[MINH HUỆ 22-7-2016]

Tiếp theo Phần 2 Phần 1 Phần 3

Khoan dung nhân nghĩa, trường thọ an khang

Thời kỳ đầu pháp luật nhà Ngụy rất nghiêm khắc, hầu hết các triều thần đều đã từng phải chịu hình phạt. Duy chỉ có Cao Doãn làm quan qua năm đời Hoàng đế, ra vào ba nha tỉnh, hơn 50 năm mà vẫn chưa từng bị khiển trách hay chịu hình phạt. Mới đầu, những năm Chân Quân vì có quá nhiều án kiện nên bắt đầu để cho trung thư dùng kinh nghĩa để phán quyết nghi án. Cao Doãn đưa ra các phán quyết dựa vào pháp luật, trong suốt 30 năm, từ trong ra ngoài ai ai cũng đều ca ngợi rằng Cao Doãn công bằng chính trực. Cao Doãn cho rằng, việc của quan liên quan đến sinh mệnh của bách tính, nên ông thường nói: “Cao Đào là người chí đức, nhưng con trai của ông là Anh Liễu lại chết trước. Thời Lưu Bang và Hạng Vũ, Anh Bố mặc dù là phạm nhân mà lại có thể xưng vương. Trải qua thế sự đã lâu mà vẫn có thể bị phạm pháp, huống hồ là người dân bình thường sao có thể không phạm phải sai lầm?”

Khi Hiếu Văn Đế đang ở ngoại ô xử lý công việc, đã hạ chiếu dùng xe ngựa của vua đi đón Cao Doãn đến cùng ngắm phong cảnh, đột nhiên ngựa bị mất cương phóng điên cuồng khiến cho xe bị lật và người bị thương. Hiếu Văn Đế và Phùng Thái Hậu hết sức lo lắng, cho thái y đến chữa trị chăm sóc cho Cao Doãn. Lẽ ra phu xe ngựa sẽ bị phạt tội nặng, nhưng Cao Doãn tâu rằng mình không bị thương nặng nên xin miễn tội cho phu xe ngựa. Trước đây Tô Hưng Thọ phụ trách khiêng kiệu cho Cao Doãn, trong một lần tuyết rơi chẳng may gặp phải chó dữ nên bị ngã, những người khiêng kiệu cho ông đều vô cùng sợ hãi, Cao Doãn an ủi khích lệ cho họ và không để bên trên biết được việc này. Tô Hưng Thọ khiêng kiệu cho Cao Doãn trong vòng ba năm, chưa từng thấy Cao Doãn giận dữ bao giờ, đối với ai cũng nhẹ nhàng, dạy dỗ tận tình, trong tay lúc nào cũng cầm cuốn sách, chân thành chu đáo với người thân bạn bè, mặc dù địa vị cao quý nhưng chí hướng lại giản dị thanh bần. Ông rất thích âm nhạc, mỗi lần có đoàn nhạc đến biểu diễn ông thường vỗ tay theo nhịp hát và hết lời khen ngợi. Ông cũng là người tin tưởng Phật giáo, thường chuẩn bị cơm chay mời tăng nhân đến giảng Phật Pháp, đời thường ông thích hành thiện và loại bỏ cái ác. Tính cách vô cùng giản dị, không bao giờ giao thiệp phóng túng.

Sau khi Hiển Tổ bình định được Thanh Tề đã đưa người của những đại tộc danh vọng đến Đới Châu. Nhiều người vì đi quãng đường quá xa mà bị đói, bị lạnh. Trong số đó có rất nhiều họ hàng bên nhà vợ của Cao Doãn, khi họ đến nhà ông, ông đều đem của cải tài sản trong nhà ra giúp đỡ, chăm sóc an ủi chu đáo, ai cũng cảm tạ tấm lòng nhân hậu của ông. Sau đó ông lại dâng biểu xin hoàng thượng sắp xếp cho công việc phù hợp với năng lực từng người. Nhiều người cho rằng những người mới quy thuận không đủ tin cậy, nhưng ông nói sắp xếp công việc theo năng lực mỗi người, không nên vì thế mà chèn ép họ.

