[MINH HUỆ 5-02-2018] Theo thông tin do trang Minh Huệ tổng hợp, tháng 1 năm 2018 đã ghi nhận 130 trường hợp học viên Pháp Luân Công bị hệ thống tòa án của Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP) kết án tù.
Trong 130 trường hợp này, có 60 trường hợp bị kết án trong tháng 1 năm 2018, và 70 trường hợp bị kết án trong năm 2017. 70 trường hợp mới được báo cáo này đã nâng số học viên bị kết án trong năm ngoái lên ít nhất là 1.044 học viên.
Do ĐCSTQ phong bế thông tin nên không có nguồn thông tin cập nhật kịp thời về số học viên Pháp Luân Công bị kết án.
Thời hạn các án phạt thường kéo dài từ 6 tháng đến 10 năm, trung bình là 3.6 năm. 25 học viên trong những người bị kết án đã bị phạt tổng số tiền mặt là 230.000 Nhân dân tệ, trung bình mỗi học viên là 9.200 Nhân dân tệ.
Học viên nhiều tuổi nhất bị kết án là 80 tuổi, và trẻ nhất mới hơn 20 tuổi. Họ là công dân từ 21 tỉnh thành và khu vực trong cả nước.
Sau đây là thông tin tóm tắt về trường hợp của một số học viên:
1. Một học viên phải chịu án 8 năm tù vì đức tin của mình
Học viên Mục Á Đông và một người bạn ở thành phố Bình Đính Sơn, tỉnh Hà Nam đều tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Bạn của ông quyết định chuyển đi nơi khác nên nhờ ông bán giúp chiếc xe ô tô của mình.
Ngay sau đó, học viên Mục đã bị cảnh sát theo dõi. Lần đầu ông bị bắt giữ là ngày 14 tháng 10 năm 2011, khi đang lái xe chở con gái đến trường. Ông đã tuyệt thực để phản đối bức hại và được thả tại ngoại sau đó vài tuần vào ngày 6 tháng 11.
Cũng như bạn mình, học viên Mục phải rời nhà để tránh bị bắt giữ trở lại. Cuối cùng, ông đã định cư tại thành phố Hứa Xương và tìm được một công việc trong một cửa hiệu sửa chữa ô tô. Cảnh sát ở thành phố quê ông chưa từng nới lỏng sự kiểm soát đối với ông. Vào ngày 2 tháng 6 năm 2017, họ lại bắt giữ ông và đưa trở lại thành phố Bình Đính Sơn.
Học viên Mục đã tuyệt thực để phản đối bức hại nên thể trạng rất yếu. Luật sư của ông đã yêu cầu hoãn phiên xử dự định sẽ diễn ra vào ngày 23 tháng 6. Tòa án địa phương này sau đó đã hủy bỏ phiên tòa này.
Học viên Mục trình diện trước tòa vào ngày 2 tháng 12. Chỉ một số rất ít người được tham dự phiên tòa, nhiều người ủng hộ ông bị cấm không được vào.
Luật sư của ông Mục đã đề nghị tòa xử trắng án đối với ông nhưng thẩm phán đã cho dừng phiên tòa mà không đưa ra bất kỳ phán quyết nào. Theo thông tin nhận được, sau đó một vài tuần, học viên Mục đã bị kết án 8 năm tù và bị chuyển tới Nhà tù thành phố Tân Mật vào ngày 18 tháng 1 năm 2018.
Thông tin liên quan: Người đàn ông Hà Nam bị kết án 8 năm tù vì thay mặt cho người bạn bán một chiếc xe hơi
2. Hai cụ bà bị kết án trong tình trạng sức khỏe suy sụp
Vào ngày 15 tháng 12 năm 2017, dù đang trong tình trạng sức khỏe nguy kịch, học viên Trần Lập Quân, 80 tuổi, và học viên Bùi Thụy Phân, 78 tuổi, ở thành phố Cẩm Châu, tỉnh Liêu Ninh, đã bị bắt giữ và thẩm vấn. Gia đình của học viên Bùi đã thuê một luật sư để bào chữa cho bà.
