[MINH HUỆ 28-9-2016] Bà Trần Đông Mai, nhân viên của Nông trường Thang Nguyên ở tỉnh Hắc Long Giang, đã đệ đơn kiện hình sự đối với cựu độc tài Giang Trạch Dân vào ngày 18 tháng 6 năm 2015.
Bà bị bắt vào năm 2012 và đã phải chịu áp lực khủng khiếp về tinh thần trong khi bị giam giữ ở trung tâm tẩy não trong 81 ngày.
Năm 2014, bà Trần bị bắt lại và được thả ra hai năm sau đó. Tuy bà được thả ra nhưng việc bức hại vẫn chưa kết thúc. Ông chủ của bà đã gọi điện cho chồng bà và đe doạ ông ấy, buộc ông phải giám sát các hành động của vợ mình. Gia đình bà đã bị đặt dưới áp lực rất lớn vì bị chính quyền bắt giữ và sách nhiễu.
Dưới đây là chi tiết những thống khổ mà gia đình bà đã phải chịu đựng.
“Địa ngục trần gian”
Bà Trần bị bắt vào ngày 3 tháng 9 năm 2012 bởi Phòng 610. Các nhân viên Phòng 610 đã nói dối bà, họ nói rằng bà sẽ được đưa đi dự một số “khoá đào tạo”. Năm giờ sau đó, bà bị đưa tới Trung tâm tẩy não Thanh Long Sơn. Sau khi bà tới, những từ đầu tiên bà nghe thấy từ các nhân viên ở đó là: “Đây là địa ngục trần gian.”
Hàng ngày bà Trần và nhiều học viên khác đều bị ép phải viết “bảo chứng thư” để nhục mạ người sáng lập Pháp Luân Công, khiến cho một số người trong họ bị suy sụp tinh thần.
Bà Trần cũng bị lấy mẫu máu và nước tiểu. Bà bị sút cân do bị tra tấn về tinh thần. Gia đình của bà rất lo lắng cho bà.
Nộp đơn khiếu nại trung tâm tẩy não
Ngày 13 tháng 11 năm 2013, bà Trần uỷ nhiệm cho luật sư của bà nộp đơn kiện Phòng 610 vì đã bắt giữ bà phi pháp.
Ngày 2 tháng 1 năm 2014, bà và luật sư của bà đã tới viện kiểm sát để nộp đơn kiện. Bà đã mô tả lại những thống khổ của bà với vị thẩm phán nhận đơn khiếu kiện của bà. Vị thẩm phán này yêu cầu bà quay về nhà và chờ đợi.
Tối ngày 15 tháng 1 năm 2014, khi bà Trần đang ở tại nhà một người bà con thì các nhân viên Phòng 610 tới và đưa bà đến sở cảnh sát. Họ thẩm vấn bà rằng tại sao bà lại tới viện kiểm sát để nộp đơn khiếu nại. Họ đã ép bà chụp ảnh và lấy mẫu máu của bà trước khi thả bà ra vào lúc gần nửa đêm.
Trải nghiệm cá nhân về sự kiện Kiến Tam Giang
Bà Trần là một trong các học viên liên quan tới sự kiện Kiến Tam Giang, trong đó 7 học viên Pháp Luân Công và 4 luật sư của họ bị bắt giữ ở một khách sạn sau khi đòi thả những người bạn và thân chủ của mình đang bị giam ở Trung tâm tẩy não Thanh Long Sơn ở Kiến Tam Giang. (Việc bắt giữ và những sự ngược đãi sau đó ở trong nhà giam được gọi là “sự kiện Kiến Tam Giang”.)
Ngày 20 tháng 3 năm 2014, bà Trần và luật sư của bà tới Trung tâm tẩy não Thanh Long Sơn và trông thấy các học viên khác cùng gia đình của họ đang đứng đợi trong giá lạnh. Họ đang đợi ba người học viên sắp được thả.
Trong khi chờ đợi, nhân viên từ sở cảnh sát đã tới và ghi hình họ. Mọi người đã rời đi sau khi chờ 2 giờ. Trên đường trở về, bảy chiếc ô tô đã đi theo họ. Nhóm của họ đã quyết định tìm một khách sạn để ở qua đêm trước khi tới viện kiểm sát vào ngày hôm sau.
Sáng hôm sau, khi bà Trần đi sang phòng của luật sư thì trông thấy một số học viên đã ở đó, đang chờ luật sư quay trở về. Ít phút sau, một số cảnh sát mặc thường phục đột nhập vào, yêu cầu họ không được cử động và bắt đầu lục soát họ. Bà Trần thấy một học viên bị kéo ra khỏi phòng với chiếc áo khoác bị trùm qua đầu.
Một số học viên, bao gồm cả bà Trần, bị cảnh sát đối xử thô bạo trong khi bị đưa ra khỏi khách sạn để tới sở cảnh sát.
Trong lúc bị thẩm vấn, bà Trần và các học viên khác đã cố gắng giảng chân tướng về Pháp Luân Công cho cảnh sát. Đêm hôm đó, họ đã bị nhốt ở trong một phòng rất lạnh.
