Bài viết của phóng viên Minh Huệ từ tỉnh Hà Nam, Trung Quốc

[MINH HUỆ 3-3-2017] Ngày 24 tháng 2 năm 2017, Bà Trần Hằng Phương, 55 tuổi, ở mỏ dầu Trung Nguyên, đã bị bắt giữ trong khi đang treo biểu ngữ mang thông tin về Pháp Luân Công. Bà Trần bị giam giữ tại Trại tạm giam huyện Bộc Dương kể từ đó. Cảnh sát cũng lục soát nhà bà. Bà vừa trải qua phẫu ung thư vào năm 2015 và vẫn còn rất yếu.

Bị sách nhiễu và lục soát nhà liên tục

Bà Trần đã bị sách nhiễu và lục soát nhà nhiều lần kể từ khi Giang Trạch Dân, cựu bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công vào năm 1999.

Bị Phòng 610 của mỏ dầu Trung Nguyên gây áp lực, chồng bà Trần đã buộc phải giao nộp tất cả các sách Pháp Luân Công của vợ ông.

Khi bà Trần đến thăm cha mẹ mình dịp Tết Nguyên đán năm 2000, các cảnh sát từ đồn cảnh sát khu Hưng Long đã sách nhiễu bà và đưa bà đến đồn để thẩm vấn.

Bà Trần cũng bị nhân viên Văn phòng Hưu trí sách nhiễu nhiều lần từ năm 2000 đến năm 2002. Họ bắt bà tham gia các buổi tẩy não và ép bà ký cam kết không đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công.

Năm 2005, người từ Đội An ninh Nội địa của mỏ dầu Trung Nguyên đã đột nhập vào nhà bà Trần và tịch thu các sách Pháp Luân Công của bà. Họ đưa bà Trần đi lao động cưỡng bức trong một năm. Sau đó, cảnh sát đã thả bà sau khi tống tiền gia đình bà một khoản tiền lớn.

Tháng 1 năm 2007, cảnh sát từ Đội An ninh Nội địa thành phố Bộc Dương đã lục soát nhà bà Trần. Họ tịch thu các sách Pháp Luân Công, một máy tính, tài liệu thông tin về Pháp Luân Công và các vật dụng cá nhân khác của bà. Cảnh sát cũng sách nhiễu chồng bà một vài lần. Vì phải chịu nhiều áp lực, nên cuối cùng ông đã ly dị bà Trần. Phòng 610 Mỏ dầu Trung Nguyên sau đó đã ép bà Trần viết cam kết từ bỏ Pháp Luân Công.

Cán bộ khu phố đã sách nhiễu và giám sát bà Trần một vài ngày trong kỳ Thế vận hội Bắc Kinh năm 2008.

Ngày 30 tháng 11 năm 2011, cảnh sát từ Đội An ninh Nội địa thành phố Bộc Dương, Viện kiểm sát và các cơ quan khác lại lục soát nhà của bà Trần. Họ tịch thu các sách Pháp Luân Công và tài liệu thông tin khác, lấy đó làm bằng chứng buộc tội bà. Các quan chức cũng lục soát nhà của bà Trần thêm ba lần và thẩm vấn bà trong vòng 20 ngày sau đó.

Hai năm sau, viện kiểm sát đã khởi kiện bà Trần dựa vào những đồ vật mà cảnh sát tịch thu làm “bằng chứng”. Viện kiểm sát cũng lệnh cho các viên chức khu phố thay mặt bà Trần ký các văn bản pháp luật mà không có sự đồng thuận của bà. Cảnh sát thường sách nhiễu bà Trần tại nhà và lệnh cho bà phải đến tòa án. Nhưng bà từ chối. Bà phải chịu đựng nhiều thống khổ cả về thể chất lẫn tinh thần khiến sức khỏe của bà nhanh chóng bị suy giảm.

Tháng 10 năm 2015, bà Trần đã đệ đơn kiện cựu độc tài Giang Trạch Dân lên Tòa án Nhân dân Tối cao và Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao, vì đã đàn áp Pháp Luân Công. Hai tháng sau, phòng cảnh sát Mỏ dầu Trung Nguyên lại tiếp tục sách nhiễu bà và khám máy tính của bà. Cảnh sát nói rằng Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao đã ra lệnh điều tra bà.

Bài viết liên quan: Cảnh sát trưởng mới tại tỉnh Hà Nam lật lại những vụ án cũ vì mục đích thăng tiến sự nghiệp


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2017/3/3/343796.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2017/3/20/162564.html
Đăng ngày 10-4-2017; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share