Bài viết của một học viên bên ngoài Trung Quốc Đại lục
[MINH HUỆ 27-3-2018] Một sự việc xảy ra gần đây đã tác động đến tâm tính của tôi; sự việc nhỏ nhưng phản ánh vấn đề lớn của bản thân tôi.
Gia đình chúng tôi phụ trách tổ chức điểm luyện công tại địa phương và in ấn các tài liệu Pháp Luân Đại Pháp để sử dụng tại các điểm du lịch. Chúng tôi đã rời bỏ trách nhiệm này vào cuối năm ngoái.
Tuy nhiên, chúng tôi đã quyết định in thêm tài liệu trong trường hợp bị thiếu sau khi các trách nhiệm được chuyển giao. Chúng tôi đã in 40.000 bản tài liệu thay vì tối đa 20.000 bản như trước đó. Phải mất hơn một tháng các học viên địa phương mới có thể dùng hết tất cả số tài liệu chúng tôi đã in, vì vậy mà một số học viên đã chỉ trích chúng tôi.
Trong một buổi họp, điều phối viên của Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp địa phương đã nhận xét về lượng lớn tài liệu chúng tôi in. Ông lo ngại việc chúng tôi làm có thể dẫn đến lãng phí. Ông cũng nói rằng nội dung in chưa được phê duyệt trước. Thậm chí ông còn nói rằng chúng tôi đã bỏ qua quy trình phê duyệt qua việc viện lý do là vị học viên phụ trách in ấn không biết tiếng Trung.
Ban đầu, vợ chồng tôi rất buồn sau khi nghe những nhận xét của ông. Chúng tôi nghĩ rằng mình đã không lãng phí bất cứ điều gì. Ngoài ra, nội dung được lấy từ Minh Huệ và không cần phải phê duyệt trước. Hơn nữa, các thông số in ấn đã được dịch sang tiếng Trung và giải thích cho điều phối viên. Với những lý do này, chúng tôi cảm thấy vô cùng khó chịu.
Tôi đã nghĩ đến việc cởi mở làm rõ vấn đề này trong nhóm hoặc thảo luận với điều phối viên. Tuy nhiên, trong thâm tâm, tôi biết mình không cần phải làm bất cứ điều gì trên bề mặt cả. Không có gì xảy ra với người tu luyện là ngẫu nhiên. Tôi nói với vợ mình rằng chúng tôi không phải bàn về việc này nữa. Tôi đề nghị chúng tôi xem đây là cơ hội để đề cao. Sự việc xảy ra là cơ hội quý giá.
Qua khổ nạn này, tôi đã cảm nhận được thế nào là thực tu tâm tính. Đó là một quá trình có thống khổ, có buông bỏ, có đề cao.
Tôi nhớ hai bài thơ của Sư phụ trong tập Hồng Ngâm III: một là “Thiểu biện” và bài kia là “Thuỳ thị thuỳ phi.” Sau đó tôi nhớ lại câu chuyện nổi tiếng về một vị đại hòa thượng. Ông nhận nuôi dạy một cô nhi. Tuy nhiên, người ta lại buộc tội ông tội gian dâm. Ông đã phải chịu đựng nhẫn nhục trong nhiều năm. Cuối cùng, khi sự thật được phơi bày, ông đã đạt viên mãn. So với những gì ông đã trải qua, khổ nạn của tôi không là gì cả.
Tuy nhiên, lúc đầu, tôi vẫn không tin sự việc xuất hiện là để khảo nghiệm tâm tính của mình, để học cách nhẫn và từ bỏ tâm tranh đấu. Khi hướng nội, tôi thấy mình đã thực sự nảy sinh những tư tưởng xấu về điều phối viên địa phương, làm sinh ra vật chất oán hận. Loại chấp trước này lặng lẽ làm tổn thương người khác và gây trở ngại cho chính bản thân tôi.
Vợ tôi nói với tôi rằng cô đã nhớ lại một số việc xảy ra vào năm 1999, thời điểm bắt đầu cuộc bức hại Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc. Lúc đó tôi đã tốt nghiệp đại học được hai năm, tôi đã từ bỏ tu luyện Pháp Luân Đại Pháp do bị sức ép của gia đình và tuyên truyền của chính quyền Trung Quốc. Tôi bị chính quyền giám sát, và vợ tôi, là bạn đại học, đã đến thăm tôi.