Hai ngày sau, ngày 22 tháng 3 năm 2014, các học viên bị đưa tới bệnh viện để khám sức khoẻ. Vào buổi chiều, họ bị đưa tới một trại tạm giam khác, nhưng do huyết áp của họ cao, nên trại tạm giam đó đã từ chối nhận họ.
Bà Trần đã bị thẩm vấn nhiều lần trong suốt 14 ngày ở trong trại tạm giam. Những vật dụng cá nhân của bà đã bị sở cảnh sát tịch thu.
Ngày 5 tháng 4 năm 2014, bà Trần và 3 học viên khác bị còng tay và bị đưa tới một bệnh viên khác để kiểm tra y tế toàn diện. Sau đó bà bị giam 30 ngày.
Các học viên nghi ngờ rằng tất cả các kiểm tra y tế đều liên quan tới tội ác thu hoạch nội tạng cưỡng bức từ các tù nhân lương tâm của chế độ.
Áp lực tinh thần đối với gia đình bà Trần
Bà Trần trở lại Nông trại Thang Nguyên vào ngày 5 tháng 5 năm 2014. Chồng của bà và hai người bà con đã tới trại tạm giam để đón bà về nhà.
Sau khi trở về nhà, bà đã phải nằm liệt giường trong suốt năm ngày mà không thể gượng dậy được.
Sau này bà được biết luật sư của bà đã bị bắt lại, và bị đánh đập đến mức bị gãy bốn xương sườn. Khi bà gọi điện cho luật sư của mình một tháng sau đó, ông ấy đã kể cho bà nghe về vụ việc này.
Cuối tháng 9 năm 2014, Phòng 610 đã gọi điện cho chồng của bà và yêu cầu ông phải giám sát hành động của bà Trần.
Sau đó, con gái bà đã gửi cho bà một tin nhắn rất cảm động, lời lẽ thể hiện sự lo lắng và sự ủng hộ của cô đối với bà: “Mẹ à, con biết bố rất yêu mẹ và con cũng thế. Bố và con đều lo lắng cho mẹ, do vậy mà lời lẽ của bố và con có phần gay gắt. Những khổ sở của bố bây giờ là do lo lắng cho mẹ. Bố và con đã lo lắng khôn nguôi cho tới khi mẹ được thả. Mẹ đừng đổ lỗi cho bố và con vì đã quan tâm tới mẹ, và mẹ cũng đừng cảm thấy bị áp lực. Con đã ngủ tốt hơn kể từ khi mẹ trở về, còn bố thì cũng không còn hàng ngày uống rượu giải sầu nữa. Bố và con chưa từng ngăn cản mẹ tìm kiếm công lý, và sẽ không bao giờ quay lưng lại với mẹ. Con ủng hộ mẹ và yêu mẹ rất nhiều. Bố không ủng hộ mẹ nói ra, nhưng bố yêu mẹ nhiều hơn bất kỳ điều gì. Con hiểu rằng đứng lên vì tự do là rất quan trọng đối với mẹ. Có lẽ nhiều năm sau, mẹ sẽ được ca ngợi vì sự dũng cảm của mẹ và mẹ có thể ngẩng cao đầu.”
Bối cảnh
Năm 1999, Giang Trạch Dân, khi đó là lãnh đạo ĐCSTQ, bất chấp sự phản đối của các ủy viên thường vụ khác của Bộ Chính trị, đã phát động cuộc đàn áp bạo lực đối với Pháp Luân Công.
Cuộc đàn áp đã dẫn đến cái chết của nhiều học viên Pháp Luân Công trong 17 năm qua. Nhiều người bị tra tấn chỉ vì đức tin của mình và thậm chí bị giết để lấy nội tạng. Giang Trạch Dân phải chịu trách nhiệm trực tiếp đối với việc phát động và duy trì cuộc bức hại tàn bạo này.
Dưới sự chỉ đạo của cá nhân Giang Trạch Dân, ĐCSTQ đã thành lập một cơ quan an ninh ngoài vòng pháp luật, “Phòng 610”, vào ngày 10 tháng 6 năm 1999. Tổ chức này vượt trên các lực lượng cảnh sát và hệ thống tư pháp trong việc thi hành chỉ đạo của Giang Trạch Dân đối với Pháp Luân Công theo chính sách: bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính và hủy hoại thân thể.
Luật pháp Trung Quốc cho phép công dân là nguyên đơn trong các vụ kiện hình sự, và hiện tại nhiều học viên đang thực hiện quyền đệ đơn kiện hình sự truy tố kẻ cựu độc tài này.
Các báo cáo liên quan:
Các học viên ở Trung tâm tẩy não Thanh Long Sơn bị tra tấn tàn bạo
Địa ngục trần gian – Trải nghiệm của bà Trần Đông Mai ở Trung tâm tẩy não Thanh Long Sơn
Các học viên đang trong tình trạng nguy kịch, luật sư bị đánh đập, cả thành phố bị giới nghiêm
Bảy học viên bị giam giữ phi pháp sau khi 4 luật sư bị đánh đập ở Kiến Tam Giang
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2016/9/28/335501.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2016/10/10/159487.html
Đăng ngày 4-11-2016; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.