Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại San Francisco, Hoa Kỳ

[MINH HUỆ 19-9-2017] Xin kính chào Sư phụ tôn kính! Chào các bạn đồng tu!

Tôi là một học viên Pháp Luân Đại Pháp 81 tuổi sống tại San Francisco. Tôi đến nước Mỹ từ năm 1998 và bắt đầu tu luyện Đại Pháp sau khi quay trở về Trung Quốc vào tháng 3 năm 1999.

Tôi nhớ Sư phụ đã tới San Francisco ngày 21 tháng 10 năm 2000 và giảng Pháp tại Pháp hội miền Tây Mỹ quốc. Đó là lần đầu tiên tôi được nhìn thấy Sư phụ, khó có thể diễn tả được tâm trạng phấn khích lúc đó và nước mắt cứ chảy dài trên khuôn mặt tôi. Sau Pháp hội, các học viên tại San Francisco bắt đầu đả toạ trước cổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại San Francisco, kêu gọi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chấm dứt cuộc bức hại đối với Pháp Luân Công.

Lúc đầu, có rất nhiều học viên tham gia, nhưng sau một thời gian, nhiều người đã tới New York để làm việc cho Thời báo Đại Kỷ Nguyên, Đài Truyền hình Tân Đường Nhân, Đài phát thanh Hy vọng, chỉ còn khoảng 8 người ở lại, trong đó có tôi.

Tính đến nay đã 17 năm trôi qua. Trong những năm tháng này, tôi vừa tu luyện cá nhân vừa đi giảng chân tướng cứu chúng sinh. Trên con đường tu luyện, tôi đã gặp rất nhiều mâu thuẫn và vượt qua nhiều khổ nạn. Tôi muốn chia sẻ một số trải nghiệm của tôi.

Bài chia sẻ của tôi được chia thành hai phần: Phần thứ nhất về tín tâm vững chắc và sự kiên định; phần thứ hai về việc học Pháp và tu luyện cá nhân để trở thành một đệ tử Đại Pháp tốt.

1. Tín tâm vững chắc và sự kiên định

Tôi học ngành địa chất và luôn có rất nhiều nghi vấn về sự hình thành của trái đất, nguồn gốc các loài sinh vật, sự đột biến giống loài của sinh vật, kết cấu vỏ trái đất, và sự hình thành kim loại cùng các khoáng chất. Sau khi học Pháp, mọi thứ đều sáng tỏ, tôi đã có thể thay đổi những quan niệm sai lầm ban đầu của mình.

Khi mới đắc Pháp, tôi chỉ có hai cuốn sách, cuốn Chuyển Pháp Luân và cuốn Tinh Tấn Yếu Chỉ. Sau khi trở về San Francisco, tôi đến hiệu sách để tìm mua thêm sách Đại Pháp, nhưng không tìm thấy.

Một đêm, tôi mơ thấy một người đồng nghiệp cũ đến thăm, tên ông ấy là Phú Thư (nghĩa là rất nhiều sách). Khi tỉnh dậy, tôi nghĩ: “Chẳng phải giấc mơ đó liên quan đến các cuốn sách Đại Pháp? Có lẽ sách Đại Pháp đã có mặt ở hiệu sách?”

Ngày hôm sau tôi tới hiệu sách và thấy rất nhiều sách Đại Pháp ở đó. Ngay khi nhìn thấy, nước mắt tôi trào ra. Tôi cảm nhận được giấc mơ đó chính là điểm hoá của Sư phụ.

Thời gian đó, buổi tối đi ngủ tôi thường ở trong trạng thái nửa mơ nửa tỉnh và có thể cảm thấy có hai bàn tay nắm lấy lưng tôi nâng tôi bay lên trời. Tôi cảm thấy đó chính là hai bàn tay của Sư phụ.

Một đêm, khi đang ngủ, tôi cảm thấy toàn thân phát nhiệt, như thể máu tôi đang sôi trào. Hiện tượng đó kéo dài trong 10 phút, cảm giác rất dễ chịu. Sau đó, cả thân thể tôi và chăn đắp bắt đầu bay lên cách giường tầm 70cm.

