[MINH HUỆ 29-01-2017] Từ ngày 11 đến 15 tháng 1 năm 2017, cựu Quốc Vụ Khanh Canada khu vực Châu Á – Thái Bình Dương David Kilgour và luật sư nhân quyền David Matas đã tổ chức một loạt sự kiện tại thủ đô Riga của Latvia. Các buổi họp báo này nhằm thông tin cho người dân Latvia biết về tội ác do nhà nước bảo hộ tại Trung Quốc – nạn cưỡng bức thu hoạch tạng từ các tù nhân lương tâm còn sống, đặc biệt là từ các học viên Pháp Luân Công. Trong cuộc họp với các quan chức đắc cử, hai nhà bảo vệ nhân quyền này đã thảo luận vận dụng pháp lý như thế nào để có thể góp phần chấm dứt tội ác đang diễn ra ở Trung Quốc này.

Trong suốt thập kỷ qua, ông Kilgour và ông Matas đã tiến hành cuộc điều tra về nạn cưỡng bức thu hoạch tạng ở Trung Quốc. Năm 2006, họ đã cho xuất bản cuốn sách đầu tiên mang tên “Thu hoạch Đẫm máu”, cuốn sách khiến họ được đề cử cho giải thưởng Nobel Hòa Bình. Với sự hợp tác của các Chuyên gia về Trung Quốc và nhà báo Ethan Gutman, mùa hè năm 2016, một báo cáo kết quả điều tra mới nhất với tựa đề Thu hoạch Đẫm máu/Thảm sát – Cập nhật tình hình đã được xuất bản; cung cấp thêm nhiều bằng chứng về tội ác của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Thuyết trình trước Quốc hội

Ngày 11 tháng 1, tại Saeima, Quốc hội nước Cộng hòa Latvia, ông Kilgour and ông Matas đã có bài thuyết trình với tựa đề “Bàn về nạn thu hoạch tạng ở Trung Quốc và sự liên quan của nó với các quốc gia khác trên thế giới”. Phiên họp có sự tham dự của các thành viên Quốc hội cũng như những người có liên quan đến nhân quyền.

Hai ông còn có cuộc họp với Bộ Ngoại giao và Bộ Tư Pháp, cũng như với từng chuyên gia, những người có khả năng thúc đẩy những thay đổi tích cực trong vấn đề này thông qua công việc thường nhật của họ. Giống như ở Israel, Đài Loan và Tây Ban Nha, tất cả các quốc gia đều được kêu gọi sử dụng hệ thống pháp lý để chấm dứt tội ác cưỡng bức thu hoạch tạng ở Trung Quốc.

50a3f8fb2b3a53f147ead8467fa1434b.jpg

481f5eeb786a26c8851d3f09df2f70b9.jpg

Thuyết trình tại Quốc hội nước Cộng hòa Latvia: “Bàn về nạn cưỡng bức thu hoạch tạng ở Trung Quốc và mối liên quan của nó với các quốc gia khác trên thế giới.”

Mỗi ngày có 250 người bị giết để lấy nội tạng ở Trung Quốc

Trong bài thuyết trình, ông Kilgour đã chỉ ra rằng, mỗi ngày ở Trung Quốc có khoảng 250 người, chủ yếu là các tù nhân lương tâm, không phải tội phạm, bị giết chết để lấy nội tạng. Hầu hết trong số họ là các học viên Pháp Luân Công, người Tây Tạng, người Duy Ngô Nhĩ và người Ki tô giáo. Ông Matas cho biết, ông đã gặp gỡ các học viên Pháp Luân Công ở hơn 50 quốc gia trên toàn thế giới và nói rằng, họ là những công dân luôn tuân thủ pháp luật, hoàn toàn trái ngược với những điều xấu xa mà chính quyền Cộng sản Trung Quốc gán cho các học viên Pháp Luân Công.

Ông Matas chỉ ra rằng, nghị quyết của Quốc hội Châu Âu năm 2013 kêu gọi các nước thành viên Liên minh Châu Âu chung tay giải quyết vấn nạn thu hoạch tạng ở Trung Quốc, công khai lên án tội ác này, và thông tin cho những người đang đến Trung Quốc biết về tội ác này. Ông cũng chỉ ra rằng, Hiến pháp nước Cộng hòa Latvia tuyên bố rằng người dân Latvia lên án tội ác của chính quyền cộng sản Trung Quốc. Ông nhắc khán giả hãy hiểu rằng vấn đề họ đang thảo luận ấy chính là tội ác của chính quyền Cộng sản ở Trung Quốc.

