Bài viết của Từ Tuệ, học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc.

[MINH HUỆ 13-10-2016]

Sư phụ giảng:

“Vạch trần cảnh sát tà ác và kẻ xấu, công bố ở xã hội những hành vi ác của họ, cách làm đó là có tác dụng làm những kẻ ác không còn lý tính kia phải kinh hãi vô cùng, đồng thời giảng chân tướng tại địa phương [của tà ác] cũng khiến cho dân chúng thấy rõ và nhận thức một cách trực tiếp được bức hại của tà ác, đồng thời cũng là biện pháp rất tốt để cứu độ dân chúng bị vu khống đầu độc và lừa dối. Hy vọng toàn thể đệ tử Đại Pháp cũng như học viên mới ở Trung Quốc đều làm thật tốt việc này.” (Lời bình, Tinh Tấn Yếu Chỉ III)

Từ khi cuộc bức hại bắt đầu vào năm 1999, nhiều học viên Pháp Luân Đại Pháp ở địa phương chúng tôi đã bị giam giữ và kết án. Tôi đã đột phá nỗi sợ hãi của mình và tham gia vào việc giải cứu họ. Trong quá trình này, tôi đã trưởng thành lên nhiều, và cảnh giới của tôi cũng được đề cao.

Tôi rất thương cảm với những đồng tu bị bắt, nhưng đó chỉ là nỗi thương cảm thường tình. Tôi đã cố gắng giải cứu họ chỉ bởi tôi muốn đòi lại công lý cho họ. Nhưng dần dần, tôi đã trở nên từ bi và dùng tâm thuần tịnh hơn để giúp đỡ người khác. Tôi cảm thấy Sư phụ luôn ở bên cạnh chăm sóc bảo hộ cho tôi.

Thông qua học Pháp và được Sư phụ điểm hóa, tôi ngộ ra rằng tiến bước để giải cứu đồng tu không khó như tôi vẫn tưởng. Chỉ cần mục đích và phương cách của tôi đúng đắn, hết thảy đều có Sư phụ làm chủ.

Cho dù tôi có biết đồng tu hay không, tôi đều tận lực giải cứu họ, bởi vì vô tư là phù hợp với tiêu chuẩn của vũ trụ mới, chỉ có đạt tới tiêu chuẩn này mới thoát khỏi sự an bài của cựu thế lực.

Dưới đây tôi xin chia sẻ cách tôi giảng chân tướng cho cảnh sát và các cơ quan công an, kiểm sát và tư pháp khi giải cứu đồng tu.

Đột phá nỗi sợ hãi

Một đồng tu bị bắt vào năm 2009, máy tính của gia đình cô bị tịch thu. Các tập tin và bản thiết kế quan trọng của chồng cô đều được lưu trong máy. Tôi đã khuyến khích chồng cô đến Cục An ninh Nội địa để đòi lại máy tính nhưng anh lưỡng lự không đi bởi anh biết Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vô cùng nguy hiểm.

Sau đó, chúng tôi nghe nói một đồng tu có con trai bị bắt, đồng tu ấy đã đi giảng chân tướng cho các cơ quan công an, kiểm sát và tư pháp ở địa phương, cuối cùng đã cứu được con trai ra. Vì vậy chúng tôi đã mời đồng tu này cùng chúng tôi đi giảng chân tướng, người chồng của đồng tu bị bắt cuối cùng cũng đồng ý đi cùng chúng tôi. Đây là lần đầu tiên chúng tôi phối hợp chỉnh thể địa phương để giảng chân tướng cho cảnh sát và các cơ quan công an, kiểm sát và tư pháp.

Buổi tối trước hôm đi giảng chân tướng, tôi không tài nào ngủ được. Tôi bị bao vây bởi một nỗi sợ hãi không tên. Tôi từng bị bức hại ở trại giam nên tôi biết một số cảnh sát đối xử tàn bạo như thế nào đối với các học viên Pháp Luân Công. Hơn nữa, một đồng tu ở địa phương của tôi từng bị kết án chỉ vì cô đến Cục An ninh Nội địa yêu cầu họ trả lại tài sản cho cô. Nghĩ vậy, cả đêm tôi cứ run rẩy vì sợ hãi.

