã bén rễ sâu trong tim em.

Do cuộc bức hại, gia đình Tống gặp khó khăn về tài chính. Em thường phải mặc một chiếc áo trong vài ngày mà không thay. Các bé gái xung quanh em thường có quần áo mới và chủ đề mà chúng thường bàn với nhau là về quần áo, thời trang và phong cách thiết kế. Tuy nhiên, Tống chưa bao giờ cảm thấy thua kém.

Một người bạn tốt của Tống từng hỏi em: “Sao cậu thường chỉ mặc mỗi một chiếc áo thế?”

Em trả lời: “Miễn là áo của mình sạch, mình không thấy cần phải thay nó thường xuyên.”

Khi em kể việc này với mẹ, mẹ em hỏi em có cảm thấy khó chịu không. Em trả lời: “Đức Phật Thích Ca Mâu Ni từng là một hoàng tử và ông đã từ bỏ vinh hoa phú quý để xuất gia chịu khổ. Chút khổ của con không là gì cả.”

Một ngày khi em đang học trung học, một giáo viên quyết định nói về “tà giáo”. Tim của Tống gần như nhảy ra khỏi lồng ngực khi em nghĩ rằng cô giáo sẽ phỉ báng Pháp Luân Đại Pháp.

Đúng như em dự đoán, giáo viên đã làm điều đó.

Tống lập tức đứng dậy và ngắt lời giáo viên: “Pháp Luân Công không giống như những gì cô nói.” Với giọng đứt quãng, Tống nói về hiểu biết của em và vụ tự thiêu ở Thiên An Môn. Khuôn mặt của em đỏ bừng lên suốt khoảng thời gian đó.

Em nói: “Em không có thời gian để suy nghĩ. Ngay khi nghe được những lời phỉ báng Đại Pháp, em đã bị tổn thương.” Em đã muốn mình có thể giải thích rõ hơn, nhưng em cảm thấy một số học sinh đã bị xúc động trước những gì em nói.

2. Chúng ta không nên trở thành công cụ tuyên truyền của ĐCSTQ

Em Tâm 16 tuổi, trở thành học viên vào năm 2015. Cha mẹ em đều là học viên. Em tinh tấn chiểu theo các Pháp lý, đến mức mà nhiều học viên lâu năm cũng phải ngạc nhiên.

Việc học ở trường rất áp lực nhưng Tâm học rất tốt. Nếu có thời gian rảnh rỗi, em sẽ tham gia học Pháp cùng chúng tôi. Em hiếm khi lãng phí thời gian vào trò chơi điện tử và Internet như những đứa trẻ khác.

Khi mâu thuẫn nảy sinh giữa em và các bạn cùng lớp, em sẽ tự ước thúc bản thân dựa trên Pháp:

“…là một người luyện công, thì cần làm được ‘đả bất hoàn thủ, mạ bất hoàn khẩu’” (Chuyển Pháp Luân)

Không lâu sau khi Tâm trở thành một học viên, giữa em và một bạn cùng lớp xảy ra tranh cãi. Bạn cùng lớp đã nói điều gì đó khiến Tâm cảm thấy rất xúc phạm và em định đánh lộn.

Đột nhiên tâm trí em trống rỗng và những lời của Sư phụ hiện lên:

“Khi chúng ta gặp phải những chuyện phiền phức như thế, thì [chúng ta] không được giống như người ta mà tranh mà đấu. Họ làm sao, chư vị cũng làm vậy, thì chư vị chẳng phải người thường là gì?” (Chuyển Pháp Luân)

Tâm bình tĩnh lại và nói lời xin lỗi. Chúng nhanh chóng cải thiện quan hệ.

Tâm thường đọc các tài liệu giảng chân tướng và biết rất nhiều về Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Khi em học lớp 7, trường của em đã tổ chức một cuộc thi hát để ca ngợi ĐCSTQ. Tệ hơn là Tâm được chọn giữ vai trò hát chính trong lớp. Em rất miễn cưỡng và lo lắng. Những ngày đó, em phải thường xuyên phát chính niệm.