Trạng thái đó diễn ra trong nửa phút và rồi lại hạ xuống. Tôi có thể cảm nhận rõ ràng khi thân người chạm xuống giường và đầu tôi đặt lại trên gối.

Lúc đó trong tâm tôi xuất ra một niệm: “Con người có thể bay lên không trung!” Tôi cảm nhận được một cách sâu sắc sự tồn tại của Thần. Tôi có thể cảm nhận một cách mạnh mẽ rằng Sư phụ đang ở bên tôi trong mọi thời khắc.

Những ngày sau đó, tôi học Pháp và tu luyện bản thân, ngày càng tăng thêm tín tâm vững chắc vào Sư phụ và Đại Pháp.

Ma nạn trong gia đình

Trong vài năm đầu, các bạn đồng tu và tôi tĩnh toạ trước cổng lãnh sự quán, thỉnh thoảng có một số người thân ĐCSTQ tới gây sự và nguyền rủa chúng tôi, hy vọng có thể đuổi chúng tôi đi. Nhưng chúng tôi rất kiên định.

Sau này, chúng tôi bổ sung thêm biểu ngữ “Pháp Luân Đại Pháp hảo” và các hình ảnh học viên bị bức hại, để những ai tới lãnh sự quán xin visa đều có thể nhìn thấy các thông tin này.

Kết quả là lãnh sự quán Trung Quốc thấy rất sợ hãi.

Thời gian đó, vợ tôi đang hỗ trợ một đại lý du lịch xin visa và thường xuyên lui tới Lãnh sự quán. Khi nhân viên lãnh sự quán biết điều này, một hôm họ nói với bà ấy: “Có phải ông già hay đến đây cầm biểu ngữ Pháp Luân Công là chồng bà không?”

Bà ấy trả lời đúng, và người nhân viên nói: “Hãy bảo ông ấy đừng đến đây nữa! Nếu không, chúng tôi sẽ không xử lý hồ sơ visa cho bà.”

Trở về nhà, vợ tôi nói chuyện với con gái. Con gái tôi nói với tôi điều này khi tôi về đến nhà, và yêu cầu tôi không tới đó nữa, nhưng tôi đã từ chối.

Con gái tôi nói: “Bố, bố không thể đến đó nữa. Nếu bố lại đến đó, không chỉ công việc của mẹ làm không tốt, mà cả con và mẹ có thể sẽ không thể trở về Trung Quốc được nữa. Bố phải suy nghĩ cẩn thận.”

Sau đó tôi giải thích với họ: “ĐCSTQ đã đàn áp Pháp Luân Công, điều đó hai mẹ con đều biết. Lý do bố cùng những người khác đến lãnh sự quán là để nói cho mọi người về cuộc bức hại, để mọi người được biết về điều đó và yêu cầu ĐCSTQ chấm dứt bức hại. Điều đó có gì sai?”

“Bởi vì bố và mọi người ở trước lãnh sự quán, ngay trước mắt họ, do đó họ lo sợ, họ đuối lý, và tìm trăm phương ngàn kế để đuổi mọi người đi, gọi người tới gây rối và uy hiếp đều không thành công, họ liền dùng đến biện pháp này để khiến người thân trong gia đình yêu cầu mọi người phải rời đi. Họ hôm nay đe doạ người này, ngày mai đe doạ người khác, như vậy mọi người sẽ bị đuổi đi. Cách làm này thật vô cùng thâm độc. Mọi người không nhận ra sao?”

Vợ và con gái tôi vẫn không đồng ý cho tôi đi tới Lãnh sự quán.

Nhưng ngày hôm sau, dù thế nào tôi cũng vẫn đi. Vợ tôi không dám quay lại đó. Chuyện này kéo dài trong vài ngày cho đến khi nó ảnh hưởng đến vấn đề lợi ích thiết thân cũng như vấn đề an toàn của gia đình. Tuy nhiên, tôi đã không nhượng bộ.