Ngày hôm sau, đứng trước văn phòng Cục An ninh mà chân tôi vẫn run rẩy. Dường như các đồng tu khác không hề sợ hãi. Trong lúc đứng đợi, tôi đã cố trấn tĩnh được đôi chút, nhưng khi bắt đầu nói chuyện với vị cục trưởng, nỗi sợ hãi của tôi đã hoàn toàn biến mất.

Tôi hỏi ông ta tại sao lại giam giữ người tốt ở trong tù. Tôi còn nói với ông rằng hơn 800 cảnh sát bức hại người tốt trong cuộc Cách mạng Văn hóa đã bị xử bắn bí mật ở một nơi hẻo lánh sau khi cuộc Cách mạng Văn hóa kết thúc. Tôi khuyên ông không nên đi theo vết xe đổ này. Sau khi nghe tôi nói, hai tay ông run lên, hai chân bước tới bước lui vì sợ hãi.

Sau đó, ông đã đưa cho chúng tôi số điện thoại của mình. Đồng tu có máy tính bị tịch thu đã gọi điện cho ông nhiều lần và cuối cùng chiếc máy tính đã được trả lại.

Sự việc trên đã giúp chúng tôi tăng cường sự tự tin khi giảng chân tướng cho cảnh sát và các cơ quan công an, kiểm sát và tư pháp. Chúng tôi đã giảng chân tướng nhiều lần cho họ và đạt được hiệu quả rất tốt.

Giảng chân tướng về cuộc bức hại cho các luật sư

Hai đồng tu ở địa phương của tôi bị bắt vào năm 2011. Chúng tôi đã thuê hai luật sư ở Bắc Kinh để bào chữa cho họ tại tòa. Hai đồng tu đã đặt nhiều hy vọng vào luật sư, nhưng họ đều bị xử năm năm tù giam.

Chúng tôi tự hỏi tại sao họ bị xử án như vậy và ngộ ra rằng chúng tôi đã không giảng chân tướng thấu đáo cho cộng đồng luật sư của địa phương. Sau khi đọc các bài viết trên Minh Huệ Net về giảng chân tướng cho luật sư, tôi đã được tiếp thêm sức mạnh để làm việc này. Tôi bàn việc này với điều phối viên ở địa phương và cô đã động viên tôi thực hiện kế hoạch.

Tôi cùng hai đồng tu nữa đến các văn phòng luật trong khi các đồng tu khác phát chính niệm thanh trừ can nhiễu của cựu thế lực cản trở các luật sư minh bạch chân tướng. Chúng tôi mang theo bản sao bản án năm năm tù cùng một đơn khiếu nại và đến những nơi đó với ý định thuê luật sư kháng cáo.

Một luật sư rất tức giận sau khi đọc bản án. “Vị thẩm phán này thật phi lý,” ông nói. “Các học viên Pháp Luân Công không làm gì phạm pháp, vậy mà ông ta xử họ những năm năm tù.”

Ông đã khuyến khích một luật sư khác nhận vụ kiện của chúng tôi, nhưng vị luật sư đó sợ không dám nhận. Tuy nhiên, ông ấy đã ca ngợi hai luật sư Bắc Kinh vì đã dũng cảm bào chữa giúp hai đồng tu của chúng tôi tại tòa lần trước.

Sau đó, nhóm của chúng tôi đã có thêm nhiều đồng tu tham gia giảng chân tướng cho luật sư. Họ đều nguyện ý tham gia và cảm thấy khích lệ vì giảng chân tướng đã thu được hiệu quả tốt.

