[MINH HUỆ 29-4-2017] Bài viết “Ghép tạng ở Trung Quốc: Những người sống sót cầu cứu chính quyền của Thủ tướng Trudeau” của nhà báo Catherine Lesvesque đã được đăng tải trên tờ Huffington Post ấn bản Québec vào ngày 7 tháng 4 năm 2017.

Hai nạn nhân sống sót trong các trại cưỡng bức lao động ở Trung Quốc đã bày tỏ hy vọng rằng Chính phủ Canada sẽ hành động để chấm dứt thảm họa đang gây ra cái chết của hàng chục nghìn người Trung Quốc một cách bí ẩn mỗi năm.

11c5944e7e057199502047da92f917e1.jpg

Bài báo trên tờ Huffinton Post: “Ghép tạng ở Trung Quốc: Những người sống sót cầu cứu chính quyền Trudeau” (Ảnh chụp màn hình)

Phóng viên đã phỏng vấn hai học viên Pháp Luân Công đã bị giam giữ ở Trung Quốc, Cindy Tống và Kinh Thiên. Năm 2001, khi mới 26 tuổi, cô Cindy Tống đã bị bắt và đưa vào trại cưỡng bức lao động với danh nghĩa tù nhân lương tâm trong ba năm ở thành phố Truy Bác phía Đông Trung Quốc. Tội danh của cô ấy là gì? Cô đã thực hành theo các bài giảng của Pháp Luân Công.

Bài báo lưu ý rằng, gần 18 năm nay, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã và đang bức hại các học viên Pháp Luân Công, nhiều người trong số đó đã biến mất một cách bí mật sau khi bị bắt.

Những ngày trong trại giam của cô Tống bắt đầu lúc 6 giờ sáng và kết thúc lúc 11 giờ đêm, đôi khi là nửa đêm. Các bữa ăn của cô chỉ được kéo dài trong 5 phút và cô phải xin phép khi đi vệ sinh. Các tù nhân không bao giờ được phép nói chuyện với nhau.

“Những lúc làm việc thì khá yên ổn” cô nói, nó hoàn toàn trái ngược với những lúc cô phải chịu đựng sự tra tấn.

Khi không làm việc 18,19 giờ một ngày, cô Tống bị đánh đập, bị biệt giam, bị tẩy não, hoặc bị cấm ngủ liên tiếp nhiều ngày. Có lần, cô bị bắt buộc phải đứng liên tục trong chín ngày đêm.

Những tù nhân như cô cũng bị ép buộc tham gia kiểm tra sức khỏe. Trước khi cô bị đưa vào trại lao động, một bác sỹ đã ép cô Tống để lấy mẫu máu, nước tiểu và chụp tia X quang.

Trong trại lao động, cô phải điểm chỉ vào một mẫu đơn đồng ý hiến tạng. Hết lần này tới lần khác, các lính canh nói rằng họ phải làm đủ “quota”, và đe dọa đưa cô vào một “nhà tù đặc biệt” mà ở đó cô không thể quay trở về.

Tội ác bị tiết lộ năm 2006

Một trong những người đầu tiên thừa nhận rằng các tù nhân chính trị đang bị giết lấy tạng là vợ cũ của một bác sỹ phẫu thuật làm việc trong một trại tập trung ở Tô Gia Đồn phía Đông Bắc Trung Quốc. Cô tiết lộ tội ác này vào tháng 3 năm 2006 và giấu tên.

Chồng cô đã từng kể với cô rằng ông ta đã lấy đi giác mạc của các tù nhân tu luyện Pháp Luân Công, một số người trong đó vẫn còn sống. Bệnh viện nơi ông ta làm việc cũng lấy đi gan, thận và da trước khi ném những thi hài này vào lò thiêu để phi tang tội ác.

Cô Kinh Thiên đã bị giam giữ và đưa vào trại cưỡng bức lao động nhiều lần trong khoảng thời gian từ năm 1999 đến 2003. Cô nói rằng vào thời điểm đó cô hiểu tại sao cô lại bị kiểm tra liên tục khi đang bị tạm giam. “Tôi đã bị sốc. Tôi không thể tin vào điều đó,” cô nói với thông dịch viên.

a93288afc99b960c1fa5dd9e70b13288.jpg

Kinh Thiên (bên trái), mẹ cô (ở giữa) và chị gái cô Kinh Thái (bên phải)

Cô ấy cũng chịu đựng trong nỗi kinh hoàng. Trong thời gian cô bị giam giữ, cô bị buộc vào một cái cây, không được mặc ấm giữa mùa đông hoặc buộc vào lò gạch. Cô chứng kiến một số tù nhân bị đánh đến chết.

Cô Kinh nhớ lại rằng các bác sỹ đã 8 lần lấy mẫu máu của cô và rằng cô phải trả lời các câu hỏi về các thành viên gia đình và các đồng nghiệp cũ.

“Bởi vì tôi sống trong một thành phố lớn, bởi vì tôi có nhiều người quen, và bởi vì tôi gần gũi với gia đình mình, họ đã không làm gì tôi. Tuy nhiên, họ liên tục thử máu.”

