Bài viết của Thành Vũ

[MINH HUỆ 27-9-2016] Đưa tin về những việc tốt là cách mà truyền thông khích lệ người tốt. Cầm tù là cách mà quốc gia trừng phạt kẻ xấu. Thông thường hai nhóm người này không trùng lặp nhiều.

Những người tốt không thể bị cầm tù, nhưng ở Trung Quốc thì lại như vậy. Một nhóm gồm những người tốt và tử tế vốn thu hút sự chú ý của truyền thông vì những việc làm tốt đẹp của họ, nhưng hiện nay lại đang bị tống giam. Tại sao? Không phải vì họ phạm pháp, mà bởi vì họ tu luyện Pháp Luân Công, một môn tu luyện cả tâm lẫn thân.

Những người tốt này đang bị bức hại chỉ vì họ muốn thực hành quyền tự do về tín ngưỡng của mình, một quyền vẫn được cho là được Hiến pháp Trung Quốc bảo vệ.

Một người tốt bụng

Ông Ti Đức Lợi là một giáo sư nghệ thuật 64 tuổi. Kể từ khi ông bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1996, ông đã sống theo các nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn và đã làm rất nhiều việc tốt.

Một lần nọ, ông Ti ghé thăm một người họ hàng ở bệnh viện. Ở đó ông đã gặp một cậu bé nông dân bị xe hơi đâm rồi bỏ chạy. Chân của cậu bé bị gãy nhưng gia đình cậu không thể trang trải nổi cuộc phẫu thuật. Ông Ti đã đưa cho gia đình cậu bé 5000 tệ nhưng không để lại danh tính. Sau này, gia đình cậu bé đã tới một đài truyền hình địa phương để tìm người tốt bụng đã giúp đỡ họ. Sự việc này đã được đài truyền hình địa phương đưa tin: “Người hảo tâm, ông đang ở đâu?”

Cậu bé không phải là người duy nhất mà ông Ti đã từng giúp đỡ. Một lần khác, ông Ti đọc trên báo thấy một cô gái cần tiền để trị bệnh ung thư, ông liền ủng hộ 1000 tệ cho cô.

Một người tốt như vậy lại trở thành đích ngắm của các nhà chức trách địa phương vì tu luyện Pháp Luân Công. Ông Ti đã bị bắt nhiều lần, bị giam giữ bất hợp pháp, bị tống vào trại lao động cưỡng bức, và bị cầm tù kể từ khi Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), phát động cuộc bức hại chống lại môn tu luyện này vào năm 1999.

Lần gần đây nhất ông Ti bị tuyên án vì đức tin của mình là vào tháng 10 tại Toà án quận Sư Hà ở thành phố Tín Dương.

“Bà Lý, bà đang ở đâu?”

Bà Lý Kỷ Nam, một cựu nhân viên chính phủ 61 tuổi ở thành phố Côn Sơn, cũng có một trải nghiệm tương tự – một người mà bà từng giúp đỡ đã đăng tìm bà trên báo địa phương.

Bà Lý đã giúp đỡ tài chính cho Hoành Cương, một cậu bé nghèo ở vùng nông thôn, từ khi cậu học lớp 2 cho tới trước khi cậu tốt nghiệp trung học chỉ vài tháng. Họ liên lạc qua thư và xây dựng một mối quan hệ như tình mẫu tử trong hơn 10 năm. Bà thường xuyên viết thư cho cậu và mỗi lá thư đều gửi kèm một con tem cho thư phúc đáp. Với sự giúp đỡ, sự động viên chân thành, và sự chỉ bảo của bà, cuộc sống của cậu thanh niên Hoành Cương đã trở nên tốt đẹp hơn.

Sự liên lạc giữa hai người bị ngừng đột ngột vào tháng 11 năm 2002, khi bà Lý bị bắt giữ. Năm sau đó, Hoàng Cương được nhận vào một trường đại học, ý nghĩ đầu tiên của cậu là chia sẻ tin tức tốt đẹp này với bà Lý. Nhưng Hoàng Cương đã vô cùng thất vọng, tất cả các lá thư cậu gửi đều bị bưu điện trả lại.