Thẩm phán từ chối tiếp nhận các vụ án Pháp Luân Công

Các đồng tu địa phương chúng tôi đã thảo luận xem nên làm gì với Cục An ninh Nội địa và thẩm phán. Cuối cùng chúng tôi quyết định in áp phích công khai về những việc làm của họ. Chúng tôi in ảnh, tên, địa chỉ, nơi làm việc và việc họ bức hại các học viên Pháp Luân Công lên áp phích. Sau đó, chúng tôi dựng áp phích ở khu vực họ sinh sống.

Chúng tôi gọi điện và thông báo với họ tại sao chúng tôi làm việc này và hy vọng họ sẽ không bức hại các học viên Pháp Luân Công nữa, bởi vì làm vậy sẽ hủy hoại tương lai của họ.

Thẩm phán cảm nhận được áp lực và nói đó đều là do Phòng 610 đã đẩy ông vào các vụ án xét xử các học viên Pháp Luân Công. Ông rất tức giận vì mình bị liệt vào danh sách những kẻ bức hại. Ông nói rằng ông sẽ không tiếp nhận vụ án Pháp Luân Công nào nữa. Sau đó, vị thẩm phán này đã thay đổi vị trí công việc và không còn dính líu đến cuộc bức hại nữa.

Về phía Cục trưởng Cục An ninh Nội địa, ông đã phớt lờ lời cảnh báo của chúng tôi và vẫn tiếp tục tội ác của mình. Sau đó, ông ta bị bệnh nặng và mất khả năng làm việc.

Thông qua chuyện này, tôi ngộ ra rằng phơi bày những việc làm xấu xa của kẻ bức hại là một hành động từ bi đối với họ, bởi làm vậy là để họ không bức hại học viên Pháp Luân Công nữa và có cơ hội được đắc cứu.

Cục trưởng Cục An ninh Nội địa chăm chú lắng nghe

Tháng 7 năm 2014 một học viên Pháp Luân Công bị bắt. Chúng tôi phát hiện cô bị giam giữ tại đồn cảnh sát địa phương. Vì vậy, tôi và một đồng tu khác đã đến đồn cảnh sát để giảng chân tướng.

Trong lúc chúng tôi ở đó, ba cảnh sát mặc thường phục bước vào. Một người trong số họ có vẻ là thủ trưởng. Anh ta bảo hai người kia dẫn tôi ra khỏi đó. Tôi bước đến chỗ anh ta và nói: “Hãy khoan đã. Hãy cho tôi mười phút. Tôi muốn nói chuyện với anh.” Anh ta gật đầu đồng ý.

Chúng tôi ngồi xuống ghế. Tôi nói: “Các học viên Pháp Luân Công đều là người tốt. Nhà tù không phải là nơi giam giữ người tốt phải không? ĐCSTQ luôn rũ bỏ trách nhiệm sau khi kết thúc một cuộc bức hại. Từ khi nắm quyền, nó vẫn luôn làm như vậy. Chẳng hạn, sau Cách mạng Văn hóa, hơn 800 cảnh sát bức hại người tốt đã bị đem đi xử bắn bí mật ở một vùng xa xôi của tỉnh Vân Nam. Đó là sự thật lịch sử, nó cũng xảy ra cách đây không lâu. Tôi hy vọng anh sẽ không đi theo vết xe đổ này.”

“Chúng ta có thể rút ra bài học từ lịch sử. Đừng để mình trở thành kẻ giơ đầu chịu báng của ĐCSTQ. Người Trung Quốc có câu ‘làm việc thiện tích đức’ để bản thân và gia đình được phù hộ và phúc báo.”

“Tôi không có lựa chọn nào khác”, anh ta nói. “Tôi làm việc cho ĐCSTQ. Tôi phải thực hiện mệnh lệnh của họ.”

Tôi đáp lại: “Thực ra, anh vẫn có sự lựa chọn. Với quyền hạn của mình, anh có thể giúp các học viên Pháp Luân Công và thả họ ra. Làm việc thiện, anh và gia đình sẽ đắc phúc báo.”