Những tù nhân khác không thật sự may mắn. Một vài người trong số họ đến vào lúc nửa đêm và đã phải đi trước lúc bình minh, cô nói.

Dự luật ở Ottawa

Vấn đề về buôn lậu tạng đã quay lại trên bàn nghị sự khi Nghị sỹ đảng Bảo thủ Garnett Genuis cố gắng sửa luật C-561 của cựu Bộ trưởng nội các đảng Tự do Irwin Cotle lần đầu tiên được đưa ra trước Hạ viện vào năm 2013.

C-561 sẽ áp dụng tội hình sự đối với những người dính líu đến buôn lậu nội tạng dù ở Canada hay ở nước ngoài, cũng có nghĩa là áp dụng đối với việc ghép các tạng được mua bán hoặc không có sự đồng ý của người hiến.

“Ở Canada, chúng tôi có một dự luật cần được thông qua,” Genuis nói trong một diễn văn tuần này. “Chưa có luật nào ngăn cấm người dân Canada ra nước ngoài để ghép tạng có được thông qua sự bóc lột.”

“Theo luật quốc tế, ủng hộ cho buôn lậu tạng là một tội ác phản nhân loại, vì vậy nó cũng là tội ác ở Canada.”

Cựu quốc vụ khanh Canada David Kilgour và luật sư nhân quyền David Matas là đồng tác giả của một báo cáo công bố năm 2006 đã đưa ra ánh sáng hoạt động buôn lậu tạng của các tù nhân chính trị ở Trung Quốc. Báo cáo của họ được xem là “cực đoan” và bị cấm ở Trung Quốc và Nga.

Mười năm sau đó, vào năm 2016, hai tác giả trên và nhà báo Ethan Guttmann đã lại công bố một báo cáo dài 798 trang, trong đó ước tính rằng chế độ cộng sản Trung Quốc đã thực hiện khoảng 1,5 triệu ca ghép tạng từ năm 2000 đến năm 2015.

Mặt khác Trung Quốc ước tính rằng có khoảng 10.000 ca ghép được thực hiện mỗi năm và tạng của các tù nhân được cho đi với sự đồng ý trước của họ.

Canada phải hết sức tỉnh táo

Bởi vì Chính phủ Trudeau muốn tăng cường mối quan hệ với Trung Quốc, ông Kilgour tin rằng Canada phải lưu ý đến vấn đề nhân quyền và đứng lên vì “các giá trị Canada.”

“Nhiều người lo ngại rằng dự luật này [C-561] sẽ không được thông qua bởi vì nó chống lại Trung Quốc. Nhưng nó chống lại họ như thế nào nếu như họ tuyên bố họ không gây ra những tội ác đó?” ông nói, nhấn mạnh đến sự lố bịch trong lập trường của Trung Quốc.

Sự tra tấn cô Cindy Tống kết thúc vài tháng trước khi cô được thả vào mùa thu năm 2004. Bố cô gây áp lực lên chính quyền hàng ngày cho đến khi cô được thả khỏi trại lao động

Khi nhìn lại sự việc đã qua, cô Tống tin rằng sự vận động xung quanh việc giam giữ cô đã giúp cứu cô. “Tôi tin rằng, nếu không có sự giúp đỡ của cha mẹ, tôi sẽ “biến mất”, người phụ nữ 42 tuổi giải thích.

Cô Kinh tiếp tục tuyệt thực để phản đối việc cô bị tạm giam. Sau 50 ngày cô tuyệt thực, cô được thả vì đã cận kề cái chết.

Người phụ nữ 47 tuổi này tin rằng chính quyền thả cô về vì họ muốn tránh dư luận quanh cái chết của cô. Dù trong tình huống nào, họ đã không thể lấy đi tạng của cô vì họ ở trong tình huống bất lợi sau khi cô tuyệt thực, cô nói.

Một cuộc đời mới ở Canada

Cả hai người phụ nữ này đều đã chuyển tới Canada và sống một cuộc sống bình yên. Cô Tống học luật và mơ ước trở thành một luật sư. Cô Kinh yêu thích công việc làm vườn và thường đến các điểm du lịch ở Vancouver để phơi bày các việc làm của chế độ Trung Quốc.

“Nói cho mọi người biết chuyện gì đang xảy ra ở Trung Quốc là rất quan trọng. Ở Canada, rất khó để có thể hình dung ra rằng những điều như vậy lại đang diễn ra trên thế giới. Nhưng chúng thực sự đang diễn ra,” cô Tống nói.

Cô hy vọng rằng chính quyền Trudeau sẽ coi trọng việc này khi thương thảo về các hiệp định thương mại tự do với Trung Quốc. “Khi bạn làm ăn với nhau, bạn nên biết nhiều về đối tác,” cô nói. “Nếu đối tác giết người hàng loạt, liệu bạn có hợp tác làm ăn với anh ta không?”

“Đây là một tội diệt chủng thời hiện đại. Nó đang xảy ra lúc này. Cách mà chúng ta phản ứng sẽ khơi gợi được đạo đức và tính nhân văn của con người.”


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2017/4/29/346339.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2017/4/30/163031.html
Đăng ngày 10-5-2017; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share