Một ngày, một vài bạn hát chính đột nhiên nêu ra chủ đề cho rằng bài hát được chọn đã quá lỗi thời. Tâm nhân cơ hội đó đề xuất: “Hãy hát bài nào đó không ca ngợi Đảng đi!”

Họ đến gặp giáo viên và trước sự ngạc nhiên của em, giáo viên đã đồng ý đổi bài. Tâm kết luận: “Khi xảy đến những việc như thế này, niệm của chúng ta phải chính. Chúng ta không nên trở thành công cụ tuyên truyền cho ĐCSTQ.”

3. Kiên quyết từ chối gia nhập Đoàn

Cha mẹ của Đông Phương đều là học viên. Em tu luyện từ khi còn rất nhỏ và bây giờ đã là sinh viên đại học. Em luôn ngồi tư thế song bàn với hai tay cầm sách khi học Pháp.

Khi còn học trung học, giáo viên yêu cầu mọi người trong lớp gia nhập Đoàn Thanh niên Cộng sản. Đông Phương nói với giáo viên rằng em không muốn tham gia. Giáo viên giải thích với em rằng đó là quy tắc của nhà trường.

Đông Phương đã không nhượng bộ. Em nói: “Gia nhập hay không là lựa chọn của em. Em không muốn.”

Giáo viên của em mất kiên nhẫn: “Đó không phải là việc em có thể tự quyết định. Mọi người đều phải tham gia. Em ra ngoài ngay.“

Đông Phương không có ý định rời đi. Em nhìn chằm chằm vào giáo viên và nói rõ từng từ: “Em chỉ đơn giản là không muốn tham gia.”

Giáo viên đã choáng váng trước hành vi của em. Một giáo viên khác gần đó đã đến giải cứu và nói: “Nếu học sinh không muốn tham gia, thì hãy để vậy đi. Hẳn em ấy phải có lý do. Đừng ép em ấy tham gia.”

Và Đông Phương là học sinh duy nhất trong lớp không gia nhập Đoàn.

4. Kiên quyết muốn theo dì

Huệ năm nay 18 tuổi và em trông thật thanh lịch và xinh đẹp. Trong xã hội thoái hóa về mặt đạo đức này, sinh viên đại học không còn thuần khiết như trước đây. Tuy nhiên, Huệ đã giữ mình theo các tiêu chuẩn của Pháp và không bị cuốn theo dòng xoáy xã hội.

Dì của Huệ là một học viên. Khi em còn nhỏ, Huệ luôn bám theo dì và liên tục cùng dì học Pháp. Khi được hỏi liệu xã hội hiện đại có tác động tiêu cực đến em hay không, em nghĩ là không.

“Em đã được học Đại Pháp từ rất sớm. Các Pháp lý đã bén rễ sâu trong tâm em. Em không hứng thú với bất kỳ cám dỗ nào trong xã hội.” Thường thì nói dễ hơn làm. Nếu không có cơ sở nhận thức Pháp vững chắc, sẽ rất khó để làm được điều này.

Lúc Huệ được khoảng năm tuổi, dì của em chuẩn bị rời nhà em, nhưng Huệ đã đuổi theo dì. Khi mẹ của Huệ ngăn em lại, em nói với mẹ: “Con đáng lẽ không được sinh ra trong gia đình này. Con muốn đi theo dì.”

Nhiều học viên trẻ có thể tu tốt, chứng thực Pháp tốt trong thế giới người thường này nhờ nhiều năm liên tục học Pháp và đồng hóa với Pháp.

Cũng có những học viên trẻ dần xa rời Pháp khi chúng lớn lên và bị mê lạc trong thế gian con người. Nhiều em đã bại hoại về mặt đạo đức.

Tôi hy vọng các học viên lâu năm sẽ chú ý nhiều hơn đến các học viên trẻ xung quanh mình và khích lệ các em học Pháp nhiều hơn, và bước đi cho tốt trên con đường tu luyện.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/4/11/363065.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/4/26/169493.html

Đăng ngày 14-5-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share