“Tôi nghĩ anh nên xem hai bộ phim: Đại phán quyết ở NurembergNghe trộm tin tức. Bộ phim đầu tiên được quay vào năm 1945. Bộ phim kể về việc Hitler thảm sát người Do Thái. Những sỹ quan cảnh sát cấp cao theo sát Hitler đều tự sát hoặc mất tích sau khi Hitler sụp đổ. Trong số 21 sỹ quan cao cấp bị đem ra xét xử ở Nuremberg, 12 người bị hành hình treo cổ, 3 người bị tù chung thân, 2 người bị 20 năm tù giam, 1 người bị 15 năm tù, và 1 người bị 10 năm tù. Nhiều người cung cấp tư nguyên chiến tranh cho phát-xit Đức, bao gồm các nhà sản xuất công nghiệp, nhân viên quân sự, bác sỹ và bảo vệ các trại tập trung đều bị phán xử là tội phạm chiến tranh. Hơn 5.000 người bị cáo buộc là có tội, và hơn 800 người bị phán tử hình. Thậm chí y tá cũng bị đưa lên đài hành hình.”

“Bộ phim thứ hai, Nghe trộm tin tức, kể về Đông Đức năm 1984. Một cảnh sát được giao nhiệm vụ theo dõi một kịch gia nổi tiếng, nhưng anh không báo cáo những gì anh theo dõi được cho cấp trên. Ngược lại, anh còn bảo vệ và giúp đỡ kịch gia đó. Sau đó, anh bị sa thải và phải kiếm sống bằng nghề gấp phong bì ở một căn hầm. Bốn năm sau, bức tường Berlin sụp đổ và câu chuyện của anh đã được dựng thành phim. Anh đã trở thành một anh hùng. Bộ phim này đã giành được bảy giải thưởng. Nếu như hôm nay anh đối xử tử tế và bảo hộ các đệ tử Đại Pháp thì tương lai anh cũng có thể trở thành anh hùng.”

Anh ta nghe tôi nói xong liền gật đầu.

Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật: Cảm ơn vì lời nhắc nhở của anh

Tôi đọc một báo cáo trên Minh Huệ Net miêu tả hơn 20 học viên Pháp Luân Công bị bắt và hai người trong số họ sẽ bị xét xử ở một thành phố vào tháng 3 năm 2016. Vì vậy, tôi đã gọi điện cho Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật của địa phương.

“Các ông đừng bức hại các học viên Pháp Luân Công,” tôi nói. “Hãy để tôi phân tích một chút tình thế trước mặt. Ông xem Chu Vĩnh Khang, cựu Giám đốc Phòng 610, đã bị kết án tù chung thân. Mẹ ông ta đã treo cổ tự tử. Em trai ông ta cũng tự tử sau khi bị điều tra viên của chính phủ thẩm vấn. Con trai ông ta bị kết án 18 năm tù và toàn bộ tài sản trị giá 350 triệu đô la bị tịch thu. Vợ ông ta bị kết án 9 năm tù và toàn bộ tài sản trị giá 1 triệu đô la của bà cũng bị tịch thu. Bí thư của ông ta cũng bị bắt. Bạc Hy Lai cũng bị tù chung thân. Ông ta đã tiêu tốn 100 triệu đô la vào việc xây dựng nhà tù ở tỉnh Liêu Ninh để bức hại các học viên Pháp Luân Công. Nhưng bây giờ ông ta lại đang bị giam trong ngục. Đây chẳng phải là báo ứng sao. Ông đừng nên đi theo vết xe đổ của họ mà tự kết thúc đời mình ở trong tù. Hãy trả tự do cho hai học viên Pháp Luân Công mà các ông định xét xử”

Tôi khuyên ông ấy không nên thi hành mệnh lệnh của cấp trên bởi bọn họ đã bị tống vào ngục và hãy sáng suốt để cân nhắc cho tương lai.

“Cám ơn anh đã nhắc nhở. Cám ơn anh đã nhắc nhở,” ông ta nói.