Cao Doãn từng nói với mọi người: “Khi ta làm Trung thư đã tích được âm đức cứu mạng cho bách tính, nếu được dương báo, thì thọ mệnh của ta sẽ trên trăm tuổi.” Tháng giêng năm Thái Hòa thứ 11 (năm 487) Cao Doãn qua đời, hưởng thọ 98 tuổi. Trước khi ông qua đời khoảng 10 ngày, mặc dù sức khỏe đã yếu nhưng vẫn không chịu nằm ở giường nghỉ ngơi, hay mời thầy khám bệnh, uống thuốc mà vẫn liên tục viết sách. Ông cứ thế trong nhiều ngày rồi ra đi trong đêm một cách nhẹ nhàng mà cả nhà không hề hay biết. Sau khi ông mất Hoàng thượng hạ chiếu ban cho ông lụa là gấm vóc, và lo chuyện tang lễ, mai táng cho ông. Triều Ngụy từ lúc kiến quốc cho đến nay, không có mấy ai được như vậy, mọi người trong triều đều nghĩ đây là vinh dự vô cùng to lớn. Trước khi chôn cất, ông được truy tặng các danh hiệu Thị Trung, Tư Không Công, Ký Châu Thứ Sử, Tướng quân, thụy hiệu là Văn.

Lời kết

Cao Doãn là một người tin vào Phật Pháp và điều này đã ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc đời ông, tấm lòng nhân ái lương thiện của ông được ca ngợi đến muôn đời sau. Cao Doãn luôn nghĩ cho người khác, tạo phúc cho bách tính muôn dân; khi đối diện với sinh tử, ông vẫn trực ngôn trượng nghĩa cứu giúp hàng nghìn người; ông coi trọng Khổng giáo và thúc đẩy văn hóa truyền thống, đẩy mạnh giáo dục, giáo hóa cho hàng vạn dân chúng; ông ngồi ở địa vị cao quý nhưng lại rất thanh bần giản dị, không tư lợi cho riêng mình, chấp pháp phán quyết công bằng chính trực, được mọi người tôn sùng và ca ngợi. Sức mạnh của cái thiện quả là vô cùng to lớn, khi đọc những câu chuyện về Cao Doãn ta như được tắm trong làn gió xuân tươi mát của tấm lòng nhân ái.

Hành thiện nói thì có vẻ đơn giản nhưng làm lại không dễ chút nào; nhất thời làm một việc tốt thì dễ nhưng cả đời cả kiếp làm việc tốt lại không hề dễ. Cao Doãn nhờ cả đời hành thiện nên đã tích được rất nhiều phúc trạch. Trong “Thái căn đàm” có viết: “Phú quý danh dự, tự đạo đức lai giả, như sơn lâm trung hoa, tự thị thư từ phồn diên.” (Tạm dịch: Phú quý danh dự sẽ đến với người có đạo đức, giống như hoa ở trong rừng, từ từ rồi sẽ nở.) Tài phú, địa vị và thanh danh nếu như có được nhờ phẩm hạnh và tu dưỡng đạo đức thì cũng giống như hoa cỏ sinh trưởng trên núi, tự nhiên sẽ sinh sôi nảy nở, mạnh mẽ, dài lâu. Những câu chuyện về Cao Doãn giúp ta hiểu được rằng, con người nên làm việc thiện, cả đời hành thiện thì trong tâm lúc nào cũng giữ được thiện niệm, mặc dù không cầu hồi báo, nhưng phúc trạch sẽ đến một cách tự nhiên. “Thiện ác báo thi, mạc đạo cánh vô tiền thế sự; lợi danh tranh cạnh, tu tri tổng hữu hạ trường thời.” (Thiện ác đều có báo, chớ nói xưa nay không có chuyện đời trước, lợi danh tranh giành, rốt cuộc sẽ biết rằng khó vững bền). Danh lợi phú quý đều có điểm dừng, chỉ có mỹ đức hành thiện mới có thể lưu truyền nhân gian, và ảnh hưởng sâu rộng. “Tác cá hảo nhân, tâm tại thân an hồn mộng ổ; hành ta thiện sự, thiên tri địa giám quỷ thần khâm.” (Làm người tốt thì thân tâm nhẹ nhàng, làm việc thiện thì trời đất đều biết, quỷ thần đều khâm phục). Mọi người hãy làm việc tốt để tâm hồn được nhẹ nhàng và luôn giữ được thiện niệm.

Tham khảo:

  1. “Quần thư trị yếu”, tác giả Ngụy Trưng nhà Đường
  2. “Ngụy thư liệt truyện quyển 36”, Ngụy Thâu nhà Bắc Tề
  3. “Thái căn đàm”, tác giả Hồng Ứng Minh nhà Minh

(Hết)


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2016/7/22/331546.html

Đăng ngày 1-10-2016; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share