Một hôm khi tôi về đến nhà, con gái tôi đang khóc vào gào lên rằng con rể tôi muốn ly hôn để tránh bị liên luỵ, và các thủ tục sẽ được hoàn tất vào sáng hôm sau. Nó nói rằng sau khi tới nước Mỹ, thật không dễ dàng để có thể chèo lái gia đình đến ngày hôm nay. Nó nói rằng bởi vì tôi tu luyện Pháp Luân Công, nên gia đình và sự nghiệp của nó đã bị huỷ hoại. Con gái yêu cầu tôi đưa ra quyết định cuối cùng rằng ngày mai tôi có đến Lãnh sự quán nữa không.

Tôi vẫn bình tĩnh và không cãi nhau với con. Tôi nói: “Bố không sai. Bố không phải là người huỷ hoại gia đình này. Chính là Đảng Cộng sản Trung Quốc.”

Con gái tôi nghe vậy liền nói: “Nếu như thế, thì bố đi đi. Hãy đi ngay hôm nay và đừng quay lại nữa.”

Tôi đã quyết định và nói: “Bố có thể đi, nhưng con cho bố hai ngày để bố tìm chỗ ở. Con không thể đuổi bố ra ngủ ngoài đường đêm nay.”

Con gái tôi suy nghĩ một lúc rồi đồng ý.

Tôi rời khỏi nhà và tự hỏi: Mình nên làm gì? Mình nên ở đâu? Ngay sau đó, một suy nghĩ hiện ra trong đầu tôi – tìm tới người điều phối nhóm học Pháp và mẹ cô ấy rồi bàn những bước tiếp theo.

Tôi đi ngay tới nhà họ. May mắn rằng họ có nhà.

Sau khi nghe câu chuyện của tôi, họ nói: “Không vấn đề gì! Chúng ta là những đệ tử Đại Pháp. Trước tiên ông đến nhà chúng tôi ở, rồi sau đó chúng ta sẽ quyết định phải làm gì.”

Trên đường về nhà, tôi nghĩ: “Chỗ của họ quá nhỏ, và có một chiếc giường ở phòng khách nơi chúng tôi học Pháp. Hơn nữa, thật không phù hợp khi một người đàn ông đến ở trong ngôi nhà toàn phụ nữ. Nhưng tôi không có lựa chọn nào khác lúc này. Tôi sẽ nghĩ cách khác sau khi tới đó.”

Sau đó, tôi nghĩ: “Tôi sẽ mang quần áo đi sau khi đóng gói tất cả sách Đại Pháp và kinh văn của Sư phụ. Ngày hôm sau tôi sẽ mua một cái túi ngủ. Nếu siêu thị có bán xe đẩy, tôi sẽ mua một cái. Nếu không, tôi sẽ trở thành người vô gia cư. Điều đó không quan trọng. Tôi thậm chí có thể tìm một chỗ gần Lãnh sự quán để ngủ lại. Như thế sẽ rất tiện lợi.”

Vợ và con gái tôi không buồn để ý khi tôi quay về nhà. Tôi rửa mặt rồi đi ngủ.

Đêm đó, tôi mơ thấy mình đang trên đường đua, ngồi trên một chiếc xe lăn. Tôi sử dụng xe lăn để đi về phía trước. Đột nhiên, có một chiếc cầu xuất hiện trước mặt tôi và tôi đứng dậy. Sau khi mang chiếc xe lăn qua cầu, tôi tỉnh giấc.

Lúc đó đã nửa đêm, tôi thức dậy học Pháp và luyện công. Nhưng tôi thắc mắc: “Giấc mơ khá rõ ràng. Chắc hẳn đó là điểm hoá của Sư phụ. Giấc mơ đó có ý nghĩa gì?”

Tôi nghĩ lại và nhận ra rằng mọi thứ không đúng. Bị tàn tật, tôi phải ngồi xe lăn, vậy làm sao tôi có thể mang chiếc xe lăn qua cầu?

Có nghĩa là việc tôi bị tàn tật là giả tướng trong giấc mơ. Tôi thật sự không bị tàn tật. Sư phụ đã dùng chữ “giả” để điểm hoá cho tôi. Như vậy, cái gì là giả?