Sau đó, tôi và các học viên địa phương đó đã cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm. Họ đã thuê một luật sư cho hai đồng tu bị bắt, giảng chân tướng cho cảnh sát và các cơ quan công an, kiểm sát và tư pháp, và đã thu được kết quả tốt đẹp.

Gửi thông tin về cuộc bức hại cho tổ điều tra trung ương

Tổ điều tra trung ương của ĐCSTQ đang tiếp thụ địa phương của chúng tôi, vì vậy tôi đã gọi điện cho họ. Một phụ nữ trả lời điện thoại và bảo tôi hãy gửi cho cô bất kỳ thông tin nào liên quan đến việc bức hại các học viên Pháp Luân Công ở địa phương càng sớm càng tốt.

Hơn 20 học viên ở địa phương chúng tôi đã bị bức hại đến chết. Một số người vẫn bị giam giữ tại các nhà tù khác nhau. Chúng tôi đã gửi tài liệu chi tiết về họ cho tổ điều tra. Chúng tôi cũng miêu tả chi tiết việc bức hại là do Cục trưởng Cục An ninh Nội địa của địa phương tiến hành.

Báo cáo các trường hợp bức hại trên mạng để giảng chân tướng

Tôi viết báo cáo về hành vi bức hại các học viên Pháp Luân Công của các nhân viên cảnh sát, cơ quan công an, kiểm sát, tư pháp và Phòng 610 lên mạng. Tôi còn viết tin nhắn văn bản và tạo tin nhắn thoại, trong đó có đính kèm con số điều tra về cuộc bức hại.

Sau đó, tôi đã gửi những tin nhắn này cho hàng trăm nhân viên cảnh sát và cơ quan công an, kiểm sát, tư pháp địa phương, hy vọng rằng họ sẽ minh bạch chân tướng và chấm dứt bức hại các học viên Pháp Luân Công.

Giúp đỡ đồng tu ở các địa phương khác tiến bước

Ở một số địa phương, các học viên khá trầm mặc khi đồng tu của họ bị bắt. Họ sợ gặp nguy hiểm khi đi giải cứu các đồng tu. Một số học viên lại cảm thấy họ không có đủ năng lực.

Đệ tử Đại Pháp là hy vọng duy nhất để chúng sinh được cứu. Chúng ta không thể trông chờ vào ai đó khác. Nếu chúng ta không bước ra giảng chân tướng và chấm dứt cuộc bức hại, hoàn cảnh của chúng ta sẽ không cải biến và nhiều chúng sinh sẽ mất đi cơ hội được cứu.

Do đó, chúng tôi đã quyết định giúp các đồng tu ở những địa phương khác. Chúng tôi đến thăm những vùng vẫn còn bị bức hại nghiêm trọng. Sau đó, chúng tôi cùng các đồng tu địa phương chia sẻ kinh nghiệm. Cuối cùng, nhiều người trong số họ đã nguyện ý tham gia hạng mục của chúng tôi.

Để giải cứu đồng tu, tôi đã giảng chân tướng hơn mười lần cho cảnh sát và các cơ quan công an, kiểm sát, tư pháp. Trong quá trình này, tôi đã nhiều lần gặp mộng. Bốn lần tôi mơ thấy mình bị bắt, nhưng ba lần được thả vì đã giảng chân tướng cho cảnh sát, còn một lần vì có chính niệm mạnh mẽ nên tôi vẫn ung dung bước ra. Thông qua những giấc mơ ấy, tôi ngộ được rằng tôi đã tránh được nhiều kiếp nạn bởi bản thân đã bước đi đúng đắn trên con đường phản bức hại.

Trên đây là một số chia sẻ của tôi. Xin các đồng tu từ bi chỉ ra những điều không phù hợp.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2016/10/13/336201.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2016/11/23/160054.html

Đăng ngày 16-2-2017; Bản dịch có thể được chỉnh sửa trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share