Không có bản án nào được tuyên bố trong suốt thời gian diễn ra phiên tòa. Theo thông tin gần nhất, hai học viên này đã bị kết án một cách phi pháp. Học viên Trần bị kết án 2 năm tù, còn học viên Bùi bị kết án 3 năm tù kèm theo 4 năm quản chế.
Vào ngày 8 tháng 8 năm 2017, hai học viên này bị bắt giữ trong khi đang phân phát tài liệu giảng chân tướng về cuộc đàn áp Pháp Luân Công của chính quyền Cộng sản Trung Quốc sau khi có người báo họ cho Đồn Cảnh sát Chung Truân.
Cảnh sát đã tịch thu chìa khóa của học viên Bùi và lục soát nhà bà mà không có lệnh khám xét. Họ buộc con gái bà Bùi phải giao nộp các tài liệu Pháp Luân Đại Pháp.
Cảnh sát quay trở lại nhà học viên Bùi và yêu cầu con gái bà giao cho họ giấy phép cư trú và thẻ căn cước của bà. Cảnh sát đã lừa con gái bà để cô tin là được đến thăm mẹ. Cô không bao giờ ngờ được rằng, cô lại bị lôi đến Nhà tù Nữ thành phố Cẩm Châu cùng với mẹ vào lúc 2 giờ sáng ngày 9 tháng 8.
Sau đó, nhờ sự bảo lãnh của cháu gái bà, con gái của bà Bùi đã được bảo lãnh tại ngoại.
Công tố viên thuộc Viện Kiểm sát Cổ Tháp sau đó đã khởi tố học viên Bùi và học viên Trần. Trong thời gian bị giam giữ chờ xét xử, học viên Trần đã trở nên kiệt quệ đến nỗi không thể tự chăm sóc bản thân mình. Nhân viên của trại giam đã từ chối không để bà được tại ngoại.
Sáng ngày 15 tháng 12 năm 2017, thẩm phán thuộc Tòa án huyện Cổ Tháp đã xét xử học viên Trần và học viên Bùi ngay tại trại giam. Không có bản án nào được đưa ra trong phiên xét xử.
3. Một học viên trẻ bị đánh đập tàn nhẫn và bị kết án 3,5 năm
Học viên Đường Sơn ở thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy, bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 2014. Ngày 12 tháng 6 năm 2016, cảnh sát thuộc Đồn Cảnh sát La Cương đã bắt giữ và cùm tay anh cả ngày mà không cho anh ăn uống gì hết. Sau đó, họ dẫn anh đến văn phòng của phó đồn cảnh sát và đánh đập anh dã man tại đó trong hai giờ đồng hồ. Cảnh sát còn đưa anh vào một phòng khách sạn và tiếp tục tra tấn anh cả ngày. Phó đồn cảnh sát giẫm lên đầu anh trong khi anh đang nằm sõng soài trên mặt đất. Những người khác thì giữ và liên tiếp đấm đá anh.
Học viên Đường bị xét xử lần đầu vào ngày 22 tháng 11 năm 2017 và bị kết án 3,5 năm tù giam. Phiên xét xử thứ hai diễn ra vào ngày 17 tháng 1 năm 2018 và bản án vẫn giữ nguyên như cũ. Hiện anh đang kháng cáo. Học viên Đường khoảng 20 tuổi, cha của anh đã qua đời. Những khổ nạn này của anh khiến người mẹ mắc bệnh tâm thần của anh phải sống một mình và không có ai chăm sóc.
4. Sáu luật sư bảo vệ quyền pháp định của nữ học viên nhưng không thành công
Vào ngày 23 tháng 7 năm 2017, học viên Lý Thải Chi ở quận Trữ Thành, Khu Nội Mông Cổ, đã tới chợ để giảng chân tướng cho mọi người về cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Do vậy, cảnh sát thuộc Phòng Cảnh sát huyện Ngũ Hoa đã bắt giữ bà. Họ lục soát nhà bà mà không xuất trình bất kỳ lệnh khám xét nào và tịch thu những vật dụng cá nhân của bà.
