Bài viết của một học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc Đại Lục

[MINH HUỆ 12-12-2016] Nhân ngày Nhân quyền 10 tháng 12, hơn 270.000 người dân Nhật Bản đã ký tên thỉnh nguyện kêu gọi chấm dứt cuộc đàn áp Pháp Luân Công ở Trung Quốc.

Sự kiện này diễn ra sau chuỗi sự kiện diễn ra ở Tokyo trong ba tuần vừa qua nhằm nâng cao nhận thức về cuộc bức hại Pháp Luân Công và nạn cưỡng bức thu hoạch tạng ở Trung Quốc, bao gồm một buổi công chiếu phim, một buổi họp báo tại Hạ viện Nhật Bản, một buổi ra mắt sách mới và một diễn đàn trao đổi.

Công chiếu phim

Vào ngày 30 tháng 11 vừa qua, bộ phim ‘Thu hoạch Nhân thể: Buôn bán tạng phi pháp ở Trung Quốc (Human Harvest: China’s Illegal Organ Trade), một bộ phim tài liệu điều tra về ngành công nghiệp thu hoạch tạng bất hợp pháp ở Trung Quốc, lần đầu tiên đã được trình chiếu ở thủ đô Tokyo.

Bộ phim được dựng dựa trên kết quả điều tra độc lập của luật sư nhân quyền – ông David Matas và cựu Quốc vụ khanh Canada – ông David Kilgour, và đã nhận được giải thưởng Peabody danh giá ở Mỹ vào tháng 5 năm 2015. Ông Matas và ông Hoàng Sỹ Duy, bác sỹ người Đài Loan đã tham dự buổi công chiếu phim này và giải đáp các thắc mắc của khán giả.

Ông Hoàng cho biết từ năm 2001, ông đã bắt đầu thấy bệnh nhân tới Trung Quốc để cấy ghép tạng. “Theo tôi biết, trong 14 năm qua, đã có hơn 4.000 người đến Trung Quốc cấy ghép gan và thận. Họ đến từ Đài Loan, Hồng Kông, Ma Cao, Malaysia, Singapore và nhiều quốc gia khác ở Đông Nam Á.” Những trường hợp tương tự cũng đã được phát hiện ở Nhật Bản vào đầu năm 2000.Ông Matas cho biết, Nhật Bản có thể tiến hành nhiều biện pháp để ngăn chặn việc tham gia vào tội ác cưỡng bức thu hoạch tạng ở Trung Quốc. Ông Yoshida Koichiro, nguyên cán bộ chính phủ Nhật Bản, Hội đồng Thành phố Tokyo, đã đề xuất ban hành một lệnh cấm người dân tham gia du lịch ghép tạng ở Trung Quốc. Ông nói: “Tội ác cưỡng bức thu hoạch tạng này không khác gì tội ác giết người, và cần phải ban hành luật để chấm dứt tội ác ấy.”

2016-12-11-tokyo-movie_01.jpg

Ông Yoshida Koichiro, nguyên ủy viên Hội đồng Thành phố Tokyo.

Họp báo

Ngày 1 tháng 12, tại Hạ viện Nhật Bản, ông Kilgour và ông Matas đã trình bày kết quả điều tra mới nhất của mình về nạn cưỡng bức thu hoạch tạng ở Trung Quốc. Ông Hiroshi Yamada, nghị sỹ Hạ viện Nhật Bản đã chủ trì sự kiện này.

Báo cáo mới về nạn cưỡng bức thu hoạch tạng có bằng chứng do các nhà điều tra thu thập, bao gồm những bệnh viện cấy ghép tạng có liên quan tới bệnh nhân Nhật Bản, các chiêu thức quảng bá thu hút thêm bệnh nhân, nghiên cứu điển hình, và việc làm sao một số lượng lớn bác sỹ phẫu thuật Trung Quốc đã qua đào tạo tại Nhật Bản. Ông Matas nhận xét: “Thực trạng này phải thay đổi” và nói thêm rằng trước hết cần xác định số bệnh nhân Nhật Bản đã đến Trung Quốc du lịch ghép tạng, tiếp theo là cần thông qua các văn kiện pháp luật để ngăn cấm hoạt động này.

Ông Yamada cho biết, nhiều người Nhật đã tới Trung Quốc để cấy ghép tạng, điều này đã khiến nạn cưỡng bức thu hoạch tạng càng thêm trầm trọng tới mức không thể bỏ qua: “Trước đây công chúng không được thông tin đầy đủ về tội ác này, nhưng ngày nay nhà nước cần phải sát sao với vấn đề này.” Ông cho rằng, bỏ qua vấn đề này cũng có nghĩa là đồng tình với việc giết hại các tù nhân lương tâm và các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc để thu hoạch tạng; tội ác này đáng lẽ ra không bao giờ được xảy ra.

