Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Tứ Xuyên
[MINH HUỆ 20-9-2016] Một người đàn ông 81 tuổi đã phát hiện ra mình bị cắt tiền lương hưu và mất nhà ở sau khi ông thụ án 4 năm tù vì từ chối từ bỏ Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện tinh thần đang bị chính quyền Cộng sản Trung Quốc bức hại.
Trước lần giam giữ này, ông La Chính Quý – một cán bộ chính phủ về hưu ở quận Cổ Lận từng bị giam ba năm rưỡi từ năm 2004 đến 2007 vì không từ bỏ đức tin của mình.
Năm 2009, cảnh sát lại đến tìm ông lần nữa. Mặc dù lần này ông đã trốn thoát, nhưng chính quyền địa phương lại quay sang tịch thu căn hộ của ông và ngừng trả lương hưu cho ông. Ông La buộc phải chuyển tới nơi khác, đến năm 2012 ông lại tiếp tục bị bắt và bị kết án tù lần thứ hai.
Ông La đã đệ đơn yêu cầu chính quyền địa phương khôi phục lương hưu và trả lại căn hộ cho ông. Ông cũng đang tiến hành đệ đơn kiện cựu độc tài Trung Quốc Giang Trạch Dân vì phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công khiến ông phải chịu đựng những mất mát này.
Vi phạm thủ tục pháp lý trong cả hai lần kết án
Ông La bị kết án tù trong phiên tòa xét xử mà cơ quan cảnh sát, Viện Kiểm sát và tòa án đã vi phạm thủ tục pháp lý.
Cảnh sát không xuất trình lệnh khám hay thẻ tên khi bắt giữ và lục soát nhà của ông La.
Cả hai lần Viện Kiểm sát đều cáo buộc ông La với tội dạnh “Lợi dụng tà giáo để phá hoại việc thực thi pháp luật”, một tội danh thường được chính quyền Cộng sản Trung Quốc sử dụng để kết tội và cầm tù học viên Pháp Luân Công. Ông La biện luận rằng ở Trung Quốc không có điều luật nào quy định tu luyện Pháp Luân Công là phạm pháp và ông không thể bị đưa ra xét xử vì đang thực thi quyền theo hiến pháp về tự do tín ngưỡng.
Những bằng chứng sử dụng để truy tố ông La có rất nhiều nghi vấn. Ví dụ: lần bắt giữ ông La vào năm 2012, Trương Hiển Văn, đội trưởng Đội An ninh Nội địa Cổ Lận lừa dối ông ký vào biên bản buộc tội ông. Sau đó tòa án sử dụng biên bản đó làm bằng chứng để kết án ông La.
Theo luật, các bị cáo có quyền đọc hay xem xét lại thủ tục tố tụng của tòa án để có những thay đổi cần thiết. Tuy nhiên, ông La chưa từng có cơ hội kiểm tra lại thủ tục tố tụng của tòa.
Nhiều lần kháng cáo không có phản hồi
Sau lần đầu bị kết án vào năm 2004, ông La đã đệ đơn kiện Viện Kiểm sát và tòa án địa phương. Nhưng ông không nhận được bất kỳ phản hồi nào.
Năm 2012, sau khi ông La bị bắt, tòa án gán cho ông tội danh lặp lại như án tù trước đó của ông. Ông đã viết một lá thư gửi tới thẩm phán giải thích rằng bản án đầu tiên thiếu cơ sở pháp lý. Ông kêu gọi thẩm phán không được mắc sai lầm khi kết án người vô tội vì họ không phạm pháp.
Thẩm phán vẫn kết án ông bốn năm tù. Ông La kháng cáo lên Tòa án Trung thẩm thành phố Lô Châu nhưng bị bác bỏ.
Ngày 6 tháng 7 năm 2016, ông La gửi đơn kháng cáo lên Tòa án Nhân dân Tối cao tỉnh Tứ Xuyên, nhưng cho tới nay vẫn chưa có phản hồi từ phía tòa án.
Vợ ông La cũng bị bức hại vì đức tin
Vợ ông La – bà Trương Tự Cầm, cũng là học viên Pháp Luân Công. Giống như chồng của mình, bà Trương cũng nhiều lần bị bắt và bị cầm tù. Vì hai vợ chồng ông La không có thu nhập ổn định, họ luôn gặp khó khăn trong việc trang trải cuộc sống.
Bài viết liên quan (bản tiếng Anh):
Tòa án Cổ Lận ở Tứ Xuyên kết án tù phi pháp 3 học viên Pháp Luân Công
Ba học viên Pháp Luân Công tự biện hộ vô tội trước tòa
Bản án của phiên xét xử chuyển từ Tòa án đến Trại tạm giam, sau đó bị hoãn lại
Vi phạm pháp luật: Các viên chức tòa án Cổ Lận đột ngột hoãn phiên xét xử 3 học viên Pháp Luân Công
Toàn bộ gia đình suy sụp khi ông La Chính Quý bị tra tấn tại Nhà tù Quảng Nguyên
Gia đình bà Chương Tử Khâm bị bức hại tại thành phố Lô Châu và không thể trở về nhà
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2016/9/20/335278.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2016/10/1/159370.html
Đăng ngày 20-10-2016; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.