Ông còn nhận định rằng, hầu hết khán giả không biết được liệu người dân Latvia có du lịch tới Trung Quốc để ghép tạng hay không, hay có bao nhiêu người du lịch ghép tạng. Ông đề cập tới tuyên bố của của chính phủ Latvia trong việc tham gia Hội đồng Công ước Châu Âu chống nạn kinh doanh tạng bất hợp pháp, trong đó lưu ý rằng, để tham gia Công ước, việc trước mắt hết sức quan trọng là cần phải điều chỉnh hệ thống luật pháp quốc gia cho phù hợp.

Ông Matas cho biết, việc dư luận quốc tế công khai chỉ trích khiến chính phủ Trung Quốc rất khó chịu, và nếu như ngay cả một quốc gia nhỏ bé như Latvia cũng lên án nạn thu hoạch nội tạng từ những học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc, thì sẽ khiến chính phủ Trung Quốc nhận ra rằng tội ác đó thực sự không thể tiếp tục kéo dài nữa. Việc lên án này của Latvia chắc chắn sẽ góp phần chấm dứt nhanh hơn tội ác thu hoạch nội tạng này. Ông nhấn mạnh rằng, Latvia có điều kiện rất thuận lợi để thực hiện lập trường quan điểm này vì trước đây Latvia đã phải đương đầu và phản đối tội ác của chế độ cộng sản.

“Thu hoạch Đẫm máu – Bí mật lớn của Trung Quốc”

Ngày 11 tháng 1, tại Đài tưởng niệm Zanis Lipke, đã diễn ra buổi thuyết trình có tựa đề “Thu hoạch Đẫm máu – Bí mật lớn của Trung Quốc”, theo sau là phần hỏi và đáp. Sự kiện này đã thu hút được sự tham dự của đại diện các Đại sứ quán, các nghị sỹ Quốc hội, các quan chức Chính phủ, các bác sỹ cấy ghép tạng và chuyên gia y tế, thậm chí có cả những chuyên gia ghép tạng đến từ các nước láng giềng như Lithuania và Estonia.

Ông Martins Sics, nghị sỹ Quốc hội, đồng thời là bác sỹ chuyên khoa reanimatology, đã tham dự buổi thuyết trình và nhận xét rằng, những giải pháp của Quốc hội Châu Âu nhằm lên án nạn thu hoạch nội tạng là hết sức quan trọng. Ông cho biết, ngay từ đầu ông đã phản đối việc thu hoạch tạng từ những tù nhân ở Trung Quốc. Các bác sỹ người Trung Quốc mà ông hay gặp tại các hội nghị từng nói với ông rằng, việc sử dụng tạng của tù nhân bị kết án tử hình là hợp lý. Nhưng sau đó, khi những câu chuyện đáng sợ về vi phạm nhân quyền một cách nghiêm trọng bị vỡ lở, bao gồm cả việc những tù nhân chính trị bị kết án tử hình mà không theo một trình tự tố tụng hình sự hợp pháp và rồi chính họ trở thành nạn nhân của tội ác mổ cướp nội tạng này.

Ông Sics nhận xét, so với tội ác mà Đức Quốc Xã gây ra thì tội ác này không kém phần khủng khiếp. Ông tin tưởng rằng mọi hành động lên án tội ác này, cũng như sự nỗ lực nhằm ngăn chặn nó sẽ góp phần làm gia tăng trọng lượng cho việc giải quyết vấn đề này theo pháp luật.

Ông Janis Martins Skuja, thành viên ban điều phối của Latvia trong Hiệp hội Tây Tạng cho biết, sau khi nghe buổi thuyết trình này, ông thấy rất quan ngại về vấn đề thu hoạch tạng ở nước Cộng sản Trung Quốc. Ông chỉ ra rằng, vấn đề này phải được phổ biến cho tất cả mọi người, bởi vì nó ảnh hưởng tới bất kỳ ai. Ông nói thêm rằng, nếu hôm nay người ta vẫn bàng quan với những gì đang xảy ra ở đâu đó trên thế giới thì đến một lúc nào đó, họ cũng sẽ bàng quan với những gì xảy ra ở ngay trước cửa nhà mình.