Khi tôi đang tự hỏi bản thân, con gái tôi liền đi vào và quỳ xuống trước mặt tôi trước khi tôi kịp nói gì. Con gái tôi vừa khóc vừa nói: “Bố đừng đi. Con đã sai rồi.”

Tôi hỏi con: “Chồng con đã nói gì?”

Con gái tôi nói: “Anh ấy trở về nhà sau khi bố rời đi và hỏi về chuyện của bố. Con nói với anh ấy những lời bố nói, và anh ấy hỏi bố có nhà không. Con nói bố ra ngoài đi tìm nhà, sau khi trở về đã đi ngủ. Đột nhiên anh ấy nói: ‘Thôi quên đi. Bảo bố đừng rời đi, và coi như anh chưa nói gì về chuyện ly dị. Hãy đi nói với bố như thế.’”

Tôi vỗ nhẹ đầu con gái và kéo nó đứng dậy: “Đứng dậy đi. Đừng như thế nữa. Bố là bố của con, bố hiểu con cảm thấy thế nào. Bố sẽ không đi nữa!”

Sau khi con gái tôi trở lại phòng, tôi bất chợt ngộ ra rằng Sư phụ đã dùng giấc mơ để nói với tôi rằng việc ly dị và đuổi tôi ra khỏi nhà là một giả tướng. Đây là khảo nghiệm lớn nhất trong quá trình tu luyện của tôi và là điều tôi phải vượt qua. Đó là để xem tôi có tiếp tục đi tới Lãnh sự quán hay không khi gia đình tôi bị huỷ hoại. Bởi vì tôi đã rất kiên định, tôi có thể vượt qua khảo nghiệm, và con gái con rể tôi đã thay đổi thái độ ngay lập tức.

Cùng nhau phối hợp tại Lãnh sự quán

Phần lớn những người đến lãnh sự quán đều là những học viên cao tuổi; người trẻ nhất cũng trên 60 tuổi, người già nhất trên 80. Một số người sống ở ngoài San Francisco phải rời nhà từ sáng sớm và di chuyển bằng phương tiện giao thông công cộng hơn một giờ để tới Lãnh sự quán.

Lãnh sự quán mở cửa lúc 9 giờ sáng, và chúng tôi tới đó lúc 7 giờ để dựng kệ trưng bày và treo biểu ngữ, trước khi bật băng giảng chân tướng và phát tài liệu. Chúng tôi cũng khuyên mọi người thoái xuất khỏi ĐCSTQ và ký vào đơn thỉnh nguyện.

Những ai tới lãnh sự quán đều có thể nhìn thấy các bảng trưng bày và nghe băng giảng chân tướng, một số họ còn mua thức ăn và nước uống cho chúng tôi. Một số người giơ ngón cái lên và động viên chúng tôi hãy tiếp tục. Cũng có những người đến và đặt hoa trước những tấm ảnh học viên đã chết trong cuộc bức hại.

Tất nhiên, cũng có người nói lời khó nghe. Tới nay chúng tôi không còn gặp nhiều người như thế nữa.

Việc phối hợp tốt là rất quan trọng. Chúng tôi tự mình làm các biểu ngữ và thiết kế kệ trưng bày. Chúng tôi thường xuyên chia sẻ với nhau dựa trên Pháp. Sự đồng lòng giúp cho mọi người đoàn kết.

Ngoài ra, các học viên từ các hạng mục khác cũng giúp chúng tôi thiết kế ảnh, sản xuất tài liệu cho chúng tôi. Để giúp chúng tôi mang các bảng, tài liệu, kệ trưng bày, xe đẩy, một học viên sống gần lãnh sự quán đã giúp chúng tôi mua một chiếc xe tải cũ. Anh ấy thậm chí đã nhường chỗ để xe cho chúng tôi, bởi xe tải không thể bị ướt. Gần đây, một học viên khác cũng đưa cho chúng tôi chiếc xe tải cũ của anh ấy để sử dụng.