Do phải chịu áp lực, huyết áp của bà Lý đã tăng lên tới mức 220 mmHg và thuộc diện không đủ điều kiện giam giữ. Bất chấp luật pháp, cảnh sát đã ép bà phải uống thuốc hạ huyết áp để có thể bắt giam bà.
Ngày 2 tháng 11 năm 2017, học viên Lý đã bị đưa ra xét xử tại Tòa án quận Trữ Thành. Mặc dù bà có đến sáu luật sư bảo vệ cho quyền tự do tín ngưỡng được hiến pháp nhà nước công nhận của mình, nhưng bà vẫn bị kết án 3 năm tù giam. Học viên Lý đã đệ đơn kháng cáo lên Tòa án Phúc thẩm thành phố Xích Phong.
5. Dược sỹ nghỉ hưu bị kết án tù vì đức tin của mình
Học viên Hoàng Tiểu Phân, một dược sỹ đã nghỉ hưu thuộc Bệnh viện Cộng đồng huyện Vĩnh Hưng, đã bị kết án 3 năm tù vì từ chối từ bỏ Pháp Luân Công. Bà đã nộp đơn kháng án. Đây không phải lần đầu tiên bà trở thành mục tiêu bắt giữ vì đức tin của mình kể từ sau khi cuộc bức hại Pháp Luân Công bắt đầu diễn ra vào tháng 7 năm 1999. Chồng bà, học viên Trần Nghĩa Nguyên, đã qua đời chưa đầy một năm sau khi mãn hạn tù 8 năm vì tu luyện Pháp Luân Công.
Người vợ bị bắt bớ, xét xử và kết án tù
Cảnh sát đã bắt giữ học viên Hoàng tại nhà vào ngày 11 tháng 4 năm 2017. Viện Kiểm sát địa phương đã hai lần trả lại hồ sơ vụ án của bà cho cảnh sát, nhưng cuối cùng họ vẫn kết án bà. Một cán bộ đã thừa nhận rằng: “Chúng tôi phải chịu áp lực rất lớn từ lãnh đạo cấp trên.”
Học viên Hoàng phải ra hầu tòa vào ngày 6 tháng 12. Không lâu sau khi phiên tòa kết thúc, thẩm phán đã kết án bà.
Cái chết bất thường của người chồng
Học viên Trần, chồng của bà Hoàng, bị bắt giữ vào ngày 20 tháng 4 năm 2003 vì từ chối từ bỏ Pháp Luân Công. Mấy tuần sau, vào ngày 1 tháng 5, ông bị cảnh sát diễu đi trên các con phố trong tình trạng miệng bị dán băng dính và hai tay bị trói ra sau lưng.
Sau đó, học viên Trần đã bị kết án 8 năm tù giam. Ông bị giám sát cả ngày trong suốt thời gian bị giam cầm. Ông bị ép phải lao động khổ sai 14 tiếng mỗi ngày. Ban đêm, trước khi được đi ngủ, ông bị ép phải nghe những băng tuyên truyền vu khống Pháp Luân Công.
Sau đó, học viên Trần đã sinh chứng huyết áp cao. Không lâu trước khi được trả tự do, ông đã bị chuyển tới bệnh viện của nhà tù này và thỉnh thoảng lại bị tiêm vào người các loại thuốc không rõ nguồn gốc.
Khi được thả ra khỏi tù vào tháng 4 năm 2011, ông đã trở nên suy kiệt. Ông nói với vợ mình rằng những loại thuốc không rõ nguồn gốc này khiến ông vô cùng khó chịu. Cảnh sát địa phương cũng liên tục giám sát ông sau khi ông được thả ra.
Vào ngày 20 tháng 8 năm 2011, hơn 30 cảnh sát đã đến nhà vợ chồng học viên này và lục tung mọi thứ trong nhà. Một cảnh sát đã ở lại đó mấy ngày liền.