Ra mắt sách mới

Cuốn sách mang tên “Cuộc bức hại tàn khốc chưa từng có: Diệt chủng người tốt” (An Unprecedented Evil Persecution: A Genocide Against Goodness in Humankind) được giới thiệu vào ngày 2 tháng 12, tại Nhật Bản. Cuốn sách này tập hợp bài viết của 19 chuyên gia về nạn cưỡng bức thu hoạch tạng ở Trung Quốc và cuộc bức hại Pháp Luân Công.

Ông Kilgour và ông Matas, hai tác giả của cuốn sách kể trên, cùng bác sỹ Hoàng tham dự lễ ra mắt cuốn sách tại chi nhánh Nhà xuất bản Minh Huệ tại Tokyo. Từ tháng 8 năm 2015, cuốn sách này đã được xuất bản bằng tiếng Anh, Trung, Hàn, Pháp, và bây giờ là tiếng Nhật. Ông Kilgour cho biết, họ đã tiến hành điều tra tội ác này hơn 10 năm qua và sẽ “tiếp tục cho tới khi Trung Quốc chấm dứt nó.”

Ông Hoàng nói rằng nhiệm vụ của bác sỹ trị liệu và bác sỹ giải phẫu là cứu người, chứ không phải sử dụng kỹ năng để giết người. Ông nhận xét: “Sau chiến tranh thế giới lần thứ II, bác sỹ phẫu thuật tham gia vào nạn diệt chủng này phải bị đưa ra xét xử đầu tiên và phải lĩnh án tù chung thân vì đã dính líu đến tội ác này. Sự vô minh và vô cảm của họ đã dẫn tới thảm họa thời đó và chúng ta không thể để tội ác ấy tiếp tục xảy ra nữa.”

Diễn đàn trao đổi

Chiều ngày 2 tháng 12, ông Hiroshi Yamada đã chủ trì một diễn đàn để thảo luận về đề tài du lịch ghép tạng với các chuyên gia đến từ Canada và Đài Loan.

Ông Matas giải thích rằng, căn cứ vào thông tin do chính phủ Trung Quốc công bố, ông và các nhà điều tra khác đã tiến hành điều tra các bệnh viện, bao gồm cả số giường bệnh, nhân viên y tế, tiền lương thưởng và những vấn đề khác nữa. Từ tần suất sử dụng giường bệnh và số bệnh viện ghép tạng tăng từ 146 lên 300, có thể ước tính số ca ghép tạng rơi vào khoảng từ 60.000 đến 100.000 ca cấy ghép mỗi năm, vượt quá xa so với con số mà chính phủ công bố hàng năm là khoảng 10.000. Hầu hết nạn nhân đều là các học viên Pháp Luân Công.

Ông Matas cho biết: “Các bệnh viện Trung Quốc này tiếp nhận một lượng lớn các bệnh nhân nước ngoài. Nhiều bác sỹ phẫu thuật được đào tạo từ Nhật Bản và các quốc gia khác”. Ngoài ra, ông cho hay Bệnh viện Hữu nghị Trung-Nhật được thành lập năm 1984 ngân sách do Nhật tài trợ đã thực hiện nhiều ca ghép thận.

Ông Kilgour nhấn mạnh rằng Nhật cần phải có động thái về mặt pháp luật: “Trước đây có rất nhiều bệnh nhân ở Đài Loan tham gia du lịch ghép tạng. Hiện nay luật pháp đã được ban hành để cấm hoạt động này. Úc cũng có những động thái tương tự.”

“Tôi xin ủng hộ các bạn hết mình“

Một người đến từ Ueno cho biết ông đã từng nghe về cuộc đàn áp Pháp Luân Công từ mấy năm trước. “Đã lâu rồi nên tôi nghĩ rằng cuộc đàn áp này đã kết thúc. Cảm ơn các bạn vì đã nói cho chúng tôi biết về vấn đề quan trọng đến vậy.”

2016-12-14-japan-support_01.jpg

Hơn 270,000 người ký tên thỉnh nguyện Nhân ngày Nhân quyền ở Nhật Bản

Một cụ ông cho biết, ông rất tiếc về những gì đã xảy ra với các học viên. “Tôi đã 70 tuổi rồi và tôi không thể làm được gì nhiều để giúp các bạn. Nhưng tôi sẽ ủng hộ các bạn hết mình. Hãy tiếp tục làm tốt nhé!”

Một phụ nữ đã ký tên thỉnh nguyện cho biết bà đã nghe nói đến tội ác này qua con gái, “Tôi hết sức bàng hoàng và thấy cần phải làm gì đó.”

Đọc bài viết tiếng Hán có liên quan:https://www.minghui.org/mh/articles/2016/12/15/338969.html


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2016/12/12/338842.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2016/12/16/160353.html

Đăng ngày 23-12-2016; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share