Trong nỗ lực không ngừng để tìm kiếm ân nhân của mình, Hoàng Cương đã sử dụng tới phương tiện truyền thông địa phương vào năm 2006. Một bài báo đã được đăng ở tờ Tin tức hàng ngày ở Côn Sơn vào tháng 3 năm đó, với tiêu đề “Bà Lý, bà đang ở đâu?”

Bà Lý đã ở đâu? Bà đã bị cầm tù bởi chế độ Cộng sản vì đức tin của bà vào Pháp Luân Công.

Hoành Cương chỉ là một trong nhiều đứa trẻ mà bà Lý đã giúp đỡ. Bà chưa bao giờ nói với bất kỳ ai rằng bà đang giúp đỡ chính xác bao nhiêu đứa trẻ, nhưng đôi khi bà kể chuyện về một trong số những đứa trẻ đó đã tìm được việc làm hoặc đã tốt nghiệp. Một số đứa trẻ giờ đã trưởng thành và một số vẫn còn ở trường tiểu học.

Một khoản quyên góp 20.000 tệ

Ông Vương Hi Lương bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1994, sau đó ông đã có một nhận thức mới về cuộc sống. Ông kể: “Tôi muốn giúp đỡ người khác. Tôi đã quyên góp ẩn danh 20.000 tệ cho ‘Dự án hy vọng’. Khi đó, số tiền lớn nhất mà một người có thể quyên góp mỗi lần là 10.000 tệ, nên tôi đã chia phần đóng góp làm 2 ngày. Việc này đã được một tờ báo đưa tin.”

Vào năm 1994, 20.000 tệ là một số tiền không nhỏ. Mặc dù khi đó ông Vương mới bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công, ông đã có thể coi nhẹ chuyện tiền bạc. Ông quả là có một tấm lòng vàng.

Người đàn ông tốt bụng này đã bị bắt giữ nhiều lần kể từ năm 1999 chỉ vì kiên định đối với đức tin của mình.

Một người nông dân tốt bụng bị cầm tù

Bà Vương Chi Lan là một người nông dân ở huyện Cam Cốc, tỉnh Cam Túc. Mặc dù không giàu có, bà vẫn thường mua đồ ăn và vật dụng cho các gia đình nghèo ở trong làng. Bà đã ủng hộ tiền cho làng để xây một con đường mới, nó đã giúp ích cho tất cả mọi người. Bà đã ủng hộ 500 tệ cho các nạn nhân của vụ động đất ở Tứ Xuyên năm 2008. Những việc làm tốt của bà đã được đài truyền hình địa phương đưa tin và ca ngợi.

Mặc dù vậy, bà cũng không thoát khỏi sự đối xử bất công giống như hàng trăm ngàn các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc. Bà Vương đã bị bắt giữ và bị giam nhiều lần vì đức tin của mình.

Một câu chuyện cảm động trên tờ báo Tin tức Thái Nguyên

Ông Vương Chí Cương có một hiệu sách gần Trường đại học Công nghệ Thái Nguyên. Ông bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1996 và đã cố gắng trở thành một người tốt hơn. Năm 1998, miền Nam Trung Quốc phải hứng chịu nhiều trận lũ lụt đặc biệt lớn. Ông Vương đã quyên góp 15.000 tệ cho vùng bị thiên tai. Hành động tốt đẹp của ông đã được tờ Tin tức Thái Nguyên đã đưa tin.

Ông Vương không giàu có. Số tiền mà ông đã quyên góp là tiền tiết kiệm nhiều năm của ông từ những khoản lợi nhuận nhỏ bé của hiệu sách.

Vì phân phát tài liệu giảng chân tướng về Pháp Luân Công, ông Vương đã bị bắt giữ vào tháng 7 năm 2008 và bị tuyên án 3 năm tù giam. Ông đã bị tra tấn tới mức suýt bị mù tại nhà tù Tấn Trung.

Một cuộc họp báo được tổ chức để tuyên dương “nhà tài trợ ẩn danh”

Bà Lữ Xuân Vân, một giáo viên ở tỉnh Cát Lâm, bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1996 vì lý do sức khoẻ, tuy nhiên bà đã nhanh chóng hiểu ra rằng môn tu luyện này còn giúp bà đề cao tâm tính và đạo đức.