10 năm qua chúng tôi đã vượt qua biết bao nhiêu khó khăn: Chúng tôi ăn bánh quy thay bữa trưa, quần áo giày dép chúng tôi thường ngấm nước mỗi khi mưa bão, nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục cầm bảng và giữ kệ trưng bày không bị thổi bay. Mọi người rất xúc động khi nhìn thấy các học viên ở tuổi 70 kiên trì đứng ở đó hàng ngày.

Chúng tôi có thể kiên trì trong khoảng thời gian lâu như vậy vì chúng tôi có niềm tin vững chắc vào Sư phụ và Đại Pháp thông qua việc học Pháp, và chúng tôi không lay động khi đối mặt với những can nhiễu hay khổ nạn.

Các đệ tử Đại Pháp tại San Francisco và khu vùng vịnh là một chỉnh thể. Nhờ có sự phối hợp đó, chúng tôi có thể kiên trì làm hạng mục này. Tôi thấy rằng chỉ có kiên định tín Sư tín Pháp mới có thể giúp chúng tôi không lay động và duy trì trong suốt 17 năm qua.

2. Học Pháp và tu luyện bản thân để trở thành một đệ tử tốt của Sư phụ

Là một đệ tử Đại Pháp, tôi biết được tầm quan trọng của việc học Pháp nhưng vẫn luôn cảm thấy không đủ thời gian để làm việc đó.

Tôi nhớ rằng không lâu sau khi tôi bắt đầu tu luyện Đại Pháp, tôi đã có một giấc mơ. Tôi mơ mình đang tắm, và thùng nước tôi đang sử dụng bị người khác lấy đi. Làm sao tôi có thể tắm mà không có thùng nước? Khi xoay người lại, tôi thấy một cái chậu tắm nhỏ và sử dụng nó. Mặc dù khá phiền phức, nhưng tôi vẫn tắm xong.

Tôi ngộ được rằng Sư phụ đang nói với tôi rằng có thể học Pháp trong thời gian chờ xe buýt, đi xe buýt, và đưa đón các cháu đi học.

Hơn nữa, tôi có thể ngủ 5 tiếng sau khi phát chính niệm buổi tối và thức dậy lúc nửa đêm để học Pháp hoặc luyện bài công pháp thứ năm trước khi trời sáng. Bằng cách này, tôi có thể học Pháp vào thời điểm yên tĩnh nhất trong ngày.

Sư phụ đã giảng:

… nhất định phải dụng tâm vào học Pháp, đọc sách học Pháp, đọc sách học Pháp. Hầu như trong mỗi lần giảng Pháp tôi đều nói tới nói lui bảo chư vị đọc sách, đọc sách, đọc sách. Chư vị chỉ cần đọc sách, thì chư vị sẽ đắc được những thứ tốt hơn nữa mà chư vị không tưởng tượng được. (Giảng Pháp tại Pháp hội Châu Âu [1998])

Sư phụ cũng giảng:

Là học viên, nếu mang trong đầu đều là Đại Pháp, thì người đó nhất định là người tu luyện chân chính. Do đó về vấn đề học Pháp là cần phải có một nhận thức thanh tỉnh, xem sách cho nhiều, đọc sách cho nhiều, ấy là then chốt trong đề cao chân chính. Nói rõ hơn nữa, miễn là đọc Đại Pháp thì chư vị đang thay đổi, miễn là đọc Đại Pháp thì chư vị đang đề cao, nội hàm vô biên của Đại Pháp cộng với phương thức phụ trợ là luyện công, ắt sẽ khiến chư vị viên mãn. Đọc tập thể và đọc cá nhân đều như nhau. (Hoà tan trong Pháp – Tinh Tấn Yếu Chỉ)

Tôi luôn ghi nhớ những lời Sư phụ giảng và không dám buông lơi việc học Pháp. Vậy làm sao để tu cái tâm này đây? Câu hỏi này khiến tôi bối rối.

