Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Trung Quốc

[Minh Huệ 6-7-2016] Tôi và chồng tôi đều là học viên Pháp Luân Đại Pháp. Ngày 12 tháng 5 năm 2016, con trai của chúng tôi xin tôi một nhân dân tệ để cháu nộp cho cô giáo tiền mua khăn quàng đỏ mà học sinh bậc tiểu học bắt buộc phải đeo.

Từ trước đó rất lâu, trong tâm tôi đã quyết định rằng tôi không cho phép Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ép buộc con trai tôi phải đeo khăn quàng đỏ của Đội Thiếu niên Tiền phong (ĐTNTP). Tuy nhiên, đây là một quy định bắt buộc đối với học sinh cấp một tại khu vực của chúng tôi, và các cháu bị giám sát rất nghiêm ngặt. Trẻ em ở lứa tuổi này nếu không đeo khăn quàng đỏ sẽ bị trừng phạt bằng cách hạ hạnh kiểm, thậm chí không được phép vào lớp học.

Tôi có chút lo lắng về tình huống khó xử này. Tuy nhiên, hôm sau là ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới và cũng là ngày sinh nhật của Sư phụ, vì vậy tôi đã trở nên can đảm và tự tin hơn với quyết định của mình.

Con trai của chúng tôi không tinh tấn học Pháp. Vợ chồng tôi luôn nói với cháu về Đại Pháp và tại sao ĐCSTQ lại đàn áp các học viên Pháp Luân Công, và rằng Pháp Luân Công đã được cả thế giới đón nhận bởi vì môn tu luyện này rất tốt và các học viên Đại Pháp là những người tốt.

Vì vậy, tôi đặt câu hỏi với cháu: “Con sẽ quàng khăn đỏ hay không?”

Cháu đáp lại, cũng là tự nói với chình mình: “Nếu con không quàng khăn đỏ, thì cô giáo con chắc chắn sẽ không vui. Nhưng nếu con quàng nó, thế thì chẳng phải con cũng là một phần của Đảng Cộng sản?”

Thế rồi cháu trả lời: “Không. Con sẽ không quàng nó!”

Tôi nói với cháu rằng tôi sẽ tới nói chuyện với cô giáo của cháu vào ngày hôm sau. Buổi tối hôm đó, tôi và chồng quyết định gọi điện trước cho cô giáo để hỏi xem việc đeo khăn quàng đỏ có bắt buộc hay không.

“Điều lệ của Đội Thiếu niên Tiền phong Trung Quốc” quy định rõ rằng trẻ em từ 6 đến 14 tuổi nếu tự nguyện thì có thể nộp đơn gia nhập và sẽ trở thành một đội viên sau khi được chấp thuận. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các trường học đã bắt buộc tất cả trẻ em trong độ tuổi đi học đều phải quàng khăn đỏ cho dù chúng có tự nguyện hay không.

Cô giáo của con tôi nói với tôi qua điện thoại: “Tùy chị, nhưng nói chung, mọi trẻ em đều nên đeo khăn quàng đỏ, nếu không thì việc đó có thể ảnh hưởng không tốt đến cháu.”

Tôi và chồng quyết định rằng chúng tôi phải đến trường học của cháu. Chúng tôi vẫn chưa có cơ hội nói chuyện với mọi người ở trường về Đại Pháp, vì vậy đây sẽ là một cơ hội tốt để chúng tôi làm như vậy.

Nhưng sau đó, tất cả các loại quan niệm người thường của tôi đã nổi lên. Nếu nhà trường bắt buộc con trai của chúng tôi đeo khăn quàng đỏ thì sao? Nếu cháu không quàng khăn đỏ, liệu cháu có bị các bạn cùng lớp và thầy cô giáo chế nhạo hay đối xử khác biệt không? Nếu điều đó xảy ra, tôi sẽ phải nói chuyện với hiệu trưởng. Điều gì sẽ xảy ra nếu hiệu trưởng không hiểu ý tôi?

Tôi biết những suy nghĩ này là sai, nên tôi đã rất cố gắng để loại bỏ chúng.

Tôi quyết định học Pháp, và tin rằng Pháp sẽ soi sáng cho tôi và ban cho tôi chính niệm.