Khi chính quyền thành phố cố gắng gây quỹ để xây dựng một cầu vượt ở giao lộ đông đúc của thành phố, bà đã quyên góp ẩn danh tất cả số tiền tiết kiệm của bà, tổng cộng là 60.000 tệ. Trong lá thư gửi cho Thị trưởng, bà viết: “Tôi là một học viên của Sư phụ Lý Hồng Chí. Thông qua học Chuyển Pháp Luân, giờ đây tôi đã hiểu ra ý nghĩa chân thực của cuộc sống. Pháp Luân Công đã thay đổi tôi từ một người ích kỷ thành một người tốt.”

Chính quyền thành phố đã tổ chức một cuộc họp báo đặc biệt để tuyên dương “nhà tài trợ ẩn danh”, cái tên này đã được khắc vào một viên đá trên cầu vượt.

Bà Lữ đã đi tới Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho quyền tự do tôn giáo khi cuộc bức hại bắt đầu vào năm 1999. Kể từ đó, bà đã liên tục bị bắt giữ, bị tống vào trại lao động cưỡng bức, bị cầm tù, và bị giữ tại một bệnh viện tâm thần. Những ngược đãi mà bà đã phải chịu đựng đã khiến cho cân nặng của bà chỉ còn gần 33kg.

Tại sao những câu chuyện của họ bị gỡ xuống?

Các học viên Pháp Luân Công không quan tâm tới danh lợi, họ thường không để lại danh tính khi họ giúp đỡ người khác. Đặc biệt sau khi chế độ Cộng sản bắt đầu đàn áp môn tu luyện, một số việc tốt do các học viên làm đã không được đưa tin.

Ông Trần Quốc Thanh và vợ của ông, bà Hàn Ngọc Cầm là bác sỹ tại Bệnh viện Trung tâm ở thành phố Mẫu Đơn Giang. Cặp vợ chồng này đã thực hiện nhiều khoản quyên góp lớn ẩn danh để giúp đỡ trẻ em của các gia đình nghèo khó.

Việc làm tốt đẹp của họ đã thu hút sự chú ý của đài truyền hình địa phương và họ đã được phỏng vấn. Tuy nhiên, phóng viên đã yêu cầu cặp vợ chồng phải nói dối về động cơ của việc quyên góp tiền. Ông Trần nhớ lại: “Rõ ràng tôi nói với phóng viên rằng việc chúng tôi làm là bởi vì đức tin của chúng tôi vào Pháp Luân Công. Người phóng viên doạ sẽ loại câu chuyện của chúng tôi ra khỏi chương trình trừ khi tôi nói rằng đó là do giác ngộ của Đảng cộng sản.”

“Ngay từ đầu chúng tôi đã chủ đích quyên góp ẩn danh. Tại sao chúng tôi phải quan tâm về việc được lên truyền hình? Là học viên, chúng tôi cố gắng tuân theo tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn của Pháp, chứ không phải muốn trở thành người nổi tiếng.”

Cặp vợ chồng đã bị bắt giữ vì đức tin của họ và cả hai người đã bị mất việc làm.

“Tôi chỉ muốn giúp đỡ những ai cần”

Ông Vương Kế Tài ở thành phố Bổn Khê đã quyên góp 100.000 tệ sau nạn lũ lụt năm 1998 ở Trung Quốc. Khi ông thực hiện việc chuyển tiền, nhân viên của trung tâm quyên góp đã nhất định yêu cầu ông để lại danh tính và địa chỉ để họ có thể liên hệ cho một cuộc phỏng vấn sau này. Ông chỉ mỉm cười và nói: “Tôi là một học viên Pháp Luân Công. Tôi chỉ muốn giúp những ai cần giúp. Pháp đã dạy tôi không quan tâm tới danh hoặc lợi ích cá nhân, và luôn quan tâm tới người khác trước.”


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2016/9/27/335564.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2016/10/10/159485.html

Đăng ngày 4-11-2016; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share