Cô nhớ lại rằng tôi đã nói: “Hãy xem những gì đã xảy ra – sau nhiều năm tu luyện, mình đã kết thúc thế này đây.” Tôi là điều phối viên địa phương trong những năm đại học. Thật vậy, tôi đã làm rất nhiều trong những năm đó.
Tôi đã hoàn toàn quên những gì mình đã nói. Tôi bị sốc khi vợ tôi nhắc lại chuyện đó. Tôi nhớ lại mình đã từng nghe những lời tương tự từ hai cựu học viên khi tôi còn ở Trung Quốc vài năm trước. Hai học viên đó đã bị tẩy não trong các trại lao động cưỡng bức. Họ bỏ tu luyện và không quay trở lại. Tôi cho rằng rằng những học viên này đã rời bỏ Đại Pháp vì tâm oán hận.
Thật vậy, nhiều học viên không hiểu tại sao họ bị bức hại, mặc dù họ đã tu luyện và làm nhiều việc cho Đại Pháp kể từ tháng 7 năm 1999. Nhiều người đã nảy sinh tâm “oán hận” vì những tổn thất về danh lợi cá nhân [do cuộc bức hại gây ra]. Từ đó khiến tín tâm vào Đại Pháp và Sư phụ của họ bị dao động.
Nhiều học viên khác không hiểu tại sao họ gặp nhiều quan nghiệp bệnh, mặc dù họ vẫn kiên trì làm ba việc. Một số tự hỏi tại sao họ vẫn gặp nhiều khó khăn sau khi tu luyện Đại Pháp. Họ cho rằng đáng ra họ nên được vui vẻ và có phúc báo. Họ cũng nảy sinh tâm “oán hận”, khiến từ đó tín tâm bị lung lay.
Ngoài ra, nhiều học viên cảm thấy bất mãn trong suốt sáu năm qua vì thời điểm Chính Pháp kết thúc mà Sư phụ đã giảng vẫn chưa đến.
Trong đó, đối tượng oán hận có thể là người thường đối xử với họ không tốt, người nhà, có thể là đồng tu; có thể là tổ chức của người thường mà chưa thể giúp họ, như văn phòng tỵ nạn Liên Hợp Quốc hay các tổ chức ở Trung Quốc chưa rõ chân tướng. Đôi khi đối tượng oán hận không cụ thể, như oán trời oán đất, thậm chí là oán trách bản thân, nguy hiểm nhất là oán trách Sư phụ, oán trách Đại pháp.
Chúng ta nên nhận thức từ Đại Pháp rằng tu luyện không có khuôn mẫu. Mọi thứ đều có nguyên nhân của nó. Chúng ta có thể vô tình không nhận ra nhiều cơ hội đề cao. Những cơ hội bị bỏ lỡ sau đó sẽ tích lũy thành tâm oán giận.
Những oán giận này biểu hiện thành những lời phàn nàn, thù địch, bất mãn, tức giận, cảm thấy bất công, khinh thường, ghen tức, nói xấu người khác, không thích người khác, không thích những gì chúng ta thấy và cằn nhằn. Khi những cảm giác này tích tụ và bộc phát thì sẽ mang đến rất nhiều phiền phức và can nhiễu. Những cảm xúc tiêu cực sẽ thực sự gây ảnh hưởng đến tu luyện của học viên. Ai có thể mang tâm oán hận lên trên thiên thượng được?
Vậy làm thế nào để chúng ta đối đãi với những vấn đề như vậy? Liệu chúng ta có xem đó như cơ hội đề cao, bắt đầu hướng nội và buông bỏ tâm oán hận? Hay chúng ta sẽ ở lại trong cảnh giới thấp đó và từ bỏ cơ hội đề cao? Theo kinh nghiệm cá nhân của tôi, việc tu bỏ tâm oán giận là một phần của tiến trình giúp chúng ta đồng hóa với Chân-Thiện-Nhẫn.
Cuối cùng, chúng ta hãy đọc lại kinh văn “Cảnh giới” của Sư phụ để khích lệ lẫn nhau cùng tinh tấn:
“Kẻ ác do tâm tật đố sai khiến, ích kỷ, nóng giận, mà tự thấy bất công. Người Thiện thường trong tâm từ bi, không oán, không hận, lấy khổ làm vui. Bậc Giác Giả không có tâm chấp trước, tĩnh nhìn thế nhân đang lấy điều huyễn hoặc làm cõi mê.” (Cảnh giới, Tinh Tấn Yếu Chỉ)
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/3/27/363391.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/4/6/169282.html
Đăng ngày 3-5-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.