Sư phụ giảng:

“Chỉ cần chư vị tiếp xúc người ta chính là đang cứu người, kể cả chào bán quảng cáo. Người ta đứng về phía nào, có đạt hay không, đều là được bài đặt [vị trí] trong việc đệ tử Đại Pháp tiếp xúc với người thường; chớ coi trọng việc kia. Chư vị càng coi cái khó đó là lớn, thì việc càng khó làm, ‘tướng do tâm sinh’, vậy thì việc đó càng phiền phức hơn.” (Giảng Pháp tại Hội nghị Đại Kỷ Nguyên [2009])

Sáng hôm sau, khi tôi đến trường của con tôi, việc đầu tiên là tôi tới gặp cô giáo chủ nhiệm của cháu. Tôi giới thiệu bản thân mình và hỏi cô rằng tôi cần phải nói chuyện với ai về vấn đề đeo khăn quàng đỏ.

Cô chủ nhiệm hướng dẫn tôi lên gặp Tổ Giáo dục Đạo đức công dân ở trên tầng hai, tôi đã đi tìm gặp người phụ trách của bộ phận đó.

Vị tổ trưởng là một người rất nhiệt tình và thân thiện. Khi tôi hỏi ông việc gia nhập ĐTNTP có phải là tự nguyện không, ông đã trả lời rằng: “Về nguyên tắc, đó là tự nguyện. Tuy nhiên, tốt nhất là cho trẻ tham gia vì nó liên quan đến tương lai của chúng. Tất nhiên, nếu cô nói là nó trái với mong muốn của cô, thì chúng tôi cũng sẽ không bắt buộc.”

Sau đó, ông yêu cầu tôi viết vài lời nói rằng chính tôi là người đã quyết định việc con tôi sẽ không gia nhập ĐTNTP. Đây là một biện pháp phòng ngừa, để ông ấy không bị đổ lỗi trong việc con tôi không trở thành đội viên.

Tôi nghĩ rằng việc này khá dễ dàng. Tôi đã không nói với ông ấy về Đại Pháp hay cuộc bức hại Pháp Luân Công, thay vào đó, tôi lại nói về những câu chuyện khác.

Tôi trở về nhà với một tâm trạng hạnh phúc mà không biết rằng cựu thế lực đã thấy rõ những sơ hở của tôi.

Khoảng nửa giờ sau, người tổ trưởng đó gọi điện cho tôi và nói rằng thầy hiệu trưởng muốn gặp tôi. Tôi đã nhận ra ngay sai lầm của mình. Tôi đi đến văn phòng của thầy hiệu trưởng với quyết tâm giảng rõ chân tướng về Đại Pháp cho ông ấy biết.

Thầy hiệu trưởng cũng rất lịch sự, và muốn biết lý do tại sao tôi từ chối cho con tôi gia nhập ĐTNTP.

Tôi bắt đầu kể cho ông ấy nghe về cuộc đàn áp mà gia đình tôi đã phải chịu đựng chỉ vì chúng tôi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp và tuân theo các nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn.

Năm ngoái, chồng tôi bị bắt giữ phi pháp và bị tạm giam 10 ngày vì anh đã đệ đơn kiện cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân, là kẻ chủ mưu phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công.

Chồng tôi có một phòng khám nha khoa tại một khu thương mại sầm uất ở thị trấn. Khi cảnh sát ập đến, tôi và mẹ chồng tôi đều đang có mặt ở đó. Chúng tôi đã phản đối và cố gắng ngăn chặn họ bắt anh ấy đi. Nhiều người dân xung quanh cũng đến xem những gì đang xảy ra. Toàn bộ con phố bị chặn lại, gây cản trở giao thông. Vụ việc này đã trở thành tin tức náo động cả thị trấn. Mọi người trong thị trấn đều biết rằng trong khu phố này có người tu luyện Pháp Luân Công.

Do vậy, khi tôi vừa mới bắt đầu nói, thầy hiệu trưởng đã biết về sự việc hôm đó rồi. Sau đó, tôi kể với ông ấy việc cha tôi đã bị bắt giữ và bị bức hại trong nhà tù trong suốt 10 năm như thế nào.

Thầy hiệu trưởng nói: “Tôi không phản đối đức tin của cô. ĐCSTQ đã làm nhiều điều sai trái. Tuy nhiên, cô phải nghĩ cho tương lai của con trai mình. Nếu cậu bé là người duy nhất không quàng khăn đỏ trong số 400 đến 500 trẻ em, rất có thể cháu sẽ bị bắt nạt. Điều đó sẽ không tốt cho con trai của cô. Chúng ta cần phải nghĩ đến cảm giác của cậu bé. ”

Thầy hiệu trưởng quyết định rằng cô giáo chủ nhiệm sẽ nói chuyện với con trai của chúng tôi. Nếu cháu chọn không gia nhập ĐTNTP thì nhà trường cũng sẽ không phản đối.