Học viên Trần đã qua đời vào tháng 3 năm 2012.
6. Một giảng viên bị kết án 3 năm tù vì nói với sinh viên về đức tin của mình
Học viên Lưu Đông Mai, một giảng viên ngôn ngữ huyện Cao Dương, tỉnh Hà Bắc đã bị bắt giữ vào ngày 31 tháng 3 năm 2017 vì nói với học trò của mình về cuộc đàn áp Pháp Luân Công.
Cảnh sát huyện Cao Dương đã đệ trình vụ án của bà lên Viện Kiểm sát huyện Cao Dương. Mặc dù tình tiết của phiên xét xử vẫn còn được điều tra, nhưng bà đã bị kết án 3 năm tù và bị phạt 6.000 Nhân dân tệ. Hiện, bà đang kháng án.
Thông tin liên quan: Một giáo viên bị kết án tù vì giảng chân tướng Pháp Luân Công cho học sinh
7. Một học viên ở tỉnh Quảng Đông bị kết án 2 năm tù vì gỡ bỏ tấm áp phích phỉ báng Pháp Luân Công
Học viên Tào Quân Nghệ ở thành phố Mậu Danh, tỉnh Quảng Đông, 56 tuổi, đã bị bắt giữ vào ngày 6 tháng 7 năm 2017, sau khi bị báo cảnh sát là đã gỡ bỏ một tấm áp phích có nội dung phỉ báng Pháp Luân Công. Sau hai phiên xử, bà đã bị kết án 2 năm tù và bị phạt 3.000 Nhân dân tệ.
Học viên Tào ra tòa lần đầu vào ngày 11 tháng 1 năm 2018. Phiên tòa xét xử bà diễn ra 5 ngày sau đó. Học viên Tào đã thuê một luật sư mới và hiện đang giúp bà kháng án.
Phiên xử đầu tiên này được tổ chức ở một căn phòng tại Nhà tù Số 1 Mậu Danh. Phòng xử án tạm này có sức chứa 20 chỗ ngồi, nhưng chỉ có 4 người nhà bà được phép tham dự. Con đường phía trước nhà tù bị phong tỏa với hơn 40 cảnh sát mặc thường phục đi lại xung quanh.
Hai công tố viên đã đưa ra bốn bằng chứng làm cơ sở truy tố bà. Thứ nhất là, bà Tào đã tặng cho chị chồng một cuốn sách Pháp Luân Công cách đây 10 năm. Thứ hai là, bà Tào đã gỡ bỏ tấm áp phích có nội dung phỉ báng Pháp Luân Công. Thứ ba là, cảnh sát đã tìm thấy nhiều sách Pháp Luân Công trong nhà của bà Tào. Cuối cùng là, bà Tào đã có lần bị đưa đến trại lao động cưỡng bức vì từ chối từ bỏ Pháp Luân Công.
Hai luật sư của bà Tào đã bác bỏ những bằng chứng này. Họ lập luận rằng luật pháp Trung Quốc không hề cấm Pháp Luân Công và đáng lẽ thân chủ của họ không bao giờ bị bắt giữ vì thực hiện quyền tự do tín ngưỡng được hiến pháp nhà nước công nhận. Do vậy, lần bà phải chịu án trong trại lao động cưỡng bức trước đây là sự vi phạm nghiêm trọng quyền hợp pháp của bà. Các luật sư cho biết thêm, việc sở hữu và chia sẻ những tài liệu Pháp Luân Công của bà Tào hoàn toàn không có gì sai trái cả. Còn đối với việc gỡ bỏ áp phích, học viên Tào có mọi quyền trong việc vạch trần những tuyên truyền giả dối sai sự thật chống lại Pháp Luân Công.
Danh sách đầy đủ các học viên bị kết án tù
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/2/5/2018/360453.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/2/24/168853.html
Đăng ngày 3-3-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.