Một điều phối viên ghép tạng thuộc Bệnh viên Đại học Tartu cho biết, trước đây cô đã từng biết rằng, ở Trung Quốc, nội tạng được lấy từ những tù nhân phạm tội hình sự. Nhưng khi biết rằng, việc thu hoạch tạng được thực hiện trên những học viên Pháp Luân Công vô tội đã khiến cô liên tưởng tới sự áp bức bóc lột của Liên Xô, khi ấy con người chỉ đơn giản là bị biến mất và không bao giờ được nhắc lại lần nữa.

Sau buổi thuyết trình, một số khán giả ghi nhận rằng việc đưa ra luật cần thiết ở cấp nhà nước có thể sẽ rất khó khăn, bởi vì ngày nay có quá nhiều quốc gia được hưởng những lợi ích kinh tế đáng kể trong việc hợp tác với Trung Quốc. Tuy nhiên, họ đều đồng ý rằng cần phải đứng lên phản đối sự bất công này. Một vị khách phát biểu rằng: “Nếu chúng ta không làm, thì không ai có thể đảm bảo rằng, đến một lúc nào đó, những điều tương tự sẽ xảy đến với chúng ta.”

Diễn thuyết tại bảo tàng Riga Ghetto và Latvian Holocaust

Ngày 12 tháng 1, tại bảo tàng Riga Ghetto và Latvian Holocaust, ông Matas và ông Kilgour đã tổ chức một cuộc họp với Hội Do Thái Riga và Latvia tại bảo tàng Riga Ghetto và Latvian Holocaust. Các đại diện của bảo tàng cùng với những vị khách mời khác đã tới tham dự sự kiện. Khách mời đã thấy kết quả của cuộc điều tra trong đó khẳng định rằng, cưỡng bức thu hoạch tạng ở Trung Quốc thực sự đang xảy ra, và rằng, nội tạng được lấy chủ yếu từ các học viên Pháp Luân Công. Một ước tính thận trọng về số lượng các ca cấy ghép đạng được tiến hành ở Trung Quốc dao động từ 60.000 đến 100.000 ca mỗi năm.

cb4d39011df5c36c12b89eadc814ec3d.jpg

Tiến sỹ Menahemu Barkahanu, chủ tịch Hội đồng thành viên của bảo tàng Riga Ghetto và Latvian Holocaust, trong buổi gặp gỡ với Hội Do thái Riga và Latvia.

Thứ Năm ngày 12 tháng 1, kênh phát thanh “Mix FM” đã phát sóng một cuộc phỏng vấn ông David Kilgour và ông David Matas. Xem phỏng vấn tại đây.

Ông David Kilgour đã có một bài diễn thuyết khác tại viện bảo tàng ở trung tâm thành phố Riga vào tối thứ Bảy. Buổi diễn thuyết được tổ chức công khai cho công chúng và cũng đã được phát sóng trực tiếp và trực tuyến.

Mặc dù bị ĐCSTQ đe dọa, cuộc điều tra vẫn tiếp tục được thực hiện

Sau buổi thuyết trình, một khán giả hỏi nếu trong quá trình điều tra, các nhà điều tra nhận thấy sự đe dọa của Trung Công, liệu họ có bao giờ nghĩ rằng sẽ kết thúc cuộc điều tra này không. Câu trả lời là đã từng có những đe dọa trực tiếp, nhưng họ chưa bao giờ có ý định bỏ cuộc, bởi vì so với những khó khăn to lớn mà các tù nhân lương tâm phải đối mặt hàng ngày ở Trung Quốc, thì những mối đe dọa đối với họ là tương đối nhỏ.

Cả ông Kilgour và ông Matas đều nói rằng, họ xác định sẽ tiếp tục công việc của họ để giúp đỡ những người ở Trung Quốc đang bị sát hại tàn nhẫn chỉ đơn giản là vì họ lựa chọn theo các nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn của Pháp Luân Công.


Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2017/1/29/161844.html

Đăng ngày 5-2-2017; Bản dịch có thể được chỉnh sửa trong tương lại để sát hơn với nguyên bản.

Share