Trên đường về nhà, tôi tự hỏi mình rằng tại sao thầy hiệu trưởng lại yêu cầu con tôi phải tự nói ra suy nghĩ của cháu về vấn đề này.

Tôi nhận ra rằng nó có liên quan đến chấp trước vào tình của tôi đối với con trai. Tôi cần phải buông bỏ chấp trước này.

Khi con trai tôi đi học về, cháu đã vui vẻ nói với tôi: “Thầy tổ trưởng Tổ Giáo dục Đạo đức công dân đã nói với cô giáo chủ nhiệm của con rằng con không phải gia nhập ĐTNTP. Cô giáo của con cũng nói có 6 phụ huynh khác trong lớp cũng không muốn con cái của họ trở thành đội viên.”

Khi tôi nghe thấy có khoảng 6 phụ huynh khác, tôi cảm thấy rất mừng cho họ.

Ngày hôm sau, con trai tôi đến bên tôi sau giờ tan học và nói: “Cô giáo muốn biết lý do tại sao con không muốn gia nhập ĐTNTP. Con đã nói với cô ấy rằng vì con không muốn tham gia bất kỳ tổ chức nào của ĐCSTQ.”

Cháu cũng mang về nhà một bông hoa nhỏ màu đỏ, trên đó có dòng chữ: “Em là một học sinh tuyệt vời!” Lời nhận xét này là của giáo viên dạy toán, đó là vì cháu đã đạt điểm tuyệt đối trong bài kiểm tra của mình.

Tôi nói với cháu: “Bông hoa này chẳng phải là sự khích lệ của Sư phụ dành cho con hay sao? Nhưng con không được cảm thấy quá hài lòng với thành tích của mình. Hiện giờ nhiều người trong trường đã biết gia đình chúng ta tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, con phải cho họ thấy một đệ tử Đại Pháp sẽ hành xử thế nào. Con phải luôn kiên tín vào Đại Pháp.”

Con trai tôi gật đầu đồng ý.

Ngày hôm sau, cháu trở về nhà với nụ cười rạng rỡ trên môi và nói với tôi: “Mẹ, con có một bất ngờ cho mẹ.” Thì ra đó là một điểm 10 khác và một bông hoa đỏ khác.

Từ đó về sau, con trai của tôi liên tục trở về nhà với điểm số tuyệt đối trong các bài kiểm tra.

Trước đó, cháu chưa bao giờ là học sinh giỏi nhất lớp, nhưng lựa chọn không gia nhập ĐTNTP xuất phát từ trong tâm đã mang lại phước báo cho cháu, và chúng đến ngày càng nhiều và nhanh chóng.

Đồng thời, tôi cũng nhận ra rằng tôi phải tiếp tục hướng dẫn con mình học Pháp tinh tấn hơn. Sau tất cả, con trai tôi là vì Pháp mà đến thế giới này.

Cháu trở nên ngoan hơn và biết yêu thương em gái mình hơn. Cháu viết chữ cũng đẹp hơn.

Trong một buổi lễ chào cờ tại trường học, khi các bạn cùng lớp đứng xếp hàng với chiếc khăn quàng đỏ trên vai và hát bài hát của ĐTNTP, thì cháu đã không hát. Cháu chỉ liên tục thầm niệm trong tim mình rằng: “Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân-Thiện-Nhẫn hảo.”

Sau khi hát xong, các em học sinh đều phải giơ nắm tay để nói lời tuyên thệ. Cô giáo chủ nhiệm đã đến nói với cháu rằng cháu không cần phải giơ nắm tay của mình. Cháu nói: “Em cũng không định làm vậy.”

Con trai tôi hiện là học sinh duy nhất trong trường không đeo khăn quàng đỏ. Cháu đã không phải chịu bất kỳ áp lực hay sự trừng phạt nào.

Tôi viết bài này là để chia sẻ với các đồng tu có con nhỏ ở Trung Quốc. Hãy nghiêm túc xem xét vấn đề này. Nếu ngày càng có nhiều người từ chối tham gia các tổ chức của ĐCSTQ, thì nó sẽ ngày càng suy yếu.

Các nhân tố tà ác của cựu thế lực đã bị tiêu trừ rất nhiều, chỉ còn lại thưa thớt, vì vậy chúng ta cần phải làm ba việc tốt hơn nữa để trở thành những tấm gương tốt và có trách nhiệm hơn đối với chúng sinh.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2016/7/6/330266.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2016/8/8/158170.html

Đăng ngày6-10-2016; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share