Trong khi học Pháp, tôi thấy một đệ tử đã đặt câu hỏi trong “Giảng Pháp tại Pháp hội miền Đông Mỹ quốc [1999]”: “Con biết trạng thái tâm tính của bản thân mình, đồng thời cũng cảm thấy được là có ma tính, con nên tiêu trừ ma tính như thế nào?”

Sư phụ đã trả lời:

”Kỳ thực đó là trạng thái vô cùng tốt, chính là rằng chư vị có thể cảm thấy được phía bất hảo của chư vị. Như thế chư vị cần phải bài xích nó, chống lại nó, cấm nó, trong tư tưởng bài xích nó, không chiếu theo niệm đầu của nó mà làm, không làm những sự tình bất hảo như vậy nữa. [Như thế] chư vị chính là đang tu luyện, chính là đang đề cao, đây gọi là tu luyện.” (Giảng Pháp tại Pháp hội miền Đông Mỹ quốc [1999])

Tôi đột nhiên hiểu ra hàm nghĩa của tu luyện: Rất nhiều chấp trước và quan niệm người thường đang phản ánh vào trong tư tưởng và hành vi của chúng ta. Tôi phải loại bỏ chúng và chống lại chúng. Đó chẳng phải chính là hướng nội sao? Đó chẳng phải là tu bỏ những chấp trước của tôi sao? Đó chẳng phải là tu luyện sao?

Kể từ đó, tôi nắm bắt lấy những tư tưởng bất hảo mỗi khi chúng xuất hiện trong đầu, và động niệm biểu đạt rằng tôi không muốn chúng, bởi chúng được hình thành từ những chấp trước và quan niệm người thường chứ không phải tôi. Tôi biết rằng đó là tu luyện trừ bỏ tâm chấp trước. Tôi đã tu luyện như thế trong hơn 10 năm qua, và tôi biết rằng, bằng cách đó, tôi sẽ luôn ở trong trạng thái tu luyện.

Vào lúc này, tôi đã ngộ được ý nghĩa của hai câu thơ cuối cùng trong bài thơ của Sư phụ:

“Thời thời tu tâm tính,
Viên mãn diệu vô cùng.” (Chân Tu – Hồng Ngâm)

Sư phụ cũng đã giảng:

”Chư vị không nên xem những việc nhỏ nhặt gặp phải lúc bình thường mà có vẻ như ngẫu nhiên xuất hiện kia là ngẫu nhiên, bởi vì sẽ không có thật nhiều chuyện kỳ quái xuất hiện, hoặc là chạy đến một không gian khác để tu luyện, vậy thì chư vị cũng không đề cao được cái tâm đó. Vẫn là trạng thái trong những việc phàm [bình thường] như vậy, vẫn những mâu thuẫn trong người thường, vẫn là phương thức sinh hoạt trong người thường, sự tình gặp phải với trước kia thì không khác nhau bao nhiêu. Nhưng mà, chư vị thử suy nghĩ kỹ một chút, vẫn là không như nhau, đều là vì để tu luyện của chư vị có thể đề cao mà xuất hiện.” (Giảng Pháp tại một buổi gặp mặt ở New York [1997])

Sư phụ đang nói với chúng ta rằng tất cả tiểu sự trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta đều được Sư phụ an bài để chúng ta đề cao. Tôi sẽ đưa ra một số ví dụ mà tôi đã trải nghiệm.

Hàng ngày tôi đều đi lại bằng xe buýt. Một lần khi đang ở trên xe buýt, tôi nhìn thấy một người lên xe mà không mua vé. Người tài xế nhìn thấy và bắt anh ta phải mua vé. Lúc đó, tôi thấy rất khinh thường người này. Tuy nhiên, tôi đột nhiên nhớ lại những lời Sư phụ đã giảng (không nguyên văn) rằng nếu một vấn đề không liên quan đến bạn, bạn sẽ không nhìn thấy hay nghe thấy nó.

Tôi nhận thấy rằng người này đang cố chiếm lấy chút lợi nhỏ nhoi. Tôi nhanh chóng hướng nội xem mình có thứ chấp trước đó không. Tất nhiên lúc này tôi không có, nhưng chắc chắn tôi có tâm lý này. Nó có thể diễn ra trong hoàn cảnh khác và tôi có sơ hở đó, nếu không, tại sao Sư phụ lại khiến tôi nhìn thấy? Tôi phải buông bỏ chấp trước này.

Lần khác, ở trên xe buýt tôi thấy một người đang ngồi duỗi chân sang ghế người khác, và tôi biết Sư phụ đang nói với tôi cần buông bỏ tâm không nghĩ đến người khác. Tôi mau chóng bảo bản thân mình rằng tôi không muốn có chấp trước đó.

Tôi biết rằng chúng ta không thể nắm bắt và loại bỏ tất cả chấp trước ngay lập tức, nhưng là một đệ tử Đại Pháp, trong tâm tôi có mong muốn đó. Do đó, nếu tôi đạt được tiêu chuẩn của một người tu luyện, Sư phụ sẽ giúp tôi. Chẳng phải “Tu tại tự kỷ, công tại sư phụ” (Chuyển Pháp Luân) sao?

Một lần, chúng tôi được kêu gọi tham gia một hoạt động vào ngày Chủ nhật. Nhưng tôi nghĩ rằng mình cần có việc riêng cần làm và không muốn đi. Kết quả là tôi bị đi quá điểm dừng xe buýt và không thể quay lại. Tôi không dám bỏ qua điều này và nhanh chóng hướng nội.

Người Trung Quốc có câu: “Qua thôn này sẽ không còn nhà trọ nữa”, nghĩa là cơ hội đã qua rồi sẽ không trở lại. Ngay lập tức tôi nhận ra rằng Sư phụ đang bảo tôi phải tham gia hoạt động này. Đó phải là một sự kiện cần tham gia trong quá trình tu luyện của tôi.

Tôi còn có nhiều ví dụ khác, ví dụ như lên nhầm xe buýt hoặc đi sai đường, mặc áo trái, quên mang sách Chuyển Pháp Luân, v.v.

Là một đệ tử, ai mà không mong muốn Sư phụ sẽ nói cho chúng ta những gì cần làm trên con đường tu luyện? Nhưng Sư phụ sẽ không nói cho chúng ta biết, bởi chúng ta cần tự ngộ và tu luyện bản thân. Thay vào đó, Sư phụ sẽ điểm hoá để giúp chúng ta.

Sư phụ luôn ở bên cạnh chúng ta và thường xuyên điểm hoá cho chúng ta. Tôi biết rằng những gì chúng ta nhìn, nghe, hoặc gặp phải trong cuộc sống hàng ngày đều liên quan đến tu luyện. Nếu chúng ta không cân nhắc nó, chúng ta sẽ bỏ lỡ cơ hội để trừ bỏ rất nhiều tâm chấp trước và đề cao trong tu luyện.

Gần đây tôi nhìn thấy một xe chở rác trong quá trình vệ sinh đường đã làm rơi rất nhiều rác, rải rác khắp nơi. Chiếc xe tải đó dùng để dọn rác nhưng thực tế đã làm tăng số lượng rác trên đường.

Tôi nhớ lại Sư phụ đã giảng:

”Cái gì cũng không biến đổi, Sư phụ vẫn là Sư phụ như xưa, Pháp của vũ trụ vĩnh viễn sẽ không biến đổi. (vỗ tay nhiệt liệt) Chỉ là chúng ta trong cuộc bức hại này, trong cái gọi là khảo nghiệm này, có những vị đã tống khứ chấp trước, có những vị chưa tống khứ chấp trước, có những người trái lại còn gia tăng chấp trước. Đó chính là trạng thái biểu hiện ra trong cái gọi là khảo nghiệm này. Là chư vị đang biến đổi, là đệ tử Đại Pháp đang biến đổi. Nếu không phải là hướng về phương diện ‘chính’ mà biến, thì là hướng về phương diện ‘phụ’ mà biến; [đó là] nhất định.” (Giảng Pháp tại Pháp hội San Francisco 2014)

Chẳng phải Sư phụ đang điểm hoá cho tôi? Sư phụ đang nói với tôi rằng tôi đang gia tăng chấp trước trong khi tu luyện. Tôi rất chấn động! Tôi đang gia tăng chấp trước của mình sao? Chấp trước nào của tôi đã gia tăng?

Gần đây tôi hay sử dụng điện thoại di động sau khi về nhà. Mặc dù tôi chỉ đọc tin tức, nhưng tôi đọc trong hơn một giờ, lãng phí thời gian lẽ ra nên dùng cho việc học Pháp. Hơn nữa, tôi nhận thấy rằng mình ngày càng chấp trước nặng hơn vào chiếc điện thoại. Đó chẳng phải là chấp trước sao?

Một số người gọi những người sử dụng điện thoại khi đang đi bộ trên đường là “kẻ nghiện điện thoại di động.” Mặc dù tôi chưa đến mức đó, nhưng tôi bắt đầu bị chấp trước vào chiếc điện thoại. Sư phụ đã thấy điều đó và điểm hoá cho tôi để tôi có thể buông bỏ chấp trước ấy.

Trong xã hội này, ma tính tăng lên rất nhiều, và chủ nghĩa duy vật có thể khiến chúng ta phát triển thêm nhiều chấp trước mới. Nếu chúng ta không thấy được tầm quan trọng của việc tu luyện, chúng ta sẽ bị ô nhiễm một cách dễ dàng. Tôi cần phải cảnh giác để không phát triển những chấp trước mới.

Tôi không thể nói ra các Pháp lý cao thâm, càng không thể dùng từ ngữ để biểu đạt những Pháp lý này. Những gì tôi chia sẻ đều là những sự việc thường ngày trong cuộc sống của tôi mà tôi trải nghiệm được. Đây là mô tả chân thực cho quá trình tu luyện của tôi và những trải nghiệm chân thực của tôi.

Với một học viên lâu năm, điều này không là gì, bởi mọi người đều tu luyện theo cách này. Nhưng với những học viên mới, trải nghiệm của tôi có thể sẽ khích lệ mọi người trong tu luyện. Đây là mục đích chính của bài chia sẻ của tôi.

Hình thế trên thế giới đang phát triển nhanh chóng, và tà đảng sẽ sớm đi đến hồi kết. Hình thế tại Trung Quốc, Mỹ và Châu Âu cũng đang thay đổi.

Sư phụ đã giảng:

“Trong tương lai không xa hết thảy đều sẽ phát sinh biến hoá, tuy nhiên là đệ tử Đại Pháp mà giảng, trước khi viên mãn thì chư vị không được có bất kể dao động gì, chư vị cứ làm theo từng bước mà làm những việc mà chư vị cần làm.”

“Do vậy, tôi hy vọng rằng mọi người sẽ không ở bất kể hoàn cảnh nào mà bị dao động. Dù nhân loại sẽ ‘bình phản’ hay không ‘bình phản’ cho Đại Pháp, dù tình huống mới có xuất hiện hay không, thì đệ tử Đại Pháp cần cứu độ chúng sinh thì vẫn là cứu độ chúng sinh, hãy làm những gì chư vị nên làm, cho đến tận khi chư vị viên mãn.” (Giảng Pháp tại Pháp hội quốc tế New York 2004)

Tôi sẽ ghi nhớ trong tâm những lời giảng của Sư phụ, đặc biệt trong giai đoạn này.

Tôi tin tưởng vững chắc rằng có Sư phụ và Đại Pháp, chúng ta là đệ tử Đại Pháp thời kỳ Chính Pháp đã vượt qua bao sóng gió, chúng ta nhất định có thể đi tốt bước cuối cùng trên con đường tu luyện này. Đó là bởi vì sinh mệnh chúng ta là do Đại Pháp tạo ra, chúng ta là một phần của Pháp vũ trụ, và chúng ta là những đệ tử chân tu của Sư phụ!

Con xin cảm tạ Sư phụ! Xin cảm ơn các bạn đồng tu!


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2017/9/19/十七年在中领馆前反迫害的体会-353878.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2017/10/17/166092.html

Đăng ngày 2-1-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share